Theo các sách: “Di sản ký ức của nhà khoa học” (Nhà xuất bản Tri thức), “Hồ sơ những hạt giống bí mật” (Nhà xuất bản Khoa học xã hội) của Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam và tác giả Trình Sỹ Anh Dũng, ông Tăng Văn Bằng sinh năm 1923 tại Đô Lương, Nghệ An. Cha của ông mất khoảng năm 1965 và mẹ ông-cụ Thái Thị Nậy mất khoảng năm 1982-1983, sinh thời chuyên làm ruộng với vài sào khoai lúa, chăn nuôi lợn gà, đi rừng kiếm củi... để nuôi 6 người con. Đúng vào năm Tăng Văn Bằng ra đời (1923) thì người cha bị tù do nấu rượu lậu.

Từ những buổi đầu cắp sách tới trường, Tăng Văn Bằng đã bộc lộ nết ham học và khát vọng làm người hữu ích. Tăng Văn Bằng thường hỏi người lớn, đại ý: Tại sao thầy giáo biết được nhiều thứ, dạy được nhiều người? Mình muốn như thế thì có làm được không? Bác ruột của Tăng Văn Bằng là ông Tăng Văn Thản đã quyết tâm giúp cháu khám phá, thỏa ước mơ. Điều kiện có hạn, ông Thản không cho con trai đẻ của mình học lên, mà tập trung cho Tăng Văn Bằng, bởi Bằng sáng dạ hơn. Ông Thản chắt chiu tiền bạc, đưa Bằng lên TP Vinh nhập trường trung học. Ông lo nhà trọ, trực tiếp chăm sóc cháu học hành.

leftcenterrightdel
                                       
 

Ông Tăng Văn Bằng, thời kỳ học Trường Trung cấp Kỹ thuật luyện kim tại thành phố Donetsk, Ukraine, 1951-1955. Ảnh tư liệu

Sau khi tốt nghiệp phổ thông, Tăng Văn Bằng theo định hướng của bác Thản, vào học Trường Kỹ nghệ Huế (tiền thân là Trường Bá Công, thành lập ngày 12-9-1899 theo chỉ dụ của Vua Thành Thái; nay là Trường Cao đẳng Công nghiệp Huế).

Tại đây, Tăng Văn Bằng phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Đường xa, bác Thản không thể đi theo chăm lo cho Bằng được nữa. Nhà trường thì phân biệt đối xử giữa học sinh người Việt với học sinh người Pháp, lai Pháp, con cháu quan lại... Điều này đã làm cho Tăng Văn Bằng căm thù thực dân Pháp và sự cai trị của Pháp tại Việt Nam. Tăng Văn Bằng quyết chí học tập, có kiến thức khoa học để vượt qua những khó khăn, trở ngại ấy. Tăng Văn Bằng vừa học vừa dạy cho con các quan lại để lấy tiền sinh sống và học tập. Tăng Văn Bằng luôn giữ được lực học ở thứ bậc mà đồng môn là con nhà quan lại và người Tây phải ngước nhìn.

Năm 1941, sau khi tốt nghiệp Trường Kỹ nghệ Huế, Tăng Văn Bằng nuôi ý nguyện sớm thực hành tay nghề, làm ra tiền để tiếp tục học lên cao hơn, hy vọng đảm đương được những công việc lớn có ý nghĩa thiết thực với đời sống xã hội. Ông đến tất cả các hãng lớn ở Sài Gòn để tìm việc. Được vào làm tại hãng sửa chữa ô tô Jean-Complete không bao lâu thì tình hình sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn, Tăng Văn Bằng thất nghiệp, liền trở lại Vinh làm việc cho Nhà máy xe lửa Trường Thi. Năm 1944, nhà máy này bị quân phát xít Nhật đánh phá, vậy là Tăng Văn Bằng phải ra Hà Nội lao động kiếm tiền để theo học ngành vô tuyến. Ngày 9-3-1945, Nhật đảo chính Pháp, tạo nên tình huống chính trị mới. Vốn hận thù Pháp, ghét vua chúa, Tăng Văn Bằng tạm dừng việc học, về quê Đô Lương, Nghệ An tham gia Việt Minh, giành chính quyền, sau đó được cử làm Chủ tịch Ủy ban hành chính xã, lãnh đạo nhân dân bảo vệ nền độc lập.

Giữa thời điểm cách mạng sục sôi ấy, một sự kiện đã tạo nên bước ngoặt của cuộc đời Tăng Văn Bằng. Khi ấy, Phòng Quân giới thuộc Bộ Quốc phòng được thành lập vào ngày 15-9-1945 với hệ thống tổ chức và những nhiệm vụ đầu tiên. Nhà máy quân giới mang tên người chí sĩ yêu nước Đặng Thái Thân (1874-1910, quê Nghệ An, là học trò và đồng chí thân thiết của cụ Phan Bội Châu) biết Tăng Văn Bằng được đào tạo ở Trường Kỹ nghệ Huế, đã vận động ông sang làm việc cho nhà máy, nhằm xây dựng, củng cố cơ sở quân giới tỉnh Nghệ An để phục vụ nhiệm vụ chống giặc Pháp. Tại đây, giữa năm 1947, Tăng Văn Bằng được kết nạp Đảng. Cũng thời gian ấy, Nhà máy Quân giới Đặng Thái Thân sau những thay đổi về tổ chức, biên chế, được chuyển ra Thanh Hóa và mang tên mới là Xưởng Quân giới Bình Tứ. Ông Bằng giữ chức vụ Quản đốc, Phó bí thư Liên chi của lực lượng quân giới Thanh Hóa. Theo chỉ đạo của trên, ông lãnh đạo đơn vị sản xuất, sửa chữa vũ khí, trang bị để cung cấp cho lực lượng kháng chiến ở địa phương.

Thời gian sau đó, ông Bằng được tổ chức cử đi học chính trị tại Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc (khóa 3, năm 1949-1950) ở Việt Bắc rồi về công tác tại Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đảm nhiệm Xưởng trưởng Xưởng in TK1.

Năm 1951, Trường Trung cấp Kỹ thuật luyện kim tại thành phố Donetsk, Ukraine đón đoàn gồm 21 cán bộ khoa học kỹ thuật Việt Nam đầu tiên được Đảng và Bác Hồ cử sang học tập để sau về xây dựng đất nước. Sau 4 năm học tập, Tăng Văn Bằng tốt nghiệp Trung cấp Kỹ thuật luyện kim với tấm bằng xuất sắc, được Chính phủ giao trọng trách xây dựng Nhà máy Cơ khí Hà Nội, sản xuất các máy công cụ (tiện, phay, bào, tuốc bin nhỏ...). Vậy là ông Bằng lao vào nghiên cứu thiết kế, tổ chức xây dựng, vận hành nhà máy cùng với sự giúp đỡ của 20 chuyên gia, kỹ sư nổi tiếng của Liên Xô. Năm 1956, ông được bổ nhiệm Phó giám đốc nhà máy. Ông yêu nhà máy và xem nó là đứa con đầu đàn của nền cơ khí Việt Nam hiện đại. Để đáp ứng nhu cầu nhân lực cho hoạt động và phát triển của nhà máy, ông mở lớp đào tạo cán bộ, công nhân tại chỗ và kiêm luôn vai trò thầy giáo, giảng dạy một số môn.

Miệt mài chỉ huy xây dựng, vận hành nhà máy, Phó giám đốc Tăng Văn Bằng luôn chăm lo đời sống công nhân. Ngày nghỉ, ông thường đến thăm các gia đình công nhân, nói chuyện với họ, quan sát cuộc sống của họ và xem xét tỉ mỉ những sản phẩm họ làm ra. Ông luôn tận tình, cởi mở, thân thiện. Ông thường xuyên ở lại nhà máy với công nhân và là người ra khỏi nhà máy sau cùng.

Năm 1962, trong khi đang chỉ huy công cuộc mở rộng quy mô Nhà máy Cơ khí Hà Nội theo chủ trương của Đảng và Chính phủ thì căn bệnh hiểm nghèo khiến ông Tăng Văn Bằng qua đời, để lại nỗi đau xót tiếc thương vô hạn trong lòng người thân, đồng nghiệp và công nhân ngành cơ khí nước nhà. Trước phút lâm chung, ông dặn Tăng Chí Thành-người con trai cả của vợ chồng ông: “Không có gì là không làm được. Quyết chí ắt sẽ thành”.

Theo lời dặn của cha, Tăng Chí Thành đã nỗ lực phấn đấu, 19 tuổi nhận bằng ngoại ngữ tiếng Trung (Trường Đại học Thiên Tân, Trung Quốc cấp năm 1966), 26 tuổi tốt nghiệp kỹ sư điện tại Trường Đại học Quân sự, Liên Xô, khóa 1967-1973. Sau đó, ông bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ tại Viện Hàn lâm khoa học Bulgaria. Noi gương người cha, Tăng Chí Thành đã tận tụy cống hiến, có những đóng góp đáng kể cho nền khoa học quân sự nước nhà.

PHẠM XƯỞNG