Sức mạnh báo chí Việt Nam không phải từ trên trời rơi xuống mà là sự cống hiến hết mình, không ngại gian khổ, hy sinh của đội ngũ những người làm báo suốt gần một thế kỷ qua kể từ số Báo Thanh niên đầu tiên của cách mạng Việt Nam do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập ngày 21-6-1925. Phương Tây coi báo chí là quyền lực thứ tư cùng với các quyền: Lập pháp, hành pháp và tư pháp. Ở Việt Nam không quan niệm như vậy nhưng sức mạnh của báo chí cũng không vì thế mà không được thể hiện. Nếu trong sự nghiệp giải phóng đất nước, giải phóng con người khỏi chế độ thực dân, phong kiến, bút của những người làm báo cách mạng thực sự là “đòn xoay chế độ”, là lưỡi gươm, ngọn giáo sắc nhọn tiêu diệt quân thù thì ngày nay, những người làm báo thế hệ mới không chỉ có bút mà còn có các công nghệ hiện đại khác trợ giúp. Họ đang làm cho cả xã hội văn minh hơn, mạnh mẽ hơn với cái tên Việt Nam rất đỗi tự hào trên trường quốc tế. Họ đã làm gì? Và sức mạnh của họ như thế nào kể cũng nên có đôi điều thưa cùng độc giả.

Các cơ quan, tòa soạn báo chí Việt Nam khác nhau có cách diễn đạt khác nhau nhưng về bản chất giống nhau, đều coi báo chí là diễn đàn của nhân dân. Bởi thế, dù viết hay nói, dùng hình ảnh trên sóng truyền hình hay trên mạng, tất cả đều chung một cách là dùng ngôn ngữ của nhân dân để đạt mục đích vì lợi ích của nhân dân. Cái bản chất đặc biệt này mang đến cho báo chí Việt Nam một sức mạnh to lớn. Sức mạnh góp phần giải phóng dân tộc, gìn giữ độc lập, tự do của Tổ quốc, xây dựng đất nước hùng cường, xã hội thịnh vượng, dân chủ, văn minh.

leftcenterrightdel
Các nhà báo tác nghiệp trong một sự kiện diễn ra tại Hà Nội. Ảnh: TRỌNG HẢI

Sự nghiệp đổi mới đã đưa Việt Nam vượt qua đói nghèo một cách ngoạn mục. Sự thật đáng tự hào đó không chỉ mỗi người dân Việt Nam cảm nhận được mà cộng đồng thế giới ghi nhận như một hình mẫu trong chương trình xóa đói, giảm nghèo. Để khởi nguồn sự nghiệp đổi mới, báo chí đã đóng góp một phần không nhỏ. Bắt đầu từ khoán 10, khoán 100 trong nông nghiệp với loạt bài phân tích, đánh giá sâu sắc tình hình kinh tế chung của đất nước, tiến tới đổi mới tư duy kinh tế và hình thành mô hình thử nghiệm kinh tế thị trường. Có thể nói, báo chí đã là “bà đỡ” cho những mô hình mới, góp phần khẳng định đổi mới tư duy kinh tế dưới sự lãnh đạo của Đảng là hoàn toàn đúng đắn, hợp với quy luật phát triển của đất nước trong tình hình mới. Báo chí không chỉ thực thi chức năng thông tin, tuyên truyền, quảng bá mà còn hướng dẫn, tổ chức thực hiện cùng nhân dân trên con đường đổi mới vinh quang nhưng cũng nhiều thử thách cam go.     

Cam go nhất là trong lĩnh vực tư tưởng. Ban đầu, tư tưởng đổi mới không phải đã được đón nhận với 100% phiếu thuận. Việc bỏ tem phiếu và lối tư duy bao cấp, tập trung, quan liêu không phải là chuyện dễ dàng. Việc chia ruộng đất cho nông dân, thực hiện người cày có ruộng, nông dân làm chủ ruộng đất của mình là những bước đi táo bạo. Tuy nhiên, nó cũng đặt ra những băn khoăn, lo lắng có cơ sở của nhiều cán bộ, đảng viên vốn trung kiên với sự nghiệp của Đảng. Một số đảng anh em cũng lo lắng cho bước đi kinh tế thị trường của Việt Nam. Nhiều người đặt vấn đề làm như vậy có còn chủ nghĩa xã hội nữa không? Trong tình hình ấy, báo chí đã vào cuộc cổ vũ nhân dân, cung cấp thông tin về sản xuất, kinh doanh theo tư duy mới, giới thiệu, tuyên truyền, quảng bá các mô hình sản xuất, kinh doanh có hiệu quả… củng cố niềm tin của nhân dân đối với đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước. Và sự thật là nhân dân phấn khởi, kinh tế phát triển mạnh, đời sống nhân dân ngày một nâng cao rõ rệt. Tư duy đổi mới trong kinh tế được khẳng định! Tuy nhiên, lại xuất hiện chiều hướng tiêu cực mới, xu hướng không hề có trong Đảng trước đó. Đó là tư tưởng thỏa mãn, hưởng thụ dẫn đến tha hóa về đạo đức, suy đồi về lối sống, tham nhũng, cửa quyền, lợi ích nhóm, hình thành “bộ phận không nhỏ” cán bộ, đảng viên biến chất, làm mất niềm tin của nhân dân, đe dọa trực tiếp sự trong sạch, vững mạnh của Đảng, sự tồn vong của chế độ.

leftcenterrightdel
Nhóm phóng viên Báo Quân đội nhân dân vượt sông vào tâm lũ tại bản Sa Ná, xã Na Mèo (Quan Sơn, Thanh Hóa), tháng 8-2019. Ảnh: TRỊNH PHÚ SƠN
leftcenterrightdel
Phóng viên Báo Quân đội nhân dân tác nghiệp tại khu cách ly các công dân trở về từ vùng có dịch Covid-19 của Binh đoàn 11. Ảnh: ĐINH VŨ PHONG

Báo chí lại vào cuộc chống tham nhũng, suy thoái tư tưởng, đạo đức, lối sống của “bộ phận không nhỏ” vốn là đồng chí của mình. Có thể nói, cuộc chiến này hết sức cam go vì nó là cuộc đấu tranh “ai thắng ai” trong mỗi con người và trong nội bộ Đảng. Cuộc đấu tranh “ai thắng ai” với quân thù có khó khăn, gian khổ, hy sinh nhưng chiến tuyến rõ ràng, mục tiêu định sẵn. Cuộc đấu tranh “ai thắng ai” trong nội bộ thật khó lường và đôi khi kết quả lại làm đau lòng chính những người tranh đấu. Báo chí vào cuộc đấu tranh ấy thật muôn vàn khó khăn. Đối tượng cần đấu tranh ngay bên cạnh mình, lại có nhiều thủ đoạn tinh vi trong tham nhũng, kéo bè kéo cánh, tác oai tác quái, thác loạn điên khùng… và sẵn sàng làm những việc động trời. Nhà báo đấu tranh chống tham nhũng không chỉ cần có nghiệp vụ mà còn cần bản lĩnh kiên cường, không sợ gian khổ, hy sinh mới có thể tác nghiệp. Hãy hình dung các nhà báo lội suối, xuyên rừng ghi lại những hình ảnh chặt phá rừng của lâm tặc, gian khổ và nguy hiểm đến chừng nào?! Nhà báo Liên Liên-cô gái mảnh mai mà giọng nói đanh thép-đột nhập chợ Long Biên vạch trần thủ đoạn tàn độc của những “đầu gấu” kẻ chợ làm cho những người yêu mến chị không khỏi lo lắng, thót tim...

Có thể nói, hầu hết các vụ tham nhũng, tiêu cực đều do báo chí phát hiện, đưa tin. Tuy nhiên, trong trận tuyến này cũng có những nhà báo gục ngã. Có người không đủ “trình”, lại thiếu thận trọng, vội vàng đưa tin không chính xác để phải xử lý kỷ luật. Cũng có nhà báo gục ngã vì đạo đức nghề nghiệp, dùng “quyền lực báo chí” để hù dọa, tống tiền doanh nghiệp. Có người sử dụng không kiểm soát thông tin mạng xã hội, vô tình tiếp tay cho thông tin giả làm chệch hướng sức mạnh báo chí thời công nghệ số. Công nghệ hiện đại là phương tiện làm cho tốc độ thông tin, lượng thông tin và chất lượng thông tin tăng mạnh chưa từng có. Nhưng sức mạnh báo chí cách mạng Việt Nam với nền tảng cơ bản vẫn là diễn đàn của nhân dân. Ý chí, nguyện vọng của nhân dân, sự thật khách quan, “cây đời mãi mãi xanh tươi” vẫn là nguồn năng lượng bất tận cho báo chí cách mạng Việt Nam. Công nghệ càng phát triển, vai trò định hướng, đi đầu của báo chí cách mạng càng cần được đề cao.

Với truyền thống báo chí cách mạng gần một thế kỷ, chúng ta có quyền tự hào và tin tưởng rằng sức mạnh báo chí Việt Nam sẽ góp phần xứng đáng cùng toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta xây dựng thành công một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh.

Hà Nội, tháng 6-2020

TS NGUYỄN VIẾT CHỨC