Điện ảnh cách mạng Việt Nam là nền điện ảnh non trẻ, so với điện ảnh thế giới. Đến năm 1959, “Chung một dòng sông” (đạo diễn Nguyễn Hồng Nghi, Phạm Kỳ Nam) mới là bộ phim truyện điện ảnh đầu tiên của Việt Nam. Do đó, thời kỳ đầu điện ảnh nước ta chưa có đạo diễn nữ như các nước trên thế giới. Tuy nhiên, nhìn lại lịch sử điện ảnh Việt Nam, chúng ta vẫn cần ghi nhận sự thành công vượt trội của một số đạo diễn nữ, như: Bạch Diệp, Đức Hoàn, Việt Linh, Nhuệ Giang... Dẫu chỉ là số ít, song các nữ đạo diễn này đều tạo dấu ấn đặc biệt khiến giới chuyên môn nể phục khi được trao tặng nhiều giải thưởng điện ảnh cũng như sự tán thưởng của khán giả.
    |
 |
Đạo diễn, NSND Bạch Diệp (1929-2013) - nữ đạo diễn đầu tiên của điện ảnh Việt Nam. Ảnh tư liệu
|
Từ khi bắt đầu điện ảnh cách mạng năm 1953, số lượng nữ đạo diễn đã hiếm, mà nữ đạo diễn thành danh, có phong cách sáng tác rõ nét lại càng ít hơn. Mặc dù các nữ đạo diễn chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ nhưng họ đã tạo nên một tiếng nói khác trong điện ảnh Việt Nam. Có thể kể đến những nữ đạo diễn tiêu biểu của điện ảnh Việt Nam thời kỳ chiến tranh và hậu chiến, như: Bạch Diệp với các bộ phim “Ngày lễ Thánh”, “Huyền thoại mẹ”, “Kẻ không cầu may”, “Hoa ban đỏ”; Đức Hoàn với các bộ phim: “Hà Nội mùa chim làm tổ”, “Khách ở quê ra”, “Chuyện tình bên dòng sông”... Các bộ phim của họ thường tập trung xây dựng hình tượng người phụ nữ trong bối cảnh chiến tranh chống Mỹ hoặc ở hậu phương vừa kháng chiến vừa sản xuất, hay trong những năm tháng sau chiến tranh với những di chứng nặng nề, những vết thương chưa lành. Họ thường thể hiện vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam vừa nữ tính, nhân hậu, giàu đức hy sinh nhưng cũng vừa mạnh mẽ, nghị lực, kiên cường trong chiến đấu và đảm đang, tích cực trong lao động, sản xuất. Cách thể hiện nghệ thuật thiên về phong cách hiện thực-tâm lý, mang đậm tính chính luận và triết lý nhân sinh; cái tôi cá nhân vẫn không tách rời cái chung của tập thể, của dân tộc. Đúng như nhà nghiên cứu Alessandra Chiricosta từng viết: “Ý thức nữ quyền gắn liền với ý thức dân tộc, ý thức giới gắn liền với ý thức cộng đồng, tinh thần giải phóng giới gắn liền với tinh thần giải phóng đất nước thoát khỏi ách thống trị của quân xâm lược, ý thức hệ về giới gắn liền với ý thức hệ vô sản, diễn tiến dưới sự ảnh hưởng của tư tưởng Marxist và tư tưởng thế giới đại đồng, xóa bỏ sự phân biệt giai cấp”.
Sang thời kỳ đổi mới và mở cửa, những đạo diễn nữ như Việt Linh, Nhuệ Giang đã bộc lộ sự chuyển biến trong tư tưởng và phong cách thể hiện. Họ sáng tạo nên những nhân vật nữ vượt lên trên ràng buộc của hoàn cảnh, tự tạo ra những bước ngoặt để đưa cuộc đời mình chủ động rẽ sang một hướng khác. Những nhân vật nữ dám sống hết mình, dấn thân, cuồng si trong tình yêu dù phải trả những cái giá đắt như cô giáo Giao, cô giáo Minh trong phim “Thung lũng hoang vắng” hay Lan trong phim “Tâm hồn mẹ”-hai bộ phim của nữ đạo diễn Phạm Nhuệ Giang. Trong hai bộ phim này, những nhân vật nữ là những người chủ động đi tìm và bày tỏ tình yêu một cách táo bạo, mãnh liệt, thậm chí có phần cực đoan, khác với những nguyên tắc ứng xử thông thường. Chính cách thể hiện nhân vật nữ mạnh mẽ, táo bạo và phá vỡ hình mẫu trước đây đã góp phần làm thay đổi quan điểm thẩm mỹ-đạo đức, thay đổi những định kiến về giới trong điện ảnh và xã hội đương đại.
Quan điểm ấy còn bắt gặp trong phim của các nữ đạo diễn khác như “Dấu ấn của quỷ” (đạo diễn Việt Linh), “Hạt mưa rơi bao lâu” (đạo diễn Đoàn Minh Phượng-Đoàn Thành Nghĩa), “Vợ Ba” (đạo diễn Nguyễn Phương Anh), “Miền ký ức” (đạo diễn Bùi Kim Quy)... Đó có thể coi là biểu hiện của ý thức giải phóng phụ nữ. Các bộ phim của đạo diễn nữ không chỉ thể hiện bản năng thiên tính nữ mà còn nhìn nhận các vấn đề xã hội, văn hóa, con người dưới góc nhìn nữ giới với những góc độ, chiều kích nhân bản.
    |
 |
Đạo diễn Phạm Nhuệ Giang (bên phải) trao đổi với diễn viên Hồng Ánh tại trường quay phim “Tâm hồn mẹ”. Ảnh tư liệu |
Phong trào làm phim nữ quyền trên thế giới cũng có tác động lớn, góp phần thay đổi nhận thức và cách biểu hiện nghệ thuật của các đạo diễn nữ trong điện ảnh Việt Nam những năm gần đây. Hòa nhập với trào lưu phát triển của điện ảnh thế giới, điện ảnh Việt Nam hôm nay đã có những thay đổi đáng kể. Những thay đổi này không chỉ ở cách chọn lựa đề tài, thể loại phim, ở cách xây dựng hình tượng nhân vật nữ trong phim, mà còn là sự tham gia một cách mạnh mẽ, ở nhiều lĩnh vực trong công đoạn và quy trình thực hiện các bộ phim điện ảnh Việt Nam của các tác giả nữ. Trong khoảng hai thập niên gần đây, điện ảnh Việt xuất hiện một thế hệ đạo diễn nữ với những tên tuổi đáng chú ý, như: Đặng Thái Huyền, Nguyễn Hoàng Điệp, Bùi Kim Quy, Síu Phạm, Hồng Ánh, Ngô Thanh Vân, Kathy Uyên, Nguyễn Phương Anh...
Đến giai đoạn toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện nay, đáng chú ý là một xu hướng làm phim của đạo diễn nữ không quá đi sâu vào vấn đề nữ quyền như một sự phản kháng, đối chọi lại với tư tưởng nam quyền, gia trưởng mà chuyển sang đối thoại một cách bình đẳng, cởi mở và tự do sáng tạo. Các đạo diễn nữ càng ngày càng tỏ ra sáng suốt và bình tĩnh hơn trước vấn đề thoát khỏi những ràng buộc phái tính và dục tính để suy nghĩ đến những điều rất bình thường trong cuộc sống: Những ý nghĩa về bản thân, hạnh phúc, gia đình, phái tính, trách nhiệm, tình yêu, chiến tranh, tự do, đạo đức... Có thể kể đến các nữ đạo diễn trẻ những năm gần đây với những phim khá ấn tượng như: Đặng Thái Huyền (các phim “Người trở về”, “Nơi ta không thuộc về”), Nguyễn Hoàng Điệp (phim “Đập cánh giữa không trung”), Bùi Kim Quy (phim “Người truyền giống”, “Miền ký ức”). Một nữ đạo diễn tuy không trẻ về tuổi đời là Síu Phạm với phong cách làm phim thể nghiệm mới mẻ, khác lạ, đem đến góc nhìn mới cho điện ảnh nữ đương đại.
    |
 |
Đạo diễn của Điện ảnh Quân đội nhân dân Đặng Thái Huyền. Ảnh do nhân vật cung cấp |
Phim của các đạo diễn nữ Việt Nam đi sâu vào những thân phận người trong từng biến động của đất nước, của thời cuộc bằng trái tim, hơi thở và sự đồng cảm ngọt ngào. Trong đó, dĩ nhiên không thể thiếu những-thân-phận phụ nữ, nhiều cảnh đời, nhiều hoàn cảnh, nhiều bi kịch... Dù chỉ là dừng chân ghé qua hay đau đáu cả một đời thì phim ảnh, tham vọng kể một câu chuyện đượm thiên tính nữ bằng những thước phim chưa bao giờ cạn trong trái tim các thục nữ trót mê nghiệp đạo diễn. Tư tưởng và phong cách sáng tác của các đạo diễn nữ theo tiến trình phát triển của lịch sử điện ảnh Việt Nam cũng như tác động của các yếu tố văn hóa thời đại đã cho thấy sự biến đổi theo mạch từ nữ tính đến nữ quyền và hiện nay là xu hướng điện ảnh nữ mang tính đối thoại, bình đẳng.
HOÀNG DẠ VŨ