Bãi đất trống phía ngoài phát ra liên tục những tiếng lịch bịch của bầy trâu nằm quây tròn, bên cạnh đống lửa đã tàn, chỉ còn những viên than nổ lép bép, mấy hạt than hồng theo gió bay tứ tung. Có một người không ngủ được, là ông Tám Cọp, hai mắt cay xè vì khói bếp. Ông Tám lo cho bầy trâu ngoài kia. Chiều qua, con cọp chột mắt rình bắt mất một con nghé nhỏ nhất bầy. Đêm nay, xa trong rừng có tiếng cọp gầm, ông lo con cọp chột mắt lại mò tới. Bầy trâu dù đã rất khôn ngoan, cảnh giác, để 4 con trâu cái và 3 con nghé nằm phía trong, 4 con trâu đực nằm vòng ngoài, giữa bốn phía, nhưng con cọp già rất hung dữ và thủ đoạn, nó sẽ rình rập tìm cách bắt nghé con. Ông Tám lượng sức mình không đủ chống lại cọp, chỉ dặn anh em nếu nó tới sẽ đốt lửa và gõ thùng thiếc, gõ chậu để xua đi thôi. Mang danh là Tám Cọp, vì hồi còn trẻ đi chăn trâu trên núi Triều Sơn, ông Tám đã đụng mặt cọp. Con cọp hồi đó chắc mới lớn, đang tập săn mồi, nên đã ngu ngốc nhảy tới ôm mông sau con trâu đực nhà ông. Bị dính trọn cú đá hậu mạnh như núi sập, con cọp văng ra xa. Khi cọp hoàn hồn đứng dậy được, đập đuôi 3 lần nhảy tới thì gặp ngay cặp sừng cánh cung bén nhọn móc vào hàm, bật ngã ngửa. Ông Tám thừa cơ cầm cây côn bằng tre đực liều nhảy tới, vụt liên tiếp vào đầu cọp. Nó đau quá, rống lên thảm thiết rồi chạy vụt vào rừng. Dân Triều Sơn từ lần đó nể phục khí phách của ông Tám, liền đổi cách gọi tên từ Tám Thu sang Tám Cọp.
Có tiếng con trâu đực kêu ọ ọ báo động. Ông Tám cầm cây gậy rón rén bước ra. Gió thổi thốc lên, đám lửa bừng cháy. Cách đó khoảng năm chục bước chân, con mắt cọp bắt ánh lửa đỏ quạch. Chỉ có một đốm đỏ, đích thị là con cọp chột mắt. Con trâu đực phía ngoài cùng giận dữ xì mũi một cái, đứng cúi sừng nghênh chiến.
- Dậy đi anh em! Lấy cái thùng thiếc!
Bốn, năm bóng người bật dậy, những cây đuốc tẩm nhựa dúi vào đống lửa. Đuốc sáng bừng lên, tiếng thùng thiếc, tiếng thau đồng gõ chát chúa.
- Ua cọp! Ua cọp! Hú hu. Cọp cút đi! Cút đi!
Phải giết cho được con cọp chột mắt. Không thì mất hết bầy trâu. Nhưng bằng cách nào? Hay là đào hầm bẫy nó. Không được. Bên Cát Sơn người ta đã thử đào hầm, cắm chông bên dưới, đan phên rải lá che bên trên. Một con heo nhỏ cột vào gốc cây làm mồi nhử. Sáng hôm sau, con heo bị cắp đi mất, hầm chông còn nguyên. Con cọp chột đã khôn ngoan đi vòng ra sau hầm để bắt heo, chứ không xông thẳng tới.
- Chắc tui phải sang Tây Sơn cậy nhờ thầy võ Năm Dũng. May ra trị được con hổ-ông Tám bàn với mấy người bạn.
Đất Tây Sơn ai cũng biết danh ông Năm Dũng, chủ một lò võ. Học trò của ông, ngoài các thế công, thủ của võ Tây Sơn, còn được rèn luyện thành thục bài Thái Sơn côn, một thế võ hiểm chuyên dùng trường côn thực chiến. Người ta truyền miệng nhau câu chuyện tiệm buôn bán vải của mẹ ông Năm bị cướp. Xui xẻo cho đám cướp, đêm ấy ông ghé về thăm mẹ. Nửa đêm, thấy bà mẹ bật dậy, kêu con trai:
- Đám cướp khăn đen tới kìa thằng Năm!
Đám cướp này, khi hành sự đều dùng khăn đen bịt kín mặt, chỉ chừa hai con mắt. Cũng nghe dân gian bàn tán là trong đám cướp có vài người địa phương tham gia, sợ bị lộ nên bịt mặt lại. Lũ nội gián ấy vô cùng nguy hiểm, chúng biết tường tận trong làng, trong xã nhà nào có tiền của rồi dẫn đồng bọn tới cướp. Năm Dũng hồi đó mới ngoài hai mươi tuổi, đang độ trai tráng. Anh cầm trường côn mở cửa ra, thấy đám cướp khoảng hai chục tên, đốt đuốc sáng trưng đứng hai hàng từ ngõ vào sân. Ánh đuốc soi rõ những khuôn mặt bịt kín khăn đen, dao, kiếm sáng lòe. Không nói một tiếng, Năm Dũng múa côn vù vù che kín thân mình, rồi chậm chạp tiến tới. Ánh trường côn đi tới đâu, tiếng người kêu la, bóng người đổ vật ra đất tới đó. Đám cướp không bị chết tên nào, nhưng sứt đầu, mẻ trán vô số, nén đau dìu đỡ nhau chạy tháo thân.
Ông Tám Cọp cột chiếc tay nải nhẹ hều lên đầu trường côn, vác lên vai, đi tìm thầy Năm Dũng. Qua một dốc núi gập ghềnh gọi là dốc cọp, ngang qua mả cọp xuống thung lũng, đi nửa buổi nữa là tới lò võ thầy Năm. Hai bên dốc là rừng cây thưa, lúp xúp ngang đầu người. Trước kia ai có việc, phải gan cùng mình mới dám đi qua dốc này, nhất là đi đêm. Mấy người buôn gánh lên làng Thượng hay gánh hàng qua đây lúc trời gần sáng, dù có cây đuốc cầm tay, họ vẫn linh cảm bước chân cọp rón rén đi sau một quãng không xa. Hết con dốc, có một nấm đá như chiếc mả lớn nằm ven đường. Người ở xa thì đồn đó là mả cọp, còn người hay qua đây thì biết đó là cái mả đá. Mỗi lần qua dốc, người ta thường lựa một cục đá nhỏ vừa cỡ tay để phòng thân, rồi vừa đi vừa khấn vái trời, Phật phù hộ đừng bị cọp vồ. Qua khỏi nơi nguy hiểm, họ vứt bỏ cục đá lại. Năm này qua năm khác, đống đá to như cái mả cọp, lổn nhổn toàn đá cục bằng nắm tay.
Ông Năm Dũng đang tập côn quyền cho một nhóm đệ tử toàn thanh thiếu niên, thấy có khách thì bảo tụi nhỏ tạm nghỉ, mang ra một bình rượu. Chủ, khách chào hỏi xong xuôi, Tám Cọp mới liếc mắt sang ông chủ lò võ, thấy đây là một người đàn ông thấp, đậm, da nâu sậm, chắc cũng cỡ tuổi ông. Khuôn mặt tròn xoe của Năm Dũng chẳng ra dáng một võ sư danh tiếng, mà chất phác giống một anh lực điền. Cặp mắt nhỏ, lạnh như mắt rắn cũng lướt qua đánh giá sức lực người khách cao lớn, vầng trán ngắn, nhô ra như tảng đá xám.
- Chắc đây là ông Tám Cọp bên Triều Sơn?
- Dạ... sao ông Năm biết hay vậy?
- Dân đồn đại, khen ngợi ông Tám dữ lắm, nên mới nhìn thấy là tôi ngờ ngợ. Ông Tám tìm tôi có điều chi dạy bảo?
- Hông dám! Hông dám thất lễ! Là chỉ muốn thay mặt bà con nông dân núi Triều Sơn tới nhờ cậy ông Năm chút việc thôi ạ.
Ông Tám Cọp kể sơ qua về tình hình con cọp chột mắt hay rình bắt trâu, bò thả trên núi, nhờ ông Năm Dũng giúp đỡ. Ông Năm Dũng ngạc nhiên, đôi mắt lóe sáng:
- Ủa! Tưởng có khắc tinh của cọp bên đó mà?
- Ông Năm đừng nói vậy, tui mắc cỡ. Lần đó thấy con trâu đực tử chiến với cọp, tui tiếc trâu nên cầm gậy liều xông vô thôi. Còn con cọp chột mắt này, thú thiệt mình tôi không trị nổi.
Hai người nhâm nhi hết xị rượu với xoài xanh chấm muối ớt thì bàn xong kế trị cọp. Ông Năm giữ khách ngủ lại một đêm, rồi sáng mai cùng về Triều Sơn.
Đã sang đêm thứ 3 hai ông Năm Dũng và Tám Cọp cùng nhóm tráng đinh đốt lửa chờ con cọp chột mắt. Bầy trâu vẫn nằm ngủ hằng đêm ngoài bãi đất trước lều, khua sừng lịch kịch. Hình như con cọp linh tính thấy sự nguy hiểm, nên không bén mảng tới. Ông Năm Dũng nói với mọi người:
- Con cọp một là dính bẫy chết, hai là bỏ đi rồi. Tôi về lại bên nhà, còn lo chỉ dạy các đệ tử.
- Thầy cho tụi con nhận làm sư phụ với được hông?-Nhóm tráng đinh nài nỉ.
- Nếu yêu mến võ đường, anh em cứ qua. Chỉ sợ tôi không đủ tài chỉ cho mọi người.
Con trâu đực đầu đàn ngoài bãi chợt kêu lên ọ ọ, những tiếng thở phì phì hưởng ứng. Ông Tám Cọp sốt ruột bước ra, đống lửa chợt bừng lên, lửa củi reo lách tách. Cách bãi trâu nằm chỉ bảy, tám mét, một con mắt cọp bắt lửa đỏ lừ. Con cọp chột liều mạng tiến sát bầy trâu, nằm ngoe nguẩy đuôi, rình rập. Ông Năm Dũng chỉ cho Tám Cọp đi về phía tả, nơi có hai con trâu đực nằm giương sừng cảnh giác, còn ông cầm gậy tiến về phía con trâu đực vừa kêu. Hai bên đều ở thế thăm dò. Năm Dũng đứng sau mông con trâu đực, cây trường côn đã chuyển thế tấn, tay trái cầm ngang thân côn, tay phải giữ đầu côn áp chặt vào sườn. Bên kia, con mắt chột chớp, chớp chậm chạp, đỏ quạch. Gió núi thổi lồng lộng, lạnh buốt. Ánh mắt đỏ bên kia chợt thấp xuống. Năm Dũng biết con cọp đã nằm sát đất, chuẩn bị thế nhảy vồ. Mình phải chủ động ra đòn trước. Ông cầm gậy thọc vô đít con trâu đực, nó chồm đứng dậy. Con cọp cũng dập đuôi nhảy tới, hai bàn tay vuốt sắc nhọn vồ xuống con trâu. Bốn chân cọp chưa kịp hạ xuống, ngọn côn của Năm Dũng cũng lia tới như chớp. Đòn đánh trúng cổ làm con cọp đau điếng gầm lên rồi té ngửa. Nó loạng choạng đứng dậy, lại lấy đà chồm tới. Đòn đánh lần này có chuẩn bị, nội lực dồn hết lên đầu mút cây gậy, quất xuống gáy cọp chỉ nghe bụp một tiếng nhỏ. Con cọp chột mắt quay đầu chạy, được chừng năm chục sải chân thì quỵ xuống, nằm ngáp ngáp. Bị nhóm tráng đinh vây tròn, thân thể muốn nát nhừ vì hàng loạt cây gậy đập xuống.
Đám người hò reo dậy núi. Những bàn tay thô rám, rắn rỏi tranh nhau nắm lấy tay ông Năm Dũng.
- Tạ ơn sư phụ đã trừ được mối hiểm họa cho dân Triều Sơn!
Ông Năm chỉ ngửa cổ cười khùng khục.
- Ơn nghĩa gì! Thân nam nhi, có cơ hội làm lợi cho dân thì cứ làm! Cũng may có anh em hỗ trợ, không thì con cọp chạy mất rồi.
Mấy tráng đinh nhanh nhẹn phanh bụng con cọp, lôi buồng gan ra, cắt từng cục đem nướng. Thịt cọp dai như nùi giẻ, chẳng có mùi vị gì. Chỉ có bộ xương đem nấu cao là quý hơn cả. Ông Năm Dũng ngồi nhậu với họ cho tới sáng.
- Anh em cho tôi xin bộ da cọp được không?
Mọi người đồng ý ngay, duy chỉ có ông Tám Cọp hơi tiếc. Giá như bộ da đó về tay ông, sẽ trở thành một tấm áo khoác cực đẹp. Nhưng mà nhường khách đã, cũng như cách trả ơn ông thầy võ Năm Dũng vậy. Tám Cọp thân chinh cầm con dao bén, thận trọng lột từng chút da cọp. Ông khéo léo lột lớp da đầu, kèm hai bộ răng có mấy chiếc nanh nhọn hoắt. Bộ da trải trên đất, nhìn giống con cọp lớn nằm sấp.
Tiếng gà rừng gáy eo ót, mặt trời tặng núi rừng một ngày mới bằng hàng vạn tia nắng long lanh và tiếng chim hót ríu ran. Không còn tiếng cọp gầm trong thung sâu, xác cọp chút nữa sẽ được khiêng xuống núi, đem nấu cao. Ông Tám Cọp vươn vai ngồi dậy, nhìn xung quanh. Đống củi tàn lửa đã lâu, chỉ còn vài sợi khói uể oải bay lên nóc lều. Ủa! Mọi người đâu hết rồi? Ông Năm Dũng và đám tráng đinh đã thu dọn đi đâu từ lúc mờ sáng. Họ đi đâu vậy hén? Đêm qua Tám Cọp uống nhiều rượu nên đi ngủ sớm, nhưng vẫn nghe loáng thoáng tiếng ông Năm Dũng kể với nhóm tráng đinh về một loài gì đó còn ác hơn con cọp chột mắt.
- Phải đoàn kết cùng đánh đuổi nó ra khỏi quê hương.
Vậy là rõ rồi. Năm Dũng rủ người đi đánh thú lạ. Cả tháng sau đó, không biết bao nhiêu lần gia đình nhóm tráng đinh tới tìm Tám Cọp để đòi con. Nhưng ông không biết trả lời ra làm sao. Từ đêm giết được con cọp chột mắt trên núi xong, cả nhóm bỏ đi đâu không biết tung tích. Bộ xương cọp đã được phơi khô, cho vô bao bố gác trên sàn bếp. Ông Tám Cọp chờ nhóm tráng đinh về, sẽ nổi lửa một tuần nấu nồi cao hổ cốt. Chờ miết không thấy ai về, tội nghiệp bầy chó bỏ ra vườn chuối nằm, không dám lai vãng về gần nhà. Uôi chô! Tụi mày không về trông coi nhà cửa, đêm khuya lỡ có cọp về bắt heo thì sao. Đằng nào cũng nấu cao, thà mình nấu quách cho rồi. Mai mốt anh em họ về, chia cho mỗi người một phần. Ngọn lửa nồi cao đã cháy liên tục đến ngày thứ 4, sôi sùng sục. Ông Tám lấy chiếc rây bột nhẹ nhàng hớt những đám bọt màu xám trên miệng nồi, đổ sang cái tô lớn. Mấy thứ bọt bèo này đừng nên đổ bỏ, để dành lúc nào nấu cháo bỏ vào một vá là bổ thấu xương luôn.
- Ông Tám! Ông Tám ơi!
Thằng con trai nhà Mười Hò tung chân vừa chạy vừa nhảy, cặp chân đen thui. Ông Tám dừng tay, nhìn thằng nhỏ ngạc nhiên:
- Làm gì như ma đuổi vậy?
Thằng nhỏ dừng lại, thở hào hển:
- Con đi chợ huyện với má... thấy ông Năm... ông Năm Dũng với mấy anh làng mình ở hết trển.
- Họ làm gì mà lên huyện?
- Cướp... cướp chính quyền. Họ cùng Việt Minh cướp chính quyền.
Bây giờ thì ông Tám Cọp đã hiểu lời nói của ông Năm Dũng khi rủ nhóm tráng đinh đi đánh một loài ác hơn cọp. Chắc là bọn Phú Lãng Sa.
Truyện ngắn của PHÙNG PHƯƠNG QUÝ