Trong lịch sử của đất nước nông nghiệp, làng xã vốn là “pháo đài” bảo vệ sinh mạng, cuộc sống của người dân và là nơi lưu giữ văn hóa. Người Việt bao giờ cũng có sự linh hoạt và thích nghi rất nhanh để vượt qua hoàn cảnh khó khăn, sáng tạo nên những giá trị mới. Trong chiến tranh giữ nước, ông cha ta đã chuyển yếu thành mạnh, dùng cái thô sơ, giản dị đánh bại cái tối tân hiện đại. Trong "Bình Ngô đại cáo" (1.428), Nguyễn Trãi viết: “Thế trận xuất kỳ, lấy yếu thắng mạnh/ Dùng quân mai phục, lấy ít địch nhiều”. Và bao giờ cũng biết đánh vào lòng người, chinh phục nhân tâm: “Đem đại nghĩa để thắng hung tàn/ Lấy chí nhân để thay cường bạo”.

leftcenterrightdel

Văn hóa thích ứng của người Việt. Minh họa: Khoa An

Để sinh tồn, chủ thể của văn hóa Việt luôn thích ứng linh hoạt với hoàn cảnh. Trong lao động sản xuất, người Việt quyết tâm “vượt nắng, thắng mưa”, chế ngự thiên nhiên, bồi đắp những con đê cao và dài theo hai bên bờ những con sông để phòng lụt, bảo vệ mùa màng; trồng nhiều lũy tre xung quanh làng để vừa có bóng mát, vừa có vật dụng cho cuộc sống hằng ngày; đồng thời, bờ đê, lũy tre còn là phên giậu chắc chắn xung quanh làng phòng ngừa trộm cướp, chống giặc ngoại xâm, bảo vệ sự sống cho con người.

Tuy nhiên, mặt trái của văn hóa làng xã, mặt trái của thích ứng đã sinh ra tư duy tiểu nông, thói cục bộ địa phương, nhất khoảnh; thiếu ý thức pháp luật; khôn vặt, láu cá, “tham bát, bỏ mâm”... là vật cản vô hình kìm hãm sự sáng tạo và tinh thần đổi mới. Những tư duy ấy phần nào khiến Việt Nam mất đi những cơ hội phát triển.

Nghiên cứu lịch sử Việt Nam, chúng ta trân trọng những tư tưởng đổi mới của các tiền nhân, cho dù tư tưởng đó chưa thành hiện thực triệt để trong thực tiễn. Điển hình cho văn hóa thích ứng đổi mới sáng tạo ấy là cuộc cải cách thời cận đại do Nguyễn Trường Tộ khởi xướng. Từ năm 1861 đến 1866, Nguyễn Trường Tộ, người con của xã Hưng Trung, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An đã mang tất cả vốn liếng của mình học được ở Pháp để gửi cho triều đình Huế nhiều bản điều trần cải cách đất nước, bao quát hầu hết các lĩnh vực: Chính trị, kinh tế, tài chính, quốc phòng, ngoại giao, giáo dục, văn hóa, xã hội nhưng lại không được triều Nguyễn áp dụng.

Ngày nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhờ có chủ trương đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, là bạn, đối tác tin cậy, người Việt Nam đã phá bỏ được những mặc cảm và tư duy nhất khoảnh, thay vào đó là tư duy thích ứng ngày càng rõ nét trong toàn xã hội, thổi bùng khát vọng xây dựng nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ, công bằng, văn minh, phồn vinh, hạnh phúc.

Tháng 12-2022, Triển lãm Quốc phòng quốc tế 2022 là một điểm nhấn về hợp tác, phát triển trong lĩnh vực quốc phòng. Diễn ra từ ngày 8 đến 10-12 tại sân bay Gia Lâm, Hà Nội, triển lãm thu hút sự tham gia của 174 doanh nghiệp công nghiệp quốc phòng từ 31 quốc gia và vùng lãnh thổ với nhiều sản phẩm, gồm: Các giải pháp, công nghệ phục vụ tác chiến hiện đại; các loại vũ khí cá nhân, các mô hình xe quân sự, xe thiết giáp, tên lửa các loại, máy bay chiến đấu, tàu quân sự, tàu bổ trợ... Đây là cơ hội tuyệt vời cho các nhà sản xuất trong nước và các nhà cung cấp hàng đầu thế giới có cơ hội giới thiệu hệ thống vũ khí, trang bị kỹ thuật tiên tiến nhất ngay tại Việt Nam. Hy vọng, trong tương lai gần, nhiều sản phẩm quốc phòng của Việt Nam đi ra thế giới và mang ngoại tệ về cho đất nước.

Thoát khỏi chiến tranh lại bị bao vây cấm vận nhiều năm, trong 36 năm đổi mới, nhất là những năm gần đây, quan hệ quốc phòng của Việt Nam đã mở rộng với các nước trên nhiều lĩnh vực khác nhau, kể cả những đối tác trước kia từng đối đầu với Việt Nam trên chiến trường. Điều đó cho thấy sự thích ứng mau lẹ của Việt Nam hướng tới kỷ nguyên mới, khép lại quá khứ đau thương, mở đường phát triển. Quan hệ quốc phòng vốn rất khô cứng và vũ khí, trang bị kỹ thuật lại còn khô cứng hơn nữa. Tuy nhiên, với sự linh hoạt và sách lược mềm dẻo, giờ đây, chúng đã trở thành “cầu nối” giữa Việt Nam với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Văn hóa thích ứng đã giúp Việt Nam đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội. Tiêu biểu là sự phát triển ở huyện Văn Giang (Hưng Yên). Sau hơn 20 năm kể từ khi tách huyện, Văn Giang đã vươn mình, là huyện phát triển bậc nhất của tỉnh Hưng Yên. Tốc độ phát triển kinh tế trung bình giai đoạn 2015-2020 là 15,3%. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2022, số thu ngân sách của huyện Văn Giang đã đạt 9.900 tỷ đồng. Văn Giang cũng được xem là vựa cây cảnh lớn nhất miền Bắc với 12km2 hoa, cây cảnh, cây ăn quả... phục vụ nhu cầu của người dân khắp các tỉnh, thành phố lân cận. Đặc biệt, vào dịp Tết Nguyên đán hằng năm, các làng nghề cây cảnh của huyện Văn Giang luôn tấp nập kẻ bán người mua. Điều này cho thấy, nếu không thích ứng, nếu không có tư duy đổi mới thì vùng đất đặc trưng ở châu thổ sông Hồng cũng chỉ làng nhàng như các huyện khác.

Nếu nói về văn hóa thích ứng của người Việt thời hiện đại trong phát triển kinh tế-xã hội thì tỉnh Quảng Nam là địa phương tiêu biểu.

Suốt mấy chục năm chiến tranh, tỉnh này bị tàn phá nặng nề. Quảng Nam cũng là một trong những địa phương có đối tượng hưởng chính sách người có công lớn nhất cả nước. Nhiều người cho rằng, đây là “vùng cát nghèo định mệnh!” khó mà phát triển được. Ngày 1-1-1997, tỉnh Quảng Nam được tái lập với danh hiệu thuộc nhóm tỉnh thuần nông nghèo nhất cả nước.

Nhưng với tinh thần quyết tâm đổi mới, thích ứng nhanh với thời cuộc, đến năm 2017, tỉnh Quảng Nam đã tự cân đối ngân sách và có đóng góp về Trung ương. Đến nay, kinh tế của tỉnh Quảng Nam tiếp tục tăng trưởng khá; hầu hết các chỉ tiêu đạt và vượt; tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân 6,85%/năm. GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 63,3 triệu đồng, thu nhập bình quân đầu người đạt 45,2 triệu đồng. Báo cáo kinh tế-xã hội 9 tháng năm 2022 của Cục Thống kê tỉnh Quảng Nam cho thấy, GRDP ước tính 9 tháng năm 2022 tăng gần 13,2% so với cùng kỳ năm 2021. Quảng Nam xếp vị trí thứ 8/63 tỉnh, thành phố trong cả nước về tốc độ. So với 5 tỉnh trong khu vực trọng điểm kinh tế miền Trung, Quảng Nam xếp vị trí thứ 2, sau TP Đà Nẵng.

Năm 2022, sau một thời gian dài bị dịch Covid-19 càn quét, trong khi kinh tế nhiều nước rơi vào khủng hoảng thì Việt Nam đã lấy lại được đà tăng trưởng. Báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2022, dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2023 với nhiều gam màu sáng. Theo đó, năm 2022, cả nước cơ bản kiểm soát được dịch Covid-19; có 14/15 chỉ tiêu kinh tế-xã hội đạt và vượt so với kế hoạch Quốc hội giao. Cụ thể, vượt 6 chỉ tiêu, nhất là về tăng trưởng kinh tế ước đạt khoảng 8%, vượt mục tiêu đề ra (6-6,5%). Thu ngân sách nhà nước ước cả năm vượt 14,3% so với dự toán. Kim ngạch xuất khẩu cả năm ước đạt 368 tỷ USD, tăng khoảng 9,5%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội cả năm ước tăng 10,7%.

Nhìn vào sự phát triển của Việt Nam những năm qua, nhiều chuyên gia nước ngoài bất ngờ. Nhưng với những người theo sát hơi thở chính trị, kinh tế-xã hội của đất nước thì kết quả ấy chẳng có gì lạ. Do Việt Nam có chiến lược phát triển con người toàn diện nên đã kích hoạt, tạo đà cho văn hóa thích ứng phát triển, cháy sáng và là điểm tựa nuôi dưỡng khát vọng Việt.

Kế thừa thành tựu trước đây, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định: “Phát huy tối đa nhân tố con người; con người là trung tâm, chủ thể, là nguồn lực chủ yếu và mục tiêu của sự phát triển. Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa giá trị truyền thống và giá trị hiện đại”. Thành quả của chiến lược ấy chính là việc Việt Nam trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, nhiệm kỳ 2023-2025. Năm 2013, lần đầu tiên Việt Nam trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2014-2016. Kết quả ấy cho thấy, Việt Nam đã thực hiện tốt cam kết bảo vệ quyền con người, được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Đây là “đòn đánh” nặng nề đối với các thế lực thù địch, phản động, “nhà dân chủ tự phong” cố tình xuyên tạc, bóp méo thành tựu nhân quyền của Việt Nam.

Những thành tựu của Việt Nam có đóng góp rất lớn từ văn hóa thích ứng. Trong tương lai, văn hóa thích ứng sẽ lan tỏa, thấm sâu hơn nữa vào mỗi người Việt, trở thành điểm tựa vững chắc để hiện thực hóa khát vọng đưa Việt Nam trở thành quốc gia cường thịnh.

PGS, TS PHẠM LAN OANH