Cuốn sách dày dặn (560 trang) thể hiện cách tiếp cận đa dạng, cách nhìn nhạy bén, sâu sắc, toàn diện về những vấn đề nổi bật đang diễn ra được trình bày ngắn gọn, khúc chiết, mạch lạc, có sức thuyết phục cao. Cuốn sách có 3 phần cân đối. Phần một (Văn hóa còn thì dân tộc còn) nghiêng về lý thuyết, tư tưởng, quan điểm nhấn mạnh vai trò tầm quan trọng của văn hóa trong đời sống hôm nay. Phần hai (Chữ tình còn mãi với thời gian) là những bài học được rút ra từ sự nghiên cứu trước tác và cuộc đời (qua tiếp xúc trực tiếp) các tên tuổi lớn của văn hóa Việt như: Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu, Võ Văn Kiệt, Nguyễn Đức Bình, Phan Quang, Trần Kiên... Phần ba (Báo và văn vẫn nở đua dưới nắng) viết về những tác phẩm, con người, vùng đất tiêu biểu cho sức sống và sự phát triển của hôm nay. Bố cục ấy tạo ra thế vững chắc, như 3 cột trụ nâng đỡ tòa tháp văn hóa và con người Việt Nam vươn lên dưới ánh sáng đổi mới và hội nhập của Đảng ta!

leftcenterrightdel

 Cuốn sách "Văn hóa và con người Việt Nam thời hội nhập" của Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Vinh.

Tuy là tập tiểu luận, nhưng vẫn được cấu trúc mang tính hệ thống, phần một mang tính lý thuyết về văn hóa để các phần sau cụ thể hóa, thế nên đóng góp của cuốn sách, ngoài ý nghĩa lý luận, còn là ý nghĩa thực tiễn. Thế giới coi thế kỷ 21 là thế kỷ của văn hóa. Đảng ta nhấn mạnh văn hóa là điểm tựa, là yếu tố nội sinh quan trọng để phát triển. Ở cuốn sách này, Hồng Vinh thêm một lần nhấn mạnh và khẳng định, nhưng nghiêng về phía thực tiễn, phân tích thực tiễn để bật ra lý thuyết bao trùm, phổ quát chính là luận điểm: Văn hóa còn thì dân tộc còn. Trong bầu trời văn hóa thì con người là những vì sao. Các bài viết tìm hiểu về hoạt động văn hóa, về gia đình, về dân vận... xét đến cùng là bàn đến yếu tố hạt nhân con người. Điều này hoàn toàn phù hợp với xu hướng chung của nhân học văn hóa, văn hóa học hiện đại hướng nghiên cứu vào khám phá những nét tế vi của tính người.

Những vấn đề mang tính lý thuyết được khéo léo hòa tan vào thực tiễn, vào những vấn đề, hình tượng cụ thể nên các bài viết sinh động, tươi mới, dễ tiếp nhận. Nhờ nắm rõ đặc trưng về văn học, nghệ thuật, hiểu tường tận cội nguồn vấn đề và thực tế đang diễn ra, Hồng Vinh đã nêu trúng, đúng và sâu các vấn đề cơ bản của văn hóa nói chung và cả những cái đang diễn ra. Chùm bài “Văn hóa-thời cơ và thách thức”; “Quan hệ giữa cũ-mới, giữa xưa-nay trong văn hóa”; “Vấn đề đạo đức xã hội trong văn học, nghệ thuật hiện nay”; “Xây dựng nhân cách con người là bản chất truyền thống của văn học, nghệ thuật”... không chỉ bàn đến những vấn đề cơ bản, trọng tâm của đời sống xã hội, mà còn là bài học về hướng tiếp cận, cách xử lý cụ thể, sát thực với truyền thống Việt và con người Việt hôm qua và hôm nay.

Nhìn rộng ra các diễn đàn văn hóa trên thế giới sẽ thấy một đặc điểm coi đối thoại vừa là mục đích, vừa là phương tiện nhằm hướng đến những mẫu số chung được thừa nhận, nhưng vẫn thể hiện qua cái riêng, bằng cái riêng bản sắc. Cuốn sách đã đi theo hướng này khi thể hiện tính đối thoại sắc sảo bàn về những vấn đề mang tính thời sự như về “dân vận” (qua trường hợp tác phẩm “Dân vận” của Bác Hồ), về tuyên truyền, về quan hệ truyền thống/hiện đại; kế thừa/đổi mới... Với tiểu luận khoa học nói chung thì cái đáng quý là đưa ra các giải pháp, bởi đó là cái xã hội cần, cũng là cái đóng góp riêng của tác giả thể hiện rõ “trọng lượng” đối thoại. Có nhiều giải pháp, biện pháp cả ở tầm vĩ mô lẫn vi mô từ cuốn sách này sẽ là tài liệu tham khảo tốt cho lãnh đạo các cấp và cho mọi đối tượng độc giả. Nhân đây xin nói thêm, không phải cứ tâm huyết là sẽ có giải pháp, mà cơ bản nhất là hiểu thực tiễn, nắm chắc cái yêu cầu cơ bản của thực tiễn, rồi nhìn thực tiễn bằng lý thuyết mới mẻ, phù hợp, mới có thể đưa ra hướng giải quyết đúng đắn. Nhìn vào các giải pháp sẽ thấy rõ cái tài, cái tầm, cái tâm của người viết. Thế nên trên thực tế có hội thảo khoa học chẳng rút ra được một giải pháp nào khả thi. Quả là sự lãng phí lớn!

Trong đời sống văn hóa hôm nay, như chúng ta thấy, chưa bao giờ sống động, phức tạp như bây giờ. Không chỉ ở ta, mà ở bất kỳ nước nào, càng ở nơi toàn cầu hóa cao càng như vậy. Đó là hệ quả/hậu quả của tiếp biến giao thoa văn hóa. Cánh cửa giao lưu càng mở rộng thì sẽ có cả gió lành, gió độc cùng tràn vào. Cách tốt nhất là tăng cường sức đề kháng nội sinh, bên cạnh đó là sự đấu tranh mạnh mẽ chống lại cái phản văn hóa. Do vậy đòi hỏi mỗi bài báo về văn hóa, ngoài sự khẳng định cái tốt, còn là sự phủ định, loại trừ cái xấu, cái tiêu cực. Cũng chú ý là phải chiến đấu bằng một tầm văn hóa mới có sức thuyết phục, chinh phục. Nhờ nắm chắc đường lối, một tầm hiểu biết sâu rộng vấn đề, một thái độ điềm đạm, tự tin, tác giả Hồng Vinh phân tích rạch ròi, thấu lý đạt tình khi “Cần kiên quyết loại bỏ virus trì trệ” (tên bài viết) hay “Toan tính của những người muốn lội ngược dòng” (tên bài viết)...

Ngày nay, dưới ánh sáng của bộ môn ký hiệu học văn hóa, người ta càng thấy rõ hơn ở bất kỳ nền văn hóa nào cũng đều có các biểu tượng làm nhiệm vụ soi sáng cho nền văn hóa ấy. Ở tập sách này, Hồng Vinh đã chọn các biểu tượng văn hóa là những nhân cách văn hóa mang tính chi phối, ảnh hưởng tới đời sống nói chung. Ông dựng lại chân dung các đồng chí lãnh đạo, các nhà văn hóa chính là một cách làm sáng thêm những tấm gương văn hóa để mọi người soi chung. Ông viết về các vùng đất văn hóa (Bắc Ninh, Bến Tre, Hà Nam, Thái Bình...) là một cách làm sáng lên các điển hình để mọi nơi tham khảo, học tập. Ánh sáng nhân lên ánh sáng sẽ làm cả xã hội bừng sáng. Đó là sứ mệnh nhân văn vẻ vang của báo chí, trong đó có Hồng Vinh!

Trước sự suy thoái nghiêm trọng của môi trường gây ra những hệ lụy khó lường, một vấn đề nóng của báo chí quốc tế là sinh thái. Rất nhiều khái niệm mới về sinh thái ra đời, trong đó có “đạo đức sinh thái” được hiểu bao gồm hệ thống những quan điểm, nguyên tắc, chuẩn mực quy định, điều chỉnh hành vi của con người trong việc biến đổi, cải tạo, thích ứng với tự nhiên nhằm phục vụ cho sự sống và phát triển bền vững. Không phải là những nhà nghiên cứu về môi trường nhưng những nhà báo phải hiểu biết về sinh thái, nhất là có đạo đức sinh thái, lấy đó làm điểm tựa dùng cây bút làm vũ khí sắc bén để viết nên những “bài hịch” về môi sinh. Một số bài viết của Hồng Vinh đã đáp ứng tốt vấn đề “nóng” này. Các bài “Phát triển kinh tế gắn chặt với bảo vệ tài nguyên môi trường”; “Bình yên một vùng quê”; “Âm vang tình đất, tình người”; “Những miệt vườn thấm đẫm nhân văn"... vừa trực tiếp, vừa gián tiếp đưa ra những “điều chỉnh sinh thái” cũng là những kêu gọi, những giải pháp để môi trường nhân văn hơn, xanh hơn, đẹp hơn.

Mỗi bài báo hay, luôn được nâng đỡ bởi cái tài và cái tâm tác giả, như cánh chim bay vào bầu trời văn hóa, rồi đậu vào trái tim người đọc để trao gửi những thông điệp ý nghĩa. Một phẩm chất cần có ở một bài báo là chất thơ. Nhưng chất thơ khó tính này chỉ có được khi hài hòa kết hợp cả tâm, cả tài. Có trí tuệ hiểu biết, nhưng cần sự rung động, cảm xúc. Cuốn sách này đã tạo ra sự kết hợp hài hòa ấy để có chất thơ rất riêng. Chất thơ không phải ở du dương câu chữ hay ngân nga ngắt nhịp, mà ở niềm tâm huyết với đối tượng, với bạn đọc. Còn ở cách chọn và diễn đạt vấn đề tinh tế, ý nhị, ở việc tìm ra đối tượng mang hàm lượng thẩm mỹ cao... Mà những điều ấy, thì Hồng Vinh giàu có và luôn làm chủ. Và có thể cũng còn nhờ tác giả là một nhà thơ!

PGS, TS NGUYỄN THANH TÚ