Trong bộ áo dài truyền thống của Việt Nam, bà Elisa Fernandez, Trưởng đại diện Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) tại Việt Nam tới Trung tâm Nghiên cứu dâu tằm tơ Trung ương (VIETSERI, tọa lạc tại phường Ngọc Thụy, quận Long Biên, TP Hà Nội) từ khá sớm. Dưới sự hướng dẫn của cán bộ Trung tâm, bà Elisa bày tỏ sự thích thú khi đi dạo bên vườn dâu trong không khí ban mai trong lành của tiết trời tháng 3 nắng nhẹ, thi thoảng những làn gió mát dịu từ sông Hồng lướt qua các ngọn dâu cũng khiến vị nữ khách phương Tây trải qua những cung bậc cảm xúc đầy chất thi vị.

leftcenterrightdel
 Bà Elisa Fernandez, Trưởng đại diện UN Women tại Việt Nam duyên dáng trong bộ áo dài ngồi quay tơ.

Trưởng đại diện UN Women tại Việt Nam hào hứng kể: “Khi tôi đến Việt Nam cách đây 5 năm, tôi đã biết về vẻ đẹp tuyệt vời của bộ áo dài. Theo truyền thống, áo dài được làm từ lụa và lụa đã đóng một vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa và kinh tế của Việt Nam. Lụa cũng đã được liên kết với các phong trào của phụ nữ. Ví dụ, khi phong trào bình đẳng giới bắt đầu phát triển ở Việt Nam vào đầu thế kỷ 20, sản xuất tơ lụa đã trở thành một biểu tượng trao quyền cho phụ nữ. Nhìn về tương lai, tôi hy vọng rằng ngành sản xuất tơ lụa của Việt Nam sẽ tiếp tục mở đường cho bình đẳng giới và thịnh vượng”.

“Theo dấu tằm tơ” là sự kiện gặp mặt đoàn ngoại giao, các nhà ngoại giao nữ, phu nhân đại sứ các nước tại Việt Nam, đại diện Nhóm Phụ nữ cộng đồng ASEAN tại Hà Nội do Bộ Ngoại giao Việt Nam phối hợp với VIETSERI và DeSilk tổ chức, nhân kỷ niệm Ngày Quốc tế Phụ nữ (8-3).

Các nhà ngoại giao nữ, các phu nhân đại sứ đã có một ngày thú vị được ra giữa ruộng dâu xanh mướt, hái trái dâu chín mọng và đặc biệt là được tận mắt chứng kiến những nong tằm đang ăn rỗi, những con tằm đang nhả tơ đóng kén ngay bên bờ ruộng. Trong không gian của VIETSERI, các nhà ngoại giao, phu nhân đại sứ còn trực tiếp thực hành quay tơ bằng tay như phụ nữ Việt xưa, được ngồi vào khung cửi dệt lụa; ngắm nghía những nong kén vàng ươm hay trắng ngà, có cả những kén màu hồng là sáng tạo mới của nghề chăn tằm. Đặc biệt là được chiêm ngưỡng những vuông lụa mềm, mát, in hoa văn tuyệt đẹp bằng công nghệ hiện đại mà ngưỡng mộ sự thông minh, khéo léo của người Việt cùng các nghệ nhân.

Giới thiệu về nghề nuôi tằm, dệt vải, ông Lê Hồng Vân, Giám đốc VIETSERI cho biết, nuôi tằm dệt vải đã xuất hiện, tồn tại và phát triển trong dân gian Việt Nam từ hàng ngàn năm nay. Hiện nay, Việt Nam nằm trong top 4 các nước có nghề dâu tằm phát triển mạnh mẽ. Trồng dâu nuôi tằm đang là sinh kế, nguồn sống của hơn 100.000 nông dân Việt Nam, trong đó phần lớn là phụ nữ. Tơ tằm vẫn giữ được vị trí “nữ hoàng” trong ngành dệt may bởi những đặc tính bóng, mượt không thể thay thế và thân thiện với cuộc sống con người. Thời gian qua, đội ngũ cán bộ khoa học của Trung tâm ngày đêm bám sát phòng thí nghiệm cũng như các địa bàn trồng dâu nuôi tằm trên cả nước từ Bắc vào Nam, từ đồng bằng cho tới miền núi xa xôi, đã xây dựng được công nghệ nuôi tằm tiên tiến mang tính đột phá giúp thay đổi diện mạo nghề trồng dâu nuôi tằm, góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất tơ tằm phát triển mạnh mẽ.

Cùng với những trải nghiệm thực tế nghề tằm tơ canh cửi, các nữ đại sứ, phu nhân đại sứ còn được tìm hiểu dòng chảy văn hóa trong lụa Việt từ khi dựng nước, giữ nước của dân tộc Việt Nam, cũng như sứ mệnh của lụa khi đất nước bước vào thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa qua phần giới thiệu về lụa Việt của bà Văn Hằng, nhà sáng lập DeSilk. Lấy cảm hứng từ thiên nhiên, thủ công truyền thống và văn hóa Việt Nam giàu bản sắc dưới cái nhìn, sự giải mã mang phong cách thiết kế hiện đại phương Tây, các sản phẩm lụa DeSilk trưng bày tại sự kiện, cũng như được các nhà ngoại giao, phu nhân đại sứ khoác trên người, góp phần tôn vinh vẻ đẹp của người phụ nữ, đồng thời tái định nghĩa lại thương hiệu cao cấp của người Việt. 

“Chúng tôi muốn thế giới biết đến lụa Việt Nam không chỉ tốt mà còn rất đẹp, tinh xảo nhờ thiết kế đặc biệt và quy trình quản lý khắt khe”, bà Văn Hằng khẳng định. DeSilk đi vào hoạt động từ năm 2018 và là tâm huyết của nhà sáng lập Văn Hằng cùng sự đồng hành của Giám đốc nghệ thuật Minh Phạm (người Thụy Sĩ gốc Việt). Các họa tiết của DeSilk lấy cảm hứng từ thiên nhiên, thủ công truyền thống và văn hóa Việt Nam giàu bản sắc dưới cái nhìn, sự giải mã mang phong cách thiết kế hiện đại phương Tây như: Họa tiết sen; long, ly, quy, phượng; nghệ thuật kiến trúc đình, chùa; di sản thiên nhiên Việt Nam...

Bà Lê Thị Thu Hằng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao khẳng định, chương trình đặc biệt ý nghĩa với những nghiên cứu, sản phẩm mang đậm nét văn hóa, lịch sử Việt Nam. Các đại diện tham dự, dù cán bộ ngoại giao hay các phu nhân của cán bộ ngoại giao, không chỉ đóng góp triển khai công tác đối ngoại mà còn chính là những cầu nối để tăng cường hiểu biết lẫn nhau, cầu nối về văn hóa, lịch sử, cầu nối để gắn kết các quốc gia, dân tộc, gắn kết giữa người dân với người dân. Những trải nghiệm thú vị “Theo dấu tằm tơ” không chỉ lan tỏa tình yêu tơ lụa Việt mà thông qua các nữ khách mời quốc tế còn là cơ hội lớn nhằm quảng bá ngành dâu tằm và dệt lụa của Việt Nam ra thế giới.

Bài và ảnh: HÀ ANH