Đến ngôi chợ trung tâm nhiều năm tuổi ở TP Đà Lạt (Lâm Đồng), chúng tôi rất ấn tượng với bảng khẩu hiệu lớn “Giữ gìn và phát huy phong cách người Đà Lạt “hiền hòa, thanh lịch, mến khách” được đặt chính diện ở phía trước. Chợ Đà Lạt vừa là địa chỉ giao thương tấp nập của địa phương, vừa thu hút đông đảo du khách đến tham quan, mua sắm. Đi một vòng khu vực chợ, chúng tôi nhận thấy các quầy hàng đều bố trí, sắp xếp gọn gàng, cùng những lời mời chào mua hàng cởi mở, thân thiện. Nhiều quầy hàng được gắn biển “Quầy hàng phong cách người Đà Lạt” tạo nên nét văn hóa rất riêng. Hệ thống loa phát thanh, các bảng đèn LED cỡ lớn thường xuyên tuyên truyền về việc các tiểu thương thực hiện phong cách người Đà Lạt, buôn bán giữ uy tín, cư xử nhã nhặn, văn minh...

Là một trong những tiểu thương được thí điểm đầu tiên mô hình kinh doanh “Quầy hàng phong cách người Đà Lạt”, bà Nguyễn Thị Tuyết cho biết: "Các tiểu thương ngành hàng đặc sản tại chợ rất hưởng ứng phong trào này vì mong muốn góp phần phát huy hình ảnh, văn hóa tốt đẹp của người Đà Lạt đến với du khách. Với cách làm trên, mỗi tiểu thương là một cầu nối, đại sứ về văn hóa, du lịch mang đến cho du khách cảm nhận sâu sắc hơn về văn hóa người Đà Lạt. Để làm được điều đó, các quầy hàng nêu cao văn hóa cạnh tranh lành mạnh bằng chất lượng sản phẩm, dịch vụ, giá cả hợp lý và sự nồng hậu với du khách”.

 Hoa tươi là ngành hàng đặc sản được tiên phong thí điểm về kinh doanh “Quầy hàng phong cách người Đà Lạt” tại chợ Đà Lạt. Ban Quản lý chợ tổ chức cho các tiểu thương tại chợ ký cam kết thực hiện những quy định về kinh doanh hàng hóa, văn minh thương mại gắn với “Quy tắc ứng xử văn hóa người Đà Lạt”. Ông Nguyễn Minh Thiện, Trưởng ban Quản lý chợ Đà Lạt chia sẻ: “Điều rất phấn khởi là phong trào đã tạo được sự chuyển biến rõ nét trong ý thức của tiểu thương về giữ gìn và phát huy phong cách người Đà Lạt “hiền hòa, thanh lịch, mến khách” đề cao chữ tín, chữ tâm, tạo nên nét đẹp trong văn hóa ứng xử giữa người mua với người bán. Cuối năm 2022 vừa qua, đã có hơn 97% quầy hàng đặc sản và hơn 92% quầy hàng hoa của chợ đạt chuẩn quầy hàng theo phong cách người Đà Lạt. Chúng tôi sẽ nhân rộng mô hình ra các ngành hàng khác”.

Những ai từng đến với TP Đà Lạt, đều dễ dàng nhận ra sự hấp dẫn từ cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, cùng những con người hiền hòa, thanh lịch, mến khách. Nét riêng có của người Đà Lạt từ cách ăn mặc kín đáo, thanh lịch đến phong thái ăn nói nhẹ nhàng, lịch sự, điềm đạm, tạo nên giá trị đặc trưng của một đô thị du lịch. Phong cách đó trở thành hệ thống giá trị chung trong hành vi ứng xử, không gian gia đình, kinh doanh dịch vụ, hoạt động cộng đồng. Từ tháng 4-2022, UBND TP Đà Lạt ban hành bộ “Quy tắc ứng xử văn hóa người Đà Lạt” đến các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học, cộng đồng dân cư... với 9 nhóm đối tượng chủ yếu nhằm cụ thể hóa việc giữ gìn và phát huy phong cách người Đà Lạt.

leftcenterrightdel

Dịch vụ xe ngựa đưa du khách tham quan quanh hồ Xuân Hương, TP Đà Lạt , tỉnh Lâm Đồng. 

Thực hiện bộ “Quy tắc ứng xử văn hóa người Đà Lạt”, các phường, xã đều lựa chọn mô hình kinh doanh, lưu trú du lịch, nhà hàng, ăn uống, dịch vụ thương mại để triển khai thí điểm. Đồng thời, đã cụ thể hóa thiết kế nội dung quy tắc ứng xử thành các hình ảnh tuyên truyền dễ hiểu, dễ nhận biết, tích hợp nội dung quy tắc ứng xử vào mã QR đọc bằng giọng nói người Đà Lạt, để giúp mọi người tiếp cận dễ hơn...

Là địa bàn trọng điểm của phường 5, TP Đà Lạt, với nhiều cơ sở lưu trú, khách sạn lớn, nhưng tổ dân phố Hải Thượng luôn là điểm sáng về văn hóa, kiểu mẫu của địa phương. Đồng chí Lê Giáp Minh, Bí thư chi bộ tổ dân phố bày tỏ: “Quy tắc ứng xử văn hóa người Đà Lạt” không phải là khẩu hiệu suông mà với chúng tôi đi vào từng con người, gia đình cụ thể. Người Đà Lạt yêu thiên nhiên, nói lời hay ý đẹp, hòa đồng, giúp đỡ lẫn nhau và nhiệt tình với du khách là những điều hiện hữu ngay trong sinh hoạt, cuộc sống ở khu dân cư. Từ đó, mỗi người, mỗi nhà tự trau dồi lẫn nhau, cùng phát huy bản sắc văn hóa vốn có là đã đưa quy tắc ứng xử đi vào cuộc sống”.

Không chỉ tuyên truyền cách ứng xử văn hóa trong giới tiểu thương, TP Đà Lạt còn thí điểm xây dựng trường học phong cách người Đà Lạt theo các cấp học tại Trường Tiểu học Lê Quý Đôn, Trường THCS Lam Sơn, Trường THPT chuyên Thăng Long, Trường Đại học Đà Lạt...

Chia sẻ về cách làm của địa phương, đồng chí Nguyễn Như Việt, Chủ tịch UBND phường 5, TP Đà Lạt cho biết: “Chúng tôi triển khai thực hiện các quy tắc ứng xử văn hóa người Đà Lạt trên tinh thần người thật, làm thật. Chúng tôi xác định, đây là trách nhiệm cũng là thương hiệu, niềm tự hào của mỗi công dân đang sống và làm việc ở thành phố, nhất là đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Việc thực hiện các quy tắc ứng xử văn hóa người Đà Lạt đã tạo nên văn hóa và phong cách làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức: Cởi mở, thân thiện, tận tụy, hiệu quả. Trong những tháng đầu năm 2023, chỉ số hài lòng của người dân đối với dịch vụ hành chính công đạt tại phường 5 đạt 99%”.

TP Đà Lạt là trung tâm tổ chức sự kiện, lễ hội lớn của tỉnh Lâm Đồng và khu vực Nam Tây Nguyên. Hiện nay, UBND TP Đà Lạt đang lập hồ sơ đề nghị công nhận TP Đà Lạt là thành phố di sản; đồng thời, phấn đấu tham gia vào mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO trong lĩnh vực âm nhạc. Điều đó càng đòi hỏi việc giữ gìn, phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của phong cách, văn hóa người Đà Lạt trở thành điểm nhấn cốt lõi để không ngừng nâng cao hình ảnh và sự hấp dẫn của Đà Lạt, thúc đẩy phát triển kinh tế, tăng thu nhập cho người dân.

Giữ gìn và phát huy phong cách người Đà Lạt không chỉ là khẩu hiệu mà đang được duy trì có nền nếp, thường xuyên, liên tục và linh hoạt phù hợp với tình hình thực tế của từng cơ quan, đơn vị, địa phương. Từ đó, từng bước xây dựng, hình thành những chuẩn mực văn hóa, nhằm điều chỉnh lời nói, thái độ, hành vi của cá nhân, tổ chức trong hoạt động giao tiếp, ứng xử, kinh doanh, buôn bán trên địa bàn thành phố. Đây là nền tảng quan trọng để xây dựng TP Đà Lạt trở thành đô thị ngày càng văn minh, hiện đại, giàu bản sắc văn hóa, phát triển bền vững.

Bài và ảnh: HỒNG GIANG