Mô hình gia đình truyền thống đa thế hệ của người Việt trong lịch sử gắn chặt với văn hóa nông nghiệp lúa nước, gắn chặt với sự phát triển làng xã và công cuộc trị thủy, khai phá thiên nhiên, mở đất cùng công cuộc chống giặc ngoại xâm, chịu sự chi phối của tư tưởng Khổng giáo với quan điểm “tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. Mô hình gia đình ấy đã tồn tại trong xã hội Việt Nam hàng thế kỷ và góp phần quan trọng xây dựng nền văn hóa Việt Nam.

Đặc trưng cơ bản nhất trong mô hình gia đình tam đại, tứ đại đồng đường truyền thống là đàn ông làm chủ và có quyền uy cắt đặt mọi việc. Mô hình gia đình này mang nặng lễ nghi Nho giáo, nền nếp gia phong, thờ cúng tổ tiên và không tách rời chuẩn mực đạo đức xã hội, hương ước làng xã. Họ coi trọng chữ “phúc” nên có thể lấy nhiều vợ, sinh con đàn cháu đống. Con cái phải tuyệt đối nghe lời cha mẹ. Những việc trọng đại như kết hôn được cha mẹ sắp đặt theo kiểu “cha mẹ đặt đâu con ngồi đó”. Nếu con cái không nghe lời, hoặc có tư tưởng khác với ý của cha mẹ thì sẽ bị quy là bất hiếu. Phụ nữ trong gia đình truyền thống là thứ yếu và phải tuyệt đối phục tùng chồng “tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu”. Những trường hợp chung sống không hạnh phúc cũng không được ly hôn. Điều này được thể hiện nhiều trong các câu ca dao, tục ngữ của người Việt: “Chồng sang vợ được đi giày/ Vợ sang chồng được ghé ngày cậy trông”; “Chồng sang đi võng đầu rồng/ Chồng hèn gánh nặng đè còng cả lưng”...

leftcenterrightdel

Minh họa phủi bụi trong gia đình hạt nhân: PHẠM HÀ 

Ưu điểm của mô hình gia đình truyền thống là tính bền vững cao. Những nghi lễ trong gia đình thường được người trước truyền dạy cho đời sau theo hình thức truyền miệng là chủ yếu. Vì vậy, gia đình truyền thống trọng lễ nghĩa, thường răn dạy các thế hệ hậu sinh những nét văn hóa truyền thống tốt đẹp ngay tuổi đầu đời. Hình ảnh ông bà, cha mẹ, con cháu quây quần, hạnh phúc trong mái ấm gia đình trở thành niềm cảm hứng lớn lao và ghi đậm trong văn học truyền miệng: “Anh em nào phải người xa/ Cùng chung bác mẹ, một nhà cùng thân/ Yêu nhau như thể tay chân/ Anh em hòa thuận, hai thân vui vầy”.

Mấy chục năm trở lại đây, do sự phát triển của xã hội, mô hình gia đình hạt nhân hình thành, phát triển và ngày càng chiếm ưu thế. Hiện nay, ngay cả ở khu vực nông thôn vốn được coi là địa hạt của gia đình truyền thống thì gia đình hạt nhân vẫn chiếm tỷ lệ cao. Đặc điểm của gia đình hạt nhân là chỉ hai thế hệ sinh sống và có ít con. Đặc trưng dễ thấy trong mô hình gia đình này là tính dân chủ được đề cao, mọi thành viên trong gia đình đều bình đẳng, vai trò của phụ nữ được tôn trọng, khẳng định. Người đàn ông trong gia đình hạt nhân chia sẻ việc nhà với phụ nữ nhiều hơn và tính gia trưởng ít đi so với mô hình gia đình truyền thống.  

Một trong những đặc điểm khá nổi bật và phổ biến trong gia đình hạt nhân là cha mẹ và con cái gần gũi, có thể trao đổi, trò chuyện như những “người bạn” mà không còn quá câu nệ. Cha mẹ tôn trọng quyết định của con, từ việc học gì, làm việc thế nào đến những chuyện trọng đại như kết hôn. Những chuẩn mực đạo đức trong mô hình gia đình hạt nhân vẫn được kế thừa từ gia đình truyền thống. Con cái vẫn phải hiếu kính với cha mẹ, cha mẹ có trách nhiệm nuôi dưỡng con cái, mọi người trong gia đình yêu thương, đùm bọc nhau.

Tuy nhiên, nhược điểm của mô hình gia đình hạt nhân là kém bền vững so với mô hình gia đình truyền thống. Bằng chứng là, tỷ lệ ly hôn của gia đình hạt nhân có xu hướng tăng theo hằng năm. Không chỉ ở khu vực thành thị mà ngay cả vùng nông thôn, tỷ lệ ly hôn của gia đình hạt nhân cũng có xu hướng tăng mạnh, nhất là những cặp vợ chồng kết hôn dưới 10 năm. Hiện tượng ly hôn gây ra không ít hệ lụy, là một trong những nguyên nhân trực tiếp dẫn đến trẻ em không được nuôi dưỡng, chăm sóc đầy đủ, dễ bị tác động bởi thói hư, tật xấu và dễ trở thành nguồn bất ổn cho xã hội. Những phim truyền hình về đề tài hôn nhân, mối quan hệ trong gia đình hạt nhân được phát trên sóng quốc gia gần đây, như: “Hương vị tình thân”; “Thương ngày nắng về”, “Đừng làm mẹ cáu”, “Dưới bóng cây hạnh phúc”, “Gia đình mình vui bất thình lình”, “Trạm cứu hộ trái tim”, “Người một nhà”... đã thu hút đông đảo sự quan tâm của dư luận, thu về thành công ngoài mong đợi. Điều này cho thấy, gia đình hạt nhân đã và đang là nguồn cảm hứng vô tận cho những nhà làm phim Việt và cũng là đề tài người xem mong đợi.

Có nhiều nguyên nhân chủ quan, khách quan dẫn đến tan vỡ hạnh phúc ở gia đình hạt nhân, nhất là những cặp đôi có thời gian kết hôn chưa dài, trong đó nổi bật là thu nhập, lối sống buông thả, thiếu tu chí, không chung thủy, bất đồng quan điểm, bạo lực...

Trong nền kinh tế thị trường, việc chạy theo thu nhập đã trở thành xu thế. Đi kèm với đó là hiện tượng chạy theo vật chất và lối sống hưởng thụ. Trước khi kết hôn, nhiều bạn trẻ không tiếc tiền để sắm cho mình những phương tiện cá nhân hiện đại, như: Xe, điện thoại, trang phục, phụ kiện đắt tiền; du lịch ở những nơi sang chảnh hoặc tiệc tùng, đi vũ trường theo phương thức vay trước trả sau. Nhiều bạn nữ thì chạy theo thời trang, chạy theo phong cách thẩm mỹ làm đẹp rất tốn kém cho dù thu nhập chỉ ở mức trung bình. Khi bước vào cuộc sống hôn nhân, thu nhập không đáp ứng được nhu cầu chi tiêu đã gây ra sự khủng hoảng, tâm lý chán chường. Đây chính là nguyên nhân đầu bảng để “chuyện bé xé ra to” và trở thành mâu thuẫn không thể giải quyết ngoài việc đưa đơn ra tòa ly dị.

Hiện nay, do mạng xã hội phát triển, hiện tượng “tiểu tam”, “trà xanh”, người thứ ba xen vào hôn nhân của các cặp đôi ngày càng bị phát lộ. Càng những người nổi tiếng, càng những người được xã hội chú ý thì mối quan hệ đời tư càng được dư luận soi xét. Điều này cho thấy các mối quan hệ ngoài hôn nhân trên nền tình yêu đã đe dọa nghiêm trọng đến hạnh phúc gia đình.

Theo các chuyên gia nghiên cứu, cho dù xã hội tiến bộ, văn minh, mô hình gia đình thay đổi theo chiều hướng tích cực, nhưng chuẩn mực đạo đức trong gia đình thì không hề thay đổi như giá trị của gia đình truyền thống đã thiết lập. Tiêu chí của một gia đình hạnh phúc vẫn phải là trên kính, dưới nhường, tất cả các thành viên đùm bọc, yêu thương và tôn trọng lẫn nhau.

Trong đó, mối quan hệ vợ-chồng được xem là mấu chốt. Nếu mối quan hệ này hòa thuận, đúng mực thì cuộc sống sẽ hạnh phúc giống như ca dao, tục ngữ Việt Nam đã đúc kết: “Thuận vợ thuận chồng, tát Biển Đông cũng cạn”. Để đạt được mục đích đó, ca dao, tục ngữ Việt Nam cũng từng nêu bật vai trò của từng người trong ứng xử: “Chồng như đó (giỏ), vợ như hom”; “chồng đã giận, vợ bớt lời”, “chồng tới, vợ phải lui”, “cau non về hạt, gái đảm về chồng”, “đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”... Ngược lại, nếu đặt cái tôi quá lớn thì hôn nhân sẽ đổ vỡ và mục tiêu xây dựng gia đình hạnh phúc rất xa vời.

Trong Kinh Phật có dạy: Muốn nhà cửa êm ấm, hòa thuận, người chồng phải đối đãi với vợ rất chuẩn mực theo 5 điều: Lấy lễ đối đãi nhau; oai nghiêm không nghiệt; cho ăn mặc phải thời; cho trang sức phải thời; phó thác việc nhà. Người vợ cũng phải lấy 5 việc để đối xử với chồng: Dậy trước, ngồi sau, nói lời hòa nhã, kính nhường tùy thuận và đón trước ý chồng.

Làm được những điều ấy cũng như phủi bụi trong cuộc sống của các cặp đôi. Đó là điều căn bản để xây dựng cuộc sống hạnh phúc gia đình bền vững, phù hợp với chủ trương, mục tiêu mà Đảng ta đã xác định cũng như chủ đề của Ngày Gia đình Việt Nam năm nay là "Gia đình hạnh phúc-Quốc gia thịnh vượng".

Thượng tá, Ths NGUYỄN GIA KHUYẾN

Nghiên cứu viên Viện Khoa học xã hội và Nhân văn quân sự, Học viện Chính trị