Mỗi quốc gia và khu vực có nền văn hóa và thói quen giao tiếp khác nhau. Nằm ở khu vực Đông Nam Á của châu Á, nơi có khí hậu nhiệt đới gió mùa và lấy nông nghiệp làm phương thức sản xuất chủ yếu, lại phải thường xuyên chống lại bão lũ thiên tai khắc nghiệt nên giao tiếp của người Việt mang tính cộng đồng làng xã rất cao.
Trong ứng xử, người Việt thường lấy tình cảm, sự yêu nghét làm nguyên tắc. Họ ứng xử thiên về tình cảm hơn lý trí. Khi cần cân nhắc giữa lý và tình thì tình vẫn được đặt cao hơn lý nên mới có câu “Một trăm cái lý không bằng tý cái tình”.
Cách thức giao tiếp của người Việt là ưa sự tế nhị, ý tứ và trọng sự hòa thuận. Lối giao tiếp tế nhị khiến người Việt có thói "vòng vo tam quốc", không đi thẳng, trực tiếp vào vấn đề như người phương Tây. Chính lối giao tiếp ưa tế nhị này mà người Việt rất đắn đo, cân nhắc trong ứng xử và rồi cũng chính sự đắn đo, cân nhắc ấy đã khiến phần đa người Việt ưa thực tế, hướng về hiệu quả theo kiểu “ăn chắc mặc bền” nên thiếu quyết đoán trong công việc, trong đưa ra các quyết định, không dám phiêu lưu mạo hiểm.
Để tránh nhược điểm này hay không để mất lòng ai, người Việt Nam đã thay thế bằng nụ cười và nói ngược. Đây có lẽ là một trong những nguyên nhân cơ bản để phương thức nói ngược ra đời, phát triển cùng lịch sử và trở thành nét đẹp văn hóa trong ứng xử của người Việt.
Trong bài viết này tôi tập trung làm rõ hai phần đó là nói ngược trong giao tiếp nghệ thuật được thể hiện trong thơ ca dân gian mà tiêu biểu là ca dao, tục ngữ và nói ngược trong giao tiếp đời thường khi xưa cùng nói ngược trong giao tiếp hiện đại.
|
|
Văn hóa nói ngược. Minh họa: PHÙNG MINH
|
Thơ ca dân gian, xét cho cùng cũng là một hoạt động giao tiếp của con người, chỉ có điều nó mang những đặc trưng của giao tiếp nghệ thuật. Trong giao tiếp nghệ thuật, mọi thành tố của hoạt động giao tiếp (nhân vật, hoàn cảnh, nội dung, mục đích, mã giao tiếp) vẫn có mặt đầy đủ, mặc dù biểu hiện của chúng có khác so với ngôn ngữ sinh hoạt đời thường.
Đối tượng sáng tác của thơ ca dân gian là những người bình dân có quan hệ với nhau rất gần gũi, thân thiện. Họ sáng tác những bài ca dao, hò, vè nhằm mục đích giải trí và xã giao, trong đó nói ngược được xem là hợp với đặc điểm tự nhiên, con người, xã hội cũng như phương thức sản xuất.
Tìm hiểu kho tàng văn hóa dân gian thấy ca dao, tục ngữ nói ngược của người Việt chiếm số lượng không lớn, nhưng lại khá đặc biệt. Có thể liệt kê một số đoạn trong các bài ca dao, tục ngữ về nói ngược đáng chú ý: Con gà cục tác lá chanh/ Con lợn ủn ỉn mua hành cho tôi/ Con chó khóc đứng khóc ngồi/ Mẹ hời, mẹ hỡi mua tôi đồng riềng...; Bao giờ cho đến tháng ba/ Ếch cắn cổ rắn tha ra ngoài đồng/ Hùm nằm cho lợn liếm lông/ Một chục quả hồng nuốt lão tám mươi/ Năm xôi nuốt trẻ lên mười/ Con gà, be rượu nuốt người lao đao/ Lươn nằm cho trúm bò vào/ Một đàn cào cào đuổi đàn cá rô/ Thóc giống đuổi chuột trong bồ/ Một trăm lá mạ đuổi vồ con trâu...
Phân tích nội dung trên ta có thể thấy, mỗi câu thơ trong bài ca dao trên đều nhằm mô tả một sự tình “trái khoáy” của đời thường. Nó được xây dựng trên sự đối chọi ngược trong quy luật sinh tồn: Kẻ bị săn đuổi, tiêu diệt lại trở thành kẻ săn đuổi trở lại. Chuyện “ếch cắn cổ rắn”, “lợn liếm lông hùm”, “cào cào đuổi cá rô”... không bao giờ có trong thực tế.
Nói ngược được thể hiện trong ca dao trữ tình khá đa dạng. Tùy từng hoàn cảnh cụ thể, nhân vật trữ tình có thể sử dụng những cách nói ngược nhằm đạt mục đích giao tiếp. Bên cạnh các biện pháp nghệ thuật như so sánh, ẩn dụ, phóng đại, nhân cách hóa... thì nói ngược cũng được sử dụng khá phổ biến và mang lại hiệu quả nghệ thuật bất ngờ.
Nói ngược được thể hiện trong ca dao, tục ngữ trào lộng. Đó là những sáng tác dân gian chứa đựng yếu tố gây cười. Cái cười ở đây mang những cung bậc, những sắc thái tình cảm khác nhau: Hoặc hài hước mua vui, phê phán nhẹ nhàng, hoặc châm biếm đả kích gay gắt, quyết liệt. Giữa các cung bậc ấy nhiều khi có sự chuyển hóa lẫn nhau rất tinh tế, đa dạng. Không giống như những bộ phận văn học khác, thơ ca dân gian trào lộng thường phản ánh những mâu thuẫn, những mặt trái, những thói hư tật xấu... của đời sống bằng tiếng cười mỉa mai, châm biếm hay giải trí, mua vui. Cách nói ngược trong thơ ca dân gian trào lộng nêu ra những hiện tượng phi lý, ngược đời có thể mang lại giá trị nghệ thuật sâu sắc: Đàn bà trang điểm kiếm chồng/ Con gái ở vậy dốc lòng thủy chung/ Bảy mươi, bảy mốt còn son/ Mười lăm mười sáu cháu con bộn bàng...
Không gian nghệ thuật trong thơ ca dân gian nói ngược thường là không gian miền quê, gắn liền với đời sống sinh hoạt của người dân lao động. Ở đó, ta bắt gặp tấm gương khúc xạ hiện thực khách quan của mỗi vùng, miền với lối sống, điều kiện sống và những phong tục tập quán, những nét văn hóa riêng.
Việc nói ngược được truyền miệng qua văn vần giúp nhân dân dễ thuộc, dễ nhớ, nhớ lâu. Khi ứng dụng tục ngữ, ca dao nói ngược vào giao tiếp, người nói mong muốn người nghe “hiểu xuôi” để thông điệp gửi đi hay và có giá trị. Chính cách nói “lật lại vấn đề” như vậy lại làm nên cái độc đáo, cái hay cho ngữ nghĩa thông điệp. Hơn thế nữa, người ta còn tận dụng cái lẽ thường hiển nhiên, cái logic ngàn đời kia để xây dựng các cấu trúc lập luận chặt chẽ, nhiều khi rất đanh thép: Bao giờ rau diếp làm đình/ Gỗ lim làm ghém thì mình lấy ta/ Bao giờ chạch đẻ ngọn đa/ Sáo đẻ dưới nước thì ta lấy mình. Những lối nói ngược để nhằm tới một mục đích diễn đạt trong hoàn cảnh nào đó đều phải dựa trên nền tảng một chân lý hiển nhiên, đó có thể là quy luật trong tự nhiên hoặc quy luật xảy ra trong đời sống xã hội. Ví dụ, cá chạch mãi mãi chỉ sinh sống và đẻ trứng dưới nước; chim sáo chỉ làm tổ, đẻ trứng, ấp trứng và nuôi con trên cây...
Người Việt xưa có thói quen là đưa ca dao, tục ngữ vào giao tiếp, đặc biệt là có một bộ phận hay áp dụng ca dao, tục ngữ nói ngược vào các hoàn cảnh giao tiếp khác nhau để tạo ra hiệu ứng. Tuy nhiên, nói ngược phải phù hợp với ngữ cảnh. Thực tế cho thấy, có những tình huống, nói ngược tỏ ra rất đắc dụng, song cũng có những lúc nói ngược sẽ gây phản cảm. Trong không khí vui đùa thì nói ngược là rất thú vị, nhưng trong bối cảnh trang nghiêm, nói ngược sẽ trở thành lạc điệu. Vì thế, người ta không chấp nhận nói ngược trong lễ lạt, cưới xin, ma chay...
Ngày nay, tỷ lệ người Việt hiện đại tham gia vào sản xuất công nghiệp và dịch vụ cũng như những ngành nghề phi nông nghiệp ngày càng lớn; phương thức sản xuất nông nghiệp không còn chiếm tỷ lệ chủ đạo như xưa nên ứng xử, giao tiếp cũng có sự thay đổi đáng kể. Sự thay đổi đó cơ bản vẫn trên nền văn hóa truyền thống, nhưng cũng có một số lo ngại nhất định.
Trong thời đại công nghệ thông tin bùng nổ, giao tiếp của người Việt cũng có phần đơn giản, nhanh, gấp gáp hơn. Thế hệ trẻ hiện đại năng động hơn trong ứng xử và giao tiếp, đồng thời cũng thể hiện thái độ yêu, ghét rất rõ ràng. Ngôn ngữ ứng xử và giao tiếp của giới trẻ hiện nay không còn thuần Việt như truyền thống mà đa dạng hơn, có cả ngôn ngữ công nghệ thông tin, tiếng nước ngoài và ngôn ngữ của mạng xã hội.
Tuy nhiên, giao tiếp, ứng xử trong một bộ phận giới trẻ người Việt hiện nay có những biến tướng rất đáng lo ngại. Thay vì áp dụng ca dao, tục ngữ nói ngược hết sức ý nhị, tinh tế của người Việt ngày xưa thì họ dùng lối nói thô tục, suồng sã bất chấp cảm xúc của người được tiếp xúc. Thậm chí trong những tình huống va chạm họ đã không giữ được bình tĩnh mà ứng xử với nhau bằng ngôn ngữ thô thiển; sử dụng quyền uy và vũ lực để đe dọa nhau trong ứng xử.
Ca dao, tục ngữ nói ngược trong kho tàng văn hóa Việt Nam rất đa dạng, nó ẩn chứa những kinh nghiệm của nhân dân được đúc rút rất sâu sắc và dễ hiểu. Hiện nay, kho tàng này đang tiếp tục được bổ sung bằng ngôn ngữ hiện đại. Tuy nhiên, số lượng không nhiều và chỉ tập trung ở một số ít người ham thích và dành thời gian để nghiên cứu.
Thực tế cho thấy, nếu quá lún sâu vào máy tính, nếu lún quá sâu vào ngôn ngữ mạng xã hội thì việc sáng tạo ra ca dao, tục ngữ nói ngược mới sẽ khó khăn. Nếu vì cuộc sống hiện đại mà khiến cho văn hóa nói ngược bị khỏa lấp, rơi vào lãng quên thì quả là một điều đáng tiếc.
TS NGUYỄN THỊ PHƯƠNG