Tuy vậy, tìm về những món đồ chơi xưa vẫn là việc khiến nhiều người thích thú, bởi mỗi món đồ chơi không chỉ phản ánh đời sống một thời mà còn chứa đựng trong đó những câu chuyện ý nghĩa mang đậm bản sắc văn hóa, truyền thống dân tộc.

Những ngày đầu tháng Tám âm lịch, Phường Bách Nghệ ở Mộ Lao, Hà Đông, Hà Nội đón hàng trăm khách mỗi ngày đến tham quan, trải nghiệm các món đồ chơi Trung thu truyền thống, như: Đèn ông sao, đèn kéo quân, đèn lồng, ông tiến sĩ giấy, ông phỗng đất, mặt nạ giấy bồi, đầu sư tử, hay cầu kỳ hơn là những chiếc tàu thủy sắt tây... Trẻ em đến đây để được tìm hiểu về đồ chơi của cha ông xưa. Còn người lớn đến như để tìm lại ký ức thời thơ ấu mà không khỏi xúc động, bồi hồi nhớ về những mùa Trung thu xưa.

Cuộc sống vật chất ngày càng đủ đầy với vô vàn thứ hiện đại bắt mắt khiến những món đồ chơi dân gian dần lạc hậu, kém hấp dẫn. Mỗi dịp Trung thu về, đường phố rực rỡ sắc màu, ngập tràn âm thanh từ các loại đồ chơi ngoại nhập, phong phú về mẫu mã và đa dạng về giá thành để bất cứ ai cũng có thể mua cho con em mình. “Thế nhưng đã bao giờ bạn tự hỏi, trước khi có những món đồ rộn ràng âm thanh và phong phú mẫu mã đó thì ông bà, cha mẹ đón Trung thu như thế nào?... Đèn lồng, đèn ông sao chạy bằng pin, mặt nạ nhựa... vốn đều là những cải tiến dựa trên các đồ chơi cổ truyền” - anh Ngô Quý Đức, đại diện Phường Bách Nghệ chia sẻ.

leftcenterrightdel
 Anh Ngô Quý Đức hướng dẫn em nhỏ làm đèn ông sao. 

Thực tế, giống như nhiều nghề thủ công truyền thống đứng trước tác động của kinh tế thị trường, đồ chơi Trung thu truyền thống cũng gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ. Nghệ nhân ngày càng thưa vắng. Nhiều nghề chỉ còn một gia đình giữ nghề như làm mặt nạ giấy bồi, thậm chí có nghề không còn nghệ nhân làm. Phường Bách Nghệ, Trung tâm Nghiên cứu, phát triển, ứng dụng sản phẩm làng nghề Việt được xây dựng trở thành không gian giúp thúc đẩy và phát triển tinh hoa các làng nghề thủ công truyền thống Việt Nam và tạo nên một hành trình của sự khám phá, sáng tạo, truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ kế thừa, phát huy và ứng dụng làng nghề Việt vào đời sống hiện đại. Bởi vậy, dịp này, ngoài trưng bày giới thiệu những đồ chơi dân gian, tại Phường Bách Nghệ còn tổ chức hoạt động trải nghiệm làm đồ chơi Trung thu cho khách có nhu cầu với mong muốn giới thiệu những nét đẹp, ý nghĩa của những món đồ chơi xưa tới các bạn trẻ.

Tìm về những giá trị văn hóa cội nguồn của cha ông để có thể hiểu rõ quá khứ và vững bước tương lai. Có lẽ trong cuộc sống hối hả vội vã, khi nhiều giá trị truyền thống đang dần mai một, con người lại càng mong muốn tìm về nguồn cội nên từ trước Trung thu vài tuần đã có rất nhiều người quan tâm tìm đến đây, trong đó có nhiều trường, lớp tổ chức cho đoàn học sinh trải nghiệm. Với không ít bạn nhỏ, nhiều món đồ chơi có thể thật xa lạ, chưa được thấy bao giờ, nhưng sau khi được nghe giới thiệu đã vô cùng thích thú: Thì ra mỗi món đồ chơi dân gian đều chứa đựng nhiều ý nghĩa tốt đẹp. Chẳng hạn như ông tiến sĩ giấy tượng trưng cho sự ham học, giỏi giang, công danh thành đạt, là món đồ chơi ý nghĩa biểu tượng cho truyền thống hiếu học của dân tộc ta; hay đằng sau chiếc đèn kéo quân là câu chuyện xúc động để răn dạy về lòng hiếu thảo của con cái với cha mẹ...

Trực tiếp tham gia làm một món đồ chơi bất kỳ lại càng thấy sự cầu kỳ, tỉ mỉ và sức sáng tạo của cha ông xưa. Tìm về những món đồ chơi Trung thu xưa là hành trình thật ý nghĩa và vui vẻ, chẳng thế mà khi được trải nghiệm tự tay làm đèn ông sao cho Tết Trung thu này, các bạn nhỏ đã hào hứng cùng hát vang “Chiếc đèn ông sao sao năm cánh tươi màu...”.

Bài và ảnh: HOÀNG DƯƠNG