Trách nhiệm có cái chung và cái riêng, cụ thể. Cái chung được quy định trong Điều lệ Đảng, lời thề của đảng viên dưới cờ Đảng, trong Luật Công chức. Cái cụ thể, cái riêng là trách nhiệm của từng người, từng vị trí công tác, từng chức vụ, quyền hạn.

Trong Quân đội, quân nhân có trách nhiệm chung, nhưng từng vị trí, cấp bậc, chức vụ, nhiệm vụ như các cấp chỉ huy, cán bộ quân sự, cán bộ chính trị... lại có trách nhiệm riêng, cụ thể. Dù chung hay riêng, nói đến trách nhiệm của đảng viên là trách nhiệm trước Đảng, cũng là trách nhiệm trước Tổ quốc và nhân dân. Cũng như vậy, trách nhiệm của công chức, viên chức chính là trách nhiệm trước nhân dân và quốc gia, dân tộc.

Bác Hồ có nhiều cách diễn đạt về trách nhiệm, tinh thần trách nhiệm, phận sự, bổn phận của đảng viên và cán bộ. Người nói, phận sự của đảng viên và cán bộ là trọng lợi ích của Đảng trên hết, đồng nghĩa với trọng lợi ích của dân tộc, của Tổ quốc. Ngoài lợi ích của dân tộc, của Tổ quốc thì Đảng không có lợi ích nào khác. Nhiệm vụ to nhất, vinh quang nhất của Đảng là giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng. Cả đời Người chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành. Bất kỳ bao giờ, bất kỳ ở đâu, Người cũng chỉ theo đuổi một mục đích phấn đấu cho quyền lợi của Tổ quốc và hạnh phúc của quốc dân.

Trách nhiệm có trách nhiệm tập thể (tập thể lãnh đạo) và trách nhiệm cá nhân (cá nhân phụ trách). Bài viết này chỉ bàn về né tránh trách nhiệm cá nhân. Ngay cả khi nói trách nhiệm tập thể thì xét đến ngọn ngành cũng là trách nhiệm cá nhân người đứng đầu. Bác Hồ chỉ bảo rằng, trong một trận chiến đấu, thắng là do toàn thể bộ đội, bại là do người chỉ huy. Trong công tác dân sự cũng vậy, Bác thường nói khi có sai lầm, khuyết điểm, không hoàn thành nhiệm vụ, chỉ tiêu đề ra thì mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là người lãnh đạo đứng đầu cấp ủy, chính quyền phải nhận lấy phần trách nhiệm của mình, không nói lãnh đạo chung chung.

Cũng như chữ “cộng sản”, những chữ “trách nhiệm”, “bổn phận”, “phận sự”, “phụ trách” không phải viết lên trán mà phải được khắc trong tim, ghi trong khối óc của đảng viên, cán bộ, của người đứng đầu. Bởi vì một người tự nguyện đứng vào hàng ngũ của Đảng, đi theo con đường vào đội ngũ công chức của Nhà nước, tức là dấn thân làm người có trình độ cao, tiêu biểu cho trí tuệ, danh dự, lương tâm của dân tộc thì phải gánh vác nhiệm vụ làm công bộc của dân, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân và chịu kết quả công bộc mà nhân dân và Tổ quốc giao phó. Người cán bộ phải có ý thức về nhiệm vụ phải làm tròn-đó là tinh thần trách nhiệm. 

Bác Hồ từng nói: "Làm cán bộ tức là suốt đời làm đày tớ trung thành của nhân dân. Mấy chữ a, b, c này không phải ai cũng thuộc đâu, phải học mãi, học suốt đời mới thuộc được". Chuyện đơn giản, lẽ thường tình như vậy nhưng không phải ai cũng thuộc, cũng làm được đâu, phải học mãi, học suốt đời mới thuộc và làm được, thậm chí không ít người không thuộc, không làm được. Những người không làm được là suy thoái, thoái hóa, mà nếu không được ngăn chặn, đẩy lùi thì sẽ trở nên hủ bại, hủ hóa, tức là đi đến chỗ hư hỏng, tồi tệ.

leftcenterrightdel

Né tránh trách nhiệm là biểu hiện của suy thoái. Minh họa: LÊ ANH 

Suy thoái, thoái hóa là sút kém, thụt lùi, kém hơn trước. Đứng vào hàng ngũ của Đảng và trở thành cán bộ cơ quan, đoàn thể, người đảng viên, cán bộ có niềm vinh dự, tự hào và hạnh phúc lớn lao là được phục vụ nhân dân, trở thành người đày tớ trung thành của dân. Cùng với thời gian, một bộ phận cán bộ, đảng viên, người đứng đầu mất dần cái say sưa, nhiệt huyết công bộc. Họ quên mất lời thề dưới cờ Đảng, có thể nhớ mà không làm hoặc làm nhưng theo cách của họ; có người vẫn mang danh “đày tớ” của dân nhưng không còn trung thành, tận tuy, tận tâm, tận lực như những ngày đầu đứng trong hàng ngũ công chức.

Đặc biệt, như Bác Hồ chỉ ra, những người trở thành cán bộ, công chức đều có nhiều hoặc ít quyền hành, cấp cao thì quyền to, cấp thấp thì quyền nhỏ. Dù to hay nhỏ, có quyền mà không giữ đúng phẩm chất đạo đức cần, kiệm, liêm, chính; thiếu lương tâm nên có dịp đục khoét, có dịp ăn của đút, có dịp “dĩ công vi tư”. Họ không chỉ suy thoái mà tha hóa, biến chất, biến thành sâu mọt của dân.

Cán bộ né tránh trách nhiệm thời nào cũng có, nhưng thời nay nhiều hơn. Vì sao như vậy? Vì nhiều lý do. Một là, có một số cán bộ năng lực không tương xứng với chức vụ, vị trí công tác. Không ít cán bộ năng lực thấp được giao nhiệm vụ cao, họ không đủ năng lực để làm việc, không thể đảm đương được công việc nên tìm cách né tránh, đùn đẩy, thoái thác. 

Thứ hai, có loại cán bộ làm việc gì cũng phải được “bôi trơn”, “phong bì”. Vừa qua, cuộc chiến chống tham nhũng đi từng bước vững chắc, đạt nhiều kết quả đáng khích lệ, được nhân dân đồng tình, ủng hộ. 

Thứ ba, các quy định, văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, điều hành còn có “lỗ hổng”, “kẽ hở” hoặc chồng chéo, thiếu nhất quán, đồng bộ, làm đúng quy định này có khi trái quy định khác. Không ít cán bộ chấp nhận bị phê bình, khiển trách, nhắc nhở nên né tránh cho “an toàn”. 

Thứ tư, chúng ta nói nhiều về bệnh né tránh trách nhiệm, thiếu trách nhiệm nhưng chưa có biện pháp để khắc phục. Có nơi, người đứng đầu lại né tránh trách nhiệm trước hết. 

Thứ năm, xét đến ngọn ngành, những cán bộ né tránh trách nhiệm là do mất gốc đạo đức chí công vô tư, họ không chịu rèn luyện và tu dưỡng, làm việc trung bình chủ nghĩa, qua loa, đại khái, kém hiệu quả; không còn ý thức về nhiệm vụ phải làm, về văn hóa công bộc, không làm tròn chức trách, nhiệm vụ được giao; thoái thác, chối bỏ trách nhiệm; thờ ơ, vô cảm trước những khó khăn, bức xúc và đòi hỏi chính đáng của nhân dân.

Khẳng định tiếp tục thực hiện 4 nhóm giải pháp của Hội nghị Trung ương 4 khóa XI, 10 giải pháp nêu trong Đại hội XII, Hội nghị Trung ương 4 khóa XII coi né tránh trách nhiệm, thiếu trách nhiệm là một trong những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và đề xuất 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp với 29 giải pháp cụ thể để chống biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa; trong đó có né tránh trách nhiệm, thiếu trách nhiệm. Đại hội XIII tiếp tục khẳng định kiên quyết, kiên trì, quyết tâm thực hiện đồng bộ, toàn diện, có hiệu quả các nhóm nhiệm vụ, giải pháp đã nêu.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, bệnh né tránh trách nhiệm có lúc tạm lắng rồi lại lên. Gần đây, trên các diễn đàn của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Chính phủ, đại biểu Quốc hội nói nhiều về căn bệnh này. Liệu có thuốc đặc trị? Có! Thuốc đó là giải pháp “hai chân”: Cơ chế và con người. Hai phạm trù đó quan trọng ngang nhau, hỗ trợ nhau, nhưng con người là nhân tố quyết định, vì chính con người làm ra cơ chế. Con người xấu có thể cài cắm lợi ích nhóm, thói vô trách nhiệm vào cơ chế. Điều đó cho thấy vai trò gốc, then chốt của công tác cán bộ và tính liêm sỉ của cán bộ, đảng viên, sự gương mẫu của người đứng đầu vô cùng quan trọng. Pháp luật, pháp lý là cần nhưng không thể thiếu và thay được đạo lý. Bác Hồ nhắc nhở chúng ta rằng, pháp luật không trị hết được. Tự mình phải gây ra cái pháp luật để trị mình.

Trong bụng cán bộ, đảng viên có tòa án lương tâm trong đó. Mỗi đảng viên, cán bộ biết vun bồi, nuôi dưỡng ý thức về nhiệm vụ phải làm trọn vẹn; phải thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, tránh xa và không dính líu gì với vòng danh lợi, luôn suy nghĩ và hành động vì lợi ích của nhân dân là cách tốt nhất để chống bệnh né tránh trách nhiệm.

Ngày 16-10-2023, Thủ tướng Chính phủ đã ký Công điện số 968/CĐ-TTg yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục chấn chỉnh, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong cơ quan hành chính nhà nước các cấp. Công điện nêu, tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, sợ sai khi xử lý công việc của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức trong một số cơ quan hành chính nhà nước các cấp vẫn chưa được khắc phục hiệu quả; công tác phối hợp giữa các cơ quan, địa phương, đơn vị trong xử lý công việc chưa chặt chẽ, kịp thời, còn trường hợp chậm tham gia ý kiến hoặc tham gia ý kiến nhưng không có chính kiến, quan điểm rõ ràng, kéo dài thời gian xử lý, ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng, hiệu quả công việc.

Trước thực trạng đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, tiếp tục chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là khó khăn, vướng mắc cho người dân và doanh nghiệp, đóng góp thiết thực và nỗ lực phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội đã đề ra của năm 2023 và các năm tiếp theo.

PGS, TS BÙI ĐÌNH PHONG