Mỗi khi hương ổi thơm phức theo gió nương đầu ngõ, vương chút hoang vu núi rừng, lan sang bốn phía xóm, là bọn trẻ con quanh quẩn nhà xin xỏ rồi leo tót lên cây, đứa ngoài bờ rào níu cành, đứa phía trong í ới xôn xao cả trưa hè. Đặc biệt là Thương, con gái con đứa lúc nào cũng thấy thả chân đòng đưa trên chạc ba gặm trái ngắm mây trời. Ăn ổi ngay trên cành, xui xui cắn trúng trái sâu, có đứa nhả ngay xuống rơi tọt vào giếng nước. Tới lúc người lớn kéo nước lên lại la oai oái bọn con nít nghịch như ranh.

Bà Út Lợi quý mấy cây ổi xá lị của ông chồng lắm. Khắp thôn có mỗi nhà bà trồng giống ổi quý này, cây ra trái quanh năm, nhiều tới nỗi bà hái đầy mủng đội đầu đi bộ lên chợ xã bán. Mỗi bận ông đi nằm vùng, bà chỉ biết nhìn ổi cho đỡ nhớ người. Bà đợi cánh hoa trắng xinh trên cành ổi tàn cuống, canh trái ổi nhú cỡ bằng đầu ngón tay cái thì đã kiếm giấy với bao ni lông để bọc lại. Bởi nếu phơi trần trái dưới nắng tới ngày lớn lên, hương ổi thơm ngon sẽ thu hút lũ ruồi vàng đậu lên đục khoét, chắc chắn trong ruột xuất hiện dòi bọ lúc nhúc, hỏng một mùa chín thơm. Bọc ổi kỹ càng còn giúp trái bớt rám đen do nắng rát, da dẻ xanh mướt đẹp hơn.

*

- Cô Thương đâu rồi nội, sao từ nhỏ tới chừ con chưa gặp bao giờ?

Thằng cháu năm tuổi ngồi trong lòng bà Út Lợi, ngô nghê hỏi một câu trong khi ngước đầu lên nghe tiếp câu chuyện, vô tình đụng cái cốp vào cằm bà. Vết sẹo dài hai đốt tay trên mặt bà Út Lợi khẽ nhói lên, cứ như thể bị dằm đâm vào, đôi mắt lèm nhèm của bà ngấn ướt, đôi tay nắm chặt run run. Dù qua bao nhiêu lâu chăng nữa, buổi trưa định mệnh kia vẫn hiển hiện mồn một trước mặt bà, hệt như chuyện mới xảy ra ngày hôm qua thôi.

Chừng lớn hơn thằng cháu bây chừ chút, Thương đã biết truyền tin. Đúng ra là làng trên thôn dưới nít già chi đều phải học cách chuyển lời cho khéo. Thời đó mần chi có điện thoại sờ-mát-phôn hiện đại chỉ nhấn một phát là gọi được qua tới Mỹ. Cứ người này nói nhỏ vào tai người kia, người kia nháy mắt đổi sắc mặt với người nọ, lời thì thầm theo gió lan xa. Lính địch vừa tới bụi tre đầu thôn là vài nhà đã rục rịch mở nắp hầm bí mật. Nhà đem phụ nữ chưa chồng và mấy đứa con gái giấu kỹ, nhà lén dẫn mấy chú bộ đội đi lánh.

Thương lanh lắm, chị cả trong nhà mà. Một tay cặp nách em út, tay khác bày em trai viết chữ cái, Thương còn chạy ngược xuôi gánh hằm bà lằng việc nữa. Sáng cùng má đi gỡ nò dồn tôm cá vào thúng bê lên chợ, chiều ra mé sông cắt rau muống nước về nấu cám heo, đôi khi buổi tối đứng chơi ngoài cổng canh cho ba và mấy chú ghé ăn bữa cơm nhà. Ru em ngủ, cho em ăn, tắm cho em, dạy em học, từ gái tới trai đều là Thương chăm bẵm. Má bận ra đồng vun đất tỉa đậu phụng tưới nước thay ba, má phải bán cá tôm ngoài chợ kiếm tiền mua gạo, má phải tải gạo gởi muối lên căn cứ cho mấy chú.

Bà Út Lợi buông thằng cháu nội ra, kéo vạt áo lau chút nước mắt rỉ ra từ khóe. Mọi thứ đều rõ ràng chỉ trừ khuôn mặt luôn hí hởn của Thương, đã từ lâu trở nên nhòe mờ trong ký ức. Bà và ông Hai Thắng chưa kịp chụp cho đứa con gái tội nghiệp một tấm ảnh đàng hoàng. Phải chi bữa đó bà đừng biểu Thương đi giao dầu đậu phụng cho thôn bên, thì đã chẳng xảy ra chuyện. Cuộc đời luôn có những tai họa ập tới bất ngờ mà người hứng chịu không tài nào lường trước hay tránh được.

“Nhà nào có hàng ổi to nhất thôn chính là nó”, thông tin bọn chó săn sục sạo tìm cán bộ nằm vùng lan ra từ đầu thôn. Trên đường về nhà, Thương nghe lỏm được nên nhờ đứa bạn cắm đầu chạy báo ông Hai Thắng đi trốn lẹ, còn bản thân thì núp lùm lén theo sau bọn địch. Đợi chúng vịn tay nhau đi trên cây cầu tre qua sông, Thương từ phía bên này rút giựt cây cầu đẩy cả bọn rớt bủm xuống nước. Tranh thủ kéo dài chút thời gian, mong mọi người an toàn. Trong đó có ba, có má, mấy em của Thương và đồng đội của ba nữa.

Con bé ốm nhách mười hai tuổi hay bắt chước má búi tóc bằng kẹp lưới đen đã bị tra tấn dã man rồi vứt xuống giếng nước gần hàng ổi xá lị. Trước khi rời đi, bọn chúng còn cười hô hố ngấu nghiến mấy trái ổi chín thơm lừng trên cành.

Mặt trời tắt nắng, bóng tối bao trùm lên dòng nước đỏ trong cái giếng đá tổ ong. Bà Út Lợi khóc không thành tiếng. Nước mắt vừa mặn vừa tanh. Không đèn, không nhang, không cơm thịt, không rượu nước, không giấy tiền vàng bạc. Không khăn tang, không quan tài. Trong màn đêm vẫn nhờ nhợ bởi cát trắng, ông Hai Thắng lặng lẽ đào huyệt chôn Thương. Còn nỗi đau nào sánh bằng việc tự tay đưa tiễn đứa con mình rứt ruột đẻ ra. Ông chỉ ước mình có thể thay vào vị trí đó.

*

Bà Út Lợi nhìn lên bài vị trống ảnh trên bàn thờ, biểu với thằng cháu nội rằng cô Thương của nó đang ở nơi xa lắm. Bà lại nhìn ra phía bờ rào nơi ngày xưa có một hàng ổi xá lị, bây chừ được thay thế bởi khoảng cát trắng nhìn muốn lóa mắt khi nắng gắt chiếu xuống trưa hè.

Suốt mấy tuần sau khi Thương đi, bọn chó săn quanh quẩn bắt bớ bậy trong thôn. Chúng lục tung khắp nơi để tìm ông Hai Thắng và đồng đội. Không tìm thấy chi bất thường, chúng đổ hết lửa giận xuống thôn. Vài người bị trói, đạp vào bụng trào bọt mép, đập lên người bầm tím, rạch da tứa máu. Mái tóc dài bị xén lởm xởm, tà áo nâu bị xé toạc, những căn nhà lợp lá dừa rực cháy...

Đợi không gian chìm vào đêm đen, chỉ có đám muỗi vo ve trong bụi, ông Hai Thắng mò mẫm ở căn nhà cũ rồi lúi húi gì đó chỗ cây ổi xá lị. Ổi năm ấy đạt mùa trái to lắm, bên ngoài hơi giòn, giữa ruột chín mềm, cắn vào một miếng là vị ngọt chạm nơi đầu lưỡi. Nếu bọn chó săn đã thích ổi tới thế, ông sẽ để chúng được ăn thỏa thích. Ngon lắm, ngọt lắm. Hãy hái sạch trái, hãy ăn cho bằng hết. Vì đó là bữa ăn cuối cùng trên cuộc đời này của chúng.

Nghe người dân trong thôn kể lại, khi bọn chó săn quay lại lần nữa, hàng ổi xá lị bỗng dưng nổ tan tác. Tiếng nổ hay lắm, thi nhau, giòn giã. Cành lá bị xé nhỏ, thân cây bị chẻ nứt, ruột ổi trộn lẫn với cát. Một khoảng cát trắng chuyển thành đỏ thẫm.

- Rứa mấy cây ổi đâu rồi nội?

Câu hỏi của thằng cháu kéo bà Út Lợi quay lại với hiện tại. Bà khẽ thở dài, ngó theo bóng lưng ông Hai Thắng đang khòm lưng cúi đầu lạy một tay vái trước lư nhang nghi ngút khói trong cái miếu thờ ở gần hàng rào. Nắng rọi thẳng mái đầu bạc trắng. Mớ tro vàng mã đốt trên nền cát trắng bị gió cuốn bay tà tà. Trong hương trầm hình như có hương ổi xá lị nhẹ thoảng. Là hương ổi chín của nhà nào khác trong thôn bay tới, hay là hương ổi của năm tháng đó còn vương lại tới chừ.

leftcenterrightdel
Minh họa: PHÙNG MINH 

Sau đợt nổ, mấy cây ổi tưởng tan tành. Nhưng từ gốc cây còn bám rễ sâu trong đất, những mầm lá non xanh nhú lên dưới nắng. Cây từ từ hồi sinh, nở hoa ra trái. Bà Út Lợi không ở đó, chẳng ai kiếm giấy bọc trái ổi, lũ ruồi vàng và sâu bọ, chim chóc được ăn ổi thỏa thích.

Ngày đất nước thống nhất, vợ chồng bà quay về hái vài trái ổi chín, lấy hạt đem gieo ở căn nhà mới. Cây mọc lên vẫn cho trái chín nhưng chẳng thể nào có được hương vị thơm lừng ngon ngọt như trái ổi trồng trên đất cát trắng khi xưa. Không biết là từ bao giờ, hàng cây cũ bị sùng đục thân chết khô hết. Nơi đó trở thành nhà thờ, mỗi năm ông bà ghé đến hai lần vào ngày đám giỗ Thương và ngày ông Hai Thắng cúng hàng ổi xá lị. Đợt này ông Hai Thắng tổ chức khá lớn, dẫn đầy đủ cháu con để bày chỉ nọ kia. Từ năm sau, con trai ông sẽ thay ba má về đây.

Xong bữa khói nhang cũng là lúc mặt trời chòn rót lại vài tia nắng hắt nhẹ sau vườn. Bà Út Lợi cõng thằng cháu nội ra con sông Nam, nơi mà hồi trước cô Thương của nó đã rút cầu tre hất địch rớt xuống nước. Người ta xây cây cầu xi măng lõi sắt vững chãi bắt ngang, gắn mấy trụ đèn nhấp nháy.

Bà Út Lợi đâu thể kể hết với đứa cháu về đoạn ký ức đau thương ám ảnh trước mắt mình. Bà chẳng giải thích được cho cháu lý do tại sao mỗi năm chồng bà đều quay lại mảnh đất này, căn nhà này chỉ để cúng một hàng ổi xá lị đã chết mấy chục năm trước. Cháu bà đang nhỏ quá, chỉ nên biết rằng ở nơi bờ rào từng có một hàng ổi thơm ngon do ông nội nó trồng, bà nội nó chăm, cô ruột nó hái trái. Nỗi đau chiến tranh mang lại, đã dần vùi sâu vào trong cát trắng rồi. Những vết sẹo mà ông Hai Thắng và bà phải dùng cả đời để chịu đựng, một đứa trẻ đâu cần hiểu quá chi tiết làm chi. Đợi khi nào thằng cháu nội lớn lên, bà Út Lợi sẽ kể lại, hoặc là không. Bà dắt tay đứa cháu nhỏ men theo lối cho người đi bộ lên giữa cầu. Theo tay đứa cháu chỉ, nhìn về phía xa, hai bà cháu lặng ngắm hoàng hôn đang nhuộm đỏ chân trời.

Truyện ngắn của NY AN