Pín chạy từ trên đồi xuống, miệng thở hồng hộc, nhìn con dê đau xót. Bên kia, thằng Tệnh vẫn chửi: “Hừ! Đại học đấy! Bằng giỏi đấy! Chăn dê không nổi. Cứ vào nương nhà tao thì tao chém. Hừ!”.

Tay Sềnh siết chặt cán cuốc. Đặc tính của loài dê thường không ăn quá bảy lá một cây thì phá được bao nhiêu. Nó quá thể lắm. Sềnh cầm cái cuốc, tiến về phía nương nhà Tệnh. Vợ Sềnh kéo tay lại: “Dê nhà mình phá nương nhà người ta là sai rồi”.

Pín cố trấn tĩnh: “Thôi anh ạ, tại hôm nay con dê đực đen mới lớn dẫn mấy con cái tách đàn đi ăn riêng. Mai em đưa dê vào Khuổi Đán chăn, hết phá”. Máu Pín sôi lên không kém nhưng Pín tỉnh táo hơn. Nóng giận là bản năng, làm chủ nóng giận là bản lĩnh. Pín sẽ cho thằng Tệnh một bài học nhưng không phải bằng cách đánh nhau chảy máu rồi dẫn nhau lên công an, chính quyền. Pín biết thằng Tệnh hậm hực Pín vì Tệnh đang xin làm Trưởng ban Văn hóa xã nhưng Pín lại nộp hồ sơ trước. Pín tốt nghiệp đại học, bằng giỏi, còn Tệnh tốt nghiệp trung cấp, bằng trung bình. Pín thành kẻ ngáng đường đi của Tệnh. Bất chợt giọng Sềnh quả quyết: “Mai anh bán đàn dê, chạy việc cho chú”. Pín giãy nảy: “Không được anh ơi. Bán dê thì nhà mình cụt vốn...”. Bố mẹ mất sớm, anh trai, chị dâu vất vả nuôi Pín ăn học đến cạn kiệt, giờ tất cả trông vào đàn dê, bán đi là hết. “Phải bán thôi, chứ chỉ nộp hồ sơ để đấy, không ai nhận đâu em ạ, cho dù bằng cấp có cao, năng lực có hơn người. Thằng Tệnh có chú làm cao, rồi nó sẽ tranh mất suất của em thôi”. “Không! Chạy chọt là việc làm xấu xa và nhục nhã, dù có chạy được việc em cũng không đi làm đâu nhé. Em phải xin việc đàng hoàng”-Pín kiên quyết.

Chưa sáng rõ, Pín đã trở dậy, chuẩn bị nồi, gạo và mấy thứ lặt vặt rồi ra chuồng lùa dê lên Khuổi Đán chăn. Khuổi Đán là một thảo nguyên tít trên đỉnh núi Pù Luông mù sương, Pín sẽ dựng lán và ở lại trên đó. Ở đó, dê có nhiều thức ăn, sẽ nhanh lớn, nhanh sinh sôi. Anh Sềnh, chị dâu cũng trở dậy, ngồi trên cửa sổ nhìn theo bóng Pín cùng tiếng chuông lanh canh của đàn dê nhỏ khuất dần trong sương mù. Thương em nhưng Sềnh chẳng làm gì được. Sềnh biết tính em, xưa nó đi học, lớp học miền núi, vùng xa, học sinh bỏ học một nửa, có đứa hôm đi học, hôm nghỉ giúp bố mẹ làm nương, riêng Pín đi học đều, học chắc tất cả các môn không cần ai nhắc nhở. Pín học, Pín lấy kết quả bằng chính năng lực của mình. Giờ cũng vậy, Pín muốn xin việc đàng hoàng chứ không xin bằng chạy chọt hoặc nhờ ô dù. Tính Pín là thế, khó mà thay đổi. Nhiều lúc Sềnh yêu tính cách ấy của Pín, như thế mới đúng khí chất của dân tộc mình. Thế nhưng, Pín học xong đã 4 năm, nộp hồ sơ xin việc bao nhiêu nơi rồi, chưa có nơi nào nhận, cũng chưa nơi nào hồi âm làm Sềnh thấy sốt ruột và lo cho em lắm, nhất là khi người ta đang tinh giản biên chế.

Pín lùa dê lên Khuổi Đán, đầu Pín cũng mờ mịt như mây trên đỉnh Pù Luông. Pín nhớ ngày bố còn sống, bố luôn bảo với anh em Pín rằng ước mơ của bố là Sềnh nối nghiệp làm thầy tạo, ở nhà, còn Pín thì đi học để thoát ly cái nghèo. Giờ anh Sềnh đã nối nghiệp thầy tạo được rồi. Các đám ma, đám giải hạn, cầu yên, buộc vía trong vùng, người ta đều tìm đến anh Sềnh. Pín vẫn nhớ, ngày Pín học đại học, anh Sềnh mới làm thầy tạo, anh đi cúng các đám ma, cúng ba ngày ba đêm mới được một con gà, gói xôi, chai rượu và sáu trăm nghìn tiền mặt, anh gửi hết tiền ra cho Pín. Thế mà học xong, Pín vẫn là người ăn bám anh chị thì xấu hổ lắm, nhưng dù thế nào Pín cũng phải đi làm một cách đàng hoàng.

Đàn dê lên Khuổi Đán lớn nhanh thư thổi, con nào con nấy lông mượt, béo khỏe. Mới đó, hơn sáu tháng, đàn dê đã sinh thêm được hai chục con. Chỉ Pín là râu dài ra, mặt quắt đi. Làm bạn với núi cao, mây mù, Pín chẳng khác gì người bệnh hủi bị xã hội cách ly. Dạo này Pín xuống núi nhiều hơn, phần vì thèm nói chuyện, thèm nhìn thấy người, phần vì xem người ta đã gọi Pín đi làm chưa. Ở trên Khuổi Đán lõm sóng, cái điện thoại như cục sắt bỏ không. Về nhà, thấy Pín cả tiếng đồng hồ dán mắt vào ti vi như chưa được xem ti vi bao giờ, chị dâu quay đi trộm lau nước mắt. Pín là đứa có chí, có tài, lại như thế này sao. Anh Sềnh ngồi một mình, rót rượu ra uống. Sềnh rót cho Pín một bát, bảo: “Uống đi, rồi ở nhà, anh đi chăn dê thay vài hôm”. “Anh còn bao nhiêu việc”. Sềnh lại rót một bát rượu nữa: “Chú ở trên núi lâu, sắp mọc đuôi thành khỉ rồi đấy, anh thay vài hôm thôi”. Giọng Sềnh khang khác và chắc chắn. Vài bát rượu, cộng với cái mệt, Pín nằm vật xuống, thấy mái nhà quay quay, Pín đánh một giấc đến sáng. Tỉnh dậy, chị dâu đã lên nương. Anh Sềnh chắc lên Khuổi Đán từ chiều tối qua. Pín tranh thủ mở máy điện thoại gọi cho mấy người bạn thân cùng học đại học. Thằng Thành, nhà ngoài thành phố, nhờ bác xin cho làm chân thư ký, trái nghề; thằng Hải, dưới xuôi, có bố làm phó sở đã yên vị tại sở đó; thằng Hưng, huyện bên, xin việc tám nơi chưa nơi nào nhận; thằng Thênh, cùng huyện, dùng sổ đỏ và suất vay vốn xóa đói dành cho hộ nghèo vay ngân hàng được ba trăm triệu, chạy suất làm Trưởng ban Văn hóa xã, đã đi làm. Pín không gọi nữa, vứt máy, chán nản. Thằng Thênh lại thế ư? Ba trăm triệu xin việc, đi làm lương tháng ba, bốn triệu, trừ đi một nửa trả lãi ngân hàng, trừ tiếp tiền xăng xe đi lại thì thằng Thênh phải làm không công mất bao nhiêu năm. Hừ! Dù Pín có là thằng chăn dê cả đời cũng không bao giờ thèm làm cái việc hèn hạ và nhục nhã như thế.

Pín lại đeo túi, nhằm hướng mây mù. Lên đến Khuổi Đán, không thấy tiếng dê kêu. Vào lán không thấy anh Sềnh. Pín chạy hết thảo nguyên cũng không thấy tiếng chuông dê. Lạ nhỉ, thường ngày dê vẫn ăn ở đây, mà anh Sềnh đi đâu? Pín chạy xuống núi, lên nhà, thấy chị dâu ngồi thừ trong bóng tối. Chị dâu bảo: “Đừng tìm dê nữa. Anh Sềnh bán rồi”. “Sao lại bán? Sao không bảo em? Bán làm gì? Anh Sềnh đâu?”. “Anh Sềnh lấy tiền bán dê đi chạy việc cho chú đấy!”. Pín ngồi phịch xuống: “Sao không hỏi em? Em không đồng ý đâu nhé! Anh Sềnh đâu để em gọi anh Sềnh lấy tiền về”. “Em nghe anh chị, em thương anh chị, sau này đi làm, có lương, rồi lấy lại đàn dê mà... Chú xem, miếng vải màu chàm có một chấm trắng, thì người ta sẽ cho nhuộm chàm hết thôi!...”. “Không! Làm cán bộ mà chạy việc, chạy chức như thế, dân người ta khinh cho, nói ai nghe...”. Pín giận lắm, đi ra đi vào không biết làm gì. Có chum rượu kia, Pín rót ra ực một hơi. Pín cứ ngồi thế, lâu lâu lại rót một bát rượu. Sềnh về thì Pín đã say, nằm dài cạnh chum rượu. Thế mà khi tiếng bước chân anh Sềnh vào nhà, Pín bật dậy: “Anh chạy việc với ai? Anh đi lấy lại tiền đi!”. “Anh nhờ, chắc chắn được em ạ, họ hứa rồi. Thằng Tệnh đã có quyết định làm Trưởng ban Văn hóa xã. Họ bảo nếu mình có thiện chí, họ sẽ tìm cách bố trí cho thằng Tệnh lên Chủ tịch xã để nhường lại suất Trưởng ban Văn hóa cho mình”. “Nhường ư? Làm quân cho thằng Tệnh, thằng học dốt nhất xã ư? Anh chạy hết bao nhiêu tiền?”. “Một trăm triệu em ạ”. “Anh lấy đâu ra những một trăm triệu?”. “Anh bán đàn dê được năm mươi triệu, bán bộ đồ thầy cúng được năm mươi triệu”. “Phạ ơi!”. Bán dê đã quá lắm rồi, lại còn bán bộ đồ thầy cúng nữa. Bán bộ đồ thầy cúng nghĩa là từ giờ anh Sềnh không đi cúng được nữa. Bán bộ đồ thầy cúng nghĩa là bán cả nghề truyền thống của ông cha. “Thế thì thà anh để em chết đi còn hơn... Làm thế có tội lắm, nhục lắm, đau lắm... Phải chuộc lại bộ đồ nghề, phải lấy lại tiền, anh chạy với ai, lấy số điện thoại để em gọi xem”. Sềnh miễn cưỡng lấy số điện thoại cho Pín. Pín gọi. Thuê bao không liên lạc được. Pín hỏi: “Anh đưa tiền có giấy tờ, giao kèo, ký nhận gì không?”. “Không”. “Thế thì làm sao lấy lại được?”. Sềnh không nói gì. Pín không nói gì. Có cái gì đó chẹn ở nơi cổ họng. Sềnh rót một bát rượu, Pín rót một bát rượu. Sương đêm u u, lành lạnh ùa vào từng đợt.

leftcenterrightdel
 Minh họa: THÁI AN

Pín tỉnh dậy, trời vẫn chưa sáng. Phía núi Chùm Chăn vọng lại tiếng mìn nổ ì ùng. Trên ấy là nơi khai thác đá cảnh. Người ta tranh thủ nổ mìn để sáng ra thuê người đến bốc vác đá từ đỉnh núi xuống đến nơi xe có thể vào được. Cứ ba mươi nghìn đồng một chuyến. Pín vội trở dậy, không cần chuẩn bị gì, cứ lần theo tiếng mìn nổ, Pín đi. Đàn dê đã bán rồi, anh cũng đã mất nghề, giận anh cũng làm gì được nữa. Khỏe như Pín đi bốc vác đá tiền công chắc sẽ cao. Đầu tiên là chuộc lại bộ đồ cúng cho anh đã, sau đó là gây lại đàn dê...

Sớm mù sương, con đường trơn lắm, cứ leo, hết sương mù đường sẽ khô, mây sẽ tan và phía trên mây sẽ có nắng thôi.

Truyện ngắn của NÔNG QUANG KHIÊM