Lời ca dìu dặt cùng âm nhạc man mác trữ tình của ca khúc "Hồ trên núi" khiến biết bao thế hệ công chúng đắm say suốt hơn nửa thế kỷ nay. Nhưng hồ trên núi trong bài hát ở đâu thì hẳn không phải ai cũng tường tận và không ít người còn nhầm lẫn. Đầu tháng 4-2015, trong một bài viết trên Báo Bắc Giang, tác giả bài hát-nhạc sĩ Phó Đức Phương xác nhận: “Năm 1971, tôi được đạo diễn Khánh Dư mời viết lời bài hát cho bộ phim tài liệu "Sông nước quê hương". Cùng đoàn làm phim lên huyện Lục Ngạn của tỉnh Hà Bắc (trước đây) công tác, chúng tôi tới thăm một số công trình thủy lợi, trong đó có hồ Cấm Sơn. Đi thuyền giữa không gian lồng lộng, sơn thủy hữu tình... và được tiếp xúc với những người lao động hăng say, cảm xúc trong tôi dâng trào thăng hoa thành ca khúc "Hồ trên núi".
Cuối năm 1996, tỉnh Hà Bắc được chia tách thành hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh. Từ TP Bắc Giang, ngược theo Quốc lộ 1A khoảng 60km theo hướng Đông Bắc, gặp Quốc lộ 279 thì rẽ phải thêm chừng dăm ki-lô-mét nữa là đến hồ Cấm Sơn. Đây là công trình đại thủy nông lớn thứ tư của cả nước, xếp sau hồ Dầu Tiếng ở Tây Ninh, hồ Phú Ninh ở Quảng Nam và hồ Kẻ Gỗ ở Hà Tĩnh. Hồ Cấm Sơn thuộc địa bàn 4 xã Sơn Hải, Hộ Đáp, Tân Sơn và Cấm Sơn của huyện Lục Ngạn. Những người cao tuổi ở vùng hồ Cấm Sơn hôm nay còn nhớ rõ câu chuyện xây dựng “hồ trên núi” từ những năm đầu thập niên 60 của thế kỷ trước.
Ngày ấy, đích thân Bộ trưởng Bộ Thủy lợi Hà Kế Tấn trực tiếp lên đây chỉ đạo công việc xây dựng hồ. Đồng bào các dân tộc thuộc 18 bản làng trong khu vực lòng hồ đã được di dời, nhường chỗ cho xe ủi, xe lu... cùng hàng nghìn dân công từ các huyện miền xuôi lên đây, ngày đêm phá núi, đắp đập, ngăn dòng... ròng rã mấy năm liên tục. Năm 1968, công trình thủy lợi hồ Cấm Sơn hoàn thành. Một con đập bằng đất lớn nhất miền Bắc thời đó như bức tường thành sừng sững nối hai bờ khe núi, bắt dòng chảy phải khựng lại, tạo thành một hồ nước bình quân sâu trên 30m. Mặt hồ như tấm gương khổng lồ soi bóng rừng, dáng núi, in áng mây trời... cùng những con thuyền nhẹ nhàng lướt sóng. Một không gian khoáng đạt ùa về trước mặt. Phóng tầm mắt lên hướng Bắc thấy sừng sững ải Chi Lăng lẫm liệt, ngoảnh về phía Tây thấy Xương Giang, Cầm Trạm oai hùng từ thủa bình Ngô. Hồ Cấm Sơn rộng hơn 2.500ha bề mặt, chứa khoảng 300 triệu mét khối nước, đưa dòng chảy hòa cùng hệ thống mương máng tưới tiêu cho hơn 24.000ha đất canh tác thuộc các huyện Lạng Giang, Lục Nam, Yên Dũng và một phần phía Bắc của TP Bắc Giang hiện nay.
Có hồ là có cá tôm sinh sôi. Cá tự nhiên và cá nuôi thả của các hợp tác xã thủy sản. Hồi những năm 70 của thế kỷ 20, hồ Cấm Sơn nổi tiếng về những “giai thoại cá”: Cá trườn lên bờ lăn lóc như lợn con. Bọn trẻ xuống tắm đùa nghịch với cá. Người đi thuyền thỉnh thoảng nghe được tiếng cá kêu dưới nước... Năm 1973, có ngày Hợp tác xã Sơn Hải đánh bắt được hơn 100 tấn cá, có con trắm to nặng hơn 20kg, có con mè hoa nặng gần 50kg... Cái điệp khúc “cá nặng lưới đầy...” trong bài hát "Hồ trên núi" là từ thực tế đó. Và thực tế cũng đã chứng minh hồ Cấm Sơn là môi trường sống thích hợp đối với nhiều loài thủy sản có giá trị cao, như: Tôm càng xanh, cua nước ngọt, cá lăng, cá chiên, cá vược... Đặc biệt, cá tầm khó nuôi, thường thích hợp ở vùng nước lạnh và sâu, nhưng sau nhiều năm chọn lọc và áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện nay loại cá này nuôi ở hồ Cấm Sơn đã đạt trọng lượng từ 3kg đến 4kg, được tiêu thụ rộng rãi trong nước và xuất khẩu.
Không chỉ là một công trình thủy lợi có nhiệm vụ điều tiết, cung cấp nước tưới cho sản xuất nông nghiệp trên một địa bàn rộng lớn của tỉnh Bắc Giang; điều hòa nguồn nước khu vực đầu nguồn sông Thương; phân lũ cho vùng hạ lưu thuộc các huyện Lạng Giang, Yên Dũng và TP Bắc Giang... và là “vựa” tôm cá nước ngọt vùng Đông Bắc, hồ Cấm Sơn còn có tiềm năng du lịch hết sức phong phú và hấp dẫn. Vào mùa khô, lòng hồ hiện ra những bãi bồi ăm ắp phù sa được người dân địa phương tận dụng để trồng ngô và hoa màu đan xen. Mùa mưa, mặt hồ trải rộng với hàng trăm đảo lớn, nhỏ nằm rải rác. Bao quanh hồ là những ngọn núi sừng sững quanh năm xanh thẫm, nhấp nhô, trùng điệp... Vẻ đẹp của trời, mây, non, nước... hòa quyện khiến cảnh quan nơi đây vô cùng thơ mộng và quyến rũ, chẳng khác nào một vịnh Hạ Long thu nhỏ. Vào mỗi buổi sáng sớm hay chiều tà, hàng trăm chiếc thuyền chở hàng hóa tấp nập đi lại trên mặt hồ. Những phiên chợ bán đủ các mặt hàng như chè lam, xôi bảy màu, thịt lợn “cắp nách”, gà đồi, các loại hoa quả... họp ngay trên mặt hồ, tạo nên khung cảnh vô cùng sinh động.
Cùng với cảnh sắc của non nước hữu tình, vùng hồ Cấm Sơn còn chứa đựng một kho tàng văn hóa đặc sắc của cộng đồng các dân tộc Tày, Nùng, Dao, Sán Chỉ... Đến đây, du khách sẽ có dịp chiêm ngưỡng những nếp nhà sàn vương khói lam chiều ẩn hiện sau những triền đồi và rừng cây; được nghe những làn điệu Sli, Shoong-hao đằm thắm; được hòa mình vào các lễ hội truyền thống tiêu biểu của đồng bào các dân tộc địa phương, như: Xuống đồng, cầu mùa, mừng năm mới, mừng nhà mới...
|
|
Mùa vải thiều trên đảo Trung. |
Những năm gần đây, thành công của mô hình “Nông thôn mới vùng trồng cây ăn quả” đã đưa huyện Lục Ngạn trở thành một vùng cây ăn quả tập trung lớn nhất của miền Bắc. Đây là một đề án lớn của huyện triển khai từ đầu năm 2015, với 3 đặc trưng cơ bản của “Nông thôn mới vùng trồng cây ăn quả” là: Chuyên canh các loại cây ăn quả; kiến trúc nhà vườn thân thiện với môi trường; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa địa phương. Theo đó, hàng trăm hòn đảo lớn nhỏ giữa lòng hồ cùng những bản làng ven bên lòng hồ đang trở thành những trang trại vườn cây ăn trái công nghệ cao, mùa nào thức nấy, thu hút khách gần xa về tham quan học tập, ký kết làm ăn, thu mua sản phẩm và tận hưởng các dịch vụ du lịch môi trường sinh thái.
Còn nữa: Cấm Sơn có núi Ba Hòn/Có đoàn du kích đỉnh non diệt thù. Năm 1946, lực lượng vũ trang cách mạng chính quy của huyện Lục Ngạn được thành lập tại cụm núi Ba Hòn. Nơi đây, năm 1947, nhà thơ Thôi Hữu đã viết bài thơ "Lên Cấm Sơn" là một tác phẩm nổi tiếng của dòng văn học kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược: Tôi lên vùng Cấm Sơn/ Đi tìm thăm bộ đội/ Đây bốn bề núi, núi/ Heo hút vắng tăm người... Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, lòng hồ Cấm Sơn trở thành “bãi đáp” lý tưởng của các phi công Mỹ khi máy bay của họ bị bắn rơi trên bầu trời vùng Đông Bắc. Trong 4 năm, từ 1965 đến 1968, riêng quân và dân xã Sơn Hải đã bắt sống 7 phi công Mỹ. Bức ảnh nổi tiếng chụp cảnh dân quân áp giải viên phi công tù binh còn nguyên quần áo bay ngồi trên xe bò cho trâu kéo, với lời chú thích hài hước “Thần Sấm ngồi xe bò”, chính là chụp ở xã Hải Sơn mùa hè năm 1967.
Đất, nước và con người ở vùng hồ Cấm Sơn còn biết bao cảnh sắc, huyền tích, sự kiện và sản vật... hấp dẫn mời gọi du khách gần xa về chiêm bái, thưởng thức, trải nghiệm.
Bài và ảnh: TUYÊN HÓA