Từ dạy học từ xa đến dạy học trực tuyến

Nhà trường phấn trắng, bảng đen tồn tại ở nước ta hơn 100 năm qua giờ đây đang phải nhường chỗ cho nhà trường mới-nhà trường của thời đại số. Dạy học trực tuyến là một xu thế phát triển của nhà trường thời chuyển đổi số.

Đổi mới là cái tất yếu, cái quyết định sự đi lên của con người, của xã hội. Nhưng không phải cứ nói đến đổi mới là ai cũng xắn tay vào, bởi ngoài sự gắn bó với cái cũ, trước những yêu cầu đổi mới, không ít người hoặc còn luyến tiếc, hoặc còn băn khoăn, hoặc còn nhiều điều chưa rõ... Cho nên, đổi mới cũng là một quá trình. Cây đàn bầu Việt Nam cũng như cây đàn balalaika của Nga với những âm thanh huyền diệu của nó đã ăn sâu vào tâm hồn mỗi dân tộc. Nhưng âm nhạc hiện đại và nhu cầu thưởng thức của con người hiện đại lại đòi hỏi những người chế tác đàn phải đổi mới cây đàn cổ kính. Cây đàn bầu điện tử hôm nay đã chiếm lĩnh sân khấu thế giới và tiếng đàn balalaika đã rung động những trái tim Việt Nam trong đêm biểu diễn của các đoàn nghệ thuật đến từ xứ sở bạch dương.

Dạy học từ xa được hiện đại hóa nhờ internet và máy tính cũng thế. Ít nhất từ năm 2018 đến nay, chủ trương máy tính hóa nhà trường và dạy học trực tuyến đã được đưa ra, nhưng hai năm nay, nhiều giáo viên và phụ huynh vẫn mong con em mình được học trực tiếp, tới lớp với sĩ số mấy chục học sinh. Mặc dù họ hiểu rằng, khi dịch Covid-19 đang rình rập ở chỗ đông người thì con em họ có thể gặp rủi ro, bất trắc.

Dạy học từ xa (cũng có khi được thay bằng cụm từ “học tập từ xa”) được quảng cáo vào năm 1728 trên tờ báo Boston Gazette (Anh quốc). Nội dung quảng cáo là giới thiệu về một phương pháp tốc ký để tìm kiếm những người muốn tham gia quá trình học nhờ các bài học được gửi qua thư theo đường bưu chính. Năm 1840, Isaac Pitman đã tổ chức dạy học bằng hệ thống tốc ký trên bưu thiếp và tiếp nhận phần hồi âm của người học để sửa bài. Cách học này được tính toán chặt chẽ theo cước bưu chính.

Vào những năm 1843-1844, Hiệp hội Tương ứng ngữ âm được thành lập để tổ chức các khóa học từ xa. Đại học London, College London và King’s College London là những trường đại học đầu tiên cấp bằng đại học từ xa, bắt đầu từ năm 1858. Đến năm 1894, Trường Đại học Wolsey Hall Oxford cũng bắt đầu đào tạo từ xa. Sau này, tại Vương quốc Anh, Thủ tướng Harold Wilson đã cho thành lập mô hình đại học mở nhằm phát triển các công nghệ mới để cải thiện các dịch vụ đào tạo từ xa kể từ năm 1965....

Ở Việt Nam, dạy học từ xa bắt đầu được nói đến vào những năm 80 của thế kỷ 20 và Giáo sư Nguyễn Cảnh Toàn, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục (nay là Bộ Giáo dục và Đào tạo) đã tổ chức thí điểm đào tạo giáo viên, nhưng sự hưởng ứng không nhiều. Năm 1990, Viện Đào tạo mở rộng TP Hồ Chí Minh (nay là Trường Đại học Mở TP Hồ Chí Minh) và năm 1993, Viện Đại học mở Hà Nội (nay là Trường Đại học Mở Hà Nội) được thành lập. Việc dạy học từ xa ở Việt Nam bắt đầu phát triển từ những năm này.

Khi máy tính và internet phát triển, người ta đã sử dụng công nghệ truyền thông vào việc dạy học, tạo ra những phương pháp dạy học tiên tiến. Giáo viên có thể biên soạn giáo trình của mình dưới nhiều hình thức như các video bài giảng, trò chơi hóa (gamification), truyền tải âm thanh, hình ảnh, tài liệu tương tác với hiệu ứng hấp dẫn (animation) và gây nhiều hứng thú cho người học (quizzes) thông qua đường truyền băng thông rộng hoặc hệ thống internet. Người học có thể tùy chọn những phương thức học phù hợp nhất đối với bản thân và tương tác với giảng viên qua hệ thống quản lý học tập LMS (Learning Management System). Người ta gọi “dạy học từ xa” dựa vào công nghệ truyền thông này là “dạy học trực tuyến” (còn gọi là “dạy học điện tử”).

leftcenterrightdel

Giáo viên và học sinh Trường THCS Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội dự lễ khai giảng trực tuyến, năm học 2021-2022. Ảnh: NGUYỄN HÀ

Xu thế của nhà trường hiện đại

Dạy học trực tuyến là hình thức dạy học diễn ra trên internet. Nội dung giảng dạy có thể được cập nhật từ các phần mềm học trực tuyến qua thiết bị máy vi tính và các ứng dụng di động. Đặc điểm điển hình của dạy học trực tuyến là tính tương tác cao, đa dạng giữa người dạy và người học.

Dạy học trực tuyến có nhiều ưu thế lớn. Trước hết, một bài giảng trực tuyến có thể đồng thời chuyển tải nội dung học tập tới hàng nghìn hoặc hơn thế những người học. Chính vì thế, chỉ cần chọn một giảng viên giỏi (giáo sư đầu ngành chẳng hạn) soạn một bài giảng, có thể những sinh viên, cán bộ của rất nhiều trường trong nước và ở nước ngoài sẽ truy cập được nội dung bài giảng đó. Do vậy, không nhất thiết cần đến hàng chục cán bộ giảng dạy soạn một bài giảng. Những nơi quan tâm đến nội dung bài giảng chỉ cần kết nối với nơi phát ra bài giảng đó mà thôi. Với phương thức dạy học từ xa và có thêm phương thức dạy học trực tuyến, các trường đại học mở trên thế giới đã tăng nhanh số lượng học viên.

Hai là, với phương thức học trực tuyến, người ta có thể học ở nhà, ở nơi làm việc, trên tàu hỏa, tàu thủy trong khi đi làm việc hoặc du lịch. Tóm lại, với một thiết bị thông minh kết nối internet, con người có thể học tập mọi lúc, mọi nơi. Tùy theo điều kiện và hoàn cảnh của mình, mỗi người sẽ chọn được thời gian và không gian phù hợp nhất cho việc học tập. Trước đây vài chục năm, người ta đã bàn đến một xã hội mà người lao động có thể làm việc ở nhà, việc mua bán hàng hóa, đặt vé máy bay, đặt phòng khách sạn nơi sẽ du lịch đều qua phương thức từ xa, trẻ em có thể không đến trường, học bài ngay trên chiếc máy tính nhỏ gọn nhờ các phương thức trực tuyến... Và điều này đã trở thành hình thức hiển nhiên của hiện tại-khi mà đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp ở nhiều nước trên thế giới cũng như Việt Nam. Một sinh viên có thể học chương trình của Đại học Harvard (Mỹ) hay Université de Paris (Pháp), một thanh niên nghèo ở Cà Mau có thể học đại học ở TP Hồ Chí Minh.

Ba là, cùng với trường đại học, các trường dạy nghề, trường phổ thông các cấp đều có thể sử dụng hiệu quả phương thức học trực tuyến trong quá trình đào tạo. Qua các đợt dịch Covid-19 vừa qua cho thấy, các lớp mẫu giáo cũng có thể dạy học trực tuyến, miễn là cơ sở giáo dục mầm non có đủ thiết bị kết nối mạng và các cô giáo có những kỹ năng số cần thiết để hướng dẫn các cháu vui chơi, thể dục, học hát theo phương thức trực tuyến.

Bốn là, theo yêu cầu xây dựng xã hội học tập, các cán bộ, công chức, viên chức cũng như công nhân và nông dân đều phải tham gia học tập thường xuyên. Vì vậy, các trường đại học, trường chuyên nghiệp, doanh nghiệp lớn, viện nghiên cứu đều vừa có kế hoạch đào tạo tại nơi làm việc, vừa tham gia mở các khóa đào tạo trực tuyến ngắn hạn, trung hạn và dài hạn để ai có nhu cầu học sẽ đăng ký tham gia. Điều quan trọng là, những cơ sở giáo dục, trường học và doanh nghiệp, nếu có năng lực, hãy góp sức xây dựng hệ thống tài nguyên giáo dục mở thành một kho học liệu khổng lồ, số hóa những học liệu đó để đưa vào các khóa học trực tuyến.

leftcenterrightdel
Học sinh Trường Liên cấp Everest Hà Nội học trực tuyến.  Ảnh: NHẬT ANH 

Khắc phục khó khăn để dạy tốt

Có thể nói, dạy học trực tuyến là một cuộc cách mạng trong phương thức GD&ĐT tại nhà trường. Tuy nhiên, trong bước khởi đầu ở bậc trung học phổ thông nước ta, có thể một số trường học, phụ huynh và học sinh cảm thấy ứng dụng, dạy học trực tuyến ít có hiệu quả, đặc biệt là học sinh tiểu học. Nhưng có lẽ, cái khó không nằm ở học sinh mà ở nhà trường, giáo viên, những kỹ năng số mà người dạy chưa có được đầy đủ.

Chúng ta thường thấy, việc dùng các thiết bị di động thông minh, những em nhỏ thường nắm bắt rất nhanh và sử dụng thành thạo hơn nhiều người lớn. Trong dạy học trực tiếp hay trực tuyến, tình trạng không nắm được những đặc điểm lứa tuổi học sinh sẽ không tránh khỏi sự chán học của trẻ em. Chẳng hạn, ta đưa nguyên cách giảng trực tiếp vào máy tính và bắt trẻ em theo dõi cả giờ đồng hồ, trẻ sẽ không tập trung chú ý. Học trực tuyến cũng không thể bắt trẻ học 2 buổi/ngày. Đồng thời, phải dùng nhiều trò chơi chuyển tải nội dung học, tạo ra các hình ảnh hấp dẫn, tìm ra những cách tương tác để học sinh không có giây phút thụ động, để các em thích thú...

Để trẻ hào hứng với các tiết học trực tuyến, không thể bê nguyên cách dạy trực tiếp lên màn hình mà người soạn bài giảng phải rất sáng tạo. Các cơ quan quản lý giáo dục cần tập huấn và đào tạo cho giáo viên năng lực dạy học trực tuyến. Vừa qua, dường như việc này chưa được quan tâm chu đáo, thậm chí có nơi chưa sẵn sàng cho dạy học trực tuyến, đến lúc có lệnh không để học sinh học tập trung ở trường vì dịch Covid-19 thì trở tay không kịp. Mặt khác, nhà trường thiếu những thiết bị tốt cho việc dạy học trực tuyến, học sinh nhỏ hoặc không có máy để học hoặc có máy nhưng không phù hợp với trẻ nên chúng cũng không thể theo dõi bài giảng...

Năm học này đang có nhiều khó khăn trong dạy học trực tuyến, nhưng không có nghĩa là vì khó khăn mà bỏ phương thức ấy. Phải bắt tay vào việc khắc phục khó khăn để dạy tốt, học tốt.

Chương trình chuyển đổi số quốc gia đòi hỏi mọi công dân đều phải có những kỹ năng số để mua bán, giao tiếp, học tập và sản xuất trong môi trường số, tương tác với Chính phủ số, phát triển nền kinh tế số. Mặt khác, chủ trương sống thích ứng với môi trường có dịch Covid-19 hoặc những biến thể mới của virus, thực hiện mục tiêu kép “khôi phục kinh tế, phát triển sản xuất và an toàn con người” là yêu cầu tiên quyết, mọi công dân phải thực hiện. Vì thế, dạy học trực tuyến hoặc kết hợp dạy học trực tuyến với dạy học trực tiếp là điều phải làm, chứ không phải là điều cần hay không cần, nên hay không nên.

Một lối sống mới bắt đầu. Thương mại số, truyền thông số, kiến thức số, sức khỏe số... đòi hỏi năng lực thích ứng với môi trường số, trong đó, nhà trường phải chuyển đổi số, giáo viên phải có năng lực dạy học trực tuyến và người học phải có những kỹ năng truy cập tri thức mới trên internet.

GS, TS PHẠM TẤT DONG