Gió Kỳ Sơn cứ thổi triền miên như không bao giờ ngừng nghỉ. Gió ở đây như lời hát ru cho đứa con thơ êm đềm trong giấc ngủ. Gió như nụ hôn đầu của cô gái trao cho chàng trai với tình yêu nồng cháy. Gió như bài thơ cất lên giai điệu yêu thương để quên đi nỗi mệt mỏi của một kiếp người.

leftcenterrightdel

Phong cảnh Mường Lống (Kỳ Sơn, Nghệ An) 

Chúng tôi đặt chân lên nơi có độ cao 1.500m so với mực nước biển. Độ cao này được ghi trên một tấm đá đẹp với dòng chữ Cổng trời Mường Lống, nằm trên một đỉnh dốc. Dưới là thung lũng trải dài một màu xanh bất tận cùng với dòng suối vắt vẻo trông như bối cảnh trong một bộ phim cổ tích. Du khách sẽ được thưởng thức đặc sản đầu tiên là gió. Gió thổi lồng lộng như tấm lòng của bà con ở đây luôn nở nụ cười với bất kỳ ai đặt chân đến. Gió thổi bay đi tất cả những mệt mỏi, bụi bặm còn sót lại của du khách khi vừa qua một chặng đường dài. Sau khi được cơn gió chào đón là những rặng mây đẹp như mái tóc sơn nữ thấp thoáng ẩn hiện cho du khách ngẩn ngơ ngắm nhìn.

Khí hậu Mường Lống quanh năm mát mẻ và cực kỳ trong lành. Theo anh Vừ Bá Xử, Phó chủ tịch UBND xã Mường Lống thì nhiệt độ ở đây không bao giờ vượt qua 32 độ C về mùa hè. Còn mùa đông thì có lạnh hơn nhưng cũng không khắc nghiệt lắm. Có lần chúng tôi nghỉ lại Mường Lống giữa mùa hè, thời tiết ở miền Trung luôn từ 37 độ C đến 39 độ C nhưng ở Mường Lống vẫn chỉ tầm từ 25 độ C đến 29 độ C. Với khí hậu mát mẻ như vậy, Mường Lống luôn thu hút nhiều du khách đến nghỉ dưỡng, tham quan, đặc biệt là mùa hè. Dừng chân ở Homestay Vừ Tồng Pó, chúng tôi được đón tiếp bằng một bữa cơm trưa đặc biệt cùng với những điệu múa, tiếng hát của các cô gái, chàng trai Mông vui chưa từng thấy.

leftcenterrightdel

Du khách chụp ảnh lưu niệm tại Cổng trời Mường Lống 

Mường Lống xanh, Mương Lống thơ và Mường Lống đang khởi sắc bởi kinh tế đi lên từng ngày. Ở trung tâm Mường Lống là dự án trồng cây dược liệu của Tập đoàn TH đang bước đầu cho hiệu quả. Ở đây, cây dược liệu được trồng trên diện tích rộng hơn 10ha, chủ yếu là dược liệu làm đẹp, một xu hướng phù hợp với nhu cầu thị trường những năm gần đây.

Trong bữa cơm liên hoan với lãnh đạo huyện Kỳ Sơn và xã Mường Lống, chúng tôi được nghe các anh bày tỏ nguyện vọng làm sao để Mường Lống nói riêng và Kỳ Sơn nói chung phát triển mạnh mà vẫn giữ được môi trường trong lành. Chúng tôi nghĩ, nếu nơi đây có được một khu du lịch nghỉ dưỡng dành cho những người đã về hưu muốn lên đây vừa du lịch vừa ở lại để tăng cường sức khỏe thì tốt biết mấy. Họ có thể ở lại hàng tháng trời vào mùa hè với một mức chi phí hợp lý. Điều đó cũng là mong muốn của lãnh đạo xã Mường Lống, nhưng vấn đề là phải quảng bá làm sao để Mường Lống đến được với các nhà đầu tư để ý tưởng trên nhanh chóng thành hiện thực.

Từ Mường Lống, du khách có thể lên Huồi Tụ thăm rừng cây sa mu rộng 10ha của 3 hộ gia đình người Mông mà anh Vừ Bá Tráng là chủ nhân chính. Ở đây, khí hậu cũng tương tự như Mường Lống, mát mẻ và trong lành. Rừng cây sa mu đẹp như một cô gái đang ở độ tuổi dậy thì. Cây xanh, hoa đẹp và triền đồi thoai thoải trông như đồi Cù, đồi Chè của Đà Lạt mộng mơ vậy.

Anh Vừ Bá Tráng cho hay: Vào dịp Tết, khách du lịch ở lại chơi trong rừng cây sa mu rất đông. Gia đình anh bán được hơn 200 thùng nước ngọt và hàng trăm con gà mỗi độ Tết về. Tương lai, chúng tôi sẽ mở rộng thêm hình thức du lịch khác để thu hút du khách như tổ chức các trò chơi của đồng bào dân tộc Mông và hình thức du lịch trải nghiệm khác.

Từ Mường Lống, du khách có thể đến thăm bản Yên Hòa bằng đường bộ hoặc trải nghiệm đi thuyền trên sông Nậm Nơn từ Đồn Biên phòng Mỹ Lý (Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An). Các anh bộ đội ở đây luôn nhiệt tình giúp đỡ và hướng dẫn du khách hết sức chu đáo. Nếu gặp phải trời mưa, nước xiết, các anh bộ đội sẽ sẵn sàng đi thuyền cùng du khách để lỡ khi có sự cố, các anh sẽ ứng phó kịp thời. Ở đây luôn có sẵn những chiếc thuyền máy cho du khách lựa chọn với giá cả phải chăng. Khách sẽ được đón tiếp bằng dịch vụ Homestay ở bản Yên Hòa với nhiều món ăn ngon và những điệu múa, lời ca của các cô gái, chàng trai người Thái ở bản. Đặc biệt, du khách sẽ được tham quan tháp cổ Xằng Tớ (gọi theo tên cũ của bản Yên Hòa). 

Đi thuyền trên sông Nậm Nơn giữa rừng đại ngàn hoang vu là một trải nghiệm hết sức thú vị. Hai bên bờ, rừng xanh bạt ngàn. Mây núi lững lờ trôi soi bóng xuống dòng sông tạo cho du khách một cảm giác như được lạc vào chốn bồng lai. Dừng thuyền ghé thăm và ăn ngủ lại bản, quý khách được đón tiếp với nụ cười hết sức thân thiện của người dân cùng những phong tục đón khách đậm chất Thái như nghi thức gọi vía chúc phúc của thầy mo và buộc chỉ cổ tay cầu may cho chuyến đi của khách. Những du khách khó tính nhất cũng sẽ cảm thấy thoải mái bởi sự hiếu khách và những trải nghiệm du lịch nơi đây. 

Cách Mường Lống khoảng hơn 50 cây số là Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn. Nơi đây là điểm giao lưu về thiên nhiên và con người của hai nước Việt-Lào mà bất cứ người Việt nào cũng muốn đến một lần. Ngoài cảnh sắc thiên nhiên còn giữ được nhiều nét hoang sơ thì phiên chợ nằm ngay giữa hai đồn biên phòng của hai nước họp vào chủ nhật hằng tuần cũng để lại cho du khách một trải nghiệm hết sức thú vị. Chợ ở đây có bán nhiều đặc sản của địa phương biên giới hai nước Việt-Lào, do bà con hai bên biên giới đến giao thương. Một trong những đặc sản không thể bỏ qua đó là thịt bò Kỳ Sơn và thịt bò Lào. Thịt bò Kỳ Sơn ngon nổi tiếng nhưng thịt bò Xieng Khouang của nước bạn Lào cũng ngon không kém.

Trước khi đến và rời Kỳ Sơn bằng Đường 7 từ Quốc lộ 1, du khách sẽ qua rừng săng lẻ (Tương Dương) với hàng nghìn cây săng lẻ đẹp mộng mơ. Trước đó là Cửa Rào, nơi hai con sông Nậm Nơn và Nậm Mộ hòa vào một để làm nên dòng sông Lam huyền thoại. Cửa Rào không chỉ mang một vẻ đẹp hùng vĩ mà nơi đây còn rất linh thiêng với ngôi đền thờ danh nhân Đoàn Nhữ Hài và lễ hội của đồng bào các dân tộc diễn ra vào mùa xuân hằng năm thu hút hàng nghìn người tham dự. 

Tiếp đó, du khách sẽ được qua “miền Trà Lân trúc chẻ tro bay”, nơi được Nguyễn Trãi đưa vào trong tác phẩm “Bình Ngô đại cáo" bất hủ. Nơi Lê Lợi cùng với nghĩa quân Lam Sơn đánh tan quân Minh ở trận mở đường cho nghĩa quân từ Thanh Hóa tiến vào Nghệ An làm bàn đạp trước khi tiến quân ra Bắc. Ở đây, cảnh sắc hùng vĩ như chính bản hùng ca mãi mãi đi vào lịch sử dân tộc.

Nếu ai chưa một lần đến Kỳ Sơn, chưa đến với miền Tây xứ Nghệ thì nên đến ít nhất một lần. Bởi nơi đây không chỉ được ví là Đà Lạt thứ hai của xứ Nghệ mà còn của miền Trung và cả nước.

Bài và ảnh: PHAN XUÂN HẬU