Đến khoa giáo viên, các khu giảng đường của Học viện Phòng không-Không quân, chúng tôi thực sự ấn tượng với các biển bảng, băng rôn, khẩu hiệu đều được in song ngữ Việt-Anh: “Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý-Teaching is the most noble job”; “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo-Each instructor should be a bright example of morality, self-study, and creativity”...
Để các thế hệ cán bộ, học viên tiếp tục chắp cánh những ước mơ chinh phục và làm chủ bầu trời, Đại tá, TS Tạ Văn Trung, Phó giám đốc Học viện Phòng không-Không quân khẳng định: “Trước yêu cầu đặt ra ngày càng cao của sự nghiệp quản lý, bảo vệ bầu trời Tổ quốc, Quân chủng PK-KQ được Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng xác định tiến thẳng lên hiện đại. Để hiện thực hóa phương châm “chất lượng đào tạo của nhà trường là khả năng sẵn sàng chiến đấu của đơn vị”, thời gian tới, học viện tiếp tục tập trung đổi mới nội dung, chương trình đào tạo, phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá đáp ứng chuẩn đầu ra, phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Theo đó, học viện tăng thời lượng huấn luyện thực hành, coi trọng năng lực tổ chức thực tiễn, nhất là trình độ chỉ huy, quản lý, tổ chức huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu theo từng đối tượng đào tạo. Thường xuyên đưa học viên đi thực tế tại các đơn vị có vũ khí, trang bị kỹ thuật mới, cải tiến, bảo đảm sát với thực tiễn huấn luyện, chiến đấu của đơn vị. Phát huy truyền thống học viện anh hùng, toàn học viện nỗ lực xây dựng, phát triển, trở thành trung tâm đào tạo cán bộ, sĩ quan phòng không-không quân có năng lực, trình độ cao, làm nòng cốt trong quản lý và bảo vệ bầu trời Tổ quốc”...
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Trường Sĩ quan Cao xạ-tiền thân của Học viện Phòng không-Không quân ngày nay đã tham gia nhiều trận chiến đấu tiêu biểu và lập chiến công xuất sắc. Cán bộ, giảng viên, học viên, chiến sĩ học viện đã trực tiếp tham gia chiến đấu 129 trận, bắn rơi 91 máy bay Mỹ; tiêu biểu là trận chiến đấu bảo vệ Thủ đô Hà Nội tháng 7-1972; 24 người đã anh dũng hy sinh; 30 cán bộ, giảng viên, học viên của học viện được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.
Phát huy truyền thống anh hùng, dạy tốt, học tốt của các thế hệ nhà giáo đi trước, thế hệ cán bộ, giảng viên hiện nay cũng luôn phấn đấu, tìm tòi sáng tạo đổi mới phương pháp dạy để trang bị kiến thức và bản lĩnh cho cán bộ chỉ huy làm chủ bầu trời tương lai. Trò chuyện với chúng tôi, Đại tá, Thạc sĩ Lê Minh Hoàng, Chủ nhiệm Khoa Công tác Đảng, công tác chính trị chia sẻ: “Trong các bài giảng, nhiệm vụ, chúng tôi luôn lồng ghép giáo dục cho các học viên về những chiến lệ, trận đánh tiêu biểu của Quân đội ta nói chung và Bộ đội PK-KQ nói riêng. Đồng thời, chú trọng việc bồi đắp, truyền thụ kinh nghiệm cho các học viên về xây dựng nền tảng, nhân tố chính trị-tinh thần, xây dựng bản lĩnh chính trị, niềm tin, ý chí dám đánh và quyết thắng”...
    |
 |
Giờ học thực hành trên khí tài P-19 của học viên chuyên ngành radar tại Học viện Phòng không-Không quân. Ảnh: THẾ MẠNH
|
Năm 2022, các đội tuyển thi Olympic toàn quân, toàn quốc của học viện đạt thành tích cao. Chỉ tính riêng môn Nguyên lý máy, có 6 thí sinh dự Cuộc thi Olympic Cơ học toàn quốc lần thứ 32, đội tuyển Học viện Phòng không Không quân đạt giải nhì tập thể và 6 giải cá nhân (1 giải nhất, 4 giải nhì và 1 giải ba). Mới đây, cuối tháng 10-2022, học viện có 7 học viên tham dự Cuộc thi Olympic Vật lý sinh viên toàn quốc lần thứ 24 đạt 7 giải cá nhân (2 giải nhất, 2 giải nhì, 3 giải ba); đặc biệt, đạt số điểm cao phần thi tự luận và thực nghiệm trong 36 đoàn, qua đó xếp thứ nhất toàn đoàn và được Hội Vật lý Việt Nam tặng bằng khen...
THÁI BẢO NGỌC