Tôi bảo, đường xa thì vào trong ấy năm vài lần là được, cứ gì phải một tháng đôi lần, cốt ở lòng thành. Đất ở đấy mới quý, mới mang hương hồn của các cô, chứ bốc một nắm đem về, không có hơi hướng Đồng Lộc thì chỉ là đất thôi. Tôi nói bình thường nhưng Khóa thì coi mấy lời của tôi là sâu sắc lắm, làm ông phải nghĩ lại. Rằng, nếu thế thì ông quyết vào trong ấy, kiếm một mảnh đồi, dựng một túp lều, sống bằng lương hưu để ở gần Hạnh, chả đến với cô ấy thì không yên tâm mà chết. Nghe Khóa nói, tôi chùn bước, bảo tùy ông tính thế nào cho phải thì tính.

Tôi với Khóa là bạn học thời cấp ba. Khóa cao lớn trắng trẻo, trai phố huyện, học tàng tàng như tôi, nghịch ngầm chứ không hòa vào đám đông, ăn nói có nhiều chữ vì nhà đầy một tủ sách ông bố để lại. Là con liệt sĩ, nên hết lớp mười, Khóa được ưu tiên đi học kỹ thuật tận Liên Xô.

Trong nhóm tôi và Khóa có thêm Hạnh. Hạnh con nhà nông, nhiều khi sáng đi học, chiều đi làm hợp tác xã lấy nửa công điểm. Vất vả việc đồng áng nhưng Hạnh không cóc cáy mà trắng hồng, dáng cao, mặt trái xoan, mắt sắc và sáng lấp lánh. Ba chúng tôi chơi với nhau khá thân, nhưng Hạnh và Khóa yêu nhau sau lưng tôi từ bao giờ mà tôi thì cà tồ, không biết. Cái đận Khóa sắp đi học ở Liên Xô xa tít, tình yêu của họ đến cao trào. Cho đến khi sắp chia tay, chẳng giữ gìn gì, Hạnh nhanh chóng bước sang đàn bà.

Khóa đi, Hạnh ở nhà ruột gan nóng như bếp lò vì chờ thư của chàng. Một tháng. Một năm. Hai năm. Cực chẳng đã, nàng liều lần sang nhà Khóa hỏi chuyện bà bác của anh. Bà bác chẳng nói Khóa có thư từ không, mà đánh mắt vào nhìn cô khách trẻ, nói một câu bóng gió. Hạnh phải vội chạy khỏi nhà bà ta, ra tận con đường giữa đồng mới ôm mặt khóc, khóc dúi dụi, khóc tức tưởi, vì tủi thân với cái câu khinh miệt “Đũa mốc đòi chòi mâm son”. Hôm ấy Hạnh đã nghĩ dại, chết quách cho xong. Nhưng rồi Hạnh cắn răng, tự nhủ, sao phải chết với kẻ lừa đảo. May mà bụng Hạnh không to lên, chứ lỡ ra thì bây giờ biết giấu mặt ở đâu! Hạnh muốn đến một nơi bận rộn chả có thì giờ hơi sức mà buồn với khổ tâm. Thế là cô xin đi thanh niên xung phong, một thời gian thì được về Đồng Lộc, làm nhiệm vụ cùng với Tiểu đội Võ Thị Tần nổi tiếng.

*

Tôi công tác ở một tờ báo Quân đội, nên việc đi chiến trường, đến các trọng điểm là thường xuyên. Trong chuyến đi để viết về tuyến vận tải qua Đồng Lộc, ngược về Đường 22, đi nữa thì rẽ sang đất Lào, ta quen gọi là đường Tây Trường Sơn, tôi gặp Hạnh. Dịp ấy ngã ba Đồng Lộc là trọng điểm máy bay Mỹ dội bom ác liệt. Ngày ít hai lần, ngày nhiều mười bốn lần bom dội xuống cái ngã ba nhỏ hẹp, có con đường vận tải độc đạo đi qua. Các cô gái vất vả, ngày nào cũng dằn mình gỡ bom, phá bom, vác bom đến nơi xa đường để công binh xử lý, rồi san đường cho xe qua. Phơi mặt trong nắng gió Lào nóng đến đá giữa mặt đường còn nổ, ăn lại thiếu nên cô nào cũng đen nhẻm, gầy rạc, như đàn ông một lũ. Riêng Hạnh bạn tôi thì ngược lại, như là vì thất tình mà phụ nữ đẹp ra, vẫn trắng hồng, đâu ra đấy, vẫn nụ cười tươi rói và đôi mắt lá răm sáng lấp lánh, chỉ có điều như cô nói, mấy năm đôi mắt sắc của cô chưa liếc người đàn ông nào. Mỗi khi phải góp tiết mục liên hoan cho liên đoàn toàn tỉnh, Hạnh thường được cử đi. Cô hát không hay, nhưng bước lên sân khấu như văn công thế kia, lính vỗ tay như pháo nổ. Lính công binh, lính vận tải, lính phòng không suốt ngày trần lưng với bom đạn, đâu cần nghe hát, chỉ nhìn thấy người đẹp đã thỏa rồi.

Đại đội giữa ngã ba bom đạn, các cô sống với nhau rất tình cảm, quý nhau như chị em trong nhà. Nhưng chuyện đời tư thì Hạnh kín bưng. Chuyện Hạnh lộ “cái kim trong bọc” không phải cô tự nói, cũng không ai khảo, mà do bỗng nhiên anh chàng Khóa lò dò đến tận ngã ba bom tìm người tình mà anh đã nhẫn tâm phụ bạc.

Lúc bấy giờ đã gần sáng, chị em cả đơn vị hì hục làm suốt đêm mới xong đường, bảo nhau về lán ngủ lấy một lúc cho lại sức, thì ở đầu đường vào ngã ba có tiếng gọi oang oang: “Hạnh ơi, đón anh với”. Mới nghe là Hạnh giật mình biết ngay cái giọng ấy của ai. Chuyện cũ đã ngủ im rồi, còn bới ra làm gì, đường đường đến tìm người ta cứ như là còn quý lăm lắm đấy. Có mà xúc đất đổ đi, ai còn thèm nhìn mặt! Không nghe, không biết, Hạnh tự bảo vậy. Người gọi vẫn không tha, làm cho chị em nhắc Hạnh ra gặp, lỡ có việc gì quan trọng thì sao? Thế là Hạnh bước vội, với chiếc khăn vuông xanh cuốn tạm lên mái tóc bù xù, cứng như rễ tre vì bụi đất chưa kịp gội. Khóa đứng cạnh chiếc xe U-oát ngụy trang đàng hoàng, mặc đồ nâu, đội mũ vải, miệng lập lòe điếu thuốc, cao lớn hơn ngày nào. Hạnh bước thẳng đến trước mặt anh, không rào trước đón sau, chỉ nói có một câu lạnh băng: “Tôi khổ vì anh đã đủ rồi. Anh tìm tôi làm gì!”. Nói xong, Hạnh quay gót đi như chạy, mặc chàng đứng lóng ngóng như đứa trẻ nhận lỗi trước người lớn.

*

Tôi và Khóa lại kiếm cớ gặp nhau, lần này là ai đó cho Khóa một chai Vodka của Nga để chàng nhớ lại thời oanh liệt ở xứ bạn. Vodka uống với cá khô nướng, rất ổn, rượu năm mươi độ mà qua cổ họng thấy tròn, không vuông. Uống mỗi người ba ly, mặt mũi đã tưng bừng. Lúc ấy, rượu vào tôi mới nói với Khóa: “Ông là thằng sướng vì còn có một con đàn bà đẹp nó giận, chứ như tôi không giận, không hờn, nhạt hoét”. Khóa ngồi im mãi mới nói: “Tội lỗi tình tang do thằng đàn ông gây ra, chứ đàn bà, xấu đẹp gì không kể, nó tốt gấp vạn thằng đàn ông chúng mình”.

Vậy là rượu và câu khích tướng của tôi chạm nọc khiến Khóa mở miệng, không giữ kín chuyện khổ nhục của thằng đã không chung tình. Vài chục năm đã qua rồi, đâu phải ít. Nhưng chuyện tình lỡ dở như cô bạn của tôi nói, những mối tình không đến được với nhau thì xanh mãi, không vàng úa. Trong lòng cái lão Khóa của tôi kia cũng có một chùm xanh, lâu lâu lại nhú ra cái mầm. Lão bảo, ngày học ở Mát, vừa là phải học để không bị hạ cấp sang học nghề khác, và cũng tự huyễn mình. Thế là tìm một cô bên ta, sang học bên này, yêu và tính nước ở lại lâu dài. Nhưng càng yêu lại càng thấy cô này chả bằng một góc Hạnh, rồi giải tán. Khóa quyết định về nước sau khi tốt nghiệp kỹ sư cầu đường với một lá đơn rất hợp thời, là về để được tham gia chiến đấu chống Mỹ, cứu nước. Về Việt Nam chỉ mươi ngày, Khóa đã lên đường vào ngã ba Đồng Lộc với một tờ quyết định xanh rờn của Binh chủng Công binh, là cử chuyên gia kỹ thuật của Bộ Giao thông vận tải, đi cùng với sĩ quan công binh trên chiếc U-oát khảo sát các trọng điểm trên Đường 15, Đường 22 vào tới đường Tây Trường Sơn để có kế hoạch chỉnh trang sau mùa mưa, rút ngắn một cách hợp lý đường qua trọng điểm, chuẩn bị cho mùa vận tải lớn. Hỏi thăm từ hôm về quê biết Hạnh đang ở ngã ba Đồng Lộc. Trăm lá thư không thể thanh minh nổi, Khóa quyết đến tìm gặp Hạnh.

*

Chuyến đi khác, tôi gặp Khóa đang đo đạc ở ngầm Đá Đĩa, cuối Đường 15. Tôi chẳng quan tâm đến chuyện khảo sát của hắn, chỉ muốn hỏi, ông với Hạnh dạo này sao rồi? Khóa cười, được nàng “giảm án” rồi. Tuần trước, nàng còn gửi cho hắn một hộp ruốc, loại đặc biệt quý hiếm trên đường bom đạn. Tôi thấy Khóa đen đi, gò má cao hơn, nhưng vui vẻ, thường cười hết cỡ và được anh em công binh ở ngầm quý mến.

leftcenterrightdel

Minh họa: PHẠM HÒA 

Tôi lang thang trên đường, viết những bài báo ngắn nhờ lái xe về hậu phương lấy hàng, chuyển cho tòa soạn. Khi quay ra, dù lúc ấy quá nửa đêm, tôi vẫn cố ý dừng lại ở ngã ba Đồng Lộc để tìm gặp Hạnh. Bạn bè mấy khi lại được gặp nhau. Được hỏi, cô Tiểu đội trưởng Tần như có cái cớ để trút bầu tâm sự. Gớm cho cô nàng bạn ông, là vì hồi chiều, Hạnh được lái xe từ Khăng Kèn về nhắn rằng Khóa bị sốt rét, biến chứng thế nào đó bụng cứ to tướng lên, ăn vào là nôn, người yếu đến mức phải chống gậy đi vệ sinh. Thế là Hạnh cuống, vội đi thăm người yêu, mà mắng cả cấp liên đoàn, mắng luôn tiểu đội trưởng. Ghê không. Đúng là đàn bà yêu, nóng lạnh như bếp bà già.

Hạnh vừa đi thì chặng dưới điện lên, có xe quân y chở bệnh binh là ông cán bộ kỹ thuật về hậu phương điều trị. Chưa có xe lên để đi nhờ, chắc Hạnh cuốc bộ cũng chưa xa nên ba cô gái chạy đi gọi Hạnh quay lại. Đúng lúc xe quân y vào ngã ba, dừng ở chỗ có vài bờ bụi. Tôi cứ tưởng lão bạn tôi thảm hại lắm rồi, chống gậy thì có, nhưng vẫn còn nhanh nhẹn, xuống xe cứu thương là bước khá dài từng bước ra ngã ba để hỏi thăm. Cứ như là sắp đặt, vừa dứt lời, Hạnh đã chạy như bay đến chỗ chúng tôi. Tần hét, “Ở đây kia mà” là Hạnh hiểu “ở đây” là chỗ Khóa đang đứng đợi. Do trời còn tối, cô nào đó bấm đèn pin để cố tình xem đoạn phim sống chàng và nàng gặp nhau trên bãi bom, Tần lại hét, ai vô ý thế, tắt đèn đi! Tôi chỉ kịp thấy bóng Hạnh và Khóa lao vào nhau.

Tôi nhớ hôm đó là ngày hai mươi, tháng bảy, năm một chín sáu tám. Và chỉ bốn ngày sau, đau đớn thay, trận bom thứ mười bốn trong ngày đã dội xuống đúng nơi Tiểu đội Võ Thị Tần. Hai ngày sau, cũng vì bom, Hạnh hy sinh khi đang san đường cho ô tô qua trọng điểm.

*

Tháng chín, trời mát mẻ, khô ráo, ông bạn tôi quyết định vào sống trong khu Đồng Lộc để được gần Hạnh. Là chuyện thiêng, không thể ngăn, tôi chỉ ngồi với Khóa một đêm, cho đến gần sáng thì đưa bạn ra bến xe của huyện để xuống thị xã, rồi đi nữa. Lúc Khóa xách cái va ly từ hồi đi học Liên Xô nặng nhọc lên xe, tôi thấy bạn đã gù lưng mất rồi, mỏi mòn rồi, cũ kỹ rồi, mọi chuyện bây giờ đã muộn, đã cuối mùa, mà sao còn day dứt khôn nguôi, vì chót dại bội ước một mối tình mà sửa một đời chưa xong...

Truyện ngắn của HÀ ĐÌNH CẨN