leftcenterrightdel
Cầu ngói Bình Vọng - “nét chấm phá” trong tổng thể kiến trúc của cụm di tích đình Bình Vọng. Ảnh: NGUYỄN NHƯ 

Là hạng mục quan trọng, cầu ngói Bình Vọng đóng vai trò như “nét chấm phá” trong tổng thể kiến trúc của cụm di tích đình Bình Vọng-chùa Báo Quốc. Năm 1999, cụm di tích này được công nhận là di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật quốc gia.

Cầu ngói là một kiểu cầu có mái che lợp ngói, còn gọi là “thượng gia hạ kiều”. Theo những người cao tuổi tại đây, cầu ngói Bình Vọng được xây dựng vào khoảng thế kỷ 17, cùng niên đại với đình Bình Vọng. Bên trong cụm di tích là khung cảnh làng quê Bắc Bộ truyền thống. Ở đầu cầu và hồ nước rộng lớn là hàng cây cổ thụ cao chừng 30m rợp bóng mát quanh năm. Đặc biệt, vào độ tháng 5, hoa sen nở thơm ngát. Khoảng năm 1940, cây cầu bị phá hủy do bom đạn chiến tranh. Mãi đến khoảng năm 2000, cầu được người dân phục dựng lại.

Cầu ngói Bình Vọng sau khi phục dựng lại vẫn tuân thủ chặt chẽ kiến trúc truyền thống. "Thượng gia" là phần gồm thân, mái dài 20m, rộng 3m, với 7 gian. Hệ vì kèo bằng gỗ gồm 2 hàng cột cái và 2 hàng cột quân. Chúng được kết nối theo kiểu chồng rường, giá chiêng. Phần cột cái giữa cầu có tiết diện hình vuông, trên thân tạc 4 đôi câu đối. Trên mỗi bẩy hiên (dầm nằm trong khung liên kết vào cột phía sau nhà, đỡ phần mái vẩy phía sau) đều chạm khắc nổi hình rồng, cùng một số họa tiết, hoa văn, như: Hoa đào, cúc dây hay chữ “Vạn”... Ở hai gian đầu cầu là 4 mái hình đầu đao cong vút, phóng khoáng, lợp ngói mũi hài. Phía trên chạm đầu rồng. Ở hai gian đầu hồi có tường bao. Trên tường có những bức tranh đắp nổi hình chim phượng và hoa cúc cùng ô cửa sổ tròn.

Phần "hạ kiều" gồm mố, trụ cầu và sàn. Những bộ phận này được làm bằng bê tông cốt thép giả đá. Các trụ đắp đầu rồng dũng mãnh. Phía bên trong cầu, sàn cầu và chỗ nghỉ chân làm bằng gỗ, ở giữa là lối đi. Hai bên là hệ thống con tiện cũng làm bằng gỗ.

Ngày xưa, khi người dân chủ yếu đi bộ, cưỡi ngựa hay chăn trâu thì cầu ngói là một dạng công trình khá phổ biến, nhất là ở những nơi giao thương sông nước. Người dân đi qua có chỗ nghỉ chân, ngắm cảnh. Ngày nay, khi các loại xe cơ giới phát triển, vai trò giao thông của cầu ngói không còn phù hợp, không được trùng tu, cùng với sự phá hủy của chiến tranh khiến chúng dần biến mất. Hiện trên cả nước còn một số cây cầu vẫn giữ được nét đẹp kiến trúc ban đầu, như: Chùa Cầu (Hội An), cầu ngói Thanh Toàn (Huế), cầu ngói Phát Diệm (Ninh Bình), cầu ngói chợ Thượng, cầu ngói chợ Lương (Nam Định). Các di tích này giúp tạo nguồn thu cho địa phương và người dân thông qua các hoạt động du lịch, văn hóa.

VIỆT HOÀNG