Người anh là con nuôi bác ruột của tôi hiện sinh sống ở thôn Bình Minh, xã Đức Ninh, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang. Anh có vóc dáng nhỏ nhắn, vui tính và sống nội tâm. Sau đúng 50 năm mới gặp lại, tôi và anh ôm nhau mừng vui, tức tưởi. Trong câu chuyện về quá khứ, anh bất ngờ hỏi tôi: “Thím Mọc bây giờ còn hay nấu thịt đông không?”. Ấy là anh hỏi về mẹ tôi-bà Phan Thị Mọc. Chao ôi, câu hỏi dân dã của anh mà làm tôi lặng đi! Vì nó gợi lại trong tôi bao hoài niệm, có những điều mà từ trước đến nay tôi chưa hề nghĩ thấu.
Anh là Nguyễn Xuân Lệ, sinh năm 1951, tại làng Dứa, xã Hồng Quang, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định. Mẹ mất khi anh mới 18 tháng tuổi, bố đi bước nữa, anh được chú rể và dì ruột đón về nuôi, như chính tình mẫu tử. Học hết lớp 7, anh xin thôi học để đỡ đần chú dì nuôi đàn con ăn học. Cuối năm 1968, anh tình nguyện đi bộ đội, nhưng vì không đủ cân nên anh tiếp tục tình nguyện đi thanh niên xung phong, những muốn đóng góp sức lực nhỏ bé của mình cho đất nước. Đang cùng đồng đội mở những cung đường Tây Bắc thì lại vì lý do sức khỏe mà anh phải chuyển sang làm công nhân lâm trường, rồi lấy vợ, định cư nơi những cánh rừng xứ Tuyên.
Năm 1981, tôi vào học ở Trường Sĩ quan Thông tin, ra trường chỉ công tác ở các đơn vị phía Bắc nên thường về thăm nhà. Anh thì một năm cũng về thăm quê một đôi lần. Nhưng những lần về thăm quê của anh và tôi đều “lệch pha” nên chẳng lần nào gặp nhau. Chỉ duy nhất một lần vào cuối năm 1987, khi về đến nhà thì bác tôi nói: “Tiếc quá, anh Lệ vừa đi, có khi còn đang chờ xe trên Cầu Vòi”. Nghĩ có thể gặp được anh trong chốc lát nên tôi tức tốc đạp xe lên Cầu Vòi. Nhưng lại lỡ mất rồi, xe đạp của tôi vừa dừng bánh thì xe khách Nam Định-Tuyên Quang đến. Hai anh em chỉ nhìn được nhau, rồi anh vội vàng lên xe, giơ tay vẫy chào tạm biệt-thứ ngôn ngữ không lời mà sao dùng dằng, thương nhớ!
Khi tôi về làm báo ở Báo Quân đội nhân dân, cũng đôi ba lần đi công tác Tuyên Quang, dự định sẽ đến nhà thăm anh chị và các cháu nhưng đều không thành vì công việc, thời gian không cho phép... Mãi đến cuối tháng 11-2022, tôi lên Tuyên Quang dự đám cưới cháu nội anh, anh em chúng tôi mới được gặp nhau theo đúng nghĩa, sau đúng 50 năm toàn lỡ hẹn. Bàn tay 35 năm trước giơ lên vẫy chào, hẹn gặp, nay mới được siết chặt, giao cảm bằng da bằng thịt, để gợi nhớ một miền ký ức rưng rưng...
Quên sao được thời đánh Mỹ, bố tôi cứ biền biệt nơi chiến trường Quảng Trị. Ở nhà chỉ có mình mẹ tôi cáng đáng mọi công việc, chăm sóc mẹ chồng và nuôi dạy anh em chúng tôi. Thương thím vất vả sớm tối nên anh thường sang nhà giúp mẹ tôi đủ việc. Nhớ vụ chiêm năm 1965, hôm gặt "phần trăm" (lúa trên đất 5%), nhà bác tôi xong sớm, khi anh gánh chuyến lúa cuối cùng về nhà thì trời sắp mưa. Lo cho thím, lúa gặt rồi mà chưa gánh về được, vậy là anh chạy vội lên đồng gánh lúa giúp mẹ tôi mà không kịp báo chú, dì. Anh về muộn, để trưa ấy nhà bác tôi phải chờ cơm. Bác dâu tôi chưa biết lý do về muộn của anh nên đã nặng lời. Vừa ăn cơm anh vừa thút thít khóc. Chú gặng hỏi, anh mới thưa việc đi gánh lúa chạy mưa giúp thím. Nghe sự tình, bác dâu tôi ân hận lắm. Đến bây giờ tôi cũng chưa hiểu trưa ấy, anh vừa ăn cơm vừa khóc vì tên anh là Lệ, vì dì mắng hay vì thương thím đang lủi thủi dưới mưa để gom nhặt những bông lúa mà lúc trước mình vội vàng để vương vãi? Có lẽ là ở điều thứ hai này, dường như còn cả sự đồng cảm, đồng cảnh nữa. Chẳng là, ông bà ngoại tôi mất sớm, ba anh em côi cút nuôi nhau. Thương cảnh éo le, thương đứa cháu Mọc còi cọc mà bà cô họ ở xóm dưới đã đem về nuôi, cho đến khi bố mẹ tôi lấy nhau, trước khi bố tôi lên đường nhập ngũ (năm 1959).
9 năm, từ khi bố tôi đi bộ đội, đến ngày anh đi thanh niên xung phong, người cháu sống tình cảm và siêng năng đã giúp mẹ tôi rất nhiều việc. Những hôm đến bữa, bà và mẹ tôi mời anh ở lại ăn cơm nhưng chẳng bao giờ anh ở lại, với những lý do “thuyết phục”. Chỉ đến Tết anh mới xin chú, dì vào ăn một bữa với bà, với thím và các em. Một lần vừa xong bữa, anh như thốt lên: “Chưa bao giờ cháu được ăn thịt đông ngon như thím nấu”. Được cháu khen, mẹ tôi cũng vui đấy, nhưng chấn chỉnh liền: “Cháu khen thím vậy thôi, đừng khen lại kẻo chú, dì nghe thấy”. Anh như chột dạ vì hiểu ngay điều mẹ tôi nhắc nhở. Sự tinh tế của mẹ tôi anh hiểu tức thì, nhưng có lẽ điều sâu xa vì sao thịt đông thím nấu ngon thế, thì lúc đó anh chưa lý giải được, có thể đó là lời khen hồn nhiên, cảm tính. Với tôi trước đây cũng vậy, khen thịt đông mẹ nấu là khen thật, không phải “mẹ hát con khen hay”, nhưng cũng chỉ là cảm tính. Mãi đến hôm gặp lại anh sau thời gian xa lắc xa lơ, khi nghe anh hỏi, anh nói về món thịt đông thím nấu, tôi mới bừng hiểu về chiều sâu lý tính-cái ngon của nồi thịt đông ngày Tết mẹ nấu xưa kia.
Thời đó, đất nước chiến tranh, đời sống người dân vô cùng khó khăn. Bữa ăn, cơm thì một gạo “cõng” ba khoai, thức ăn thường chỉ có rau, mắm, lấy đâu ra thịt, cá. Với nhà tôi thì thịt, cá càng xa vời vợi... Anh em chúng tôi chỉ chờ mong ngày lợp lại mái nhà rạ, ngày đóng lại cối xay đất, để được ăn thịt, cá-ăn theo thợ lợp nhà, thợ đóng cối. Mà ngày đó sao mái rạ bền thế, sao cối xay lâu mòn, lâu vỡ thế, những 2-3 năm mới phải làm lại (ấy là cảm nhận về thời gian của trẻ con, vì quá mong chờ đến ngày được ăn thịt, cá). Sau này, đời sống người dân đỡ kham khổ hơn. Xã tôi là lá cờ đầu của ngành chăn nuôi toàn quốc, lại có trại gà Cuba nên một năm, người dân cũng được đôi ba lần chia thịt, cấp gà. Nhưng chẳng thấm thía vào đâu-trẻ con vẫn háo thịt, háo cá. Khi có thịt, cá, bà và mẹ tôi thường để dành đến ngày rằm làm mâm cơm thắp hương. Mà ở quê tôi, chỉ khi nào hương cháy hết mới được hạ cỗ. Lại những lời than vãn của trẻ con “sao hương cháy chậm thế?”...
Ngày thường toàn rau, mắm chẳng sao, nhưng ngày Tết khi hàng xóm đụng lợn, mẹ tôi cũng cố tham gia vào việc ấy để nhà có thịt ăn Tết. Chúng tôi thì chỉ muốn Tết có nhiều thịt, nhưng mẹ tôi chỉ đụng 5-7 cân hơi. Số thịt ấy, mẹ tôi lọc mỡ, rán hết để ăn dè cả năm; xương thì băm nhỏ kho mặn; còn lại nấu đông toàn bộ. Vì mẹ tôi nghĩ, nấu đông cho nước, nồi thịt sẽ nhiều hơn để chúng tôi thích. Nhưng sâu xa hơn là kiểu nấu đông thì thịt mới nhừ, bà tôi mới ăn được, vì mới 59 tuổi mà bà đã rụng hết răng. Có Tết thấy trời không lạnh, mẹ tôi cho thêm hàn the vào nồi thịt để nó đông hơn, nhưng vì quá tay mà nồi thịt năm đó đông cứng lại. Khi ăn, bà nói với mẹ tôi: “Thịt đông năm nay con nấu chưa được nhừ”. Mẹ tôi thương bà và ân hận quá. Lời xin lỗi của mẹ tôi với bà năm đó không bao giờ lặp lại nữa. Thịt đông mẹ tôi nấu càng ngày càng ngon hơn. Bà nội tôi khen con dâu, rồi chuyện với hàng xóm không chỉ có món thịt đông, mà ở mọi công việc, ứng xử khác, nhất là việc nâng giấc mẹ chồng. Tôi thấy mẹ như chính nguyên mẫu mà nhiều nhà văn, đồng nghiệp đã viết về những nàng dâu, vợ bộ đội hiếu thảo, vẹn toàn.
- Anh Lệ ơi, bây giờ mẹ em đã yếu, việc nấu thịt đông bà đã “chuyển giao công nghệ” cho chúng em, nhưng thím Mọc của anh vẫn nhắc và chỉ đạo: “Lúc bà còn sống có nghiệm rằng: “Nồi thịt đông ngày Tết có đông, có ngon thì năm ấy mới may mắn. Các con nhớ nhé. Năm nay trời không lạnh lắm, nên cho thêm bì và đun nhừ hơn thì thịt mới đông được... Đừng quên cho thêm hạt mùi tươi giã nhỏ, mới đúng là thịt đông ngày Tết...”. Bây giờ Tết ở quê mình ít nhà nấu thịt đông, nhưng nhà em không bao giờ thiếu món ấy.
Bút ký của TÔ THÀNH TUYÊN