Bác tôi là liệt sĩ chống Mỹ. Bố tôi kể lại, sau khi học hết lớp 9, bác tình nguyện viết đơn ra trận, lúc ấy ông tôi đã nghỉ hưu. Khi bác ngỏ ý muốn nhập ngũ, ông tôi đồng ý ngay, còn bà tôi, tuy lòng đầy lo âu nhưng vẫn không hề phản đối.
Bác tôi ra trận, chừng hai năm thì có giấy báo tử. Tuổi trẻ của bác đã lẫn vào đất quê ta mênh mông. Đã mấy lần gia đình tôi lặn lội theo những tin báo để tìm hài cốt bác. Bố tôi kể, có lần tìm bác trong Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn, trước hàng nghìn ngôi mộ vi vút gió, ông như nhìn thấy nụ cười của anh trai mình đêm trước ngày lên đường. Bác tôi ra đi khi trái tim chưa từng vướng bận một bóng hình thiếu nữ. Đó là thời điểm ác liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Mặt trận Quảng Trị, nơi bác đóng quân, bọn giặc ngày đêm nã pháo, trong cảnh nồi da nấu thịt. Khi nhận được giấy báo tử của bác, mọi người đều lặng đi trong nỗi mất mát và niềm tự hào. Những người bạn cùng trang lứa với bác đều ra trận và tất cả không trở về. Làng tôi, cùng một ngày, trong 5 ngôi nhà, trên ban thờ dựng lên những tấm ảnh liệt sĩ-những chàng trai trẻ, ánh mắt cương nghị. Tất cả dân làng đều nung nấu ý chí quyết chiến quyết thắng, mong một ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng.
Từ khi tôi còn rất nhỏ, bà thường chỉ lên bàn thờ rồi bảo: "Bác Hương con đấy, nó hy sinh rồi". Mắt bà chớp chớp: "Rõ khổ, chẳng vợ con gì cả, mới 20 tuổi đầu".
Đang ngồi đọc báo trên phản, ông tôi giương mục kỉnh lên: "Bà nhắc ít thôi, cho con nhẹ nhõm".
Nói vậy, nhưng ông lại đặt tờ báo xuống, thắp nén hương thơm trên ban thờ và nhìn rất lâu vào di ảnh của con trai. "Nó còn sống đến giờ chắc đã vợ con đề huề". Ông nói trong niềm thương nhớ khôn nguôi, lúc đó không khí trong nhà như chùng xuống, đến nỗi tôi cảm thấy khóm hoa nhài bên hiên cũng lặng phắc, không dám thở.
Thế hệ chúng tôi sinh ra trên thành quả chiến thắng của cha ông trong hai cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại. Chiến tranh hiện diện trong gia đình tôi, qua những tấm bằng Tổ quốc ghi công; qua hồi ức của bà về những tháng ngày ông lăn lộn ở chiến trường bom đạn, mình bà đảm đương việc đồng áng, nuôi bầy con thơ; rồi sự ra đi của bác Hương, và vết thương trên người bố tôi trong trận Khe Sanh. Bác tôi, ngày ấy nhẹ nhàng lên đường đánh giặc và tự nguyện hiến dâng bầu thanh tân rực rỡ, để góp phần làm nên mùa xuân dân tộc. Ôi, có biết bao chàng trai, cô gái đã từng như bác tôi? Có biết bao trái tim tuổi trẻ nóng giãy đã mãi mãi nằm lại chiến trường để Tổ quốc được sang trang?
|
|
Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn. Ảnh tư liệu |
Mẹ tôi chiều qua ra nghĩa trang thắp hương cho bác, nói: "Thắp nén hương cho bác ấm lòng, bố mẹ chẳng còn, vợ con không có". Người già thường hồi hướng quá khứ để dọn cho tâm linh một con đường thanh thản nhưng không ít những ưu tư.
Trong bữa cơm tối qua, gia đình tôi lại nhắc về bác. Bố tôi bảo: "Có thông tin về một nghĩa trang giáp biên giới, ở đó còn 90 ngôi mộ liệt sĩ chưa được thân nhân đón về. Biết đâu trong đó có mộ bác Hương". Mẹ tôi nói khẽ: "Ông già rồi, mắt lại kém, đi xa sao được". Tôi thì nghĩ, bác hóa thân vào đâu đó, dẫu có xa gia đình, thì bất kỳ nơi đâu cũng là quê hương, nhân dân sẽ chăm sóc mộ phần bác chu đáo. Bác đã hy sinh cho Tổ quốc, bác sẽ mãi sống trong lòng những người đang sống.
Ông tôi về trời trước bà tôi, khi ấy ông ở tuổi 89. Trước đó, ông còn cầm tay bố tôi mà dặn dò:
- Con không phải đi tìm anh con nữa, nó sống là con của bố thì chết là con của đất mẹ. Đất quê ta bao la, đâu cũng là nhà con ạ.
Thời gian thấm thoắt thoi đưa, một mùa tháng bảy nữa lại về, trời như cao xanh lồng lộng hơn, gia đình tôi lại nhắc nhớ ông bà và bác Hương nhiều hơn. Và trên khắp mọi miền đất nước, những ký ức về một thời gian nan mà oai hùng lại dậy lên. Để tôi tự nhắc mình rằng, tôi đã lớn lên có đủ đầy từ những mất mát của cha ông đi trước!
BÍCH QUYÊN
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.