Sau đó, ta sẽ còn học thêm nhiều bậc nữa (đại học, cao học, nghiên cứu sinh hay các lớp nâng cao nghiệp vụ). Bậc nào cũng cần phải có thầy giúp đỡ chúng ta đạt được mục tiêu chính học cao biết rộng... Bởi thế, người Việt thường có câu tục ngữ: "Trọng thầy mới được làm thầy".

Câu này có nghĩa là: Khi đi học, phải biết trân trọng, vị nể thầy, khiêm tốn học hỏi thầy thì mới trưởng thành, giỏi giang và mới có cơ hội làm thầy người khác. Biết trọng thầy hôm nay, ta mới có cơ hội trở thành một người thầy cho ngày mai. 

Muốn hiểu thêm câu tục ngữ này, tôi xin nhắc đến một câu tục ngữ quen thuộc khác: "Nhất tự vi sư, bán tự vi sư" (nhất: một, bán: nửa, tự: chữ, vi: là, sư: thầy). Câu này có nghĩa là “Một chữ là thầy, nửa chữ (cũng) là thầy”. Hàm ý của câu tục ngữ này nhắc nhở mỗi chúng ta về đạo thầy trò ở đời. Rằng, chúng ta phải biết ơn người dìu dắt, dạy dỗ mình, dù chỉ là “nửa chữ cỏn con”.

leftcenterrightdel
Tiết học Văn sáng tạo tại Lớp 6P10, Trường Marie Curie, TP Hà Nội. Ảnh: PHÚ SƠN 

Có một giai thoại liên quan đến xuất xứ của câu nói này. Số là vào đời nhà Đường, có một nhà sư tên là Tề Kỷ ham thích làm thơ. Ông cũng là người cẩn trọng, chịu khó chăm chút, “thôi xao” từng con chữ. Một lần, ông làm một bài thơ nhan đề "Mai sớm" theo thể ngũ ngôn. Trong bài có đoạn: "Thôn trước trong tuyết dày/ Đêm qua mấy cành (hoa) nở". Tề Kỷ làm xong liền đem bài thơ đến thỉnh giáo một người bạn tên là Trịnh Cốc. Trịnh Cốc xem đi xem lại mấy lần, rồi nói: “Mấy cành không đủ biểu hiện được cái ý “sớm”. Tốt nhất là chữa chữ “mấy” thành “một” thì hay hơn”. Tề Kỷ nghe xong rất phục, liền chữa “mấy cành” thành “một cành”. Bài thơ đọc lên ai cũng khen hay. Từ đó, người ta gọi Trịnh Cốc là “ông thầy chữa một chữ” (theo "Từ điển thành ngữ, điển cố Trung Quốc", Lê Huy Tiêu dịch, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, năm 1993).

Còn có một giai thoại nữa liên quan tới Vua Hàm Nghi, đại ý là vua chịu lâm nạn vì giữ nghĩa thầy trò. Câu chuyện là bài học vô cùng cảm động và thấm thía về đạo thầy trò. Đạo thầy trò cao hơn tất thảy. Đó còn là lẽ sống làm người.

Hàm Nghi (1871-1944), tên thật Nguyễn Phúc Ưng Lịch, là vị hoàng đế thứ 8 của nhà Nguyễn. Vì có tư tưởng và hành động chống Pháp, ông đã bị truy lùng. Sau một thời gian dài chống giặc, vua Hàm Nghi bị quân Pháp bắt được. Nhưng ông nhất quyết giữ im lặng “bất hợp tác” làm quân giặc không biết đây là Hàm Nghi “thực hay giả”. Không thể dùng uy lực để nhận diện nhà vua, quân Pháp và tay sai đã nghĩ ra một kế hiểm. Biết Vua Hàm Nghi là người trọng lễ nghĩa, kính trọng thầy dạy cũ của mình là Nguyễn Nhuận, chúng liền đưa thầy đến trước mặt ông. Khi gặp lại thầy cũ Nguyễn Nhuận, Vua Hàm Nghi liền đứng thẳng dậy, cung kính vái chào. Thế là quan quân Pháp và tay sai yên tâm rằng người mà chúng bắt được chính là vị vua mà chúng săn lùng. Nhà vua đáng kính, cuối cùng vì giữ lễ nghĩa tôn sư với người thầy mà đành phải chấp nhận bi kịch đời mình...

Nghề sư phạm, được làm thầy (người có đủ khả năng và trình độ để truyền dạy cho người khác) luôn luôn là một nghề vinh dự và cao quý, vì được thực thi một sự nghiệp quan trọng và thiêng liêng là “trồng người” cho đất nước. Bác Hồ đã nói: “Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”. "Trồng người" sẽ đem lại hiệu quả, lợi ích lâu dài tới cả trăm năm, qua nhiều thế hệ. Các thầy cô dạy dỗ chúng ta hôm nay đang gánh trên vai sứ mệnh cao cả đó. Các bạn học sinh muốn lớn lên, thành người giỏi giang, vừa "hồng", vừa "chuyên", sẽ nhận ra chân lý giản đơn của sự học, từ đó mà hiểu rõ hơn trọng trách của người thầy.

Kính trọng thầy và coi trọng những tri thức, cái đạo của thầy truyền lại là điều tối cần thiết của sự học. Dù mỗi người chúng ta làm bất cứ nghề gì (và nhất là nghề làm thầy ở lĩnh vực nào đó), chúng ta phải luôn luôn thấm nhuần tinh thần “tôn sư, trọng đạo” muôn đời mà cha ông ta truyền lại.

                   "Trọng thầy, trọng nghiệp cho ta

                   Từ trong tri thức nhìn ra cuộc đời

                   Xưa nay trong đạo làm người

                   Một câu thầy dạy, biển trời bao la".

  PGS, TS PHẠM VĂN TÌNH