Ngành nghệ thuật đặc biệt
Nhiếp ảnh và điện ảnh có lẽ là ngành nghệ thuật duy nhất được Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh thành lập, đó là Sắc lệnh số 147, ngày 15-3-1953, được ký ở Đồi Cọ, Thái Nguyên. Trong sắc lệnh, Bác viết ngắn gọn nhưng sâu sắc. Người xác định nhiếp ảnh, điện ảnh là một phương tiện văn hóa phục vụ đất nước, có nội dung tuyên truyền về cuộc kháng chiến của ta, cho nhân dân thế giới biết về ta, giáo dục văn hóa và chính trị cho nhân dân. Đến bây giờ, tôn chỉ, mục đích của nhiếp ảnh vẫn bám sát những điều đó. Giới nhiếp ảnh vinh dự, tự hào vì được Bác giao nhiệm vụ bằng văn bản, và nay trở thành ngày truyền thống.
Lĩnh vực văn nghệ chúng ta có một đặc trưng nổi bật so với văn nghệ các nước: Văn nghệ Việt Nam do nhân dân Việt Nam nuôi nấng, ủy nhiệm, tin cậy giao cho Đảng lãnh đạo văn nghệ. Thực tế, Đảng thay mặt nhân dân hướng dẫn, chỉ đạo văn nghệ. Đòi hỏi văn nghệ ấy cũng phục vụ nhân dân, phục vụ Đảng. Văn nghệ chúng ta coi trọng nhu cầu giải trí, thưởng thức nhưng cũng luôn nhấn mạnh nhiệm vụ thông tin những vấn đề cấp bách liên quan tới đông đảo quần chúng. Nhìn lại lịch sử nhiếp ảnh cách mạng nước nhà, có thể thấy những hình ảnh về lực lượng vũ trang (LLVT), thanh niên Việt Nam tham gia LLVT bắt đầu phổ biến từ sau năm 1954. Tức là khi chúng ta tiếp quản Hà Nội. Bởi trước đó nhiều hình ảnh nhưng điều kiện phổ biến cũng rất ít. Trong kháng chiến chống Pháp, mình chỉ có vài tờ báo ít ỏi tuyên truyền ra ngoài rộng rãi. Sau năm 1950, Việt Nam mới có quan hệ với một số nước. Lúc đó mới có điều kiện để hình ảnh Việt Nam nói chung, hình ảnh bộ đội ra nước ngoài.
Hình ảnh người lính bắt đầu có từ cuộc kháng chiến chống Pháp, đó là hình ảnh đội du kích Ba Tơ, đội Cứu quốc quân... mà hiện nay vẫn được sử dụng rất nhiều lần. Đó cũng là đề tài lớn nhất lúc bấy giờ. Có thể nói đó là những hình ảnh đầu tiên của nhiếp ảnh cách mạng Việt Nam. Sau đó khá tập trung là hình ảnh quân và dân trong kháng chiến chống Pháp. Giai đoạn này, hình ảnh bộ đội chỉ tập trung vào đánh giặc. Người ta chỉ diễn tả vào những hình ảnh quan trọng nhất mang tính biểu tượng: Nông dân thì gặt lúa, công nhân thì bên máy tiện, còn bộ đội thì ngắm bắn và các động tác vận động trên chiến trường. Đó là đặc trưng sáng tạo giai đoạn này.
Các nhà nhiếp ảnh lứa vàng đầu tiên của chúng ta đều là những người lính, tham gia quân đội và tác nghiệp ngay tại chiến trường. Có thể nhắc đến những tên tuổi như Nguyễn Bá Khoản, Vũ Năng An, Nguyễn Hồng Nghi, Nguyễn Đăng Bảy... cho đến Triệu Đại-phóng viên chụp bộ ảnh lịch sử Điện Biên Phủ của Báo Quân đội nhân dân. Đó là bộ sưu tập tuyệt vời, từ dân quân đến bộ đội, từ chuyển thóc vào kho, kéo pháo lên đồi, vượt sông, bắt tù binh...
    |
 |
Phóng viên tác nghiệp tại sự kiện Giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới Việt Nam-Trung Quốc lần thứ 7 ở Cao Bằng. Ảnh: TRỌNG HẢI |
Trong Giải thưởng Hồ Chí Minh 3 đợt đầu tiên, chủ yếu vẫn là đề tài bộ đội. Chỉ cần nhìn vào những giải thưởng về nhiếp ảnh, có thể hình dung sự trưởng thành của Quân đội ta và sự thay đổi của đất nước. Trong kháng chiến chống Pháp không thể có những bộ ảnh như tấn công sân bay hay về lực lượng không quân. Nếu đặt tất cả những bộ ảnh về bộ đội trong một bộ sưu tập có thể thấy từng bước Quân đội ta trưởng thành thế nào. Điều đó chứng tỏ thành tích của nhiếp ảnh. Và chính những bức ảnh cũng thể hiện quá trình mà nhiếp ảnh trưởng thành.
Sau hòa bình, nhất là thời kỳ Hà Nội khôi phục kinh tế, hình ảnh bộ đội lại càng rõ hơn. Lúc bấy giờ tập trung vào 3 hình ảnh quan trọng nhất, công-nông-binh. Giai đoạn sau này mới đi vào cuộc sống riêng tư, cuộc sống gia đình của người lính. Có thể thấy, hình ảnh một nước Việt Nam chiến đấu kiên cường chống giặc ngoại xâm đã được giới thiệu ra nước ngoài nhờ nhiếp ảnh. Từ khi Việt Nam tham gia các tổ chức quốc tế, bạn bè thế giới lại càng hiểu rõ hơn về đất nước, con người Việt Nam, đặc biệt là hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ.
Nhiếp ảnh phục vụ đời sống bộ đội
Ngày nay, những tác phẩm văn học, nghệ thuật trong các lĩnh vực, không chỉ Việt Nam mà cả thế giới, về kỹ thuật và cách thể hiện, nhiều tác phẩm không thể so với các tác phẩm cả trăm năm trước. Nhưng trong nhiếp ảnh lại khác bởi là ngành nghệ thuật duy nhất liên quan đến khoa học kỹ thuật, bị ảnh hưởng vô cùng lớn bởi khoa học kỹ thuật.
So sánh một bức ảnh cách nhau 10 năm là đã thấy khác nhau về chất lượng, mức độ thể hiện nội dung. Trong kháng chiến chống Pháp, làm sao có thể chụp được những bức ảnh tiếp cận địch! Kháng chiến chống Pháp, các nhà nhiếp ảnh không có ống kính tele, thậm chí máy ảnh không thể tháo rời ống kính. Thiết bị và nhân lực đều rất hạn chế. Nhưng sang kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đã khác, những bức ảnh đẹp lên rất nhiều bởi gần như báo nào cũng đều có phóng viên ảnh. Các phóng viên ảnh có mặt khắp các chiến trường. Lúc này thiết bị máy móc đã được trang bị tốt.
Một mặt khác, chính sự thiếu thốn đó lại tạo ra một kiểu làm việc của các nhà nhiếp ảnh Việt Nam, cái khó ló cái khôn. Với phương tiện thiết bị do nước ngoài sản xuất, các nhà nhiếp ảnh nước ta có rất nhiều cách làm sáng tạo lạ để phục vụ chiến trường. Ví dụ phóng ảnh bằng ánh sáng trời. Ở chiến trường, người chụp ảnh vào giữa rừng, che một buồng kín lại, đục mái cho ánh sáng vào. Luồng ánh sáng được điều khiển, bởi người che lại, mở ra, vậy là phóng được ảnh. Hay việc in ảnh bằng đèn pin trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Các phóng viên làm những buồng tối ở dưới hầm trú ẩn, thay phim, chữa máy ảnh khi bị hỏng, bị hóc bằng cách mượn quần phụ nữ làm buồng tối. Phim cuộn hết thì lấy phim của máy quay phim. Hay chụp lại ảnh bằng cách đặt ngược ống kính; rồi cách pha thuốc, cách bảo quản thuốc để tráng phim, làm ảnh. Hay chụp ảnh bấm một lần để chụp được 10 người. Những điều này phục vụ ở chiến trường rất nhanh, góp phần lớn trong việc cổ vũ tinh thần những người lính tại mặt trận và lan tỏa những hình ảnh người lính trên chiến trường với đồng bào, bạn bè năm châu.
Những vấn đề đặt ra
Đó là trong thời chiến. Vậy hình ảnh người lính trong thời bình được thể hiện thế nào?
Ngày nay, hình ảnh người lính không còn là những hình ảnh ngắm bắn mà là hình ảnh người lính ở biên cương, hòa vào trong nhân dân, người lính là những người thầy dạy học, người lính là bác sĩ, người lính bảo vệ nhân dân, bảo vệ môi trường, người lính phòng, chống bão lụt, người lính làm chủ các vũ khí, trang bị hiện đại... Người lính trong thời bình với hình thức đa dạng hơn rất nhiều. Vấn đề nhiếp ảnh làm thế nào để ghi lại được?
Có thuận lợi ở chỗ phương tiện thiết bị quá tốt. Có thể nói là không còn trở ngại nào về thiết bị. Chúng ta có đầy đủ phương tiện kỹ thuật. Máy móc của phóng viên, nhà nhiếp ảnh Việt Nam hiện nay ngang với phóng viên, nhà nhiếp ảnh trên thế giới, thậm chí có những người còn trang bị hiện đại hơn. Về khả năng thông tin, chuyển tải ảnh cũng bằng nhau. Chỉ còn đòi hỏi sự tác chiến độc lập và tri thức của người chụp ảnh về chủ đề bộ đội.
Chụp ảnh về bộ đội muốn tốt thì phải hiểu bộ đội. Ngày xưa có nhiều bức ảnh đẹp bởi các nhà nhiếp ảnh phần lớn đều là những người lính, họ rất hiểu bộ đội, yêu bộ đội. Ngày nay, nếu không hiểu bộ đội, không yêu bộ đội thì chụp rất dễ hời hợt. Cho nên quan điểm người sáng tác phải chuyên sâu vẫn là điều cần kíp. Đi sâu để hiểu cuộc sống, nhiệm vụ của người lính, hiểu những vấn đề kỹ thuật cần thiết trong khi chụp.
Điều này lại đặt ra vấn đề lực lượng chụp về người lính hiện nay. Có cảm giác vừa thiếu về số lượng, vừa yếu về chất lượng. Ở cấp trung đoàn, sư đoàn hiện có biên chế nhân viên tuyên huấn trong cơ quan chính trị, có thể kiêm nhiệm chụp ảnh. Còn lại cấp nhỏ hơn không có. Còn yếu ở chỗ, năng lực của những người đó cần được tập huấn, nâng cao thường xuyên. Phải có đào tạo kỹ hơn. Kỹ thuật nhiếp ảnh bây giờ chẳng có nhiều. Ngày xưa còn phức tạp, ngày nay đã tự động hoàn toàn. Người chụp chỉ còn lo tư duy bố cục, tư tưởng. Nhẹ nhàng biết bao nhiêu!
Như vậy, người chụp ảnh phải chụp bằng khối óc và con tim, không chỉ thuần túy việc giơ máy lên và bấm hình. Điều này là thực tế. Phần lớn lực lượng có điều kiện chụp ảnh trong quân đội hiện nay không được đào tạo bài bản, chỉ giải quyết được khâu chụp ảnh kỷ niệm, như việc chụp đại hội, thể thao, đội bóng trước và sau trận đấu, lên trao cờ... chứ chưa nâng lên để chụp chuyên nghiệp. Phần lớn mới chỉ phản ánh vẻ ngoài của người lính, chủ yếu bộc lộ cái hay nhìn thấy, mới chỉ đáp ứng yêu cầu nhìn và lưu lại, chứ chưa nhìn và phát hiện ra vấn đề ở đằng sau, ở chiều sâu tâm hồn và tư duy người lính, để người xem ảnh hiểu những vấn đề bên trong, đó là thái độ, tình cảm của con người. Cái sâu lắng, phát hiện, lạ lùng rất ít. Nó không phải chụp đồng chí A, mà phải chụp đồng chí A đang làm việc thế nào, cá tính, thái độ trong công việc ra sao. Hình ảnh người lính lúc vui, lúc buồn, không để ý những hình ảnh phụ.
Hiện lực lượng trẻ quân đội là hội viên hội nghệ sĩ nhiếp ảnh ngày nay gần như chưa có ai, rất cần được củng cố. Nếu tổ chức được những trại sáng tác chuyên nghiệp hơn, phát huy được những thế mạnh của thiết bị hiện đại, của truyền thông bây giờ thì hình ảnh bộ đội không chỉ được dùng trong hệ thống truyền thông của quân đội mà mở rộng ra bên ngoài. Thực ra hệ thống truyền thông bên ngoài mong muốn có hình ảnh đẹp về bộ đội, nhưng rất hạn chế.
Tuy nhiên, để có nhiều tác phẩm nhiếp ảnh xuất sắc, phản ánh bức tranh hiện thực sôi động, phong phú của những người lính trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay, ngoài tình yêu nghề và tài năng của người cầm máy thì cũng rất cần vai trò “bà đỡ” của các cơ quan quản lý, cũng như sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ, định hướng của cơ quan chức năng. Đơn cử, Tổng cục Chính trị có thể giao cho Báo Quân đội nhân dân chủ trì, giao cho các phóng viên ảnh giỏi của báo cộng với một số nhà nhiếp ảnh giỏi bên ngoài để tập huấn. Hay Bộ đội Biên phòng có thể tổ chức những trại nhiếp ảnh phục vụ riêng cho Bộ đội Biên phòng. Đó sẽ trở thành những chân rết đắc lực phục vụ cho việc quảng bá hình ảnh người lính thời bình. Cách làm phóng sự, cách làm ảnh bộ, cách chụp chân dung... cần phải có đào tạo. Có điều thuận lợi ở chỗ, với phong cách, tác phong nghiêm chỉnh, học thực chất của người lính thì chỉ cần một tuần cũng có thể mang lại hiệu quả cao. Một tuần nếu tổ chức ở một đơn vị, biến đơn vị thành nơi thực tập, rất thực tế mà hiệu quả.
Như vậy, sự cộng hưởng giữa các yếu tố trên sẽ giúp nền nhiếp ảnh cách mạng Việt Nam có thêm sức mạnh để có thể sáng tạo ra những tác phẩm nhiếp ảnh về đề tài người lính đỉnh cao, lan tỏa trong công chúng, có tác động tích cực đến việc xây dựng con người và văn hóa Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
VŨ HUYẾN