Phố Khâm Thiên (nay thuộc hai phường Khâm Thiên và Thổ Quan, quận Đống Đa, TP Hà Nội) dài khoảng 1,2km, kéo từ ngã tư Khâm Thiên-Lê Duẩn, nơi đường tàu hỏa cắt qua, đến ngã sáu Ô Chợ Dừa. Đây là khu phố đông đúc, sầm uất, chỉ hơn một cây số mà có tới 26 ngõ với nhiều làng cổ: Khâm Đức, Tương Thuận, Trung Tiền, Trung Tả, Thổ Quan, Văn Chương, Lệnh Cư...
Đầu phố, số 2D Khâm Thiên là trụ sở của Xí nghiệp Đầu máy Hà Nội (sau đây viết tắt là Xí nghiệp). Trong suốt 12 ngày đêm ác liệt, mặc dù nằm trong vùng trọng điểm đánh phá của giặc Mỹ tại Hà Nội nhưng gần 2.000 cán bộ, công nhân viên của Xí nghiệp vẫn bám trụ, làm công sự, bảo vệ máy móc, duy trì hoạt động sản xuất. Chúng tôi gặp ông Hoàng Minh Thành, 71 tuổi, trú tại ngõ Thiên Hùng, Khâm Thiên, là một trong số nhiều người của Xí nghiệp tham gia cứu nạn trong sự kiện 12 ngày đêm.
Hồi tưởng những ký ức từ nửa thế kỷ trước, những nếp nhăn vì tuổi tác trên khuôn mặt vuông vức, đâu đó còn phảng phất bụi than, dầu máy của người đàn ông có 40 năm công tác tại Xí nghiệp (từ năm 1971 đến 2011) chợt giãn ra. Đặt bàn tay thô ráp lên một bộ phận của chiếc đầu tàu hỏa đang nằm trong phân xưởng cơ khí, ông Thành kể trong khí thế của những ngày tháng đầy máu lửa...
Năm 1971, chàng thanh niên Hoàng Minh Thành (quê Phú Thọ) tròn 20 tuổi. Học xong lớp cơ khí đường sắt tại quê nhà, anh được phân về Phân xưởng Cơ khí, Xí nghiệp Đầu máy Hà Nội. Lúc này, phân xưởng có hơn 100 cán bộ, công nhân, chia làm nhiều tổ như: Tổ tiện, tổ bào, tiện bánh xe, tổ rèn... chủ yếu sản xuất phụ tùng, sửa chữa đầu máy hơi nước. Mỗi ngày làm việc của họ được chia làm 3 ca, mỗi ca có khoảng 40 người làm việc kín các khu máy.
“Ngày đó, những người trẻ tuổi như chúng tôi rất thích làm ca đêm. Vì sao ư?”-ông Thành đưa tay về phía những khung cửa kính. Ngay bên ngoài khu nhà là hai đường ray tàu hỏa, rồi nói tiếp: "Tối nào cũng có khoảng 2-3 chuyến tàu chở bộ đội đi chiến đấu từ Ga Hà Nội chầm chậm qua. Mỗi khi thấy tiếng tàu hỏa từ phía xa vọng lại, chúng tôi lại dừng tay máy, chạy ra vị trí này vẫy tay chào các anh. Trong ánh sáng lờ mờ, những lá thư chưa kịp gửi được ném xuống từ trên tàu với những lời nhắn nhủ gấp gáp vang vọng: Nhờ các anh gửi giúp cho gia đình em nhé...".
|
|
Ông Hoàng Minh Thành bên những ô cửa sổ (đã có nhiều thay đổi so với thời điểm năm 1972) trong phân xưởng cơ khí, Xí nghiệp Đầu máy Hà Nội. |
Mặc dù đứng giữa sự sống và cái chết nhưng họ-những thanh niên tuổi mới đôi mươi không hề tỏ ra nao núng, sợ hãi. Hoàng Minh Thành cũng thế. Nhớ về đêm 26-12-1972, ông Thành kể: “Hôm ấy, chúng tôi vẫn đi làm bình thường, tuy nhiên, các tổ tiện, tổ bào được sơ tán về nhiều nơi như số 107 Trần Hưng Đạo, 360 Khâm Thiên, phố Hàng Bột... Tôi đang làm ca chiều ở 360 Khâm Thiên thì nhận được thông báo có khả năng giặc sẽ đánh phá ở khu vực này, do đó tất cả đóng toàn bộ máy móc. Đến khoảng 20 giờ, lực lượng dân phòng mời nhân dân đi sơ tán. Tôi về số 140 Sơn Tây trú ẩn trong hầm trú bom trên đường phố”.
Đêm ấy, Hoàng Minh Thành thấy bầu trời Hà Nội sáng rực...
Hơn 6 giờ sáng hôm sau, anh quay lại khu vực xưởng thì thấy cảnh tượng tàn khốc: Từ số 360 Khâm Thiên lên Ngõ Chợ, nhà cửa tan hoang. Đâu đâu cũng thấy hình ảnh áo quan, người chết. Tại số nhà 49, ngôi nhà tập thể 3 tầng của Xí nghiệp bị đánh sập, bên dưới có 6 cán bộ, công nhân viên ẩn nấp. Phần lớn sử dụng sức người nên công tác cứu nạn rất khó khăn. Nhiều ngày sau mới có xe cơ giới vào đưa được thi thể những người bị nạn lên.
Đêm đó, cuộc ném bom của địch xuống phố Khâm Thiên làm 287 người chết, 290 người bị thương, hơn 500 ngôi nhà bị phá hủy, gần 1.200 ngôi nhà bị hư hỏng.
Cách phố Khâm Thiên gần hai cây số là Bệnh viện Bạch Mai. Trong sự kiện 12 ngày đêm, nơi đây cũng bị tàn phá, tổn thất nặng nề bởi các cuộc không kích của không quân Mỹ.
Sự kiện những ngày cuối năm 1972 bi hùng ấy, với nhiều người luôn hằn sâu trong ký ức, trong đó có bà Nguyễn Thị Cúc (phố Lương Định Của, phường Phương Mai, quận Đống Đa, TP Hà Nội). Bà Cúc năm nay 75 tuổi, có 33 năm công tác ở Bệnh viện Bạch Mai. Những ngày cuối năm 1972, bà vừa làm công tác chuyên môn, vừa là chiến sĩ tự vệ của Bệnh viện. “4 giờ ngày 22-12-1972, chúng tôi đang ngủ ở khu tập thể nhà tròn của Bệnh viện thì nghe thấy những tiếng nổ đinh tai, mọi thứ rung chuyển, đổ sập”, bà Cúc nhớ lại.
Sau khoảnh khắc kinh hoàng, họ gọi nhau, và bà Cúc biết mình còn sống.
|
|
Tượng đài tưởng niệm những nạn nhân bị giặc Mỹ ném bom giết hại tại Bệnh viện Bạch Mai, năm 1972. |
Mặc cho đêm tối, rét buốt, ngoài không gian, tiếng máy bay địch vẫn gầm rú, các y, bác sĩ khẩn trương lao vào đào bới, tìm kiếm nạn nhân bằng tất cả những gì có trong tay. Từ các khe nhỏ trên đống đất đá đổ nát vọng lên những tiếng kêu cứu. “Đau lòng nhất là khi nghe được tiếng của em Thúy, sinh viên năm thứ ba thực tập và các em Phụng, Liên, Khuyến, Thạch kêu cứu: Các anh, các chị ơi, cứu chúng em với, bác sĩ Kế đã chết rồi...”, bà Cúc kể trong niềm xót thương.
Cứ như thế, phải 4 ngày sau, thi thể của người xấu số cuối cùng mới được đưa lên khỏi đống đổ nát. Đã có 28 cán bộ, nhân viên y tế, sinh viên, người nhà bệnh nhân bị thiệt mạng.
Tại vị trí 3 số nhà 47, 49 và 51 phố Khâm Thiên ngày ấy, một đài tưởng niệm với tấm bia mang dòng chữ “Khâm Thiên khắc sâu căm thù giặc Mỹ” và bức tượng tạc hình một phụ nữ bế trên tay đứa trẻ đã chết vì bom Mỹ được dựng lên. Công trình này tồn tại cho đến ngày nay, trở thành di tích lịch sử quan trọng của phường. “Gần 1.200 hội viên chúng tôi chia làm 8 chi hội thay nhau trông nom di tích”, bà Nguyễn Thị Hữu, Phó chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Khâm Thiên cho biết.
Còn tại Bệnh viện Bạch Mai, nằm trang trọng trong khuôn viên Bệnh viện (gần cổng số 2) là tượng đài người phụ nữ một tay đỡ một người ngã xuống, tay kia nắm chặt, giơ thẳng lên trời. Bên cạnh tượng đài là tấm bia viết tên những người đã thiệt mạng ngày 27-6-1972 và trong trận bom hủy diệt ngày 22-12 năm đó. Rất nhiều y, bác sĩ ngã xuống khi tuổi đời rất trẻ, còn chưa kịp lập gia đình. Công trình như một sự thôi thúc, một lời nhắc nhở các y, bác sĩ, nhân viên y tế đang làm việc tại đây hãy sống và làm việc xứng đáng với sự hy sinh của những thế hệ đi trước...
50 năm đã trôi qua, Bệnh viện Bạch Mai từ đống đổ nát nay đã có nhiều bước phát triển lớn. Bệnh viện đã xây dựng được nguồn nhân lực hơn 4.200 người với gần 1.000 cán bộ có trình độ sau đại học, trở thành bệnh viện đa khoa có chất lượng hàng đầu, với đội ngũ nhân lực y tế chất lượng cao. Trung bình hằng năm (giai đoạn 2015-2020), khoảng 1,5 triệu bệnh nhân đến khám và điều trị ngoại trú; số bệnh nhân điều trị nội trú hơn 130.000 người...
|
|
Tượng đài tưởng niệm những nạn nhân trong vụ B-52 của Mỹ ném bom rải thảm phố Khâm Thiên tháng 12-1972.
|
Còn phố Khâm Thiên ngày nay, cuộc sống đang diễn ra hối hả. Phường Khâm Thiên hiện là một đơn vị hành chính thuộc quận Đống Đa, có diện tích 0,183km2. Bà Nguyễn Thị Tho, Phó chủ tịch UBND phường cho biết, phường có 11 tổ dân phố với dân số hơn 9.400 người. Năm 2022, phường không còn hộ nghèo, chỉ còn 16 hộ cận nghèo. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng cao. Hằng năm, 100% gia đình chính sách đều được quan tâm, tặng sổ tiết kiệm, tặng quà... Chương trình giảm nghèo được thực hiện có kết quả, quy chế dân chủ được thực hiện và đã phát huy tác dụng; văn hóa xã hội có bước tiến rõ rệt, phong trào văn hóa-văn nghệ, thể dục-thể thao được đẩy mạnh; các thành phần kinh tế được tạo điều kiện thuận lợi hoạt động, làm giàu chính đáng, đóng góp nghĩa vụ cho ngân sách.
Từ Khâm Thiên đến Bạch Mai dọc theo đường sắt Bắc-Nam, lòng tôi bỗng xao xuyến lạ thường. Chúng tôi mường tượng về những chuyến tàu chở bộ đội trong câu chuyện của ông Thành và những ngày tháng lao động, chiến đấu gian khổ của dân tộc. Rồi con tàu SE9 chuyến Bắc-Nam xuyên qua những phân xưởng cũ kỹ, sẽ đi qua Bệnh viện Bạch Mai, theo hướng đường Giải Phóng về phía mặt trời.
Bài và ảnh: HOÀNG LIÊN VIỆT