Bầu trời cao xanh, nắng vàng rực rỡ và gió nồng nàn thổi suốt ngày đêm. Theo bước chân của cơn gió đi hoang, đất trời như vào mùa vũ hội. Cỏ cây lay động, ngả nghiêng, quấn quýt. Thỉnh thoảng, gió cuốn bụi đất lên thành những vệt đỏ, nhảy múa trên nền trời xanh biếc rồi nhanh chóng tan biến như một ảo ảnh. Lá và gió hợp xướng, cất lên thứ âm nhạc khi khoan khi nhặt, vừa rõ ràng, vừa mơ hồ, xa vắng...
|
|
Cây hồng-sứ giả của mùa thu Đà Lạt.
|
Trên đường phố, hàng thông vẫn xanh nhưng rặng mai anh đào đã chuyển màu. Từng chiếc lá hình trái tim bắt đầu ngả vàng, dần lìa cành, làm trơ ra những nhánh khẳng khiu, đợi xuân về tái sinh trong hình hài mới. Không còn những cơn mưa kéo theo dòng nước pha bùn ba-zan màu đỏ, mặt hồ trở nên phẳng lặng, xanh trong. Phía ngoại ô, trên những triền đồi, những đóa cúc quỳ bắt đầu khoe sắc, báo hiệu mùa vàng rực rỡ nhất trong năm của cao nguyên sắp bắt đầu.
Nhưng bức tranh mùa thu Đà Lạt vẫn chưa trọn vẹn nếu thiếu đi vị sứ giả quan trọng nhất. Đó là cây hồng, loài cây gắn liền với lịch sử canh nông Đà Lạt, tạo nên cảnh sắc, hương vị đặc trưng của mùa thu, khiến lữ khách mê đắm và làm cho những người con Đà Lạt tha hương thêm khắc khoải nỗi nhớ quê hương.
Cây hồng được nông dân Đà Lạt trồng từ lâu với nhiều giống khác nhau như hồng trứng, hồng vuông, hồng chín nên, hồng Fuji (Nhật Bản)... Hiện nay, dù quá trình đô thị hóa khiến diện tích hồng bị giảm mạnh nhưng tại các phường 10, phường 3 và các xã ngoại thành Đà Lạt như Xuân Trường, Xuân Thọ, Trạm Hành, loài cây ăn quả này vẫn hiện diện với số lượng lớn.
Hồng là loài cây báo mùa, khi quan sát quá trình sinh trưởng của nó, người ta có thể cảm nhận được sự trôi chảy của thời gian. Mùa đông, cây hồng rụng lá, nhìn như bộ xương khô, ngủ vùi qua mùa gió lạnh. Mùa xuân tới, thân cây bật lên chi chít chồi non mập mạp. Rất nhanh, những chồi non vươn dài, mọc ra từng phiến lá tròn, xanh như ngọc. Trong suốt mùa hè, cây hồng giấu quả trong những tầng lá sum sê, màu của trái lẫn vào màu của lá. Chỉ đến cuối thu, khi những chiếc lá ngả màu, bắt đầu rụng xuống, để lộ ra chi chít những trái hồng lúc lỉu, căng mọng, chuyển dần từ màu vàng sang màu đỏ khiến cho lòng người cũng rạo rực, hân hoan.
Hồng là thứ trái cây đa dụng, có thể ăn tươi, sấy khô hoặc làm mứt. Mỗi kiểu chế biến, mỗi cách ăn đều cho hương vị độc đáo. Vài năm trở lại đây, người Đà Lạt áp dụng công nghệ hồng sấy gió kiểu Nhật Bản, một số cơ sở còn chế biến vỏ quả hồng thành trà hoặc chiết xuất các hoạt chất quý phục vụ cho ngành dược phẩm và mỹ phẩm. Từ một thức quà bình dân, hồng Đà Lạt được nâng tầm trở thành đặc sản cao cấp, mang lại giá trị kinh tế cao.
Không chỉ là thứ thời trân của mùa thu, vẻ đẹp của cây hồng trong tiết tháng mười khiến cho lữ khách không thể hững hờ. Trong sắc nắng vàng như rải mật, cây hồng trút lá, chỉ còn lại những chùm quả trĩu trịt trên cành, mỗi trái đều căng mọng, đỏ rực khiến cảnh vật hiện lên thật thơ mộng, đẹp như một bức tranh phương Đông thời cổ đại. Đến với Đà Lạt mùa thu, ăn một quả hồng hoặc chụp vài kiểu ảnh với vườn hồng chín đỏ, du khách có cảm giác như gói được cả mùa thu Đà Lạt mang về nhà.
Mùa thu Đà Lạt luôn nhớ thương là thế!
Bài và ảnh: VŨ ĐÌNH ĐÔNG