Tôi ngậm ngùi: “Đây là kỷ vật mà bố chồng em để lại cho cháu nội-con gái tôi, chỉ dùng trong những dịp đặc biệt!”. Ngó sang ghế bên kia, con bé ngồi lặng im, những sợi tóc mai của nó, quạt thổi vào, quấn quýt trên gò má thiếu nữ.

Khi tôi về làm dâu, bố chồng tôi vẫn đương công tác. Cuối mỗi tuần, ông lại cặm cụi lái chiếc xe máy cũ về nhà. Quê chồng tôi có nghề đan rổ, nhà nào cũng thạo nghề. Bố chồng tôi khi ấy đã có vị trí trong một cơ quan nhà nước, nhưng khi cởi bộ trang phục công sở, ngồi bên hiên nhà, ông lại là một lão nông chính hiệu, tỉ mỉ chuốt từng sợi nan.

Không biết nghề đan lát quê tôi có tự bao giờ, nhưng bất kỳ điều gì sinh ra, ắt hẳn có duyên cớ. Làng tôi vốn thuộc vùng đồng bằng chiêm khê, mùa thối. Mỗi mùa mưa bão, nước ngập trắng bong, con đê quai mỏng manh như sợi dây thừng ngoằn ngoèo chỉ chực đứt trước cơn giận dữ của hà bá. Nhưng dân làng kiên cường, bám nước mà sống. Nước chôn phận người. Nước nuôi sống người. Nghề đánh dậm, đánh riu từ đó mà ra. Và chiếc rổ tre cũng theo người trong nhọc nhằn mưu sinh. Nghề đan rổ, từ đó mà ra chăng? Chẳng thế mà, mỗi phiên chợ chiều, đặc biệt vào những ngày hè óng ả, những hàng rổ tre cứ kéo dài ngút tầm mắt.

leftcenterrightdel
Ảnh minh họa 

Cũng vì thế, trong làng tôi, hết lũy tre này đến lũy tre khác mọc lên. Lũy tre rì rào mùa gió, cong mình kéo vầng dương buổi sớm, tận tụy, xao xác mỗi chiều hôm khi hoàng hôn vắt ngang lưng trâu. Từng cây tre gióng dài được đốn, chặt theo các khuôn rổ, phơi khô trên sân nhà, gác bếp để được tôi bằng các lớp bồ hóng. Miệng rổ cũng được vót bằng tre. Người ta dùng lạt mềm, mây, dây thép để gia cố rổ cho chắc chắn.

Có ngày nghỉ, tôi thơ thẩn bên hiên xem bố chồng đan rổ. Những chiếc nan khô được ông chuốt lại cẩn thận bằng lưỡi dao bài sắc, phoi bào tre đùn ra trắng xóa. Dáng ông cúi khom khom trên chiếc ghế gỗ màu nâu, đôi bàn tay thoăn thoắt ken từng mắt rổ. Rồi ông vào miệng rổ tròn vành vạnh, khéo léo và chính xác như quay compa. Phần nan thừa được đặt dưới chiếc thớt cũ nham nhở vết chém, mỗi nhát dao đưa lên chính xác như nét vẽ. Khâu cuối cùng, ông thận trọng đặt những chiếc nan tròn, nhỏ lên phần nan rổ được chặt, cứ thế, tay nọ giữ, tay kia siết mối mây đều như khăn thêu. Khi ông ngẩng lên, một chiếc rổ đã hoàn thiện.

Quê tôi, rổ tre hiện diện trong mỗi nếp nhà, thân thuộc như là tất yếu. Rổ sề để vớt bèo lợn, gom rơm rạ, lá cây khô. Rổ nhỡ để xúc cua cá, rửa rau. Rổ nhỏ xinh đựng rau thơm, kim chỉ vá may trong mỗi vui buồn của người phụ nữ gia đình. Rổ tre đựng cần kiệm, tất tả, cả nhịp sống bờ tre, gốc rạ.

Khi phố thị đã len lỏi vào mỗi ngõ nhỏ, bê tông "ăn thịt" điền dã, rổ nhựa thay thế rổ tre. Chính trong ngôi nhà nhỏ của tôi, rổ tre đã xếp dần vào hồi niệm. Màu xanh, đỏ lấn lướt dần trên mỗi kệ bếp, khi cầm chiếc rổ thau trên tay, nhìn những mắt nhựa hay mắt inox sáng choang, tôi không khỏi vương vương màu mắt nâu bồ hóng ươm mùi khói bếp mỗi chiều trong hồn tre mộc mạc. Những giậu tre xanh vắng bóng, nhường chỗ cho những bờ tường sắt, tường gạch sơn phết bóng loáng. Bê tông vào tận sân nhà, thi thoảng trong buổi chiều nhập nhoạng lững thững ra đồng hóng gió, lòng tôi lại nao nao nhớ thương vạt tre rì rào cúi xuống ve vuốt những lưng trâu no cỏ.

Thế rồi, một ngày giữa hạ chói chang, một cơn đau nặng đã đưa bố chồng tôi vào bệnh viện. Căn bệnh hiểm nghèo tìm đến ông trong những ngày cuối đời. Ông vẫn giấu lo, động viên con cháu an tâm. Giữa các đợt điều trị, trong một ngày nghỉ, khi sang thăm, tôi thấy ông cặm cụi ngồi đan một chiếc rổ tre nho nhỏ. Ông cười hiền: “Bố đan tặng cháu nội của bố. Mai này mong cháu sẽ cần cù học hỏi, lao động”. Ông về trời trong buổi chiều tạnh ráo, sau cơn mưa rào xối xả, xuôi tay vào cõi vô thường, khuôn mặt ông bình thản. Chiếc rổ tre nâu óng, tôi đã bọc trong giấy bóng kính, để trên giá sách của con gái. Nó nằm đó, như có linh hồn, lặng kể câu chuyện về bố chồng tôi.

Tản văn của NGUYÊN TÔ