Khoảng 25% lượng tiêu thụ thuốc trừ sâu trên toàn thế giới là thuộc về ngành nông nghiệp trồng bông. Ngành may mặc quần áo và giày dép thải ra đến 8% tổng lượng khí thải nhà kính, bằng với lượng khí thải ra của cả Liên minh châu Âu. Đến năm 2030, ước tính lượng khí thải của riêng ngành công nghiệp thời trang sẽ lên đến 4,9 gigatonne CO2-bằng với lượng thải ra của tất cả các ngành công nghiệp ở Hoa Kỳ cộng lại.

leftcenterrightdel
Tái chế một chiếc áo len cũ thành vỏ gối thật xinh xắn. Ảnh: HÀ MY

Hay đơn giản hơn, chúng ta thử làm một phép tính nhỏ: Mỗi năm, thế giới sản xuất ra khoảng 2 tỷ chiếc quần jeans và để làm ra một chiếc quần jeans mới, người ta cần đến 7.000 lít nước!

Tất cả những sự thật ngỡ ngàng ấy đang diễn ra hằng giờ, chúng chứng minh một sự thật: Thời trang đang tàn phá môi trường với tốc độ khủng khiếp trong khi chúng ta thì chẳng mấy khi quan tâm.

Ngành công nghiệp thời trang là một trong những ngành công nghiệp lớn nhất thế giới bởi sự cần thiết của nó hiện hữu mỗi ngày và phục vụ tất cả mọi người. Nhưng cũng chính vì vậy, nó trở thành một trong những ngành công nghiệp gây ô nhiễm thứ hai với lượng rác thải khổng lồ chỉ sau ngành dầu khí. Ước tính trong năm 2018 đã có hơn 500 triệu tấn áo quần, phụ kiện thời trang được thải ra và chỉ 30% trong số đó được tái chế. Điều đó đồng nghĩa với việc 70% số lượng quần áo dư thừa sẽ được chôn trong bãi rác công cộng hoặc đi vào lò thiêu rác.

Sau tất cả các sự thật không thể che lấp và sự bừng tỉnh của con người thì cụm từ “thời trang bền vững” bắt đầu ra đời như một lối đi mới cho ngành thời trang trong tương lai, biến nó thành một ngành công nghiệp xanh và thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, vấn đề chính là không có một giải pháp duy nhất nào trên diện rộng có thể giải quyết được tất cả các vấn đề đang tồn tại, mà nó phải đến từ mỗi người, cùng chung tay, cùng hành động.

Nó đến từ chính ý thức của chúng ta, cách chúng ta nhìn nhận về những gì mình mặc, mình sẽ mua, mình vứt đi hay mình gìn giữ. Bởi có một điều đơn giản rằng: Khi nhu cầu sử dụng mới ít đi thì lượng sản phẩm sản xuất ra sẽ giảm dần.

Vậy làm thế nào để nhu cầu sử dụng mới ít đi? Câu trả lời là: Mặc lại, tái sử dụng và kéo dài tuổi thọ của những sản phẩm thời trang.

Có rất nhiều cách để mặc lại, mỗi chúng ta có thể tặng lại những quần áo không còn phù hợp, thiết kế lại những món đồ cũ để làm mới chính tủ đồ của mình, đi mua những sản phẩm thời trang đã qua sử dụng hay đơn giản hơn là trao đổi những sản phẩm thời trang với người khác.

Tại Thụy Điển, Ngày hội hoán đổi quần áo được tổ chức đều đặn hằng năm và đã được Hiệp hội Bảo tồn thiên nhiên Thụy Điển coi nó như một hoạt động hàng đầu để bảo vệ môi trường. Khi tham gia ngày hội, mỗi người chỉ cần mang theo các sản phẩm quần áo, thời trang không còn cần thiết với bản thân và đổi lấy những sản phẩm khác tại ngày hội và mang về. Hoạt động này giúp “hồi sinh” tủ quần áo của mọi người một cách thân thiện với môi trường. Các sản phẩm may mặc mà bạn không còn ưa thích lại là đồ dùng mới và thú vị cho người khác. Ngày hội hoán đổi quần áo này đã được nhân rộng mô hình ở rất nhiều nước trên thế giới trong đó có cả Việt Nam bởi những ý nghĩa thiết thực mà nó tạo ra.

Theo một thống kê mang tính tương đối thì nếu sử dụng lại 1kg quần áo cũ thay vì mua mới, chúng ta sẽ chung tay tiết kiệm được khoảng 15kg tương đương carbon dioxide (CO2), 10.000 đến 15.000 lít nước và 2,7kg hóa chất.

Bên cạnh việc mặc lại, chúng ta có thể tái sử dụng đối với những sản phẩm đã bị hỏng hóc đôi chút. Thay vì vứt đi một chiếc áo len đã bị rách, chúng ta có thể tận dụng phần thân áo để làm thành một chiếc vỏ gối. Một chiếc váy bò đã bạc màu có thể làm thành một chiếc túi hai quai. Hay đơn giản chỉ là việc sử dụng những chiếc áo thun cũ để làm giẻ lau.

Có rất nhiều cách để hướng tới “thời trang bền vững” nhưng những hành động nhỏ bé mà đầy thiết thực mỗi ngày luôn là những nỗ lực bền bỉ mà bất kỳ ai cũng có thể thực hiện được để làm nên những điều có trách nhiệm hơn với môi trường.

HOÀNG HÀ