Trong tiếng Chăm, Phan Rang không chỉ là thành phố bé nhỏ, thanh bình, nép bên dòng sông Cái mà còn là vùng đất Panduranga, tiểu quốc thuộc Vương quốc Chăm Pa cổ từng tồn tại trong lịch sử, nay là tỉnh Ninh Thuận. Địa danh Phan Rang cũng chính là cách phiên âm Việt hóa của cụm từ Panduranga mà thành.

leftcenterrightdel
Tháp Po Klong Garai-"đóa hoa bất tử" trên vùng đất nắng nóng, khô cằn. 

Tôi từng may mắn được ngồi trên chiếc trực thăng từ sân bay quân sự Thành Sơn bay ra biển. Từ trên cao nhìn xuống, cứ ngỡ đang lướt qua vùng viễn Tây nước Mỹ, nơi có những hoang mạc rộng lớn thường xuất hiện trong các cảnh phim cao bồi hoặc viễn tưởng. Dưới cánh bay, suốt một dải từ Phan Rang qua Ninh Hải, Cà Ná chỉ thấy trập trùng đồi cát và những dãy núi nâu xám, tưởng chừng như mưa đã không còn rơi xuống vùng đất này tự nghìn năm.

Tôi cũng từng rong ruổi trên thảo nguyên vùng Phước Trung thuộc huyện Bác Ái. Dưới cái nắng như đổ lửa giữa mùa khô, mọi hồ nước nơi đây đều cạn kiệt. Mặt đất trơ trọi, bạc phếch vì phong hóa, lác đác vài bụi xương rồng gai, thỉnh thoảng xuất hiện đàn cừu trắng tựa như một ảo ảnh. Mặt đất chẳng có lấy một ngọn cỏ. Chúng tìm gì trên ấy mà cứ lang thang, miệt mài? Mang nỗi băn khoăn hỏi cậu bé chăn cừu được biết, mùa khô cỏ chết hết, để duy trì sự sống, lũ cừu phải tìm những sợi rễ cỏ còn sót lại trong đất để ăn. Với tôi, hình ảnh đàn cừu trên cánh đồng khô cháy, bỏng rát chính là biểu tượng của sự khắc nghiệt cũng như sức sống mãnh liệt của vùng đất Phan Rang.

Nhưng nắng và gió không chỉ là thử thách. Nó còn là tác giả tạo nên bức tranh thiên nhiên kỳ vĩ, đẹp một cách hoang dại và khác thường. Những đồi cát trắng nhấp nhô, xếp lớp, liên tục thay hình đổi dạng, chiếm ngự hầu hết không gian ven biển. Những dãy núi hùng vĩ, trơ trọi, nâu xám, từ Ninh Hải kéo xuống Thuận Nam. Những thảo nguyên bát ngát khô cằn, toàn xương rồng gai và cây bụi thấp trải rộng từ Thuận Bắc qua Ninh Sơn, Bác Ái. Sự khác biệt và tráng lệ của cảnh quan khiến nhiều du khách lần đầu đặt chân tới không khỏi ngỡ ngàng.

Trên vùng đất tưởng như bị lãng quên và chối bỏ ấy, từ xa xưa, người Chăm cùng các dân tộc bản địa đã gắn bó và dựng nên bao vương triều rực rỡ mà di sản của nó để lại cho đến hôm nay vẫn là niềm tự hào lớn của vùng đất Ninh Thuận. Điển hình là cụm tháp Po Klong Garai nằm trên núi Trầu, nay thuộc phường Đô Vinh, TP Phan Rang-Tháp Chàm, được xây dựng vào cuối thế kỷ 13, đầu thế kỷ 14, dưới thời vua Shihavaman, người Việt gọi là Chế Mân, để thờ vua Po Klong Garai (1151-1205), vị vua tài năng với những công trình trị thủy đến nay vẫn còn phát huy tác dụng.

Tháp Po Klong Garai là một tổng thể gồm 3 tháp. Tháp chính cao 20,5m; tháp Lửa cao 9,31m và tháp Cổng cao 8,56m. Đây là cụm tháp có kiến trúc đẹp nhất, được bảo tồn tốt nhất trong số các tháp Chăm còn sót lại trên toàn bộ dải đất miền Trung. Điều đặc biệt là, trong khi tất cả các tháp Chăm khác chỉ còn là phế tích, là những “tháp chết” thì Po Klong Garai vẫn “sống” và thực hiện đầy đủ chức năng như khi nó mới sinh ra. Bất chấp thời gian và biến động của lịch sử, gần 800 năm qua, Po Klong Garai luôn hiên ngang, rực sáng, bất tử. Các vị thần Shiva, Vishnu, Brahma và cả Po Klong Garai (vị vua được người Chăm thần hóa)... luôn hiện diện trên các pho tượng và trong tâm thức tín đồ, vũ nữ và thầy tu vẫn đều đặn thực hiện các nghi thức nguyên thủy, người Chăm theo tôn giáo Bà-la-môn trong vùng vẫn hành hương tới chiêm bái, cầu nguyện bằng tất cả lòng thành kính sâu sắc.

leftcenterrightdel

Đàn cừu ở Phan Rang trong mùa khô. 

Từ đỉnh núi Trầu phóng tầm mắt về hướng Tây, du khách có thể nhìn thấy công trình thủy lợi đồ sộ do vua Po Klong Garai chỉ đạo thực hiện cách đây hơn 8 thế kỷ, đó là đập Nha Trinh. Con đập dài hơn 380m, cao 5m, rộng 3m, được người xưa đắp ngang sông Cái, con sông lớn nhất của tỉnh Ninh Thuận. Nước dâng lên từ con đập này được dẫn theo 2 kênh lớn là mương Cái và mương Đực cùng hệ thống tưới phức tạp tắm mát cho một vùng rộng lớn, biến hơn 12.000ha đất sa mạc thành vùng nông nghiệp trù phú. Cho đến hôm nay, cách thức xây con đập đồ sộ này hãy còn là điều bí ẩn. 

Qua những Po paley (làng Chăm), tôi như đứa trẻ đi ngang miền cổ tích. Mùi hoa táo nồng nàn tỏa ra từ các khu vườn. Mùa sen hồng rực rỡ trên cánh đồng mùa hạ. Vị ngọt của những chùm nho đỏ mọng tại các trang trại như níu lấy từng bước chân. Các làng nghề truyền thống ở đây như gốm Bàu Trúc, dệt Mỹ Nghiệp tựa như một bảo tàng mở về đời sống con người. Như cách làm gốm chẳng hạn, hàng trăm năm qua, phụ nữ Chăm vẫn chọn lấy đất trong làng, vẫn đi quanh bàn gốm, dùng đôi bàn tay để tạo hình sản phẩm. Cách làm này đã khiến các vật dụng bằng gốm đều trở thành “độc bản” dù chúng có được sản xuất theo cùng một chủng loại, mẫu mã.

Ngược dòng sông Cái, chạy đến cuối thảo nguyên phía Tây, tôi gặp lại “giấc mơ Cha-pi”, giấc mơ mà người nghệ sĩ du ca nổi tiếng từng ghé đến, ghi lại và thổi hồn trong từng nốt nhạc khiến bao trái tim thổn thức. Đó là Anh hùng Chamale Châu 7 lần bắn rơi máy bay Mỹ; bà Ka-tơ Thị Sính, người đàn bà hiếm hoi sống trên một chòi rẫy ở xã Phước Đại, huyện Bác Ái còn nhớ và hát sử thi người Raglai, là nghệ nhân Chamale Âu, người duy nhất vùng Ma Nới hiện còn chế tác và trình diễn đàn Cha-pi.

Dọc theo bờ sông, dấu vết của tuyến đường sắt răng cưa lên cao nguyên Lang Biang do người Pháp chỉ đạo thực hiện cách đây hơn một thế kỷ vẫn còn khá nguyên vẹn. Trong khi phía cao nguyên Lâm Đồng, ký ức về nó đã bị xóa nhòa, thậm chí cả những viên đá và lõi sắt trong chiếc trụ cầu bắc qua sông Đa Nhim cũng đã bị người ta đập phá, tháo dỡ và bán sắt vụn thì tại đây, những cây cầu sắt trên tuyến đường xe lửa vẫn nguyên hình hài, năm tháng im lìm nằm nghe nắng mưa. Phải chăng những chiếc cầu đang ngủ, đợi một ngày sẽ thức giấc, gặp lại những chuyến tàu và sống lại cuộc đời năm xưa?

Cũng trên cung đường này, hơn 20 năm trước, một chàng trai trẻ mang trong mình nhiệt huyết và những ước mơ, hoài bão, lần đầu đi về phía cao nguyên Langbiang và neo đời ở đấy. Khi xe lướt qua vùng đất Phan Rang, bắt gặp khung cảnh kỳ thú và những di sản lấp lánh vết dấu vàng son một thuở, chàng trai đã mang một ấn tượng đặc biệt với vùng đất này.

Nhiều năm trôi qua, chẳng biết có phải vì uống chung một dòng nước, cách nhau chỉ một ngọn đèo... hay vì ấn tượng của lần đầu gặp gỡ mà tôi-chàng trai của ngày xưa ấy, lúc nào cũng tha thiết với Phan Rang.

Bài và ảnh: VŨ ĐÌNH ĐÔNG