leftcenterrightdel
Học sinh Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm (quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội) trải nghiệm làm tranh ghép vải tại Hợp tác xã Vụn Art. 

Mái nhà của yêu thương

Sau nhiều lần hẹn gặp, cuối cùng tôi cũng có dịp trò chuyện với anh Lê Việt Cường, Chủ tịch Hội NKT quận Hà Đông, Giám đốc HTX Vụn Art vào một buổi chiều đầu năm 2022. Gương mặt thân thiện, anh Cường mở lời: “Anh thông cảm, đợt này HTX Vụn Art mới phục hồi sản xuất, kinh doanh sau đợt giãn cách vì dịch Covid-19 nên có rất nhiều việc cần giải quyết. Đơn hàng nhiều nên ai nấy đều phấn khởi và hăng say làm việc”.

Đợt dịch Covid-19 vừa qua, HTX Vụn Art gần như không có doanh thu, sản lượng sản xuất giảm 95%. Nhưng nay, tất cả vấn đề trên sẽ sớm được giải quyết bởi công việc sản xuất, kinh doanh gần như trở lại bình thường. Cũng vì đã quá quen với những khó khăn, nghịch cảnh vì là NKT nên các thành viên của HTX Vụn Art luôn có bản lĩnh để vượt qua.

Bản thân là NKT, hơn ai hết, anh Lê Việt Cường hiểu rõ khó khăn của những người đồng cảnh khi mưu sinh. Năm 2017, anh Cường thành lập HTX Vụn Art với mong muốn tạo ra nhiều việc làm cho NKT, đồng thời giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường bởi rác thải từ vải tại làng lụa Vạn Phúc. HTX Vụn Art hiện có 24 thành viên, trong đó có 18 NKT. Mỗi thành viên trong HTX đều có mảnh đời bất hạnh khác nhau, song họ đã đùm bọc, yêu thương nhau để biến nơi đây trở thành một mái nhà thứ hai.

Bên cạnh những sản phẩm phục vụ cuộc sống hằng ngày như khẩu trang, túi, gối, thiệp mừng... thì đặc trưng của HTX Vụn Art là dòng tranh ghép vải. Tranh được chuyển thể từ nhiều thể loại: Tranh thiếu nhi, tranh đồng quê, tranh dân gian Việt Nam, tranh danh lam thắng cảnh Việt Nam và thế giới... Chính bởi tận dụng vải vụn nên không sản phẩm nào giống sản phẩm nào và tạo sự hấp dẫn cho những người sưu tập tranh.

Anh Cường chia sẻ, công việc ghép tranh yêu cầu sự tỉ mỉ, khéo léo. Dạy cho NKT lao động như người bình thường đã khó, hỗ trợ để họ sáng tạo ra các giá trị thẩm mỹ lại càng khó hơn. Đối với NKT vận động thì chỉ cần từ 6 tháng đến 1 năm học là có thể làm việc thuần thục. Đối với NKT tự kỷ, giảm trí tuệ thì công cuộc học tập làm tranh ghép vải phải mất vài năm trời.

Trong số những thành viên là NKT tại HTX Vụn Art thì điển hình nhất phải kể tới trường hợp em Đinh Văn Thành (sinh năm 2000). Thành bị chậm phát triển trí tuệ, song chỉ sau hai năm học tập tại HTX Vụn Art, em tự tin hơn, nói năng giao tiếp, học nghề tiến bộ rất nhiều và đặc biệt là “không còn phải nghe những lời chế giễu từ người khác”. Còn bà Hoàng Thị Hậu, một trong những người có mặt đầu tiên ở HTX Vụn Art, bị khuyết tật chân từ nhỏ khiến việc di chuyển gặp nhiều khó khăn nhưng từ ngày làm việc ở đây, bà không chỉ thấy vui vẻ, thoải mái hơn mà còn có khoản thu nhập ổn định, đủ trang trải cho cuộc sống hằng ngày.

Hiện tại, mức thu nhập của thành viên HTX Vụn Art cao nhất là 6 triệu đồng/tháng. Người ở xa được hỗ trợ ăn, ở, sinh hoạt. Còn lợi nhuận thu về sẽ dùng cho việc mở rộng sản xuất, nhận thêm thành viên, hỗ trợ dạy nghề miễn phí và giúp đỡ những NKT trong xã hội.

Khơi mở tiềm năng du lịch

Không chỉ được du khách trong nước yêu thích, các sản phẩm của HTX Vụn Art đã chinh phục nhiều thị trường quốc tế khó tính. Từ tháng 2-2020 đến nay, các sản phẩm túi vải họa tiết, áo phông của HTX Vụn Art đã được Đại sứ quán Hoa Kỳ, Đại sứ quán Canada cùng nhiều đơn vị đặt hàng. Tháng 3-2020, HTX Vụn Art xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ 2.000 chiếc áo phông ghép hình từ lụa. Mới nhất, HTX Vụn Art tham gia Hội chợ quốc tế quà tặng hàng thủ công mỹ nghệ Hà Nội 2021, được đông đảo du khách đánh giá cao. Đặc biệt, tại Cuộc thi Thiết kế mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ Hà Nội năm 2021, sản phẩm ghép vải “Tranh múa rồng” của Vụn Art đã xuất sắc đoạt giải ba.

Trong những năm qua, cùng sự nỗ lực phấn đấu của các thành viên thì HTX Vụn Art cũng nhận được sự hỗ trợ tích cực của chính quyền địa phương. Ngoài việc thường xuyên hỗ trợ những đối tượng khó khăn tại HTX Vụn Art, UBND phường Vạn Phúc đã tuyên truyền cho các hộ sản xuất, kinh doanh lụa tại Vạn Phúc tạo điều kiện để HTX Vụn Art sử dụng những mảnh vải vụn của chính họ; hỗ trợ một phần mặt bằng để HTX Vụn Art làm khu trải nghiệm cho du khách.

HTX Vụn Art đã trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn đối với nhiều du khách. Ngoài việc được ngắm nhìn các sản phẩm tranh ghép vải, du khách đến đây còn được hướng dẫn thực hiện ghép tranh với chi phí khá hợp lý, dao động từ 50.000 đến 100.000 đồng/người. Mô hình trải nghiệm ghép tranh vải đang khá thu hút giới trẻ.

Trò chuyện với chúng tôi, anh Lê Việt Cường chia sẻ về mục tiêu mở rộng quy mô HTX Vụn Art để nhận thêm nhiều NKT vào làm việc. Tuy nhiên, trước hết, HTX Vụn Art cần phải trở thành mô hình lõi chuẩn trước khi chia sẻ cho các đơn vị khác. Đến nay, ngoài việc bán các sản phẩm cho cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước, các sản phẩm của HTX Vụn Art đã xuất hiện trên sàn thương mại điện tử quốc tế là Amazon và Ebay. Mặc dù sản lượng bán ra trên sàn thương mại điện tử quốc tế chưa nhiều, song đây là hướng đi tiềm năng của HTX Vụn Art về vấn đề giải quyết đầu ra cho sản phẩm trong tương lai.

Bài và ảnh: YÊN NINH