Cuộc đời luôn là tổng phổ của những buồn vui, theo thời gian, cái vĩnh cửu còn lại vẫn là tình người: “Đời là vui-buồn nối nhau, em hỡi!/ Phượng tàn, thì hoa ban bung nở/ Dù lạnh giá mùa đông/ Riêng tình ta mãi mãi ấm nồng...” ("Tình ta mãi ấm"). Với quan niệm nhân văn, trong sáng như vậy đã quy định thơ Hồng Vinh mang một nét riêng rất mực chân thực, giàu tình cảm, gần gũi với đời, đúc kết thành những triết lý đáng quý. Thơ anh như bật thoát ra từ cuộc sống để trở thành tiếng thơ-tiếng đời, vừa là thời sự hôm nay, là tiếng lòng hôm qua, là tâm tình gửi cho ngày mai.
"Hoa đời mùa sau" là tập thơ thứ 12 tuyển chọn 71 bài thơ tiêu biểu cho phong cách thơ Hồng Vinh nghiêng về những điều giản dị, có thật trong đời sống. Phong cách ấy, tình thơ ấy đã dành nhiều trang miêu tả về cuộc sống người lao động thuộc đủ mọi phận người. Đúng vậy, anh viết nhiều về các tầng lớp, là anh bộ đội, là cô giáo, là nhà báo, nhà thơ, nhà văn, là công nhân, doanh nhân... của ngày hôm nay. Có lẽ anh là người đầu tiên làm thơ về “tẽ ngô”-một công việc rất bình thường trong cuộc sống lao động của người dân nghèo, nhưng được khúc xạ qua một tâm hồn nhạy cảm, nhiều suy tư, hình tượng đi vào thơ rất gây dấu ấn. Phải là người nhà quê, thấu hiểu công việc vất vả, tảo tần của những người mẹ thật sự, mới có những nhận xét đúng và tinh này: “Ngày nối ngày/ Mẹ còng lưng tẽ ngô/ Bao nhiêu thúng/ Bấy nhiêu nỗi khổ/ Dầu dãi nắng mưa/ Trút lên vai gầy mẹ!” ("Tẽ ngô-đời mẹ"). Hình tượng “mẹ” như một sự chứng minh cho quy luật thẩm mỹ, thơ là tiếng lòng của cảm xúc chân thành cất lên từ đời sống.
Ai cũng có thể bắt gặp hình ảnh đời thường ấy, nhưng ở thơ anh, làm ta ngỡ ngàng. Sẽ có người đặt câu hỏi: Ngô ở đâu nhiều thế? Không phải! Ngô bắp đã phơi già nên khô cứng, phải “tẽ” bằng ngón tay cái để tách rời từng hạt, tay mẹ đã mỏi, ngón cái đã sưng, nên không thể làm nổi cả ngày. Vả lại, đây chỉ là công việc “mẹ” làm tranh thủ, lúc rỗi là “tẽ”, nhất là trời mưa không đi làm việc khác được. Có khi thúng ngô phải “tẽ” cả tuần, thành ra quanh năm “tẽ”! Thế nên “ngày nối ngày” là rất thực. Cũng như trồng lúa, trồng ngô, cũng “trông trời, trông đất, trông mây/ trông mưa, trông nắng, trông ngày, trông đêm”. Đây là công đoạn cuối, tức có “thành quả” lao động rồi, mà cũng còn lắm gian truân. Huống hồ...
Hồng Vinh tả cảnh cũng theo lối chân thực, bám vào chi tiết thật, tiêu biểu để làm bật ra cái hồn của sự vật, hiện tượng. Từng trực tiếp tham gia Chiến dịch Trị-Thiên năm 1972 lịch sử, anh làm thơ về căn hầm chữ A. Tả để mà gợi, gợi về cái tình đồng chí thiêng liêng cảm động vô cùng: “Căn hầm chữ A nứt toác/ Bom rải, pháo gầm triền miên,/ Góc hầm ngập bùn nhão nhoét/ Thay nhau chỉ một người nằm”! ("Ngày ấy sao quên"). Những câu thơ đầy sức gợi này, tái hiện không khí cả một thời đạn bom ác liệt, làm sống lại những tâm hồn trong sáng vô ngần, nuôi dưỡng ý thức tất cả vì nước, vì dân mà quên thân mình. Đây là câu thơ bình dị viết về người lính: “Đất nước chiến tranh/ Anh vào Trường Sơn trận mạc,/ Kỷ niệm mang theo duy nhất/ Hơi ấm bàn tay trước lúc lên đường...!” ("Phận người bên một dòng sông"). Đó là “hơi ấm bàn tay” người yêu. Chi tiết này có ý nghĩa như một mã văn hóa để mở ra cả một thời đánh giặc anh hùng, con người ta yêu nhau theo cách của thời chiến, đặt lên trên hết vận mệnh của Tổ quốc để thanh thản ra trận, sẵn sàng hy sinh vì nghĩa lớn!
Anh viết nhiều về tình yêu con người, tình yêu lứa đôi với đặc trưng tình yêu cá nhân luôn hòa vào tình yêu đất nước. Viết về cái riêng, nhưng để nói cái chung. Đây là câu chuyện tình trong cái tứ tìm-gặp quen thuộc, nhưng nội dung mới, kể chàng trai đi tìm người yêu nhiều nơi, cuối cùng họ gặp nhau trên rẻo cao Tây Bắc: “Ngược ra Bắc, anh lên đất Mộc Châu/ Hoa ban, hoa lê mùa này nở sớm/ Chiều đã buông, vẫn rực màu trắng tím...” ("Tìm em"). Tình yêu có muôn vàn dạng thái và cũng có muôn vàn lý do. Chuyện đó không quan trọng bằng có yêu nhau thật lòng không. “Công cuộc” đi tìm bền bỉ này chứng minh trái tim chàng trai ấy đã thuộc về cô gái. Đã thuộc về nhau thì không một ngăn trở không gian nào có thể cản được tình yêu. Và họ đã tìm thấy nhau khi vượt qua muôn vàn thử thách: “Trái đất tròn và trời rủ lòng thương/ Em chạy ra với nụ cười vồn vã:/ Muốn thử lòng anh chung thủy/ Nên đã lên đây từ giữa tháng Ba/ Làm cô giáo, đúng mùa mận bung hoa!”. Bài thơ như một “cổ tích” mới với một kết thúc đẹp, viên mãn. Chàng “hoàng tử” và “công chúa” sẽ kết duyên đẹp nhất! Càng đẹp hơn khi tình yêu của họ hòa vào tình yêu đất nước, cùng tôn lên vẻ đẹp đất nước. “Nàng” đã là cô giáo hạnh phúc với nghề “trồng người” đáng quý, đáng trọng!
Thơ Hồng Vinh là thơ của người trải đời, nhiều suy tư, ngẫm ngợi, bạn đọc có thể rút ra cho mình những triết lý riêng để nghĩ suy và hành động. Bài "Ngẫm ngợi từ cây “cô đơn” là một trường hợp triết luận bật ra từ trải nghiệm thực tế. Có một cái cây mọc đơn lẻ trên triền đê đã bao năm không có gì lạ, chưa thể làm thi liệu cho thơ. Nhưng ở bài này, nó được đặt ngay phần mở đầu để làm điểm tựa cho tứ thơ nói về một cán bộ lãnh đạo xã: “Anh đứng một mình, đâu cô đơn?/ Bằng cả bản lĩnh và tài năng/ Lôi cuốn nhân dân cùng gánh vác/ Lúa tốt tươi, đường ngõ phong quang...”. Lời thơ dựng lại chân dung “anh” trong quá khứ một cách chân thật như chính con người “anh” vậy-một cán bộ lãnh đạo cơ sở với tác phong bình dị, hòa cùng nhân dân, “đạp xe khắp cánh đồng” để kiểm tra mùa vụ.
Trước đó, thời bao cấp, nhà thơ Hoàng Trung Thông đã dựng lên một “anh chủ nhiệm” bằng thơ đầy tâm huyết, lãng mạn, lạc quan “vẽ cả đồng xanh/ Vẽ cả ngày mai thành bức tranh”. Đến Hồng Vinh thì hình tượng thật hơn, “đời” hơn, gần gũi hơn. Dưới ngòi bút Hồng Vinh, người lãnh đạo biết “truyền lửa” tới mọi người cùng làm những điều tốt đẹp, hạnh phúc cho dân: “Lúa tốt tươi, đường ngõ phong quang”. Anh chấp nhận: “Có lúc gặp vấp váp, sai lầm/ Dũng cảm nhận về mình trách nhiệm” để: “Vui vẻ làm người lính tiên phong/ Khổ trước, sướng sau, đời toại nguyện!”. Phẩm chất ấy chỉ có ở những người dám làm, dám chịu trách nhiệm trước mỗi chủ trương, chính sách. Sự liên tưởng của nhà thơ quay trở về với hình tượng ban đầu: “Cây “cô đơn” nay vẫn tươi xanh/ Vì rễ bám sâu trong đất tốt/ Cành sum suê tầng tầng, lớp lớp/ Tỏa bóng râm, che mát cho đời!”. Như cây xanh ấy, người cán bộ hôm nay phải biết bám sâu vào “đất tốt” nhân dân, thì cành lá mới sum suê tươi tốt và có thể làm giàu thêm cuộc sống cộng đồng: “Tỏa bóng râm, che mát cho đời”!
Đọc bài này, tôi càng thấy thơ Hồng Vinh mang tính thời sự sâu sắc và rất đời trước yêu cầu của xã hội hiện nay đang đòi hỏi khắc phục nhanh hiện tượng một số cán bộ sống xa dân, sợ trách nhiệm, đùn đẩy, ỷ lại, trông chờ... Đây là nét chấm phá bản chất thực tại, có ý nghĩa cảnh tỉnh, rất đáng ghi nhận của tác giả vì luôn gắn thơ với hiện thực nóng bỏng của cuộc sống.
Bài "Khi xa em" mang dáng dấp như một định nghĩa về hạnh phúc vợ chồng, đúng hơn là một triết lý về hạnh phúc: “Em mới xa một ngày/ Đêm như không dừng lại/ Bước sang ngày thứ hai/ Mâm cơm không động đậy”. Thế là “anh” đã đếm suốt đêm! Những chi tiết, hình ảnh này không xa lạ trong đời sống của những cặp vợ chồng từng gắn bó, quấn quýt bên nhau, tạo động lực cho nhau để vươn lên trong gian khó cuộc đời. Bởi vậy, dù chỉ mới xa một ngày, nỗi nhớ nhau đã cồn lên da diết. Khi không ở bên nhau, chẳng ai “hưởng thụ” vật chất một mình... Đó là tình cảm thiêng liêng cần được cùng chia sẻ. Đó là biểu hiện của hạnh phúc.
Vẫn biết rằng, em đang tham gia đoàn thiện nguyện, nhưng không nhận được tín hiệu nào từ em, lòng vẫn bồn chồn, dù hiểu rằng, nếu ở thung sâu heo hút, làm sao có “sóng” để gửi nỗi nhớ về anh: “Còn em ở thung sâu/ Tặng quà cho các cháu/ Nơi núi rừng heo hút/ Điện thoại đành nằm im”. Thì ra họ chia xa để đi làm “việc nghĩa tình”, để sẻ chia gian khó với đồng bào vùng xa xôi hẻo lánh nơi thung sâu... Đó cũng là biểu hiện cụ thể của hạnh phúc! Thơ Hồng Vinh là thơ của đời sống, tựa vào đời sống để bật ra tứ thơ, rồi được kiến tạo bằng ngôn từ đời sống để diễn tả tình cảm chân thành, lắng đọng, gợi nhiều suy tư, trăn trở về lẽ sống. Thơ anh giàu triết lý, nhưng tươi tắn, dung dị nhờ đậm đà “chất muối mặn” của đời. Nếu ai cũng làm được những điều này thì cuộc sống thật tốt đẹp biết bao nhiêu: “Cộng mọi niềm vui nhỏ nhoi/ Trừ đi những điều bất hạnh/ Nhân lên việc làm tâm thiện/ Chia ra trái ngọt cho người !...” ("Tự vấn").
Với tập thơ thứ 12 này được xuất bản trong 23 năm, tập sau khá hơn tập trước, ghi nhận một chặng đường bền bỉ sáng tạo xuất phát từ tình yêu thơ sâu nặng, dùng thơ để trải lòng mình, thể hiện bản lĩnh và chính kiến rõ ràng trước cái tốt và cái xấu, trước nhân tình thế thái còn bộn bề trái ngang, nhưng giọng thơ anh luôn lạc quan, tin yêu hướng về ngày mai tươi sáng. Chính vì thế, ta càng trân trọng những cố gắng của anh trong tập thơ này là mở rộng biên độ các vấn đề cần đề cập và lý giải, trong đó mảng thơ trữ tình cũng như chính luận của anh đều có sức gợi và độ lắng sâu. Chúc mừng và hy vọng những điều mới mẻ và thú vị sẽ khẳng định thêm giá trị thơ Nguyễn Hồng Vinh ở những tập tiếp sau!
PGS, TS NGUYỄN THANH TÚ