Tôi cuống cuồng “a lô, a lô” mấy câu nữa nhưng chỉ có tiếng tút tút kéo dài. Ngồi thần ra một lúc, tôi chẳng còn nghĩ gì tới công văn, báo cáo nữa. Đầu óc tôi mụ lên. Sao lại thế được cơ chứ? Sao lại thế cơ chứ?

Hơn tôi hai tuổi, Minh là em rể, chồng đứa em gái liền kề của tôi. Tính Minh hiền lành, nhanh nhẹn và tháo vát. Xuất thân từ một gia đình đông con, nghèo khó nên Minh hơn hẳn tôi về công việc đồng áng, nhà cửa. Minh chịu thương, chịu khó. Học vấn tuy thấp nhưng việc nhà, việc họ, quan hệ xóm làng, Minh chu đáo hơn tôi rất nhiều.

leftcenterrightdel
 Minh họa PHÙNG MINH

Dạo tôi đang học trung cấp nông nghiệp thì Thủy, em gái tôi lấy chồng. Nhà tôi khi đó nghèo lắm. Thời bao cấp, công điểm, mười khẩu ăn thì làm sao gia đình tôi no đủ được. Cả nhà trông vào bố mẹ tôi. Ông nội tôi già yếu, tôi đi học xa, sáu em tôi trứng gà trứng vịt bên nhau. Thủy là em gái liền kề tôi, vừa lớn lên giúp được bố mẹ thì em đi lấy chồng. Cũng may nhà chồng Thủy ở gần nên em vẫn có điều kiện đỡ đần bố mẹ một số việc. Là rể trưởng nên việc lớn, việc nhỏ bố mẹ tôi đều gọi Minh. Cày bừa, gặt hái, ra đồng, lên nương... đều có Minh. Khi tôi ra trường, chưa kịp nhận công tác thì cả tôi và Minh đều có giấy gọi nhập ngũ. Chúng tôi vào bộ đội cùng ngày. Dạo đó, chiến tranh biên giới phía Nam khá ác liệt. Biên giới phía Bắc cũng đang nóng lên từng ngày. Tôi về tỉnh đội. Minh vào công an vũ trang và lên luôn biên giới. Chưa đầy năm sau thì Minh bị thương, cụt một bên chân đến tận đầu gối, trở thành thương binh hạng ba trên bốn và ra quân. Về nhà, Minh là trụ cột mọi việc của gia đình tôi. Bố tôi còng lưng, là bệnh binh không làm được việc nặng. Mẹ tôi mắc bệnh gan, liên tục đi viện. Khi mẹ tôi mất, năm đứa em tôi (không kể Thủy) đều đang tuổi đi học. Tôi vẫn đang trong quân ngũ. Khi ra quân về địa phương, tôi lại được xã cử đi học tiếp hai năm ở tỉnh. Học xong về tôi đảm nhận luôn chức chủ nhiệm hợp tác xã. Rồi thường trực đảng ủy, sau đó là chủ tịch UBND xã. Công việc làng xã cuốn hút tôi bù đầu, chẳng còn thời gian nào mà lo cho gia đình được. Tôi vẫn phải nhờ vả vợ chồng Minh.

Không bia rượu, không trà thuốc, không nghiện ngập bất cứ thứ gì, sao Minh lại ung thư được cơ chứ? Hớp một ngụm rượu đã đỏ mặt, chưa từng hút một điếu thuốc lá hay thuốc lào, trà cũng chỉ nhấp giọng, từ bé đến giờ Minh chưa ốm trận nào to. Hầu như Minh không phải dùng thuốc. Cảm cúm, hắt hơi, sổ mũi hình như nó sợ Minh. Cứ chống tó cà nhắc, có hôm Minh cởi trần như đồng hun thả bò trên đồi. Đàn bò nhà Minh đông nhất làng, có thời kỳ lên đến hàng chục con. Hình ảnh anh thương binh chăn bò, làm kinh tế gia đình giàu lên từ con bò đã được báo chí tỉnh viết bài, đưa tin. Lúc thời vụ, Minh còn giúp vợ đi cày nữa. Ruộng sột sệt bùn đất, Minh đi đến đâu, vết tó hằn sâu rõ đến đó. Ai nhìn thấy cũng thương và cảm phục. Rồi Minh còn trần mình ngồi hì hục đóng gạch xỉ, vừa đóng gạch vừa tự xây nhà. Hơn năm trời ròng rã, ngôi nhà 4 gian lợp ngói đỏ khang trang cũng xong. Nghị lực đến thế cơ mà.

Minh ít dự đám xứ của làng, trừ đám ma. Đám cưới, đám hỏi, chúc Tết thì hầu như không. Tôi băn khoăn nói với vợ về sự này. Vợ tôi bảo: “Chú ấy kiêng”. Tôi thắc mắc: “Kiêng gì mà kiêng?”. Vợ tôi nói: “Chú ấy giữ cho nhà người ta. Chân gỗ, chấm phảy đến nhà người ta lỡ xui xẻo”. Tôi vặc lại: “Vớ vẩn!”. Khi bình tâm nghĩ lại, tôi thấy Minh thật chín chắn, sâu sắc. Ngược lại, đám ma, ốm đau, tai nạn Minh không vắng mặt bao giờ, toàn ở cái chân bếp núc hậu cần. Minh sắp xếp, điều hành mọi việc. Lúc bí người, Minh nhảy vào băm thái, sắp cỗ luôn. Chu đáo lắm, cứ cà nhắc chống tó mà mọi việc đâu ra đấy. Tháo chân giả dựng vào góc nhà, để cái tó sang bên, lấy cái ghế con Minh ngồi xuống tay dao tay thớt thái thịt sắp cỗ cả buổi. Khi cần di chuyển thì Minh chống tay thay nạng, kéo cái ghế con rê theo. Miệng nói, tay làm, tán chuyện, vui lắm. Chiếc chân cụt khua khua cái mỏm ngúc ngoắc trông rất buồn cười. Đám xứ thì thế, đến những vụ việc của làng, Minh cũng xăng xái hỏi thăm. Nhiều vụ ẩu đả, chưa thấy ai đến đã thấy Minh khua tó can ngăn ở đó rồi. Người ta bảo “đám ăn tìm đến, đám đòn tìm đi”, đằng này em rể tôi thì ngược lại. Chính vì thế mà mấy lần suýt nữa thì Minh dính vạ lây.

Một dạo, nhiều người “chạy” để thành thương binh, thương binh rồi thì lên hạng. Ngay làng tôi, có người thương tật so với Minh còn kém xa thế mà không hiểu sao đùng một cái hắn đã nhảy lên hạng hai, vượt trên Minh hẳn một hạng. Hắn khỏe như vâm, chân tay đủ cả. Dân làng ai cũng xì xèo về hắn và tiếc cho Minh. Giá Minh cố “chạy” để lên hạng thì so với tay ấy đỡ bất công hơn. Minh nghe thấy hết, chỉ cười. “Ôi dào! Đáng đếch bao nhiêu mà làm cái trò mèo ấy. Với lại, tôi không như họ được. Khối người còn không về được kia kìa. Được thế này là tốt lắm rồi”. Minh cứ xởi lởi, nhường nhịn, cứ vô tư chất phác thế nên anh em họ hàng, dân làng hàng xóm ai cũng quý mến.

Hồi tôi đi học xa, một mình vợ gánh vác công việc gia đình đồng áng. Thời khoán quản vất lắm. Dạo ấy, làng tôi còn trồng mía. Trước thì kéo mật. Khi sáp nhập vào hợp tác xã lớn, lò mật không còn nữa, mía chỉ để bán cây. Phải dậy từ nửa đêm gà gáy mang mía xuống chợ huyện cách đó gần chục cây số mới bán được. Nào có đường liền, phải qua phà rất cách rách. Chặt mía từ chiều hôm trước, gà gáy sáng hôm sau đánh xe trâu chở đi chợ. Minh đã giúp tôi việc này. Lóc cóc cái tó nhảy lên xe mía, đánh xe phà, chở mía xuống chợ xong rồi về Minh mới lại đi thả bò hoặc làm các việc khác. Vợ tôi bảo, có chồng như không, nách nuôi con, chân chạy chợ, tay buông việc nọ mó việc kia, không có chú Minh thì chỉ có khóc. Mà khối bận vợ tôi đã khóc thật. Mía ế bán không được, con ốm nằm viện, bụng đói meo không dám ăn gì, vợ tôi nhìn đống mía ế chảy nước mắt.

Đến cái đận tôi làm nhà, Minh cùng bố vợ tôi thay tôi quán xuyến, sắp đặt công việc cho thợ. Dạo đó, bố đẻ tôi đã mất. Tôi làm chủ tịch UBND xã, suốt ngày họp hành, đi cơ sở chỉ đạo. Mặc dù khoán trắng cho thợ nhưng bao nhiêu việc phải lo. Gạch, sắt, xi măng, giàn giáo, xô thùng, chậu... thôi thì đủ thứ thợ gọi. Khổ nhất là khoản nước để đánh vữa. Chỗ tôi ở không có nước ăn chứ đừng nói đến nước sinh hoạt. Nước ăn phải gánh từng gánh cách đó mấy trăm mét về. Dùng nước phải thật tiết kiệm, có khi một xô nước phải dùng vào mấy việc. Thế nên, nước đánh vữa là khoản lo nhất trong việc xây nhà của tôi. Phải cho thùng phuy lên xe cải tiến, đánh xe lên ao đơn vị bộ đội cách đó nửa cây số mới có nước chở về. Cứ sớm ra là Minh lên chở giúp tôi một chuyến nước. Gần trưa, thả bò về, chú ấy lại lên hô hào vợ tôi đi chở chuyến nước nữa. Chiều cũng thế, mỗi ngày mấy chuyến nước cho thợ xây. Chẳng có Minh thì tôi bó tay. Ngày ấy, chưa có lệ thuê khoán gọn như bây giờ, nhà chủ phải lo khoản đánh vữa và các điều kiện cho thợ làm việc.

Tôi bắt xe đi bệnh viện. Minh ở khoa ung bướu. Mưa thu tầm tã. Bệnh viện quá tải. Kẻ đứng người ngồi chật kín các nơi. Phòng khám xếp hàng dài dằng dặc. Mệt mỏi. Phờ phạc. Những khuôn mặt hốc hác âu lo. Nhìn cảnh này tôi ngán lắm. Thấy tôi, Minh nở nụ cười: “Bác à! Em tỉnh rồi. Vài hôm nữa ra viện thôi”. Minh chủ động nói. Tính Minh gan lắm, tôi biết. Tôi hỏi diễn biến từ hôm Minh bị nạn đến nay. Minh kể vắn tắt, rồi cười: “Em bị u bác ạ!”. “Chắc gì? U lành đấy”, tôi động viên. “U ác bác ạ. Nhưng mà kệ bố nó. Bom mìn, đạn pháo biên giới em còn chẳng sợ nữa là”. Rồi Minh cười hề hề. Lạ thế cơ chứ. Không biết bằng cách nào mà Minh lại biết được tin dữ ấy nhỉ? Biết rồi mà vẫn ung dung như không. “Bác sĩ họ bảo em thế-Minh nói tiếp-em xác định rồi. Còn lâu em mới chết được”. Tôi chẳng còn biết động viên Minh thế nào nữa, bèn nói bao nhiêu trường hợp bị u ác tính nhưng có sao đâu. Gặp thầy, gặp thuốc biết đâu lại qua được chú ạ. Minh bảo: “Em cũng hy vọng thế”.

Dạo Minh bị mìn trên biên giới phải đưa xuống bệnh xá tiền phương để cưa chân, Minh cũng cứng cỏi như thế. Mổ cắt chân mà không cần thuốc tê, mê gì. Các bác sĩ thao tác thì lo lắng, còn Minh thì vẫn nói cười tán lảng đi chuyện khác. “Nhớ chôn cái chân này cho tớ, đánh dấu vào để mai này tớ lên còn bốc mộ nó đấy”, Minh nói với các bác sĩ. Quần áo Minh ướt đẫm mồ hôi. Cưa chân xong, Minh mới ngất đi. Xe cấp cứu chuyển Minh từ Hà Giang về Quân y Viện 9 ở Vĩnh Yên.

Kể từ ngày Minh phát hiện bệnh và đi viện tính đến nay thế là cũng đã mấy tháng. Mấy tháng Minh kiên cường đi đi về về xạ trị. Người Minh phù nề, đầu rụng hết tóc, trọc lốc. Cái chân cụt đơ ra, chẳng ngọ ngoạy được như trước nữa. Cái chân giả và cái tó hầu như bị bỏ quên. Thì nằm suốt thế kia, đâu còn cần đến chúng nữa. Minh lại bắt tay vào cuộc chiến đấu mới. Chiến tranh biên giới, Minh chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Trở về địa phương, Minh chiến đấu chống đói nghèo và trở thành gương điển hình cựu chiến binh trên mặt trận mới. Đến lúc an nhàn thì lại dính bệnh. Cuộc chiến với căn bệnh hiểm nghèo này còn cam go, phức tạp hơn các cuộc chiến trước. Thế nhưng, Minh vẫn lạc quan, yêu đời lắm. Mỗi lần về nhà gặp Minh, tôi cứ định động viên thăm hỏi Minh thì chú ấy lại động viên tôi trước. Vẫn nụ cười trên môi và những câu chuyện xóm làng, Minh đã làm tôi ấm lòng thêm bao nhiêu.

Ngày mai, Minh lại đi truyền hóa chất đợt mới. Tối nay, anh em chúng tôi ngồi với nhau khá lâu. Minh bảo: “Năm tới, giỗ bà hình như lần giỗ thứ ba mươi lăm thì phải bác nhỉ?”. Tôi trầm ngâm, trong đầu nhẩm tính rồi nói: “Đúng đấy. 35 năm mẹ đã đi xa. Nhanh thật”. “Không biết bác định thế nào, theo em giỗ này ta làm thật vui bác ạ. Bác có nhà mới, anh em con cháu tập trung giỗ bà, mừng nhà mới luôn thể”. “Chú nói đúng ý tôi rồi đấy. Tôi định vậy nhưng chưa nói với ai”.

Chả là, tôi vừa làm nối thêm cái nhà cấp 4 sau cái nhà tầng cũ của tôi để làm chỗ ở mai kia về hưu cho yên tĩnh. Nhà làm xong rồi nhưng nhiều em, nhiều cháu tôi chưa biết. Ngày giỗ là ngày đoàn tụ đông đủ cả. Sáng kiến của Minh trùng với ý tôi. Có điều, giỗ này chắc Minh không vào bếp sắp cỗ như các lần giỗ trước được. Mà tôi cũng không cho chú ấy làm việc này nữa. Bao nhiêu người sao để cho lão thương binh cụt chân cứ ngồi băm thái sắp cỗ vậy. Với lại, ốm đau, trọc đầu thế kia ai cho chú ấy làm mà làm.

Đêm trung du đầy sao. Tôi dặn Minh mấy việc rồi ra về để chú ấy đi nghỉ, hôm sau còn đi bệnh viện sớm. Chúng tôi nắm chặt tay nhau. Hơi ấm từ bàn tay Minh lan tỏa sang tôi. Minh chống tó, cà nhắc tiễn tôi ra tận cửa. Linh tính mách bảo tôi điều chẳng lành. Lẽ nào? Cầu cho Minh của tôi qua được đận gian khó này.

Truyện ngắn của ĐỖ XUÂN THU