Trung tá, Tiến sĩ Nguyễn Bá Cao, giảng viên Bộ môn Điện tử số, Khoa Cơ sở, Trường Sĩ quan Thông tin:
Chinh phục những đỉnh cao tri thức
    |
 |
Trung tá, Tiến sĩ Nguyễn Bá Cao |
Trước đây khó khăn của các giảng viên Trường Sĩ quan Thông tin nói riêng và toàn quân nói chung là nguồn tài liệu chưa phong phú, khó cập nhật kiến thức. Ngày nay, với sự phát triển của internet và kho dữ liệu số, tài liệu được cập nhật thường xuyên hơn, đây cũng cơ sở để giảng viên được tích lũy tri thức mới. Tuy nhiên, thời gian đào tạo giảm bớt, trong khi kiến thức truyền đạt đến học viên không đổi, đòi hỏi người giảng viên phải điều chỉnh phương pháp giảng dạy phù hợp. Vì vậy, người giảng viên phải thường xuyên cập nhật phương pháp dạy học mới, kết hợp với phương tiện và công nghệ hiện đại bảo đảm nội dung đề ra, cũng như không bị tụt hậu so với sự phát triển của công nghệ. Để chinh phục tri thức, vươn lên làm chủ khoa học-công nghệ, giảng viên cần duy trì đam mê, nhiệt huyết, quyết tâm, không bỏ cuộc khi gặp những vấn đề khó, phải luôn cập nhật kiến thức mới, hiểu rõ những gì đã được nghiên cứu, xử lý và những vấn đề tồn đọng mà xây dựng ý tưởng cho từng sản phẩm khoa học.
Từng là học viên tại nhà trường nên tôi hiểu rõ đặc thù của người học trong Quân đội như thời gian học tập ít, nội dung học tập nhiều, học viên còn tham gia các hoạt động ngoại khóa, sinh hoạt tập trung, tăng gia sản xuất... Vì vậy, quá trình giảng dạy tôi thường nghiên cứu chắt lọc nội dung, lựa chọn phương pháp với từng nội dung để truyền thụ bài giảng. Mục đích là trong thời gian ngắn nhất, học viên có thể lĩnh hội được tri thức cơ bản, làm cơ sở nền tảng để có thể tự học, tự nghiên cứu những vấn đề tiếp theo.
Bên cạnh giảng dạy nội dung thường xuyên, mỗi giảng viên còn giáo dục tinh thần đam mê học hỏi, niềm say mê sáng tạo cho người học. Qua đó giúp học viên làm chủ tri thức, phát huy những gì được trang bị để chủ động tìm tòi, xây dựng ý tưởng cho riêng mình. Do đặc thù riêng của Quân đội, việc sử dụng các công cụ hỗ trợ cho tự học (máy tính, internet) của học viên ở không ít nhà trường có phần còn hạn chế. Cho nên học viên còn gặp một số khó khăn trong quá trình tự học hoặc tự tìm hiểu nội dung mới. Chúng tôi mong rằng, thời gian tới người học có thể tương tác được nhiều hơn với giảng viên (thông qua lớp học ảo) để nâng cao hơn nữa chất lượng dạy, học, thúc đẩy sự sáng tạo của học viên.
-------------
Thiếu tá, Thạc sĩ Nguyễn Đình Quyền, Chủ nhiệm Bộ môn Máy hàng hải, Khoa Hàng hải, Học viện Hải quân:
Tâm huyết với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo
    |
 |
Thiếu tá, Thạc sĩ Nguyễn Đình Quyền. |
Hiện nay, Học viện Hải quân không ngừng đổi mới nâng cao chất lượng GĐ-ĐT, nghiên cứu khoa học đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Để hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ đó, Đảng ủy, Ban giám đốc Học viện đã triển khai đồng bộ, toàn diện các giải pháp hiện thực hóa mục tiêu xây dựng học viện theo mô hình “Nhà trường thông minh”, chính quy, mẫu mực, đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa Quân chủng Hải quân. Cùng với đó, tiếp tục triển khai sâu rộng dạy học theo hướng tích cực, tương tác giữa người học và người dạy, lấy người học làm trung tâm, gắn đào tạo trong học viện với thực tiễn xây dựng đơn vị, huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu.
Tuy nhiên, quá trình đào tạo còn tồn tại những hạn chế, bất cập nhất là gắn giữa lý luận với thực tiễn, nhà trường với đơn vị, trong môi trường quân ngũ với ngoài xã hội, khu vực và quốc tế vẫn còn khoảng cách. Do điều kiện kinh tế của đất nước còn khó khăn, nên trang thiết bị hiện đại chỉ đủ để trang bị một số đơn vị chiến đấu, cho nên cơ sở vật chất, trang bị phương tiện dạy học nhà trường chưa theo kịp sự phát triển của nhiệm vụ tác chiến. Bên cạnh đó, sự chuyển biến của điều kiện xã hội, nền kinh tế thị trường tác động nhiều mặt, trong đó có đội ngũ giảng viên tham gia giảng dạy tại Học viện Hải quân. Mặt khác, nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo ngày càng cao, đòi hỏi đội ngũ giảng viên phải không ngừng học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, rèn luyện đạo đức cách mạng, phương pháp, tác phong, tích cực đấu tranh với những biểu hiện, quan điểm sai trái trong giáo dục. Họ phải vừa là người thầy, nhà giáo dục nhưng đồng thời cũng là những chiến sĩ cách mạng trên mặt trận chính trị, tư tưởng... không chỉ đào tạo ra lớp sĩ quan kế cận xứng đáng mà còn góp phần quan trọng xây dựng Quân chủng Hải quân “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại” đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo và thềm lục địa Tổ quốc.
Nhận thức rõ trách nhiệm nặng nề và vinh dự to lớn của mình đối với sự nghiệp "trồng người", tôi cũng như đội ngũ giảng viên của Học viện Hải quân luôn tâm huyết, say mê với nghề, không ngừng nâng cao phẩm chất chính trị, trình độ chuyên môn, kỹ năng sư phạm, ứng dụng công nghệ mới, làm chủ vũ khí trang bị hiện đại. Ngoài ra, chúng tôi còn phải “truyền lửa” đến với học viên, để mỗi bài giảng không chỉ trang bị tri thức cho người học mà còn truyền cảm hứng, khơi dậy tình yêu quê hương, đất nước, biển, đảo cho học viên. Qua đó, động viên các học viên nỗ lực vươn lên học tập, nghiên cứu khoa học, nắm chắc kiến thức và vận dụng sáng tạo trong học tập cũng như quá trình công tác sau này.
TUẤN ANH - DUY KHƯƠNG (ghi)