Tỉ mỉ nghề in cổ xưa

Theo những người cao tuổi trong làng, xưa kia, làng Thanh Liễu có tên là làng Hồng Lục, một trong 3 làng nghề in ấn nổi tiếng khắp cả nước thời kỳ nhà Lê sơ. Đến đời nghệ nhân Nguyễn Công Đạt, khắc in mộc bản đã trải qua được hơn 500 năm. Đó vừa là nghề và cũng là truyền thống văn hóa của làng Thanh Liễu.

Chúng tôi tìm gặp anh Nguyễn Công Đạt (sinh năm 1992), người có công lớn trong việc hồi sinh làng nghề khắc in mộc bản Thanh Liễu. Từ nhỏ, tấm bản khắc gỗ đã gắn liền với tuổi thơ của cậu bé tinh nghịch, ham học hỏi. Lần theo hồi ức, anh như nghe văng vẳng tiếng dao khắc gỗ bên tai. Mỗi buổi chiều, Đạt thường lén theo các nghệ nhân lão luyện vào xưởng khắc, say mê ngắm nhìn đôi bàn tay của họ khéo léo tạo nên những tác phẩm nghệ thuật độc đáo. Từ đó, cậu bé Đạt yêu thích tìm hiểu về nguồn cội của làng mình.

leftcenterrightdel

Nghệ nhân Nguyễn Công Đạt thực hành khắc in mộc bản. Ảnh do nhân vật cung cấp 

Nói về lịch sử của làng, nghệ nhân Nguyễn Công Đạt say sưa lắm. Anh cho chúng tôi xem một số thông tin ít ỏi về mộc bản Thanh Liễu. Trong sách “Đại Nam dư địa chí ước biên” có viết: “Liễu Tràng, Hồng Lục, quan Thám hoa thành thầy dạy khắc ván in”. Đó là nói về Thám hoa đầu tiên của triều đại Lê sơ-Lương Như Hộc (1420-1501), tự là Tường Phủ, hiệu là Hồng Châu, người làng Hồng Lục (Hồng Liễu), huyện Trường Tân, phủ Hạ Hồng (nay là khu Thanh Liễu, phường Tân Hưng, TP Hải Dương). Thời kỳ đó, sách khan hiếm bởi việc in ấn chưa phổ biến, người dân mua sách với giá rất cao. Trong hai lần đi sứ Trung Quốc, Lương Như Hộc có cơ hội tiếp xúc và học hỏi kỹ thuật khắc in mộc bản, một nghề in ấn cổ truyền rất phát triển tại thời điểm đó. Để dân ta không khó trong việc mua lấy chữ, Lương Như Hộc đã mang kiến thức học được về truyền dạy cho người dân quê hương. Từ đó, khắc in mộc bản được phát triển ra nhiều nơi khác.

Khắc in mộc bản là kỹ thuật in ấn cổ xưa, đòi hỏi sự tỉ mỉ và khéo léo của người nghệ nhân. Theo anh Đạt, gỗ chọn khắc phải từ cây sống, gỗ tươi và thẳng, ít nhánh, tuổi đời từ 40 đến 60 năm. Gỗ lấy về trải qua nhiều công đoạn xẻ, phơi khi nào đủ tiêu chuẩn mới có thể khắc chữ nổi lên trên để thành một bản in hoàn chỉnh. Giấy in phải chọn loại giấy dó, giấy xuyến mới bảo đảm chất lượng của bản in. Sau đó, bản mộc được lăn bằng mực Tàu (trước kia thì đốt lá tre làm mực), dán giấy lên rồi lăn nhẹ đều tay, để một vài phút cho khô mực mới có bản in hoàn chỉnh. Trung bình mỗi bản khắc gỗ nghệ nhân phải mất 3-5 ngày mới hoàn thành. Tuy nhiên, nhiều bản khắc gỗ phải mất vài tháng tùy vào độ dài ngắn, câu chữ và chủ đề mà người đặt hàng yêu cầu.

Sản phẩm khắc in mộc bản chủ yếu là sách chính văn chính sử, phù bùa ấn triện, tranh mộc bản và khắc dấu. Khó khăn nhất là khắc bản chữ. Nhiều bản khắc gỗ, con chữ khá bé, nên người thợ khắc rất khó khăn. Quá trình khắc, nếu không may bị vỡ, nghệ nhân sẽ vá lại nhưng trường hợp này rất hạn hữu. Vì bản khắc chữ sẽ ngược, khi in mới được chữ xuôi nên nghệ nhân phải thuộc chữ Hán, hiểu luật viết.

leftcenterrightdel

Công đoạn lăn mực trong quy trình khắc in mộc bản. Ảnh do nhân vật cung cấp 

Quá trình làm nghề, anh Đạt cũng gặp không ít khó khăn. Nhiều lần tay làm chưa vững, dao khắc đi lệch làm sứt, mẻ tấm gỗ có giá trị lớn, anh bùi ngùi tiếc nuối. Đó là bởi làng Thanh Liễu chuyên dùng dao ngang để khắc, thay vì con dao dọc như bao nơi khác. Ngày nào anh cũng miệt mài ở xưởng, tay tì tay khắc khiến đôi bàn tay anh ngày một chai sần. Rồi những lần không may bị đứt tay, vết thương rỉ máu thấm vào gỗ khiến tác phẩm bị hỏng. Nhớ lại những ngày tháng gian khó, anh Nguyễn Công Đạt càng trân trọng nghề mà ông cha đã truyền, trân trọng đôi bàn tay giúp anh theo đuổi nghề, sáng tạo nhiều tác phẩm quý giá hơn...

Những tín hiệu vui

Sau khi tốt nghiệp Khoa Thiết kế nội thất, Viện Đại học Mở Hà Nội (nay là Trường Đại học Mở Hà Nội), Nguyễn Công Đạt trở về quê hương tiếp quản nghề truyền thống. Anh nhanh chóng nhận ra, dù dân làng cố gắng gìn giữ nét tinh hoa, thuần túy của nghề nhưng trải qua các triều đại, nhiều loại hình in ấn phát triển như in di động, in thạch bản, in ấn bằng máy... dần làm phai mờ nghệ thuật in mộc bản truyền thống. Anh tâm sự: “Ít người biết đến nguồn gốc, tổ nghề ở làng tôi lắm”. Những tác phẩm có thể nhiều người đã quen thuộc như: "Đại Việt sử ký toàn thư" khắc in năm Chính Hòa thứ 18 (1697), "Đại Nam thực lục" của nhà Nguyễn, "Kỹ thuật của người An Nam" đầu thế kỷ 20... nhưng ít ai biết đến những tác phẩm đó được làm từ khắc in mộc bản ở làng Thanh Liễu.

“Tôi muốn hồi sinh làng nghề, để mọi người biết đến cái nôi của mộc bản Việt Nam”-lời nói đầy tính quả quyết của nghệ nhân Nguyễn Công Đạt về lý tưởng phục hồi nét văn hóa của làng Thanh Liễu. Nhưng thực tế, anh gặp cái khó khi tư liệu lịch sử còn ít, nguồn nguyên liệu gỗ ngày càng khan hiếm, thị trường tiêu thụ sản phẩm hạn hẹp. Nhiều nghệ nhân khác ngậm ngùi bỏ nghề vì kinh tế khó khăn, các nghệ nhân lão luyện thì tuổi cao, sức yếu. “Bác tôi là ông Nguyễn Công Tráng làm nghề gần 50 năm cũng phải chuyển sang nghề sửa xe máy mưu sinh khiến tôi vô cùng tiếc nuối”, anh Đạt cho biết. Ngày một ít người giữ nghề nên khắc in mộc bản dần mai một. Truyền thống làng nghề hơn 500 năm bị đứt quãng.

leftcenterrightdel

Du khách tham quan Triển lãm “Mộc bản Thanh Liễu - Hành trình hồi sinh một làng nghề”. Ảnh do nhân vật cung cấp 

Vượt qua thử thách, anh Đạt không ngừng tìm hướng đi mới. Về nguyên liệu, anh đến các địa phương như Bắc Giang, Quảng Ninh, Hải Phòng... để tìm, mua gỗ thị tươi. Để quảng bá mộc bản Thanh Liễu, anh tích cực tham gia các triển lãm, liên kết với Bảo tàng tỉnh Hải Dương để mở rộng quy mô quảng bá mộc bản. Do công chúng chỉ biết quy trình in ván, nên anh còn kết hợp với chùa Vĩnh Nghiêm, chùa Bổ Đà, chùa Trăm Gian... tặng nhiều sản phẩm đến các tỉnh, bảo tàng để mọi người hiểu rõ hơn quy trình sang khắc mộc bản. Đồng thời, anh liên kết quảng bá mộc bản với giấy dó tại phường Bưởi, quận Tây Hồ; kết hợp với làng gốm Chu Đậu, tỉnh Hải Dương, tạo ra nhiều tác phẩm gốm Chu Đậu được in hoa văn mộc bản khá độc đáo.

Xuất thân là cử nhân chuyên ngành thiết kế nên anh Đạt cũng là nghệ nhân chính của làng thiết kế các bản vẽ và khắc tranh chân dung, mỹ thuật. Bên cạnh việc sáng tạo và sản xuất, anh Đạt còn dành nhiều tâm huyết để truyền dạy cho thế hệ trẻ làng Thanh Liễu đến với nghề truyền thống. Anh dạy nghề miễn phí, hướng dẫn các bạn trẻ cách chọn gỗ, cách cầm dao khắc, cách pha mực...

Tháng 6 vừa qua, Nguyễn Công Đạt đã thành công trong việc tổ chức Triển lãm “Mộc bản Thanh Liễu-Hành trình hồi sinh một làng nghề”, thu hút sự quan tâm của công chúng đến với làng Thanh Liễu. Trong những năm miệt mài quảng bá làng nghề, có nhiều tác phẩm khiến anh rất tự hào. Trong đó có bức cá chép hóa rồng, sử dụng họa tiết hoa văn thời nhà Nguyễn được anh tặng một người bạn đang làm luận án tiến sĩ về mộc bản tại Hà Lan. Nhờ vậy, mộc bản Thanh Liễu được quảng bá đến các nhà nghiên cứu từ nước ngoài... trong đó các nhà nghiên cứu Hàn Quốc đã đến Thanh Liễu nghiên cứu và tìm hiểu nguồn gốc của mộc bản Việt Nam.

Ngày 13 tháng Giêng hằng năm, anh Nguyễn Công Đạt đều trưng bày mộc bản tại các miếu, giới thiệu quy trình khắc in mộc bản cho cộng đồng tham quan. Vào tháng 8 hằng năm, anh cùng người dân trong làng tổ chức lễ giỗ cụ tổ Lương Như Hộc, giúp người dân tưởng nhớ về cội nguồn, biết ơn công lao cụ tổ đã truyền nghề. Sự nhiệt huyết của anh đã truyền cảm hứng cho nhiều người trẻ, khơi dậy trong họ tình yêu với nghề. Khi anh Đạt khởi đầu hoạt động, ở làng Thanh Liễu chỉ có 3 nghệ nhân, hiện nay đã phát triển đến 8 gia đình làm nghề. Nghề khắc in mộc bản ở Thanh Liễu đang dần hồi sinh.

Không chỉ mang lại giá trị kinh tế, du lịch, đối ngoại, hành trình hồi sinh làng nghề của anh Nguyễn Công Đạt còn có ý nghĩa to lớn về lĩnh vực văn hóa. Phía trước chắc chắn sẽ còn gặp nhiều gian nan nhưng nghệ nhân Nguyễn Công Đạt đã góp phần bảo tồn và phát huy một truyền thống văn hóa quý báu, tạo ra những sản phẩm mang đậm bản sắc dân tộc Việt Nam.

HẠ ANH