Mọi thứ vẫn... y chang

Do tuổi cao, sức yếu, học giả An Chi đã từ giã cõi đời để thực hiện một cuộc “rong chơi” vĩnh hằng ở miền mây trắng vào ngày 12-10-2022. Sự ra đi của ông trở thành một sự kiện, thu hút sự quan tâm của truyền thông và mạng xã hội. Các phương tiện thông tin đại chúng ở TP Hồ Chí Minh dành diện tích, thời lượng đáng kể đưa tin tiễn biệt ông với thái độ thành kính, tiếc thương. Trang cá nhân trên các nền tảng mạng xã hội của giới nghiên cứu, văn chương, báo chí, trí thức... đầy những dòng trạng thái bày tỏ tình cảm tôn kính, yêu quý ông, một con người tiêu biểu của Thành phố mang tên Bác về tài năng, đức độ, tinh thần tận hiến, lối sống khiêm nhường và những đóng góp to lớn của ông cho học thuật.

Tôi quen biết và có mối quan hệ khá thân thiết với học giả An Chi từ hơn 6 năm nay. Trong suốt khoảng thời gian đó, nhiều lần với tư cách là nhà nghiên cứu học thuật, ngôn ngữ, văn hóa... ông đã tận tình hướng dẫn, lý giải nhiều nội dung phục vụ công tác tuyên truyền trên các ấn phẩm của Báo Quân đội nhân dân khi được chúng tôi nhờ cậy. Học giả An Chi là thế, luôn tận tâm, tận tình, hòa đồng với các đồng nghiệp, học trò trẻ tuổi. Với ông, bất kể là ai, cùng chung quan điểm sống và mục tiêu lao động, bất kể ở độ tuổi nào, ông đều gọi là bạn.

Lần đầu tiên tôi được tiếp xúc, trò chuyện với học giả An Chi là vào tháng 6-2016. Thời điểm đó, tôi đang sưu tầm tài liệu, gặp gỡ các nhân chứng để viết cuốn sách về nhà cách mạng quá cố Phan Kiệm, nguyên quyền Tư lệnh, Chính ủy Đặc khu Sài Gòn-Chợ Lớn trong kháng chiến chống Pháp; Phó bí thư Khu ủy Sài Gòn-Chợ Lớn trong những năm đầu kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Học giả An Chi là một trong những nhân chứng quan trọng, có nhiều tư liệu quý về nhà cách mạng Phan Kiệm. Theo đó, trong những năm kháng chiến chống Pháp, gia đình hai bên nội ngoại của ông An Chi có nhiều người là tiểu thương kinh doanh ở Chợ Lớn. Họ là những cơ sở tin cậy của cách mạng, có công nuôi giấu, che chở nhiều cán bộ cao cấp của Đảng hoạt động bí mật ở Sài Gòn-Chợ Lớn, trong đó có cụ Phan Kiệm. Thời trai trẻ, An Chi nhiều lần được tiếp xúc với cụ Phan Kiệm. Sức ảnh hưởng từ những cán bộ cao cấp của Đảng hoạt động bí mật trong lòng địch khiến An Chi nuôi ước mơ trở thành cán bộ của Đảng, đi làm cách mạng giải phóng quê hương. Ông nằng nặc đòi gia đình cho đi theo kháng chiến. Gia đình đồng ý, nhưng khuyên ông trước hết nên đi học tập nâng cao trình độ để có điều kiện cống hiến cho cách mạng nhiều hơn. Thế là ông đi học, và rồi cái nghề dạy học, nghiên cứu cứ thế vận vào ông như một cơ duyên.

Nhiều lần gặp gỡ, trò chuyện, chúng tôi cảm nhận rõ ở ông một con người uyên bác về trí tuệ, thâm sâu về chữ nghĩa, khiêm nhường về phong cách. Từ hình thức mang mặc, nói chuyện cho đến phong cách thiết kế, trang trí nhà cửa, chăm sóc mảnh vườn nhỏ ngập tràn sắc hoa... toát lên bản chất của con người chỉn chu, hiền hậu, trân quý các giá trị truyền thống của dân tộc. “Mình gắn bó với căn nhà, góc phố này từ khi còn trong bụng mẹ. Thời xưa, nơi đây là vùng ngoại ô Sài Gòn, nhiều kênh rạch, nhà cửa thưa thớt, cuộc sống của người dân rất bình lặng. Bây giờ nhà cửa san sát, cao ốc chọc trời, đường phố đông nghịt người xe, ngày hai buổi ken cứng như nêm. Qua mỗi thời kỳ, thành phố lại có những đổi thay, phát triển nhanh chóng, nhưng với mình, mọi thứ vẫn... y chang!”, lúc sinh thời, ông từng tâm sự với tôi như vậy.

Ông nhấn mạnh từ “y chang” và giải thích về ý nghĩa của bút danh An Chi: “An Chi, nói lái là Y Chan. Tiếng Nam Bộ đọc “chan” nghe như “chang”! Đất nước càng phát triển, càng hội nhập mạnh mẽ thì càng phải coi trọng gìn giữ các giá trị truyền thống mang bản sắc dân tộc. Đời sống kinh tế-xã hội của người Sài Gòn-TP Hồ Chí Minh đổi mới, phát triển từng ngày, nhưng cốt cách gia phong, những chuẩn mực đạo đức xã hội thì trước sau vẫn phải "y chang". Đó là thông điệp, lối sống và cũng là mục tiêu nghiên cứu của ông.

leftcenterrightdel

Học giả An Chi.

Miền chữ nghĩa và cuộc “rong chơi”

Tiếp xúc với một tên tuổi lớn về học thuật như học giả An Chi, chúng tôi học hỏi được rất nhiều điều ở ông, từ thái độ, phương pháp học tập, nghiên cứu đến cách lập ngôn, truyền tải một vấn đề đến với công chúng. Cái hay, cái độc đáo ở ông hiếm người làm được. Đó là ông rất uyển chuyển trong thể hiện các vấn đề của khoa học. Ở một số cuốn sách, ông chuyển tải học thuật bằng ngôn ngữ văn chương, đại chúng. Chính vì thế, sách của học giả An Chi ra cuốn nào là tạo chú ý cuốn đó, luôn nằm trong top những cuốn bán chạy nhất tại các hội sách hằng năm ở TP Hồ Chí Minh. Chị Đinh Thị Thanh Thủy, Giám đốc Nhà xuất bản Tổng hợp TP Hồ Chí Minh chia sẻ: "Chúng tôi rất may mắn và hạnh phúc được thầy An Chi tin tưởng, gửi gắm hầu hết các bản thảo và đã tận tâm, tận lực phối hợp với thầy hoàn thành tốt việc xuất bản, phát hành các bộ sách. Sách của thầy An Chi phần lớn là những đề tài nghiên cứu rất khó, có nhiều nội dung phải tra cứu, đối chiếu các tài liệu cổ từ nước ngoài. Dù tốn rất nhiều thời gian, công sức, nhưng thầy đã bền bỉ thực hiện và thực hiện thành công. Văn của thầy dễ đọc, dễ cảm và có sức hấp dẫn với mọi đối tượng độc giả".

Dù không có học hàm, học vị giáo sư hay tiến sĩ, nhưng học giả An Chi là một nhà nghiên cứu bậc thầy. Ở TP Hồ Chí Minh, nhiều giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, nhà nghiên cứu đều yêu kính gọi ông là thầy. Hàng trăm sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh đã lấy các tác phẩm của ông làm đề tài, chất liệu để viết luận văn, luận án, công trình nghiên cứu. Khiêm nhường, tự nhận mình chỉ là một người “hay chữ”, một người “sống chậm”, nhưng sự cống hiến và niềm hạnh phúc ông nhận được từ người hâm mộ quả hiếm người có được.

Một trong những nhà nghiên cứu rất khâm phục, nể trọng, đánh giá rất cao các công trình của học giả An Chi là nhà thơ, nhà nghiên cứu văn hóa Lê Minh Quốc. Anh cho rằng, học giả An Chi mất đi để lại một khoảng trống lớn về nghiên cứu học thuật, từ nguyên học, rất khó có người thay thế. Thật vậy! Chỉ điểm qua các công trình nghiên cứu công phu của học giả An Chi cũng phần nào thấy được sức đọc, sức viết, khả năng nghiên cứu và cường độ lao động của ông. Ông là tác giả của hàng chục cuốn sách và bộ sách nổi tiếng như: “Chuyện Đông chuyện Tây”, “Từ nguyên”, “Rong chơi miền chữ nghĩa”, “Từ thập nhị chi đến 12 con giáp”, “Những tiếng trống qua cửa các nhà sấm”, “Câu chữ Truyện Kiều”... Có những bộ sách đã xuất bản nhiều tập và ngay cả khi ông nhắm mắt xuôi tay, trên bàn làm việc vẫn còn dang dở bản thảo của tập tiếp theo, điển hình là bộ “Chuyện Đông chuyện Tây”, “Rong chơi miền chữ nghĩa”... Có lần chúng tôi hỏi ông về hai chữ “rong chơi” trong tựa sách, ông nói: Chữ nghĩa của người Việt mình, rằng hay thì thật là hay, nhưng khó cũng vô cùng khó. Không ai có thể tự tin tuyên bố mình hiểu hết chữ nghĩa của dân tộc mình. Thế nên, để hiểu nhiều (chứ không thể nào hiểu hết) về chữ nghĩa, để có ý chí đi theo cái khó ấy đến tận cùng thì hãy coi cuộc khám phá như là “rong chơi”. Miền chữ nghĩa mênh mông lắm. Mình chỉ có thể “rong chơi” ở từng vùng, từng nơi nào đó...

Nói “rong chơi” là lối nói khiêm nhường, đúng với phong cách của ông. Thực ra, mỗi chữ, mỗi từ, mỗi nghĩa... của miền chữ nghĩa ăm ắp tính học thuật, lịch sử ấy được ông lý giải, chú giải, dẫn giải bằng giọng văn nhẹ nhàng, khúc chiết thông qua những điển tích giàu sức thuyết phục. Và trong cuộc “rong chơi” ông chưa có ý định dừng lại ấy, học giả An Chi đã luận giải, chú giải rất thuyết phục nhiều vấn đề liên quan đến tên gọi các địa danh vùng đất Sài Gòn-Gia Định từ xa xưa. Trước khi có công trình nghiên cứu của học giả An Chi, đó là những vấn đề gây nhiều tranh cãi nhưng chưa ngã ngũ.

Gác lại gánh nặng chữ nghĩa, học giả An Chi đã nhẹ bước phiêu bồng “rong chơi” ở miền mây trắng. Công chúng thương nhớ ông, bóng chữ như cũng được nối dài...

 

Học giả An Chi tên thật là Võ Thiện Hoa, sinh năm 1935, tại xã Bình Hòa, Sài Gòn (nay thuộc quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh). Trong sự nghiệp nghiên cứu và sáng tác, ông còn có các bút danh: Huệ Thiên, Huyện Thê, Viễn Thọ... Ông là học giả, nhà nghiên cứu hàng đầu ở TP Hồ Chí Minh về ngôn ngữ, văn hóa, nổi bật là lĩnh vực từ nguyên học (ngành nghiên cứu về lịch sử, nguồn gốc của các từ ngữ...) vốn được coi là ngành khó, rất ít người có khả năng dấn thân, theo đuổi. Các công trình nghiên cứu của ông được giới chuyên môn đánh giá cao, là cơ sở để giới chuyên môn phát triển các lĩnh vực nghiên cứu về văn hóa, ngôn ngữ, văn học, nghệ thuật... mang đậm bản sắc văn hóa Sài Gòn-Nam Bộ.

 

Bài và ảnh: THANH KIM TÙNG