Là đất nước chủ yếu sản xuất nông nghiệp và chịu ảnh hưởng lớn của Nho giáo, Phật giáo nên trong xã hội phong kiến Việt Nam, noi gương, làm gương và nêu gương trở thành chuẩn mực đạo đức đối với mọi tầng lớp nhân dân, trong đó nổi bật là ở đội ngũ trí thức, gồm: Quan lại, thầy đồ, người lớn tuổi, nho sĩ.
Qua nghiên cứu của các chuyên gia cho thấy, tổ chức bộ máy quản lý làng xã thời phong kiến có việc trao quyền cho những người cao tuổi nhất, có uy tín, phẩm hạnh trong sáng. Việc này lan rộng và trở thành tập quán tốt đẹp. Ví dụ như trao quyền cho ông Tiên chỉ trong làng. Để được chức này, ông Tiên chỉ phải hội tụ các điều kiện và tiêu chí: Là người trong làng, tuổi cao nhất, có phẩm giá và uy tín, có lễ khao vọng cúng Thần hoàng và đãi làng. Ông Tiên chỉ là người đứng đầu có quyền quyết định mọi việc lớn nhỏ trong làng. Trong các văn bản, giấy tờ chính thức của làng, ông Tiên chỉ là người đầu tiên ký tên, điểm chỉ vào phía dưới. Do địa vị đó, theo lệ hương ẩm, mỗi lần có đình đám, lễ tế, mâm cỗ Tiên chỉ bao giờ cũng được chia phần cái thủ lợn. Ngày nay, tập quán vẫn tồn tại ở trong các họ, các làng vùng thôn quê Việt Nam.
|
|
Văn hóa nêu gương. Minh họa: KHOA AN
|
Cũng trong thời phong kiến, người thầy được đề cao bởi kiến thức, phẩm giá, đạo đức và được tôn trọng, xếp đứng ở vị trí thứ hai trong xã hội (Quân-Sư-Phụ). Chính sự đề cao người thầy mà việc nêu gương, làm gương được coi trọng. Cũng vì thế mà đất nước có những người thầy mẫu mực. Tiêu biểu như Chu Văn An, Nguyễn Bỉnh Khiêm dám dâng sớ đề nghị vua chém những kẻ nịnh thần trong triều với mong muốn yên dân, xã tắc được vững bền. Khi đất nước bị xâm lăng, đô hộ, những người thầy đã nêu gương, đi đầu trong phong trào yêu nước, dâng hiến trí tuệ, tài đức cho sự nghiệp chống giặc ngoại xâm, tiêu biểu như Nguyễn Đình Chiểu, Phan Chu Trinh.
Ở Triều Lý, Vua Lý Thái Tông đã chiếu dụ ban hành bộ luật Hình thư (năm 1042) với nhiều quy định khắt khe, yêu cầu người làm quan phải gương mẫu chấp hành. Đến đời Trần, tinh thần gương mẫu chăm dân đã có nhiều tiến bộ trong hệ thống chính trị. Đến nay, tấm gương thanh liêm của Thái sư Trần Thủ Độ vẫn còn mang tính thời sự. Chuyện là, vợ của Trần Thủ Độ nhờ ông xin cho một người làm chức “câu đương”, một chức quan nhỏ. Trần Thủ Độ ghi tên người đó vào danh sách và ra yêu cầu, muốn làm chức này phải chặt một ngón chân. Tên kia sợ hãi xin thôi. Đến thời Nguyễn, tinh thần gương mẫu được thể hiện rõ nét trong việc duy trì thực hiện luật. Các tầng lớp quan lại phải chấp hành nghiêm luật pháp, nếu không sẽ bị xử nghiêm minh. Sách Đại Nam thực lục chép lại câu chuyện, năm 1823, viên lại Phủ Nội vụ tên là Lý Hữu Diệm lấy trộm hơn một lạng vàng, bị phát giác. Theo luật quy định thì tội này sẽ bị chém đầu, nhưng xét thấy trước đây Diệm có một số công trạng nên Bộ Hình giảm xuống, bắt đi đày viễn xứ. Tuy nhiên, Vua Minh Mạng không chấp nhận đề nghị của Bộ Hình, Vua ra lệnh chém đầu Diệm trước chợ Đông Ba, cho mọi người thấy mà khiếp hãi để sửa mình.
Từ sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, kế thừa văn hóa nêu gương trong lịch sử, những tấm gương và tinh thần cống hiến vì độc lập, tự do của Tổ quốc của các tiền nhân, của những đảng viên kiên trung, như Nguyễn Thị Minh Khai, Lê Hồng Phong, Nguyễn Đức Cảnh... đã lan tỏa, lay động tâm can các tầng lớp trong xã hội, góp phần tạo ra sức mạnh đoàn kết, giúp Đảng ta làm cuộc cách mạng thành công, lập ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, tiến hành hai cuộc kháng chiến thắng lợi và bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Đến nay, sau mấy chục năm, khi đọc lại bài thơ “Ba mươi năm đời ta có Đảng”, tôi vẫn thấy hừng hực khí thế tinh thần gương mẫu của người đảng viên:
“Đường hạnh phúc gian nan lắm khúc
Đời đấu tranh không lúc dừng chân
Đã rằng vì Nước vì Dân
Nước Dân còn khổ thì thân sướng gì?
Đường giải phóng mới đi một nửa
Nửa mình còn trong lửa nước sôi
Một thân không thể chia đôi
Lửa gươm không thể cắt rời nùi sông
Gươm nào chém được dòng Bến Hải?
Lửa nào thiêu được dải Trường Sơn?
Căm hờn lại giục căm hờn
Máu kêu trả máu, đầu van trả đầu!
Miền Nam đi trước về sau
Bước đường cách mạng dài dâu đã từng
Đước đã mọc thành rừng gỗ cứng
Gió càng lay càng dựng Thành đồng
Trăm sông về một biển Đông
Bắc Nam sẽ lại về trong một nhà!"
Trong thời kỳ đổi mới, tinh thần gương mẫu tiếp tục được các thế hệ cán bộ, đảng viên thổi hồn và nhân lên trong các nhiệm vụ, phong trào cách mạng, để các tầng lớp nhân dân học tập, làm theo. Kết quả công cuộc đổi mới gần 40 năm qua dưới sự lãnh đạo của Đảng có một phần xuất phát từ vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong Đảng. Kết quả lãnh đạo của Đảng thời gian qua đã chứng minh, nơi nào, ở đâu và việc gì có cán bộ, nhất là người đứng đầu công tâm, gương mẫu, tận tụy, hết lòng hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, luôn đi trước, đi đầu trong phong trào, thì dân tin, làm theo và đạt hiệu quả tốt. Điều này cũng cho thấy, hiệu quả của biện pháp nêu gương mà Đảng chỉ đạo rất phù hợp với đặc điểm tâm lý, văn hóa người Việt.
Đảng ta đã ban hành nhiều quy định về nêu gương. Gần đây nhất là Quy định số 08-QĐi/TW về “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương”. Từ khi quy định được ban hành, cùng với thực hiện Kết luận số 01-KL/TW ngày 18-5-2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị khóa XII “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, việc nêu gương của cán bộ, đảng viên đã được thực hiện chặt chẽ và ngày càng đi vào chiều sâu.
Tuy nhiên, nhìn vào thực tế, chúng ta cũng thấy những phiền muộn và không khỏi xót đau trước thực trạng vẫn có cán bộ, đảng viên phai nhạt lý tưởng, thiếu đạo đức, sa vào vi phạm kỷ luật, pháp luật. Kết luận số 21-KL/TW ngày 25-10-2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” nhận định: “Một bộ phận cán bộ, đảng viên, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo, quản lý... chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm, thiếu gương mẫu, phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, sa vào chủ nghĩa cá nhân, nói chưa đi đôi với làm, vi phạm kỷ luật Đảng, vi phạm pháp luật”.
Gần đây nhất là thông tin về các lãnh đạo một sở của tỉnh Bắc Ninh rủ nhau đi chơi golf trong giờ hành chính đến mức Phó thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang phải chỉ đạo yêu cầu xác minh. Trước đó, hàng chục vụ án, hàng chục người từng là cán bộ, từng giữ cương vị lãnh đạo đã bị xử lý cũng vì không gương mẫu, không vượt qua được chủ nghĩa cá nhân, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vụ lợi. Bên cạnh đó, nếu nhìn sâu trong hệ thống chính trị, chúng ta thấy tồn tại hiện tượng nêu gương nửa vời. Vẫn còn cán bộ, đảng viên bề ngoài rất chỉn chu, cần mẫn, có phương pháp, tác phong của công bộc, luôn thuyết giảng lấy phục vụ nhân dân làm trọng, lấy kết quả công việc làm trọng, nhưng ở góc khuất nào đó thì họ làm trái pháp luật, vun vén cho người thân, người quen và “đệ tử”.
Albert Schweitzer từng viết: “Example is leadership” (Gương mẫu là lãnh đạo). Henry David Thoreau lại triết luận gương mẫu một cách cụ thể hơn rằng: “If you would convince a man that he does wrong, do right. Men will believe what they see” (Nếu bạn cần thuyết phục một người rằng anh ta sai, hãy làm đúng. Con người tin vào những gì mắt thấy). Còn Khổng Tử thì dạy: Một cuốn sách tốt, một lời nói hay có thể làm điều thiện, song một gương lành thuyết phục trái tim hùng biện hơn. Điều này đã cho thấy, dù phương Đông hay phương Tây, dù ở bất cứ thể chế chính trị nào thì nêu gương chính là văn hóa, là sản phẩm mang giá trị cao của xã hội con người. Thế nên, việc Đảng ta coi nêu gương là một phương thức trong lãnh đạo chẳng có gì xa lạ với đời sống xã hội.
Mỗi lần viết về nêu gương, làm gương, tôi lại nhớ đến lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Những gương người tốt làm việc tốt muôn hình muôn vẻ là vật liệu quý để các chú xây dựng con người. Lấy gương tốt trong quần chúng nhân dân và cán bộ Đảng viên để giáo dục lẫn nhau còn là một phương pháp lấy quần chúng giáo dục quần chúng rất sinh động và có sức thuyết phục rất lớn”.
Theo suy nghĩ của tôi, để văn hóa nêu gương thấm sâu vào thực tiễn thì tổ chức đảng các cấp cần đi đầu. Cấp ủy và người chủ trì cần tập trung vào các giải pháp chủ đạo, trước hết cần nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ và phát huy hiệu quả tự phê bình và phê bình. Chi bộ quản lý chắc tư tưởng cán bộ, đảng viên để làm tốt hơn nữa việc nhận xét, đánh giá hằng năm, phục vụ quá trình sử dụng lâu dài. Thực hiện tốt hơn nữa quy định giám sát cán bộ, đảng viên của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội, nhân dân. Khuyến khích và tôn trọng sự giám sát của nhân dân, sự giám sát của dư luận, sự giám sát của tổ chức đảng. Một biện pháp quan trọng khác là phải thực hành nêu gương trong xử lý kỷ luật. Theo đó, nếu đảng viên vi phạm, đặc biệt đảng viên giữ trọng trách trong Đảng vi phạm pháp luật thì phải xử lý nghiêm khắc hơn bình thường.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Muốn có “gương sáng” để khơi dậy cái tâm trong mỗi cán bộ, đảng viên hướng vào thực hiện hiệu quả nhiệm vụ cách mạng thì rõ ràng ngoài hoàn thiện cơ chế, Đảng phải loại bỏ, xử lý nặng những “gương xấu”, “gương tối”, “gương mờ”. Có như vậy, văn hóa nêu gương mới giá trị và ý nghĩa.
TS BÀN TUẤN NĂNG