Những cách làm hay
Nước ta có 3 trung tâm sân khấu lớn là Hà Nội, Hải Phòng và TP Hồ Chí Minh. Khi đại dịch Covid-19 ập tới, sân khấu TP Hồ Chí Minh có thể coi là trong thời gian "chết lâm sàng" với sự đóng cửa dài hạn của các trung tâm sân khấu cả của Nhà nước và tư nhân.
Ngay năm đầu của đại dịch, Hải Phòng đã triển khai dự án sân khấu truyền hình với mục tiêu phản ánh con người và sự phát triển của thành phố cảng qua các giai đoạn lịch sử. Bằng sự trân trọng và nhiệt tình, Sở Văn hóa và Thể thao TP Hải Phòng đã mở hội nghị chiêu mộ các tác giả trong cả nước về viết cho Hải Phòng.
Các đoàn gồm nhiều thể loại từ kịch nói, chèo, cải lương, múa rối của Hải Phòng với dự án này đã thực sự sống dậy với việc lần lượt dựng các kịch mục mới để bảo đảm mỗi tháng trên làn sóng truyền hình Hải Phòng có một vở diễn phục vụ nhân dân thành phố. Sau đó, nếu điều kiện cho phép sẽ đi biểu diễn thực địa phục vụ nhân dân trên địa bàn Hải Phòng từ các quận, huyện đến các hải đảo xa xôi.
Sau hơn hai năm thực hiện dự án sân khấu truyền hình đã khẳng định Hải Phòng là địa phương duy nhất tạo ra một hoạt động nghệ thuật phù hợp trong hoàn cảnh đại dịch Covid-19. Sân khấu Hải Phòng đã khơi dậy sự say mê trong làm nghề, không những đã thoát ra được sự tồn tại cầm chừng mà trở lại hoạt động nghệ thuật sôi nổi.
Người xem qua các vở diễn được chứng kiến những danh nhân Hải Phòng, những người có nhiều cống hiến cho Hải Phòng như Trần Hưng Đạo, Phạm Ngũ Lão, Lương Khánh Thiện...; được nghe kể các câu chuyện, sự tích về Hải Phòng như huyền thoại Cát Bà, chuyện về Đồ Sơn... Các tác giả trong cả nước tìm được sự kích thích trong sáng tạo. Chính người viết bài này trong thời gian qua cũng đã viết 5 kịch bản cho dự án sân khấu Hải Phòng và đã được dựng 3 kịch bản.
    |
 |
Cảnh trong vở "Vang bóng một thời" của sân khấu Lệ Ngọc. |
Còn ở Hà Nội, một thành phố cũng có đầy đủ các "binh chủng" sân khấu như Hải Phòng, nhưng trong thời gian đại dịch, có thể nói hầu hết các đơn vị từ kịch nói, chèo, cải lương, múa rối... đều ngừng hoạt động, khó khăn trong hoạt động nghệ thuật và đời sống.
Trong màu xám của sân khấu Hà Nội lại nổi lên điểm sáng trong hoạt động sân khấu tư nhân. So với TP Hồ Chí Minh, sân khấu tư nhân Hà Nội ra đời sau hàng vài ba thập niên và với số lượng chỉ vẻn vẹn hai đơn vị, đó là sân khấu Lucteam và sân khấu Lệ Ngọc. Song với những thành tựu thu được trong gần 3 năm qua đã có thể khẳng định đây là hai đơn vị sân khấu tư nhân thành công nhất với hàng loạt kỷ lục mà bất kỳ đơn vị sân khấu quốc doanh nào cũng khó đạt được, không chỉ là niềm tự hào của sân khấu tư nhân mà còn là niềm kiêu hãnh của sân khấu Việt Nam ở trong nước và thế giới, nhất là sân khấu Lệ Ngọc.
Sân khấu Lucteam của NSƯT Trần Lực mới được thành lập trên dưới 5 năm nay với số kịch bản khiêm tốn được dựng chưa đầy chục, nhưng từ vở đầu tiên là “Quẫn” cho đến gần đây nhất là “Ăng ti gôn” đều có sức hút đối với khán giả và tạo ra những luồng dư luận sôi nổi khi bàn đến phong cách tiết giảm và ước lệ gần giống chèo của Lucteam.
Còn sân khấu Lệ Ngọc của NSND Lệ Ngọc vốn là một đơn vị nói theo giọng doanh nghiệp là đơn vị tự chủ của Nhà hát Kịch Việt Nam. Sau khi NSND Lệ Ngọc về hưu, sân khấu Lệ Ngọc bắt đầu phát triển mạnh mẽ với một cách đi mà bất kỳ đơn vị sân khấu nào cũng mơ ước. Từ vở diễn “Ngũ biến” mở đầu và tạo ra thương hiệu sân khấu Lệ Ngọc năm 2019, và cả trong hai năm đại dịch khi các sân khấu nhà nước nằm im chờ thời thì sân khấu Lệ Ngọc nhiều lần khởi công hai vở diễn một lúc.
Điều đáng nói hơn cả là tất cả các vở diễn của sân khấu Lệ Ngọc đều có sức hút khán giả với những khán phòng chật cứng; không chỉ diễn ở Hà Nội mà còn được mời diễn ở TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Thái Nguyên..., có mặt ở các sàn diễn thế giới, như Liên hoan Sân khấu Trung Quốc và Asean, Nhật Bản... nhận được nhiều giải thưởng.
Tạo bản sắc cho sân khấu Thủ đô
Nhìn chung sân khấu Hà Nội-với vị trí là Thủ đô, có đủ các “binh chủng” sân khấu. Giống như Hải Phòng, Hà Nội là địa phương may mắn vẫn chưa thực hiện sáp nhập các đoàn nghệ thuật. Địa bàn Hà Nội còn có các đơn vị sân khấu Trung ương, tạo ra một sự cạnh tranh lớn đối với các đơn vị sân khấu Thủ đô.
Cũng như các ngành nghề khác, để khẳng định được một đơn vị sân khấu thì việc đầu tiên là tạo ra bản sắc của đơn vị mình. Đối với sân khấu Hà Nội, điều đầu tiên làm nên bản sắc là phải tạo ra sự rõ nét về chất Hà Nội trong kịch mục của mình. Đã có thời gian không ít đơn vị sân khấu Thủ đô tạo ra được chất Hà Thành khi dàn dựng các kịch bản của Xuân Trình và nhất là Lưu Quang Vũ. Vấn đề Hà Nội, phong cách diễn Hà Nội giai đoạn đó khá rõ nét với “Mùa hè ở biển”, "Đợi đến mùa xuân”, “Tôi và chúng ta", “Khoảng khắc và vô tận", “Người tốt nhà số 5”...
Gần đây, xem lại kịch mục của các đơn vị sân khấu Hà Nội thấy bản sắc Hà Thành đã mất đi khá nhiều, trong khi đó bản sắc này lại được các đoàn kịch tư nhân như Lucteam với “Quẫn”, “Ăng ti gôn”...; sân khấu Lệ Ngọc với “Vang bóng một thời", "Huyền thoại chùa Một Cột"... bộc lộ khá rõ. Phải chăng đó là một trong những nguyên nhân mà kịch tư nhân Hà Nội đang ăn khách, còn kịch quốc doanh thì chưa lấy lại được khán giả.
Muốn tăng chất Hà Thành hay chí ít muốn có nhiều vở kịch về Hà Nội đúng nghĩa thì nên chăng tham khảo kinh nghiệm của Hải Phòng khi triển khai dự án sân khấu truyền hình. Trong cuộc gặp mặt tác giả trong cả nước đến dự, ban tổ chức đã cung cấp nhiều tài liệu liên quan đến Hải Phòng và khẳng định sẵn sàng mời tác giả nào có yêu cầu muốn đi thực tế ở các vùng đất Hải Phòng. Như vậy là chính sự quan tâm của lãnh đạo thành phố đã là tác nhân mở đầu và cực kỳ quan trọng để hơn hai năm qua kịch bản viết về Hải Phòng nở rộ.
Còn sự quan tâm đến sáng tạo nghệ thuật nói chung và với sân khấu nói riêng của lãnh đạo Hà Nội mới dừng ở sự động viên chung chung mà chưa có biện pháp, chương trình cụ thể. Riêng với ngành sân khấu thì lãnh đạo Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội cũng đã bước đầu nhận ra sự hẫng hụt của chất Hà Thành nên năm 2020 đã có cuộc thi kịch bản viết về Hà Nội. Không ít kịch bản đã được tặng thưởng. Đáng tiếc, sau cuộc thi thì mối liên hệ giữa ban tổ chức cuộc thi với các đơn vị sân khấu Hà Nội quản lý không được thiết lập, nên mặc dù nhiều kịch bản có chất lượng được tặng giải nhưng cho đến nay vẫn chưa có kịch bản nào được các đơn vị sân khấu dàn dựng, trong khi đó tình trạng các đơn vị sân khấu Thủ đô thiếu kịch bản về Hà Nội, phải "ăn đong" vẫn tồn tại.
NGUYỄN HIẾU
Tiến sĩ, nhà viết chèo Trần Đình Ngôn: Chấp nhận hy sinh cho sân khấu truyền thống
Hình thức nghệ thuật nào cũng có những bước thăng trầm thử thách trong quá trình tiến hóa, nhất là sự tiếp biến văn hóa. Giai đoạn hiện nay không nên yêu cầu, thậm chí không có quyền yêu cầu nghệ thuật truyền thống phải có nhiều khán giả yêu thích. Chúng ta phải chấp nhận sự thưa vắng khán giả. Bản thân những người yêu, đam mê sân khấu truyền thống phải chấp nhận hy sinh để theo đuổi, bảo tồn, giữ gìn nó. Vì vậy, Nhà nước cần có sự đầu tư cho nghệ thuật truyền thống, bảo đảm người theo nghệ thuật truyền thống có thù lao ở mức trung bình so với đời sống xã hội. Đó là cách để chúng ta giữ gìn, bảo tồn nghệ thuật truyền thống, giống như Nhật Bản họ bảo tồn sân khấu kịch Noh. (THU HÒA ghi)
|