Trước khi bàn luận về viết và xuất bản tự truyện trong xã hội, xin tóm tắt một vài nét cơ bản về thể loại này để bạn đọc dễ hiểu.

Tự truyện có thể được hiểu một cách đơn giản là một thể loại tự sự mà tác giả tự viết về mình. Vào năm 1856, Viện Hàn lâm Pháp chính thức công nhận thuật ngữ “Tự truyện” với nghĩa là “cuộc đời của một cá nhân do chính người đó kể lại”. Ở Việt Nam, Từ điển Văn học (Nhà xuất bản Thế giới) đã định nghĩa về tự truyện: “Một thể loại văn học trong đó tác giả kể chuyện về cuộc đời của họ. Nhân vật chính của truyện, chính là tác giả”.

Xét dưới góc độ văn học thì tự truyện thuộc thể loại phi hư cấu, có tính tham chiếu, ở đó tác giả vừa là người kể chuyện vừa là nhân vật chính chịu trách nhiệm trước độc giả về tính chân thật của sự kiện. Mục đích của tự truyện là tìm hiểu con người thật với lịch sử hình thành nhân cách.

leftcenterrightdel

Cẩn trọng khi viết, xuất bản tự truyện. Minh họa: HẢI LÂM 

Tự truyện không phải là một sáng tạo nghệ thuật của tác giả mà là tư liệu báo cáo về cuộc đời và cá nhân tác giả với những câu chuyện chi tiết ở các tầm mức khác nhau. Trong tự truyện, cuộc đời và bức chân dung tinh thần của tác giả trở thành đối tượng chính, tham gia trực tiếp vào tác phẩm như một bộ phận hữu cơ. Tuy vậy, trong thực tế, có những tự truyện không phải do nhà văn viết ra và nó đơn thuần là những câu chuyện về cuộc đời của một cá nhân, chứ không hoàn toàn là tác phẩm văn học.

Tuy không phải là một hình thức sáng tạo nghệ thuật nhưng tự truyện vẫn có sức hút bởi nhiều nhẽ, trong đó có những thông tin trung thực. Trong thời kỳ đổi mới, văn học Việt Nam đương đại xuất hiện khá nhiều tự truyện với nhiều dạng đề tài. Về chiến tranh: “Nhật ký Ðặng Thùy Trâm”, “Mãi mãi tuổi hai mươi” (Nguyễn Văn Thạc), “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.1975” (Trần Mai Hạnh), “Mùa chinh chiến ấy” (Ðoàn Tuấn), “Chuyện lính Tây Nam” (Trung Sỹ)... Về ký ức tuổi học trò, thời niên thiếu có “Quân khu Nam Ðồng” (Bình Ca), “Chúng tôi-một thời mũ rơm cối” (Huỳnh Dũng Nhân)... Về văn nghệ sĩ có “Lê Vân yêu và sống” (Bùi Mai Hạnh ghi), “Tôi mù” (Nguyễn Thanh Tú), “Không lạc loài” (Lê Anh Hoài ghi)... “Ðể gió cuốn đi” (Ái Vân), “Phút 89” (Lê Công Vinh)...

Ðáng chú ý, thời gian gần đây xuất hiện nhiều "hồi ức tập thể" như: “Nhật ký chuyên văn", "Phan nhân 1972”... và một số tự truyện của các doanh nhân mà tác giả hầu hết là những người viết không chuyên, thậm chí lần đầu tiên xuất hiện trên văn đàn.

Tôi có người bạn là nhà văn chuyên nghiệp từng có nhiều tiểu thuyết "sốt" trên thị trường sách và có những tác phẩm văn học được chuyển thể thành phim. Anh kể, sau những cuốn hồi ký của nhiều nhà lãnh đạo và các vị tướng thì bắt đầu xuất hiện phong trào viết tự truyện. Mấy năm trước có một số nghệ sĩ, cầu thủ cũng lao vào viết và xuất bản tự truyện, nhưng gây nhiều tranh cãi. Gần đây, một số doanh nhân thành đạt trong nước và Việt kiều cũng tham gia viết tự truyện.

Từ đây xuất hiện một đội ngũ viết tự truyện thuê gồm nhiều thành phần với những khả năng khác nhau. Ngay cả sinh viên ngành ngôn ngữ hoặc văn hóa năm thứ hai, thứ ba cũng tham gia viết tự truyện thuê. Họ lập các trang web, các tài khoản rồi quảng bá rộng rãi trên mạng xã hội để tìm kiếm khách hàng. Giá để viết một cuốn tự truyện cũng không cố định mà tùy thuộc vào mức đầu tư của tác giả.

Một biên tập viên làm việc tại nhà xuất bản có tiếng kể với tôi rằng, nhiều người về hưu, có thời gian và chút năng khiếu viết lách cũng lao vào viết tự truyện rồi gửi đến nhà xuất bản, đề nghị được cấp phép và in, phát hành. Đáng tiếc là khi đọc bản thảo thì thấy xuất hiện nhiều vấn đề đến nỗi phải tìm mọi cách để chối từ. Nhưng đáng buồn là một thời gian sau, tác giả của bản dự thảo ấy lại mang cuốn tự truyện in rất đẹp đến tặng sau khi được một nhà xuất bản khác cấp giấy phép.

Hai câu chuyện trên cho thấy, tận dụng sự phổ biến thông tin nhanh, tiếp cận rộng trên mạng xã hội giúp nhiều người biết về tự truyện và nảy sinh nhu cầu viết. Đội ngũ tổ chức viết tự truyện ngày càng đông vì nhu cầu phát triển và họ có thêm thu nhập từ viết tự truyện. Cạnh đó, việc một số nhà xuất bản cởi mở, nếu không muốn nói là dễ dãi trong cấp giấy phép xuất bản vô tình thúc đẩy phong trào viết tự truyện trong nước nở rộ. Chỉ cần có giấy phép xuất bản thì người viết tự truyện muốn in ở đâu và in số lượng bao nhiêu cũng được.

Thế là người này viết, xuất bản được tự truyện thì ông bạn kia cũng không thể ngồi im, không chịu lép vế. Vì “con gà tức nhau tiếng gáy” nên nhiều người khác cũng dành thời gian và lao vào viết tự truyện. Tôi từng gặp một bác đã về hưu đang bò lăn ra viết tự truyện. Bác bảo tôi, cố gắng hoàn thành sớm để ra sách và dịp tròn 70 tuổi, có sản phẩm biếu người thân, bạn bè, họ hàng. Nhưng cốt yếu nhất là để sau này con cháu đọc. Có bác cựu chiến binh yêu viết lách tâm sự với tôi đã bỏ ra mấy chục triệu để in tự truyện. Tuy nhiên, hôm ra mắt và tặng sách, sau khi nâng ly chúc mừng thành công rực rỡ tại một nhà hàng thì ông buồn rười rượi vì khách ra về đã không cầm theo sách ông tặng. Ông lặng lẽ đi gom những cuốn sách ấy cất đi. Ông khuyên tôi, sau này chớ có viết tự truyện và xuất bản làm gì.

Chúng ta không thể phủ nhận giá trị của tự truyện đem lại. Thực tế trên thế giới có rất nhiều cuốn tự truyện nổi tiếng, được độc giả trong nước mến mộ. Những tác phẩm ấy đã được dịch ra nhiều thứ tiếng và tiếp cận với độc giả nhiều quốc gia. Ví như tác phẩm “The Autobiography of Benjamin Franklin” của chính Benjamin Franklin. Cuốn tự truyện này được tác giả viết trong gần 20 năm, kể về cuộc đời của một trong “những người cha” nước Mỹ. The Autobiography of Benjamin Franklin kể về hành trình từ chàng trai nghèo lên vị trí cao nhất đất nước và những đóng góp của ông đối với nước Mỹ. Đặc biệt, cuốn tự truyện “Long Walk to Freedom” của Nelson Mandela, tổng thống đầu tiên của Nam Phi độc lập từ năm 1994 đến 1999 đã được Giải Nobel Hòa bình năm 1993. Trong cuốn sách này, Nelson Mandela kể lại hành trình từ tuổi thơ cơ cực đến 27 năm bị cầm tù vì đấu tranh chống phân biệt chủng tộc Apartheid, đòi hòa bình và công bằng cho cộng đồng người da màu.

Ở Việt Nam, thời gian gần đây cũng có nhiều cuốn tự truyện gây được tiếng vang với độc giả, như: “Nhật ký Ðặng Thùy Trâm”, “Mãi mãi tuổi hai mươi” (Nguyễn Văn Thạc), “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.1975” (Trần Mai Hạnh), gần đây là cuốn “Quân khu Nam Ðồng” (Bình Ca), “Chúng tôi-một thời mũ rơm cối” (Huỳnh Dũng Nhân). Gần đây nhất, cuốn "Người thầy" của Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng do Nhà xuất bản Quân đội nhân dân xuất bản, ra mắt tháng 2-2023 có sức hút lớn với bạn đọc.

Viết tự truyện đang ngày càng trở nên sôi động, nhất là trong thời buổi ai cũng có thể in sách. Việc in tự truyện có sự chuẩn bị công phu, lựa chọn thông tin, hoàn cảnh điển hình và đặc biệt là kỹ thuật viết từ đạt yêu cầu trở lên sẽ hướng tới mục đích nhân văn, giúp độc giả hiểu hơn về con người, sự việc và đời sống xã hội của một thế hệ, một cá nhân nào đó thì chẳng cần bàn. Nhưng điều đáng nói là bên cạnh những cuốn tự truyện được độc giả yêu mến thì có những cuốn được viết ra cốt để "đánh bóng" bản thân, gây tò mò và có không ít nội dung phản cảm. Điển hình là những người trẻ tuổi muốn nhờ tự truyện để nổi tiếng nên cũng lao vào lĩnh vực này. Có người viết để ôn nghèo kể khổ, có người lại "thuê" hoặc tự viết để ca ngợi, đánh bóng tên tuổi mình bằng các tít sách câu view như bí mật, chuyện bây giờ mới tiết lộ... Tự truyện được xuất bản, họ đưa thông tin và nhờ các báo viết bài quảng cáo rất kêu, khiến nhiều người ngộ nhận. Hiện nay, trào lưu này giống như một thứ "bệnh" lây lan rất nhanh trong xã hội, khiến độc giả không biết đâu mà lần.

Sách truyện nói chung là sản phẩm văn hóa có tác dụng rất lớn đối với hình thành niềm tin, bản lĩnh, phẩm chất đạo đức, năng lực tư duy, nhân cách cũng như phong cách giao tiếp của con người trong xã hội. Nếu đưa đến tay bạn đọc những tác phẩm chưa hoàn chỉnh, xấu độc, nhiều tranh cãi bởi thông tin sai lệch sẽ vô cùng nguy hiểm, chẳng khác nào đem trứng mối về nhà. Những nhận thức lệch lạc, những thông tin sai lệch sẽ khiến hình thành niềm tin, nhân cách méo mó.

Thế nên, việc viết tự truyện cần được cân nhắc kỹ lưỡng và phải được thực hiện một cách tỉ mỉ, cẩn thận, tránh lãng phí công sức, tiền của. Không nên dùng tự truyện để đánh bóng tên tuổi, để bóc phốt, hạ bệ một ai đó. Bởi cái giá phải trả sẽ rất đắt.

VÂN VŨ