Trong khoảng một thế kỷ qua, đại dịch Covid-19 không phải là biến cố lớn đầu tiên thế giới phải chứng kiến. Năm 1918, đại dịch cúm Tây Ban Nha lan rộng khắp toàn cầu, khiến 500 triệu người nhiễm, trong đó 50 triệu người tử vong. Từ năm 1929 đến 1933, cuộc đại khủng hoảng kinh tế khiến GDP thế giới giảm khoảng 15%. Từ năm 1939 đến 1945, Chiến tranh thế giới thứ hai khiến khoảng 73 triệu người chết...

leftcenterrightdel
Khẩu trang đã trở thành một phụ kiện thời trang. Ảnh: TUẤN DUY

Những biến cố lớn đó đã tác động đặc biệt sâu sắc tới thời trang. Trước khi dịch cúm Tây Ban Nha hoành hành, người ta vốn không giặt quần áo thường xuyên. Khi dịch cúm xuất hiện, việc giặt quần áo thường xuyên để loại bỏ virus trở nên đặc biệt quan trọng. Trong tình cảnh ấy, các loại quần áo khó giặt như corset, đầm xếp li phức tạp... bị “xếp xó”. Những trang phục có phom dáng đơn giản, bằng vải cứng cáp và được nhuộm bằng màu khó phai trở nên được ưa chuộng.

Đại dịch Covid-19 cũng có những nét tương đồng với dịch cúm Tây Ban Nha. Trong đó, đặc biệt là việc cần thiết phải giặt giũ quần áo thường xuyên nhằm loại bỏ SARS- CoV-2. Vì thế, không có gì đáng ngạc nhiên khi thời trang trở lại xu hướng đơn giản, với những bộ quần áo dễ sử dụng, dễ giặt giũ.

Ở góc độ kinh tế, trước cuộc đại khủng hoảng kinh tế 1929-1933, thời trang đã có những cuộc chơi xa hoa phù phiếm. Khi khủng hoảng ập đến, những thiết kế có phom dáng cổ điển vượt thời gian giúp người mặc đỡ phung phí tiền bạc vì không phải liên tục thay đổi trang phục. Mặt khác, khi khủng hoảng kinh tế xảy ra, nhiều người có tiền, dù không phải sống kham khổ, vẫn lựa chọn những trang phục đơn giản. Bởi lẽ, họ cảm thấy ăn mặc xa hoa là điều không phải với những người có hoàn cảnh khó khăn. Cách đây không lâu, trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008, những chất liệu xa hoa như lông thú và đính kết cũng bị bỏ qua.

Đại dịch Covid-19 cũng đang gây ra một cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu khá nặng nề. Trong bối cảnh “thắt lưng buộc bụng”, chắc không nhiều người muốn khoác lên mình những trang phục bị xem là đắt đỏ.

So với những biến cố trước đây, thời trang thời đại dịch Covid-19 có một sự khác biệt về phụ kiện. Đó là những chiếc khẩu trang đã trở nên quen thuộc và trở thành một gu thẩm mỹ mới trên toàn thế giới. Với việc các trung tâm phòng dịch toàn cầu đang khuyến nghị mọi người nên đeo khẩu trang vải nơi công cộng, phụ kiện thời trang này dư sức cạnh tranh với găng tay để xếp đầu danh sách phổ biến nhất. Bắt kịp xu hướng này, các nhà thiết kế đã cho ra đời các loại khẩu trang đa sắc phối hợp hoàn hảo với các loại trang phục. Thậm chí, đã xuất hiện nhiều loại khẩu trang độc quyền cho một nhân vật hay một sự kiện nào đó.

Thời trang cũng như các ngành khác, đều không thể tránh khỏi những tác động sâu sắc của các sự kiện kinh tế, chính trị, xã hội. Vì thế, khi đại dịch Covid-19 hoành hành, những xu hướng thời trang từng phổ biến trong các biến cố lịch sử lại có dịp trở lại.

HẢI ĐĂNG