Tôi đã có thời gian làm trong ngành và cũng từng theo đoàn xiếc ra nước ngoài biểu diễn nên am hiểu chút ít về lĩnh vực này. Đối với thế giới, xiếc là một loại hình nghệ thuật biểu diễn tổng hợp có từ khá lâu và rất lôi cuốn, thu hút khán giả, nhất là giới trẻ. Bởi ngôn ngữ của xiếc là những hình tượng nghệ thuật được hình thành, phát triển từ thực tế cuộc sống thông qua các trò chơi dân gian, lễ hội truyền thống, nghi thức tín ngưỡng, tôn giáo và các hoạt động sản xuất, đấu tranh sinh tồn, sinh hoạt văn hóa cộng đồng...

Nghiên cứu về biểu diễn xiếc, ngoài đặc trưng cơ bản thu hút nêu trên thì thấy nó còn có những đặc trưng mang tính trung tâm làm lên sự quyến rũ với đông đảo khán giả và được khán giả yêu mến. Đó là nghệ sĩ biểu diễn các động tác kỹ xảo, những hành động phi thường mà trong đó sức mạnh, lòng dũng cảm của người nghệ sĩ đã nói lên khả năng kỳ diệu của con người. Ví dụ, động tác tung hứng trên cao hoặc tung hứng trên ván trượt con lăn chẳng hạn. Người nghệ sĩ có thể đứng trên vai, trên đầu 2 hoặc 3 người xếp chồng để thực hiện các động tác tung hứng nhiều đồ vật cùng lúc trong điều kiện phải giữ thăng bằng. Hay như những màn biểu diễn với thú, với chim và cả với sinh vật biển hết sức lý thú mà người thường không thể làm được.

leftcenterrightdel

Một tiết mục xiếc Việt được xây dựng theo phong cách mới nhằm tăng tính nghệ thuật trong biểu diễn. Ảnh: TRANG THU 

Tiếp đó, vì có chung ngôn ngữ nghệ thuật nên xiếc có tính quốc tế cao. Thực tế cho thấy, dù bạn là người của quốc gia, dân tộc nào, là người có trình độ học vấn cao hay người lao động phổ thông với mọi lứa tuổi khác nhau, thì khi xem xiếc vẫn hiểu và cảm nhận được cái hay, cái khó, cái đẹp trong từng động tác của diễn viên.

Thực tế cũng cho thấy, tuy có chung ngôn ngữ, song cách tổ chức xây dựng tiết mục và chương trình, cách tổ chức biểu diễn của các đoàn xiếc ở mỗi quốc gia, mỗi dân tộc lại thể hiện rất khác nhau vì phụ thuộc vào văn hóa đặc thù. Ngày nay, với sự hỗ trợ của phương tiện kỹ thuật và công nghệ sân khấu như trang phục, âm thanh, ánh sáng... thì kỹ xảo biểu diễn xiếc ngày càng được cải tiến, làm nảy sinh những ý tưởng sáng tạo mới, đưa nghệ thuật xiếc phát triển đa dạng và phong phú, làm giàu kho tàng văn hóa của mỗi nước, đáp ứng nhu cầu, đòi hỏi ngày một cao của công chúng khán giả.

Xiếc Việt Nam đã có lịch sử phát triển hơn 100 năm và bắt nhịp được với xu thế phát triển của thế giới. Cột mốc đáng nhớ nhất của xiếc Việt là vào năm 1992 khi khánh thành Rạp xiếc Trung ương, sau 8 năm thi công. Từ đây mở ra thời kỳ phát triển rực rỡ của xiếc Việt.

Tham khảo các chuyên gia trong ngành thì nhận thấy, đến nay, xiếc Việt Nam đã có đầy đủ các bộ môn: Nhào lộn, tung hứng, đu trên cao, thăng bằng, ảo thuật, hề, các tiết mục tạp kỹ, xiếc thú... và bước đầu thử nghiệm, dàn dựng một số chương trình xiếc theo chủ đề với phong cách hiện đại nhưng trên chất liệu văn hóa truyền thống Việt Nam.

Cũng theo một số chuyên gia mà tôi từng có thời gian cùng làm việc thì thấy, một trong những sáng tạo của xiếc Việt những năm gần đây là việc dàn dựng các tiết mục theo kịch bản dựa trên những câu chuyện quen thuộc với nhiều người, nhiều lứa tuổi, như: “Thạch Sanh”, “Sơn Tinh - Thủy Tinh”, “Đám cưới chuột”, “Alibaba và những tên cướp”... rất được yêu thích, nhất là thiếu nhi. Những chương trình đậm tính nghệ thuật như: “Làng tôi” và “Sông Trăng”... đã làm rạng danh xiếc Việt trên các sân khấu quốc tế và góp phần vào quảng bá văn hóa, hình ảnh của Việt Nam với thế giới. Nhiều nghệ sĩ xiếc đã đạt được các danh hiệu danh giá của Nhà nước như Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú.

Trên bản đồ nghệ thuật xiếc thế giới, xiếc Việt Nam tỏa sáng ở những sân khấu lớn cùng các nước bạn có nền nghệ thuật xiếc lâu đời bậc nhất như: Trung Quốc, Nga, Tây Ban Nha... Bằng chứng là khi tham dự các festival nghệ thuật xiếc tại các quốc gia phát triển, xiếc Việt Nam luôn có vị thế và chỗ đứng. Điển hình là tiết mục nhào lộn trên không mang tên “Cánh chim Việt” do Ngọc Ánh và Thu Thùy (Trường Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam) biểu diễn đã xuất sắc đoạt giải thưởng cao nhất tại Liên hoan Xiếc quốc tế Circuba tại thủ đô La Habana (Cuba) năm 2017. Gần đây nhất, tiết mục “Đu son” do nghệ sĩ Phạm Thị Hướng và Trương Hồng Thúy biểu diễn đã được trao giải vàng tại Liên hoan quốc tế “Công chúa xiếc” và tiết mục “Đế kiếm đu dây lụa” do nghệ sĩ trẻ Khánh Huyền biểu diễn được trao giải ngựa đồng tại Liên hoan Xiếc quốc tế “Không biên giới”.

Hiện nay, cũng như các loại hình nghệ thuật truyền thống khác, xiếc đang bị cạnh tranh gay gắt bởi truyền hình thực tế và các loại hình nghệ thuật biểu diễn cũng như nội dung giải trí được tích hợp trên nền tảng số hoặc là các sản phẩm du lịch. Do đặc điểm cần có không gian biểu diễn riêng, đạo cụ cồng kềnh, nên xiếc khó có thể linh hoạt di chuyển để biểu diễn như các loại hình nghệ thuật khác. Nếu tổ chức linh hoạt thì chương trình xiếc cũng chỉ đạt được yếu tố biểu diễn chứ khó đạt được tiêu chí nghệ thuật.

Hơn nữa, đại bộ phận nhân dân nước ta có tư duy biểu diễn xiếc là phục vụ thiếu nhi nên số người đến xem xiếc bị hạn chế. Một vài cơ quan, doanh nghiệp có điều kiện thì mời nghệ sĩ xiếc biểu diễn phục vụ các cháu dịp Tết thiếu nhi (1-6). Các chương trình nghệ thuật hoặc văn nghệ chào mừng các sự kiện của tổ chức, cá nhân ở các quy mô lớn nhỏ khác nhau hầu như không có xiếc tham gia. Điều này được xem là một sự phân biệt đối xử khiến xiếc Việt thêm nguy cơ bị lép vế.

Bên cạnh đó, việc đầu tư cho ngành xiếc cũng rất hãn hữu. Ví dụ, so với Liên đoàn Xiếc Việt Nam thì Nhà hát Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Hà Nội khó khăn hơn nhiều bởi đây là đơn vị “hai không, ba thiếu” (không có rạp, không có ô tô, thiếu nhân sự biểu diễn, thiếu kinh phí dàn dựng, thiếu cơ chế hỗ trợ).

Biểu diễn xiếc là nghề rất đặc thù. Đó là nghề đòi hỏi sức khỏe, sự dẻo dai và chăm chỉ tập luyện. Cũng vì điều này mà nghệ sĩ xiếc thường có tuổi nghề ngắn hơn rất nhiều so với các ngành, nghề khác trong xã hội. Cạnh đó, nghề xiếc dù là khi luyện tập hay biểu diễn đều tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn rất lớn. Không ít nghệ sĩ xiếc đã phải rời bỏ đam mê vì tai nạn trong biểu diễn hoặc luyện tập. 

Nhưng có một nguyên nhân rất cơ bản và chi phối đến hiện tượng hơn 20% nghệ sĩ xiếc bỏ việc trong năm đó là thu nhập. Thực tế cho thấy, thu nhập từ diễn xiếc không bảo đảm được nhu cầu cuộc sống đã khiến nhiều nghệ sĩ trẻ không đủ dũng cảm để theo đuổi đam mê. Họ từ bỏ ánh đèn sâu khấu đi tìm việc mới để có thu nhập tốt hơn.

Cũng qua những người bạn và một số chuyên gia trong ngành xiếc, tôi biết được khó khăn cho xiếc Việt còn hiển diện ở khâu tuyển đầu vào. Suốt nhiều năm qua, việc tuyển học viên đào tạo ở Trường Trung cấp Nghệ thuật xiếc và Tạp kỹ Việt Nam đều gặp khó khăn vì học viên không vượt qua được thử thách khắc nghiệt để theo đuổi mơ ước. Bên cạnh đó, tình trạng một số công ty giải trí, tổ chức sự kiện tìm mọi cách “chèo kéo” diễn viên xiếc bằng việc trả thù lao hậu hĩnh khiến xiếc Việt gặp không ít khó khăn về đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng nhân lực.

Các chuyên gia nghiên cứu về xiếc nhận định, dù các cơ quan trong ngành xiếc đang tìm mọi cách đổi mới, thích nghi với điều kiện và thị hiếu công chúng; dù việc xây dựng chương trình xiếc đã chú trọng nhiều đến tính nghệ thuật; dù các cơ chế về đào tạo, bồi dưỡng cũng như tiền lương cho nghệ sĩ cũng đã được tính đến nhưng việc áp dụng thì cần có thời gian.

Những điều này khiến những người yêu xiếc, tâm huyết với sự phát triển của xiếc Việt không khỏi băn khoăn, trăn trở.

THU HUYỀN