1. Một lần, tôi đón anh bạn tác giả từ Nha Trang vào thăm TP Hồ Chí Minh. Điểm đầu tiên anh muốn tham quan là Đường sách. Chúng tôi thong dong đi từ gian hàng này sang gian hàng nọ, chọn vài cuốn sách, ngồi bên tách cà phê, nhìn dòng người háo hức dạo quanh con đường độc đáo này. Con đường Nguyễn Văn Bình rợp bóng mát cây xanh, nằm ngang, nối hai trục đường lớn, sát cạnh bên hông Nhà thờ Đức Bà. Dẫu hiện giờ cũng vài tỉnh, thành phố có Đường sách nhưng chỉ duy Đường sách ở TP Hồ Chí Minh là rộn ràng nhất với nhiều hoạt động sinh hoạt, triển lãm, giao lưu, ra mắt sách định kỳ những ngày cuối tuần.
Nhiều bạn văn khắp cả nước, mỗi lần có dịp ghé đến TP Hồ Chí Minh, tin chắc đều dành chút thời gian ra thăm Đường sách. Rồi lại xuýt xoa, ước gì chỗ mình cũng có, ước gì cái văn hóa đọc được giữ gìn và phát huy một cách mạnh mẽ như thế. Chục người bạn văn của tôi là chục cái gật gù khi đứng nhìn Đường sách TP Hồ Chí Minh. Ngon lành vậy, hèn chi người dân đọc sách phát ham. Cứ lang thang Đường sách vào một ngày đẹp trời nào đấy, tin chắc ngó qua dòm lại cũng có thể gặp vài gương mặt văn nhân thi hữu tề tựu về đây mà rổn rảng chuyện viết lách, chuyện người, chuyện đời. Những cái tên chúng ta quen thuộc trên khắp mặt báo, trong các tập truyện, tập thơ, thì nay hiện hữu ngay ở Đường sách.
Ngày 23-2 vừa rồi, Đường sách TP Hồ Chí Minh tổ chức tổng kết hoạt động năm 2022, doanh thu đạt gần 52 tỷ đồng, tăng 113,7% so với năm 2021. Doanh thu cao nhất của Đường sách từ trước tới nay, với 659.697 cuốn bán ra và 3.224 tựa sách mới được lên kệ; 3 triệu lượt khách tham quan, trong đó 30% là khách quốc tế; 435 hoạt động sự kiện liên quan đến sách và văn hóa đọc được diễn ra. Các con số thống kê khiến dân làm sách, viết sách thấy một sự lan tỏa văn hóa đọc bắt đầu có tín hiệu tốt.
Tôi nhớ hôm hồi tháng 10-2022, một buổi chiều tầm tã mưa, tôi và một chị bạn nhà thơ bị kẹt lại ngay Đường sách, sau buổi giao lưu. Mưa hắt theo gió ngày càng mạnh, tạt hẳn vào chỗ trú, thế là đám đông lại cố gắng nhường chỗ, nép thật sát vào nhau. Ai đó nói lớn, sát vào vậy biết đâu lạ thành quen, vừa có bạn, vừa ấm, lại không bị tạt. Cả đám người lố nhố nói cười hỏi thăm. Có người tận Thủ Đức, có người tuốt Bình Chánh, nhưng thành nếp quen, cuối tuần hổng ra đây là thấy thiếu thiếu cái gì đó. Ai cũng gật gù tán đồng. Có những cái bình dị, đơn giản vậy thôi, nhưng là tấm chân tình mà người dân dành riêng cho Đường sách, con đường lan tỏa tri thức, văn hóa và định hình lại nếp đọc của người dân Thành phố mang tên Bác.
Còn nhiều câu chuyện tử tế lắm ở Đường sách, tỷ như anh họa sĩ để quên cả túi sách tranh có giá trị đang dáo dác tìm trong màn mưa thì được một bạn nhà văn giữ giúp cũng đang loay hoay tìm chủ nhân. Cuộc gặp của hai người diễn ra giữa cơn mưa trắng xóa, cái bắt tay, lời cảm ơn làm ấm thêm niềm tin về sự tử tế trên con đường tri thức độc nhất vô nhị của TP Hồ Chí Minh.
Hôm tôi ngồi với nhà văn Phong Điệp ở Đường sách là một ngày trong tuần, nhìn con đường với hai bên là các đơn vị xuất bản rộn ràng kẻ ra người vào trong nắng sớm, chị cười mê tít. Chị bảo không ngờ ngày bình thường mà đông thế. Những bạn học sinh ngồi bệt dưới đường vừa đọc sách vừa ăn các món quà vặt. Các cô giáo mầm non tạo một đường riêng cho các bé tham quan Đường sách và tập tô tượng. Con đường nhỏ nhưng điều hay ho thì to quá chừng.
|
|
Hoạt động giao lưu ở Đường sách TP Hồ Chí Minh.
|
2. TP Hồ Chí Minh có tuyến buýt trên sông ngắm cảnh mang tên Water Bus, vừa phục vụ khách du lịch mà kỳ thực thì dân thành thị cuối tuần cũng hay lên các tuyến buýt này ngắm sông Sài Gòn trải dọc. Ngó bên này thấy cảnh thành phố lung linh với nhiều tòa nhà cao ngất mấy mươi tầng như Bitexco, Landmark; ngó bên kia thấy sông dập dềnh lục bình miên mải. Chiều buông xuống thành phố cứ ngẩn ngơ như mình đang ở miệt phù sa châu thổ nào đấy. Nhưng cái hay nữa là ngay tại trạm lên bến Bạch Đằng cứ độ chiều cuối tuần là rộn ràng âm nhạc đường phố. Thiên hạ bu đông bu đỏ coi ban nhạc toàn mấy gương mặt trẻ, ca sĩ lạ hoắc nhưng mà bài bản và xôm tụ lòng người.
Dự án “Có hẹn với Sài Gòn” ra đời từ những ngày cuối tháng 2-2022 nhưng nhanh chóng thu hút người dân TP Hồ Chí Minh. Không gian ngoài trời nên mưa thì người xem bận áo mưa che dù nghe, ca sĩ hay ban nhạc có khi ướt nhem nhưng lời hát thì vẫn cháy hết mình với “Sài Gòn đẹp lắm, Sài Gòn ơi”. Dự án hát miễn phí phục vụ cộng đồng nhưng được đầu tư bài bản do Công ty TNHH Thường Nhật-đơn vị đang quản lý khai thác tuyến buýt đường sông Sài Gòn và Công ty TNHH Đào tạo nghệ thuật Laam phối hợp thực hiện. Mỗi cuối tuần là một chủ đề.
Có lần nhóm du khách nước ngoài dừng chân ghé lại và ngồi bệt xuống mặt cỏ xem. Hôm ấy mưa lất phất, tôi nhớ là Chương trình số 27, với chủ đề "Bến sông tơ". Một chương trình hòa nhạc dân tộc đương đại được tập luyện chăm chút kỹ lưỡng. Khán giả mê mẩn với bài “Cây trúc xinh” qua ngón đàn tỳ bà điêu luyện của nghệ sĩ Nghiêm Thu. Cũng có buổi người nghe không kiềm chế cảm xúc nhún nhảy cùng giai điệu bài “Mặt trời bé con” của nhạc sĩ Trần Tiến qua bản phối của các nhạc sĩ trẻ. “Trời mưa quá em ơi, bài ca ướt mất rồi...”, nhưng tôi tin, buổi chiều cuối tuần đó, ngay trong buổi diễn chủ đề “Những kẻ mộng mơ”, hơn 400 khán giả vẫn chẳng thấy mưa lạnh, bởi trong lòng họ được ủ ấm bằng bữa tiệc âm nhạc đường phố thịnh soạn quá chừng.
3. Thoảng khi tôi hay thấy ba má cùng mấy ông bà già trong xóm mình rủ nhau kêu chiếc taxi rồi đi đâu mất cả buổi sáng cuối tuần. Chừng lúc về ai cũng ôm khệ nệ nào bầu bí, nào bánh tét, bánh ít, có khi là mấy thứ chẳng thể tìm ở thị thành này như muối Bạc Liêu, bánh tráng Mỹ Lồng, mắm ba khía Rạch Gốc... Hỏi ra thì ba má nói lâu lâu đổi gió chạy qua bến Bình Đông tuốt quận 8 để đi cái chợ trên bến dưới thuyền duy nhất còn sót lại ở TP Hồ Chí Minh.
Ghe xuồng theo con nước chín nhánh Cửu Long cứ đến cuối tuần là cập mé kênh Tàu Hủ họp chợ nổi. Người trên bờ cứ nhìn thấy ghe treo cây bẹo lủng lẳng thứ gì thì biết mà mua. Cũng có khi thương hồ lênh đênh cả ngày trời mới cập bến, nhưng người bán kẻ mua chừng quen mặt thì cười tươi rói í ới nhau chào hỏi. Thành lệ thường, cuối tuần, dân thị thành hay đến cái chợ độc nhất vô nhị này tìm mua mấy món đặc biệt của miền Tây theo ghe lên. Bán mua quen biết nên đôi khi không nói thách, khỏi trả giá, thấy mặt lấy hàng, trả tiền, có lúc lại dặn dò thứ cần thiết của tuần sau. Người đi chợ như đi chơi, cũng có khi là thèm quê nhớ xứ nên ghé chợ này để nguôi ngoai phần nào. TP Hồ Chí Minh tứ xứ hội tụ, nhưng tính ra nhiều nhất vẫn là dân miền Tây tìm lên, gá phận đời mưu sinh, lập nghiệp. Tưởng chỉ một quãng thời nhưng rồi hồi lâu ngó lại đã thành lưu dân thị thành. Ba má tôi cũng vậy, nên cái chợ ghe ở bến Bình Đông tự khắc mà quy tụ những người con tha hương miệt châu thổ chín nhánh tìm về. Chẳng ai dặn ai, cuối tuần cứ khều nhau đi vậy thôi.
Thành nếp quen nên mỗi năm, quận 8 làm lễ hội ngay bến Bình Đông, mang cái tên nghe rưng rức niềm thương “Trên bến dưới thuyền”. Dù kẻ dưới lòng ghe, người ngồi trên bờ, nhưng kỳ thực là chung một nỗi niềm, nên lễ hội của quận dần dà lan ra thành lễ hội của thành phố. Một tuần lễ vậy đó mà cũng biết bao người thấy thèm, thấy nhớ. Mỗi năm canh con nước, ngó con trăng, trông tháng 4 qua rằm là í ới nhau đi lễ hội ngay. Ghe tìm bạn, bạn tìm hàng, nhưng tôi tin cái người ta tìm chính là một thứ văn hóa mênh mang sông nước của thời ông cha mở cõi mà thành.
4. Thoảng khi tôi vẫn hay tiếp những người bạn từ phương xa đến. Họ thường hỏi tôi TP Hồ Chí Minh có đặc sản gì. Kỳ thực tôi không biết phải trả lời sao. Ở thành phố này lạ lắm. Thứ đặc sản để người ta luyến nhớ đôi khi không nằm trong nhà hàng sang trọng, trong mấy trung tâm mua sắm sầm uất. Tôi hay dẫn bạn bè lang thang ở khắp đường phố. Tôi tin đường phố nơi này mang trong mình những câu chuyện để kể. Mỗi câu chuyện của phố tự đã khoác lên mình một sứ mệnh. Những sứ mệnh văn hóa từ phố luôn là điều người thể chẳng thể nào quên.
Bài và ảnh: TỐNG PHƯỚC BẢO