Mảnh đất Điện Biên cách Hà Nội gần 500 cây số, nhưng lại rất thân thiết với gia đình bên ngoại tôi. Nơi ấy, ngày 28-3-1954 diễn ra một trận đánh không cân sức trên cánh đồng Mường Thanh giữa Đại đội 78 súng máy phòng không 12,7mm, thuộc Tiểu đoàn 387, Đại đoàn 308 với một tiểu đoàn bộ binh lính Âu-Phi. Cậu ruột tôi, Đại đội trưởng Nguyễn Viết Quỳ và nhiều đồng đội đang trực chiến trên trận địa hôm ấy lần lượt ngã xuống sau nhiều giờ chiến đấu, chỉ duy nhất một người lính bị thương nặng về sau được cứu sống. Chuyện về trận chiến đấu ấy của cậu Quỳ tôi từng được kể lại và in trong tập truyện "Hàng rào cuối cùng" xuất bản từ năm 1964 nhân kỷ niệm 10 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Ông bà ngoại tôi có 9 người con. Cậu Nguyễn Viết Quỳ là em kề sát người chị cả là mẹ tôi.

Phải 40 năm sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, tới năm 1994, bằng nhiều nỗ lực bền bỉ, đại gia đình chúng tôi mới tìm được phần mộ của cậu Quỳ. Cậu tôi yên nghỉ trong Nghĩa trang Liệt sĩ đồi Độc Lập, nghĩa trang lớn nhất trong 3 nghĩa trang liệt sĩ ở Điện Biên với 2.432 ngôi mộ, trong đó chỉ có 56 ngôi mộ có danh tính. Toàn bộ 56 ngôi mộ ấy là phần mộ của các chiến sĩ thuộc Đại đội 78 của cậu Quỳ tôi đã hy sinh trong trận chiến đấu ngày 28-3-1954.

Suốt từ năm 1994, năm nào đại gia đình bên ngoại tôi cũng tổ chức đoàn lên Điện Biên, đến Nghĩa trang Liệt sĩ đồi Độc Lập để thắp hương cho cậu tôi và các đồng đội của cậu. Riêng tôi, vì lý do công tác và sức khỏe nên mãi đến hôm nay mới theo các dì và các em tôi lên Điện Biên thăm mộ cậu Quỳ.

Mặc dù đã học, đọc nhiều bài viết và truyện về Chiến dịch Điện Biên Phủ, nhưng lần đầu tiên được tới tận nơi, tôi vẫn choáng ngợp trước sự mênh mông của thung lũng Điện Biên với diện tích vài chục cây số vuông.

Trong các nghĩa trang liệt sĩ ở Điện Biên Phủ thì Nghĩa trang Liệt sĩ đồi Độc Lập là lớn nhất, cả về diện tích và số mộ liệt sĩ. Cây xanh vừa tầm trong nghĩa trang rất nhiều, khiến mọi người không có cảm giác bỏng rát giữa trưa hè như trong nhiều nghĩa trang lớn ở miền Trung mà tôi từng đến thắp hương cho những đồng đội thuộc thế hệ đánh Mỹ chúng tôi. Suốt rặng tre xanh chạy dài bao phía mặt trước của nghĩa trang, hoa tre nở trắng trên khắp ngọn cây.

Điện Biên Phủ nói riêng và Tây Bắc nói chung có hai thứ hoa màu trắng làm nao lòng người là hoa ban và hoa tre. Nếu hoa ban năm nào cũng nở trắng núi rừng vào mùa xuân, thì hoa tre phải vào đầu hè có nhiều nắng và đặc biệt là mười năm mới nở một lần. Tôi lên đây may mắn vào đúng năm hoa tre nở. Lòng bỗng thêm phần xao xuyến thấy nhớ về rừng già Trường Sơn những năm đánh Mỹ.

Mộ cậu Quỳ tôi nằm ngay đầu dãy thứ ba bên phải cổng vào nghĩa trang. Tôi nhận ra ngay trên bia mộ tấm ảnh chân dung in trên đá, chụp cậu tôi lần về phép cuối năm 1953, có lẽ do bố tôi chụp, vì ngày còn thanh niên, hai người đã là bạn thân, học cùng một trường cấp 3 hiếm hoi ở miền Bắc lúc bấy giờ. Cuối năm 1944, đang học dở tú tài thì cả hai bỏ học đi hoạt động Việt Minh. Sau ngày Cách mạng Tháng Tám thành công, cậu Quỳ tôi theo ngạch quân sự còn bố tôi theo ngạch dân sự. Tấm ảnh này trên bàn thờ nhà tôi cũng có, vì mẹ tôi tuy là phận gái nhưng lòng nhớ thương người em tài hoa đã hy sinh cho Tổ quốc quá lớn nên mẹ đã thờ cả bố tôi và cậu Quỳ, dù mẹ vẫn còn hai người em trai nữa.

leftcenterrightdel

Nhân viên quản trang chăm sóc các phần mộ liệt sĩ trong Nghĩa trang Liệt sĩ đồi Độc Lập (tỉnh Điện Biên). Ảnh: HỒNG SÁNG

Tôi thắp hương cho cậu Quỳ và quỳ xuống bên mộ cậu. Mặc dù cố kìm nén nhưng tôi không thể ngăn được hai dòng nước mắt. Tôi đã khóc. Tôi khóc vì lòng tiếc thương của một người cháu đối với người cậu ruột mà tôi chưa biết mặt, vì khi cậu tôi hy sinh, tôi mới có 4 tháng tuổi. Cậu tôi là một thanh niên tài hoa, đang học dở tú tài thì bỏ học theo cách mạng. Năm 1946, khi mới 17 tuổi, cậu tôi đã là học viên khóa 2 Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn (nay là Trường Sĩ quan Lục quân 1).

Nước mắt chồng nước mắt. Tôi còn khóc với nỗi lòng của một người lính đối với một người lính, của một người đồng đội thế hệ sau của cậu. Tôi là người lính thế hệ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Dầu không cầm súng dài tới 9 năm như cậu tôi, nhưng trong chiến tranh tôi cũng là một người lính bộ binh trực tiếp chiến đấu tới vài chục trận trước ngày miền Nam giải phóng.

Tôi nhớ ngày tôi nhập ngũ trong cái năm cả nước tổng động viên ấy, bà ngoại tôi xót thương cháu đã khóc rất nhiều. Bà dặn tôi một câu khá đặc biệt: "Nếu chỉ huy có bảo xung phong lên lấp lỗ châu mai thì đừng có lên, cháu nhé". Tôi không biết tại sao bà lại biết rằng lấp lỗ châu mai tức là sẽ hy sinh. Tôi chỉ biết là bà thương tôi và chắc nghĩ tôi cũng có thể sẽ hy sinh, không trở về như cậu Quỳ tôi. Nếu như vậy thì bà ngoại và mẹ tôi sẽ trở thành hai người đàn bà có chung số phận, vì tôi cũng có một chị gái. Nhưng bà ngoại tôi và chắc rất nhiều người không biết  người lính khi ra trận sẽ hành động thế nào. Bản năng người lính và tình thương đồng đội sẽ làm họ quên đi bản thân mình. Rất có thể khi gặp tình huống trong chiến đấu như Anh hùng Phan Đình Giót, tôi cũng sẽ quên lời bà dặn mà hành động giống như anh.

Có thể trong ước vọng của bà ngoại còn có cả sự phù hộ của cậu tôi dành cho đứa cháu ruột là tôi khi ra trận, nên tôi đã không gặp phải tình huống gian nguy ấy. Sau chiến tranh, tôi đã lành lặn trở về với mẹ, với bà. Và hôm nay, tôi có mặt ở đây để thắp hương cho cậu tôi, để cảm ơn cả số phận đã trả lại tôi về với mẹ tôi sau chiến tranh nữa. Tôi cứ chắp tay khấn cậu và nghĩ miên man như thế, mặc cho nước mắt rơi.

Cùng các dì và các em, tôi còn đi khắp nghĩa trang để thắp hương cho các liệt sĩ Điện Biên. Thật đau lòng là nơi đây còn nhiều phần mộ khuyết danh quá, cũng giống như phần lớn các nghĩa trang thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Chỉ có một câu chung dành cho các liệt sĩ ghi nơi đài tưởng niệm của các nghĩa trang: "Vinh quang đời đời thuộc về các anh hùng liệt sĩ".

Trong 4 ngày ở Điện Biên, đại gia đình chúng tôi còn đi thắp hương cho các liệt sĩ ở những nghĩa trang khác nữa, và ngày nào cũng đến thắp hương cho phần mộ của cậu tôi cùng các đồng đội tại Nghĩa trang Liệt sĩ đồi Độc Lập.

 Tôi cũng đi thăm di tích hầm De Castries, thăm đồi A1... Mỗi nơi, tôi đứng thật lâu, nhìn địa hình, đem chút kinh nghiệm của người lính trải qua chiến tranh, đối chiếu với những điều đã ghi trong sử sách về Chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa để hình dung ra những trận đánh dai dẳng và ác liệt của thế hệ cha chú mình với quân Pháp. 

Cùng đại gia đình trở về Hà Nội, tôi tạm biệt cậu Quỳ và mang theo lời dặn của các dì. Sẽ còn lên Điện Biên thăm cậu nhiều lần nữa.

Đấy là câu chuyện tôi lên Điện Biên từ mấy năm trước. Tháng 4 vừa rồi, anh chị em chúng tôi đã lên Điện Biên thắp hương cho cậu Quỳ nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Năm nay, Nhà nước và tỉnh Điện Biên tổ chức trang trọng ngày lễ kỷ niệm này. Tôi cũng muốn báo một tin cho cậu biết, đó là năm 2020, Nhà xuất bản Văn học đã xuất bản cuốn sách "Còn sống, còn nhớ" của Đại tá, nhà văn Phạm Quang Đẩu viết về cuộc đời của cậu cùng đại gia đình ông ngoại đấy cậu ạ.

Cùng với nhân dân cả nước, chúng cháu không bao giờ quên ơn hy sinh của cậu và các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống cho độc lập, tự do của Tổ quốc.

Nhà văn VŨ CÔNG CHIẾN