Cơn ho sặc sụa của ông khiến bà bừng tỉnh. Cơn ho như thể lấy cả buồng phổi của ông ra ngoài. Đưa tay dụi vội hai mắt, bà lập cập tiến ngay lại, một tay vỗ lưng, một tay vuốt ngực cho ông:

- Hay mai mình xin chuyển viện?

Ông khoát tay lắc đầu, một tay ôm rịt ngực cố kiềm cơn ho. Thêm một tràng ho dài nữa, ông nằm rũ ra như tàu lá, mặt mày bơ phờ.

Đưa cốc nước sâm gừng tận miệng, bà dỗ dành:

- Uống chút cho khỏe, bé Trang nó mua tận Trà My đó. Mai mốt đủ sức, mình ra bệnh viện Trung ương điều trị...

Ông nhắm mắt nhấp ngụm nước vợ đưa, rồi xoay lưng nghiêng người, mặt quay vào tường. Bà ngồi bên cạnh, miệt mài xoa lưng, vỗ vỗ các cơ không cho chúng ngủ quên. Nhìn bóng vợ lom khom trên vách, khắc khổ, ông chỉ muốn chấm dứt những chuỗi ngày đằng đẵng mệt mỏi này.

- Bà ngủ chút đi, khuya rồi.

Bà gật đầu cho chồng yên lòng, thật ra bà biết trời đã gần sáng. Nằm mãi với bốn bức tường, ngày hay đêm với ông có khác gì nhau đâu, khác chăng là những cơn ho nhiều hay ít. Mà càng về đêm, ông càng ho dữ dội, bác sĩ bảo khối u đã biến chứng. Bà loay hoay mãi không biết nên thế nào. Đành rằng xưa kia vợ chồng từng nói với nhau, sau này nhỡ một trong hai mắc bệnh nan y, thì nhất định phải giữ tinh thần lạc quan nhất để động viên người kia. Không can thiệp dao kéo, không hóa chất trị liệu, tìm về thiên nhiên, sống với cây cỏ để tìm sự bình an. Năm năm, ba năm hay bao nhiêu cũng được, nhất định không vắt kiệt gia sản để chữa chạy, sau này có ra đi cũng thanh thản.

Thế mà bà có làm được đâu, nghe ai mách bảo chỗ nào thầy hay, chỗ nào thuốc tốt, bà đều cuống cuồng tìm tới. Số tiền ít ỏi để dành từ mấy đồng lương hưu cũng đội nón ra đi theo những đơn thuốc ngoài bảo hiểm.

- Ông này, hay là...

Vừa lau mặt cho ông, bà dợm nói.

Ông im lặng chờ đợi. Không thấy vợ tiếp lời, ông quay sang nhìn bà.

Bỗng bà lúng búng:

- Hay, ăn xong bát cháo này, mình đi dạo chút cho thoáng...

- Ời!

Ông thường không gặng hỏi tới chân tơ kẽ tóc, dù mười phần ông biết chắc bà đang băn khoăn một thứ gì đó.

- Hay lát bà về coi nhà cửa thế nào, đừng lo, tôi nhờ mua cháo được. Về coi cái cây, con gà...

Bà ậm ờ:

- Có mấy con gà, bé Trang đem về nuôi rồi. Nhà có chi đâu mà lo, ông cứ tịnh dưỡng cho mau khỏe rồi về.

- Còn hai cây mẫu đơn, không ai tưới nước, nó chết mất.

Mặt bà biến sắc, vội trả lời ông qua quýt:

- Người không lo, lại lo cây.

Là bà nói thế thôi, chứ bà biết ông quý hai cây mẫu đơn thế nào. Nó không chỉ là kỷ niệm những ngày ở Trường Sơn của hai người, mà còn là món quà cưới đồng đội tặng.

Hôm kia, khi nghe người ta mách có ông thầy hay lắm, có cơ hội chữa khỏi bệnh của ông. Vét hết số tiền còn lại trong nhà, bán hết những thứ có thể, vẫn còn thiếu hơn chục triệu. Đang loay hoay chưa biết xoay xở thế nào thì vô tình gặp một tay lái cây cảnh đang lang thang, hắn hỏi mua hai cây mẫu đơn với giá cực cao khiến bà chóng mặt. Dù bị từ chối nhưng hắn đã kịp nhét vào tay bà chiếc cạc-vi-dít kèm lời nhắn: “Khi nào suy nghĩ xong thì gọi cháu”.

Bà đã đấu tranh với chính mình nhiều lần, nhưng vẫn không vứt chiếc cạc.

Hôm vị bác sĩ gọi vào báo tình hình, vẻ mặt căng thẳng cùng cái nhíu mày khi đọc kết quả chụp phim, bà đã run rẩy, như thể thần chết sắp gọi tên chồng mình. “Còn nước còn tát!”, bà tự trấn an. Theo nguyện vọng của ông, dĩ nhiên không có một cuộc va chạm dao kéo nào. Nhưng bà không thể ngồi im chờ ngày.

Khi tột cùng tuyệt vọng, người ta thường tìm đến những phương thức tâm linh khó lý giải, và bà cũng vậy. Sự yếu đuối của một người đàn bà khi phải gánh trong mình một trọng trách quá lớn, như thể nắm níu sinh mệnh của chồng, bà phải hành động.

Chiếc xe cẩu ôm cua rồi bẻ ngoặt lên hướng nhà đội, chừ thì sắp ra tới đường lớn rồi. Là bà tự hình dung qua âm thanh vọng lại của động cơ xe. Sắc đỏ lẫn trong màu xanh đậm của những tán lá, những cánh bướm rập rờn trong nắng mai bên những khóm hoa, cả những ký ức cũ xưa... tất cả như nhảy múa trước mắt bà. Rồi mọi thứ nhòe dần đi cùng nước mắt.

leftcenterrightdel
Minh họa: THÁI AN 
Mười bốn tuổi, Liên đã tham gia đội du kích xã. Nhìn những chị giao liên với bộ bà ba đen tuyền, mũ tai bèo, khăn rằn, súng AK vắt ngang vai oách quá. Phụ nữ ở quê từ lớn tới bé đều chịu cảnh bị hiếp đáp chà đạp. Mới chớm lớn đã phải nhuộm răng đen, mặc vải nâu cũ sờn che đi cái dung nhan mơn mởn.

Không chịu được cảnh ấy, những cô gái làng tìm đường lên chiến khu. Chỉ có con đường cách mạng mới mong thoát khỏi ách áp bức và tìm đến tự do.

Một ngày tháng tư năm Mậu Thân, Liên nhận được hung tin, cha mẹ bị bom Mỹ càn quét, cả ngôi làng Cẩm Giang, Bình Nam quê Liên chìm trong lửa khói. Trận bom như ngôi mộ sống chôn vùi cả ngôi làng cùng những người thân thương ruột thịt. Liên để tang mẹ cha nơi chiến khu, dặn lòng phải lấy lại bình yên cho dân tộc.

Một sớm đầu thu, Đại đội trưởng Trung Kiên ghé thăm, gọi cô Liên đâu ra nhận quà.

Liên sững người giây phút, nhà mười ba anh chị em, thì hai người mất, ba người theo kháng chiến, còn thì ở lại làm hậu phương. Cũng lâu lắm rồi Liên chưa gặp mọi người.

Xoa hai tay đang ướt vào vạt áo, Liên tươi cười chào thủ trưởng:

- Em có quà thật á? Cô hồ nghi lẫn thích thú.

Đại đội trưởng tháo mảnh vải thun đen bóng đang buộc miệng chiếc ba lô đưa cho cô, rồi vỗ vỗ vào vai Liên.

- Chị gái em gửi. Anh gặp cô ấy ở chợ mắm Quán Rườn. Chị ấy bảo gửi cho em đỡ nhớ.

Liên như chết lặng, cô áp dải vải lên mặt, lên mũi. Cô hít hà mùi mồ hôi thấm đẫm trong chiếc quai nón nhỏ. Cô thấy nụ cười chị gái sáng bừng dưới trời nắng gắt, lưng mẹ tầm tã mồ hôi, hai mái đầu nghiêng nghiêng bên vành nón lá đã bung vành.                        

*

*      *

Hái một cành mẫu đơn hít hà rồi vắt lên mái tóc. Liên tháo chiếc gùi khỏi lưng, hai vai tê dại được giải thoát. Cởi đôi dép cao su để qua một bên, Liên chậm rãi thả chân xuống khe suối. Nước suối trong veo mát lạnh như ve vuốt đôi bàn chân thon thả đã chai sần bởi những dặm đường. Nhắm nghiền mắt để tận hưởng những phút giây bình yên hiếm hoi, nghe suối róc rách chảy, nghe vượn hót từng hồi, nghe chim ca líu lo. Cuộc sống tươi đẹp biết nhường nào nếu không có đạn bom.

Ôi chiến tranh và những giết chóc, tại sao con người lại luôn tranh giành thứ vốn không thuộc về mình để gây nên biết bao lầm than, bao nhiêu đau thương mất mát?

Những chú chim sống vòm trời của chúng, loài thú sống khoảng rừng của chúng, và còn người sống bình yên trên mảnh đất của họ. Tại sao phải chiến tranh, tại sao phải xâm lăng...? Đang miên man thì có tiếng động cơ ầm ĩ một khoảng trời, khói đen xám xịt. Cánh tay ai đó kéo cô chạy bạt mạng vào một hang núi, chân không giày xước buốt. Cô chạy, cứ chạy. Tiếng động cơ nhỏ dần rồi mất hẳn. Khi đã yên vị trong góc hang, cô hổn hển thở, mắt nhìn trân trân người đang kéo mình chạy.

- Em không nghe thấy gì hả?

Chàng trai vừa hỏi vừa để đôi dép vào gần chân cô.

Lúc này cô mới kịp quan sát người vừa kéo mình chạy thục mạng. Một anh chàng cao to trắng trẻo, đầy thư sinh hơn là chất lính rắn rỏi:

- Anh làm quân nhu bên CK-150.

Cô há hốc mồm suýt bảo, em cũng mới được điều qua bên ấy.

Nói rồi anh gỡ đóa mẫu đơn bị cuốn trong tóc đặt vào tay Liên, cô thẹn thùng đón lấy.

Họ thầm thương trộm nhớ nhau từ đận ấy. Sợ trên phát hiện được sẽ điều động sang CK khác, cả hai cố giấu nhẹm chuyện tình của mình. Những phút giây chớp thoáng thấy nhau đủ để cả hai trao ánh mắt yêu thương chan chứa và vài lời ngắn ngủi qua bức thư tay trao vội. Thấm thoát, thế mà cũng được sáu năm.

Một ngày mùa xuân năm bảy tư, cả hai quyết định công khai tình cảm sau một thời gian dài giấu kín thì có lệnh dồn lực chuẩn bị cho cuộc tổng tiến công lớn. Cả hai nhìn nhau, ừ thôi hẹn ngày thái bình, dù sao cũng yêu nhau được sáu năm rồi, thêm chút nữa có là bao.

Sau ngày thống nhất đất nước, cả đại đội tổ chức lễ cưới cho hai người. Quà cưới là hai cây mẫu đơn được mang về từ núi rừng Trường Sơn. Chúng theo hai người từ những ngày gian khó.

*

*      *

Nhìn hai hố đất trống, mắt bà nhòa đi. Vội lau những giọt nước mắt, thu mớ đồ cho kịp chuyến xe chiều, chắc ông đang mong bà lắm!

Ông ngã quỵ ngay con ngõ nhỏ dẫn vào nhà, hai tay chới với. Hai cây mẫu đơn sống trên mảnh vườn này cũng hơn nửa đời người, thế mà chỉ mấy tháng ông nằm viện đã không cánh mà bay, để lại hai chiếc hố nham nhở đất cát.

Những thang thuốc quý không khiến ông khá hơn, những câu chuyện bà kể không khiến ông vui hơn. Bà không dám nói thật với ông, cứ để ông nghĩ hai khóm mẫu đơn đã bị trộm mất. Những lời an ủi, dỗ dành của vợ con khiến ông nguôi ngoai đi đôi chút. Ừ thì một đời người, một đời cây, ai rồi cũng phải ra đi, bằng cách này hay cách khác. Chỉ là có để lại dấu ấn gì cho cuộc đời, cho mai sau.

Hôm con gái dẫn bạn trai về ra mắt, bà ngỡ ngàng nhận từ tay chàng trai hai khóm mẫu đơn nhỏ. Trời ơi, chỉ một việc nhỏ thế thôi mà bà không nghĩ ra được, phải chi... Hai cây mẫu đơn giúp ông có thêm những ngày ngắn ngủi bên vợ và con cháu nhưng đủ để khắc vào tâm khảm người những yêu thương khó mờ phai.

Một ngày cuối thu, ông thênh thênh hóa mây trắng lang thang, bỏ lại bà với ngổn ngang thương nhớ. Bà vẫn thường ngồi bên thềm hiên vắng nhìn ra hai hố đất mới được lấp bởi hai cây mẫu đơn nhỏ. Những chùm hoa đầu tiên đã bắt đầu nhú nở như dần lấp đầy vết thương lòng, những tiếc nuối, ân hận trong bà. Thôi thì, một đời người, một đời cây, bằng cách này hay cách khác... Chỉ là có để lại dấu ấn gì cho cuộc đời, cho mai sau.

Truyện ngắn của HỒ LOAN