Đây là lần đầu tiên Ban tổ chức đưa nội dung văn hóa-nghệ thuật (VHNT) vào danh sách các môn thi đấu cùng các môn quân sự khác. Cuộc thi có sự tham gia tranh tài của 13 đội tuyển VHNT đến từ các nước: Việt Nam, Lào, Nga, Trung Quốc, Venezuela, Belarus, Azerbaijan, Uzbekistan, Kazakhstan, Armenia, Serbia, Sri Lanka, Myanmar. Phóng viên Báo Quân đội nhân dân (QĐND) Cuối tuần đã tiến hành nhiều cuộc trao đổi (cả trực tiếp và qua điện thoại) để có được những thông tin liên quan đến "Đội quân văn hóa" Đổi tuyển VHNT QĐND Việt Nam tham dự cuộc thi lần này.
Đội tuyển VHNT QĐND Việt Nam có 14 tác phẩm nghệ thuật được lựa chọn tham gia dự thi chính thức, 4 tác phẩm dự bị, với 4 giai đoạn thi, tập trung vào các nội dung: Kỹ năng thanh nhạc, kỹ năng biên đạo múa và kỹ năng biểu diễn nhạc cụ. 12 thành viên Đội tuyển VHNT QĐND Việt Nam tham gia tranh tài, mang theo sứ mệnh cao cả: Quảng bá, tôn vinh hình ảnh, vị thế, đất nước, văn hóa, con người, QĐND Việt Nam đến với bạn bè quốc tế, góp phần làm sáng rõ hơn chức năng, nhiệm vụ của QĐND Việt Nam không chỉ là một đội quân chiến đấu, đội quân công tác, đội quân lao động sản xuất mà còn là đội quân văn hóa.
Các tác phẩm nghệ thuật dự thi được lựa chọn, dàn dựng công phu, khác lạ bởi đội ngũ chuyên gia có uy tín. Các kỹ thuật đi kèm từ hình ảnh minh họa, phối khí, chuyển soạn, sáng tác được đầu tư tỉ mỉ, toàn diện. Đặc biệt, lần đầu tiên, đàn đá, loại nhạc cụ chưa được biên chế trong các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp, được đầu tư trang bị và luyện tập tham dự cuộc thi. Với sự chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng về mọi mặt, Đội tuyển VHNT QĐND Việt Nam quyết tâm mang đến cho khán giả những tiết mục nghệ thuật đặc sắc cùng nhiều trải nghiệm văn hóa thú vị; mỗi chương trình, tiết mục là một câu chuyện, một chủ đề, với những nội dung tư tưởng và nghệ thuật riêng gửi tới bạn bè quốc tế.
Ngoài ra, theo kế hoạch, trong khuôn khổ Army Games 2021, Đội tuyển VHNT QĐND Việt Nam sẽ tổ chức phục vụ khoảng 15-20 chương trình biểu diễn, giao lưu nghệ thuật bên lề; đồng thời tổ chức biểu diễn phục vụ kiều bào ta nhân dịp Quốc khánh 2-9.
Báo QĐND Cuối tuần trân trọng giới thiệu một số chương trình, tiết mục tham gia Cuộc thi “Đội quân văn hóa” tại Army Games 2021 của Đội tuyển VHNT QĐND Việt Nam.
Độc tấu sáo trúc “Truy kích”, tác giả: Vàng Minh Dương, với phần biểu diễn của Trung úy QNCN Hà Công Cương, đến từ Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội, Tổng cục Chính trị (TCCT). Tác phẩm phản ánh truyền thống hào hùng trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc ta qua hàng nghìn năm lịch sử; thể hiện lòng quyết tâm, tinh thần dũng cảm, ý chí kiên cường, bản lĩnh Bộ đội Cụ Hồ trong các cuộc kháng chiến vệ quốc vĩ đại, giành độc lập, tự do cho dân tộc trước đây cũng như sự quyết tâm bảo vệ nền độc lập, tự chủ, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc trong tình hình mới. Đây cũng là tiết mục mở màn của Đội tuyển VHNT QĐND Việt Nam tại Army Games 2021 vào ngày 22-8.
    |
 |
Độc tấu sáo tiết mục "Truy kích". |
Độc tấu nhạc cụ dân tộc “Hồn quê”, sáng tác và biểu diễn: NSND Xuân Bắc. Tác phẩm giới thiệu văn hóa làng, một mô hình tổ chức hành chính có từ trước công nguyên ở Việt Nam. Làng sinh ra để quản lý, bảo vệ đất đai, sông suối, ruộng vườn của các gia đình sinh sống trong đó. Làng mang bản sắc văn hóa gắn kết cộng đồng, có phong tục, tập quán riêng biệt, trong đó quan hệ huyết thống, dòng họ, gia đình đóng vai trò là gốc của làng. Tác phẩm cũng giới thiệu "chiếu chèo", loại hình sân khấu dân gian của dân tộc Kinh ở vùng Bắc Bộ Việt Nam. Chèo là một loại hình sân khấu kịch hát dân tộc tiêu biểu của văn hóa Đồng bằng Bắc Bộ Việt Nam, đã có lịch sử hình thành, phát triển cách đây hàng nghìn năm với tất cả những kỹ năng, kỹ xảo, những nét tinh tế của tiếng trống chèo. Khán giả cũng biết đến trống đế, một nhạc cụ tiêu biểu trong loại hình sân khấu truyền thống Việt Nam. Đó cũng chính là hồn quê của làng Việt Nam.
    |
 |
Độc tấu nhạc cụ dân tộc tiết mục "Hồn quê". |
Tác phẩm song tấu đàn t’rưng và sáo trúc “Âm vang đại ngàn”, tác giả: NSND Xuân Bắc; biểu diễn: Xuân Bắc-Công Cương. Theo dõi tác phẩm, khán giả được chiêm ngưỡng một dải đất Tây Nguyên hùng vĩ của Việt Nam. Đó là một dải cao nguyên trung phần ở phía tây Việt Nam, kéo dài từ miền Trung đến Nam Việt Nam, là vùng đất đỏ bazan trùng điệp với những dãy núi nối liền nhau, nơi có những cảnh đẹp đại ngàn hùng vĩ, bao la và rộng lớn. Đây là nơi sinh tụ của 26 dân tộc anh em sử dụng hệ ngôn ngữ Mã Lai đa đảo (Malay-Polynesia) phổ biến ở Đông Nam Á và Thái Bình Dương. Tác phẩm "Âm vang đại ngàn" thể hiện tinh thần, khí chất, sự đoàn kết, gắn bó máu thịt của đồng bào các dân tộc Việt Nam nói chung, đồng bào vùng Tây Nguyên nói riêng.
    |
 |
Song tấu "Âm vang đại ngàn". |
Đàn đá và sáo vỗ ding pak puôt là hai loại nhạc cụ đặc trưng, tiêu biểu của cư dân Tây Nguyên Việt Nam. Hai nhạc cụ này khi phối hợp trình diễn tạo nên sự hòa quyện của những âm thanh mô tả cảnh đẹp thiên nhiên thanh bình, bao la, hùng vĩ, tình đoàn kết dựng xây cuộc sống ấm no, hạnh phúc của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Phần trình diễn tiết mục độc đáo này do NSND Xuân Bắc thể hiện.
    |
 |
Tiết mục đàn đá do Nghệ sĩ Nhân dân Nguyễn Xuân Bắc biểu diễn. |
Tiết mục “Cô Đôi Thượng Ngàn” do Thượng úy, ca sĩ Lương Nguyệt Anh, Trường Đại học VHNT Quân đội biểu diễn. Đây là một hình thức trình diễn kết hợp giữa hát và vũ đạo, xuất phát từ tín ngưỡng dân gian cổ xưa của người Việt (Shaman): Tín ngưỡng thờ Mẫu (thờ Mẹ). Tín ngưỡng thờ Mẫu của Việt Nam được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại năm 2016. Qua tác phẩm, khán giả sẽ thấy được quan niệm về thế giới tự nhiên của người Việt xưa được chia thành các miền: Trời, rừng, nước, đất, đặt dưới sự cai quản của các nữ thần. Người Việt theo tín ngưỡng thờ Mẫu đã thờ cúng các nữ thần cùng các vị thánh trong các điện thờ trên khắp đất nước. Họ là những nhân vật trong lịch sử, trong truyền thuyết, huyền thoại, có công với đất nước, với dân tộc, có quyền năng tối cao, từ việc cai quản, ban phát tài lộc, sức khỏe, cứu giúp muôn loài khi gặp khó khăn, thiên tai, giặc ngoại xâm...
    |
 |
Tiết mục "Cô đôi thượng ngàn" do ca sĩ Lương Nguyệt Anh biểu diễn. |
Múa “Chí anh hùng”, âm nhạc: Cao Xuân Dũng; biên đạo: NSND Kiều Lê-Phi Trường; biểu diễn: Phi Trường. Tác phẩm phản ánh hình ảnh cao đẹp Bộ đội Cụ Hồ, những chiến sĩ trung với nước, trung với Đảng, hiếu với dân, yêu Tổ quốc thiết tha, căm ghét mọi kẻ thù xâm lược. Đặc biệt, trong các giai đoạn lịch sử, những người lính Cụ Hồ luôn có tinh thần quyết chiến, quyết thắng. Nhân cách, hình ảnh và phẩm chất cao quý Bộ đội Cụ Hồ trở thành một trong những giá trị văn hóa tiêu biểu của thời đại mới, nhân vật trung tâm của văn hóa, văn nghệ cách mạng Việt Nam.
    |
 |
Tiết mục múa đơn "Chí anh hùng". |
Múa “Trúc xinh”, âm nhạc: NSƯT Mạnh Tiến; biên đạo: NSND Kiều Lê; biểu diễn: Thu Thùy. Xem tiết mục múa, bạn bè quốc tế có thêm hiểu biết về cây trúc ở Việt Nam, loại cây thuộc họ tre, có mặt ở hầu hết các vùng miền trên đất nước Việt Nam, gắn liền với đời sống lao động, sản xuất, dựng làng, giữ làng cũng như truyền thống đánh giặc giữ nước của dân tộc Việt Nam. Người quan họ ở vùng đất Kinh Bắc Việt Nam đã mượn hình tượng cây trúc để ca ngợi vẻ đẹp, phẩm chất của người thiếu nữ Việt Nam: Xinh đẹp, duyên dáng, dịu dàng, chăm chỉ và thủy chung.
    |
 |
Tiết mục múa "Trúc xinh". |
Múa “Hương rừng”, biên đạo: Kiều Lê-Hà Mai; biểu diễn: Tốp múa. Tác phẩm phản ánh đậm nét vẻ đẹp một vùng văn hóa Tây Bắc của Việt Nam được tạo nên bởi những dải núi đá vôi hùng vĩ; những thung lũng, hang động bí ẩn, nơi có nóc nhà Đông Dương-đỉnh Fansipan, "núi ấp ôm mây, mây ấp núi" tạo nên khung cảnh đẹp giữa núi rừng trùng điệp. Qua từng động tác múa mềm mại, uyển chuyển, khán giả biết được nơi mây núi mênh mông này có những người con gái vùng cao đẹp rực rỡ như những bông hoa rừng.
    |
 |
Tiết mục "Hương rừng" do tốp múa thể hiện. |
Múa "Qua sông", âm nhạc: NSƯT Mạnh Tiến; biên đạo: NSND Kiều Lê, Phi Trường, Hà Mai, Phi Trường; biểu diễn: Phi Trường, Thu Thùy, Trà My, Hoàng Yến. Tác phẩm kể về câu chuyện 3 thế hệ trong một gia đình đã tự nguyện chèo đò đưa bộ đội qua sông trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Những con người kiên trung ấy tiêu biểu cho hình tượng phụ nữ Việt Nam anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang. Vượt lên bom đạn của kẻ thù, với lòng dũng cảm, ý chí kiên cường, những người mẹ, người vợ, người con lần lượt đón các chiến sĩ Bộ đội Cụ Hồ qua sông lên đường chiến đấu, vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Phát huy truyền thống ấy, Bộ đội Cụ Hồ ngày nay luôn xung kích, tiên phong trên các mặt trận, nhất là giúp đỡ nhân dân phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, xóa đói, giảm nghèo, phẩm chất cao quý Bộ đội Cụ Hồ ngày càng lan tỏa sâu rộng trong lòng nhân dân.
Múa "Sen đá", âm nhạc: Hồ Trọng Tuấn; biên đạo: NSND Kiều Lê; biểu diễn: Phi Trường-Trà My. Sen đá là loài cây có sức sống phi thường, tượng trưng cho tình yêu trường tồn, không thay đổi. Tác phẩm múa gửi tới khán giả câu chuyện về một tình yêu, tình bạn bền chặt với sức sống mãnh liệt, tồn tại vĩnh cửu cùng thời gian.
    |
 |
Tiết mục máu đôi với tác phẩm "Sen đá". |
Đơn ca nam Trịnh Phương với ca khúc “Trường ca Sông Lô”, sáng tác của nhạc sĩ Văn Cao. Đây là một trong những ca khúc kinh điển trong kho tàng âm nhạc cách mạng Việt Nam, là trang sử hào hùng viết bằng âm nhạc, mô tả Chiến thắng Sông Lô trong Chiến dịch Việt Bắc Thu-Đông năm 1947 của quân và dân ta. Chiến thắng Sông Lô là sự khẳng định đường lối chiến lược đúng đắn của Trung ương Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh, thể hiện sức mạnh của QĐND Việt Nam trong buổi đầu non trẻ; một mốc son đầy tự hào trong lịch sử chiến đấu chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam, về sức mạnh của lòng dân và nghệ thuật quân sự Việt Nam.
    |
 |
Phần thi hát đơn ca của Trịnh Phương với tác phẩm: "Trường ca sông Lô". |
    |
 |
Hoạt động triển lãm tại Army Games 2021 do Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam thực hiện. |
HỒNG SÁNG (thực hiện)
Ảnh trong bài của TRỌNG HẢI - ĐỨC LỘC - THUẬN NGUYỄN