Theo thống kê của ngành văn hóa, tính đến năm 2021, cả nước có 7.194 xã, phường, thị trấn có TTVHTT đạt tỷ lệ khoảng 73,2%; 75.327 làng, thôn, ấp, bản, tổ dân phố có NVH, đạt tỷ lệ 74,4%. Ở các thành phố lớn, ví như TP Hồ Chí Minh và Hà Nội, do quỹ đất khan hiếm và đắt đỏ nên nhiều phường không xây dựng được TTVHTT mà chỉ có NVH nhỏ hẹp.

Trước hết phải khẳng định, hệ thống NVH và TTVHTT cùng với các thiết chế văn hóa khác được đầu tư ở cơ sở đã tạo nên một mạng lưới các công trình văn hóa đồng bộ, phục vụ thiết thực cho mục tiêu xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, nâng cao sức khỏe, cải thiện đời sống văn hóa, tinh thần cho nhân dân.

Đây cũng là nơi gắn kết cộng đồng, tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị của Đảng, Nhà nước để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và giữ vững quốc phòng, an ninh. Đặc biệt, đội ngũ cán bộ, cộng tác viên được bồi dưỡng, đào tạo từ hệ thống thiết chế văn hóa đã trở thành hạt nhân của phong trào văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao quần chúng, góp phần xây dựng đời sống văn hóa, thể dục - thể thao cơ sở, nâng cao dân trí, giáo dục truyền thống yêu nước cho nhân dân, lan tỏa những giá trị tốt đẹp trong cộng đồng...

leftcenterrightdel

Minh họa: PHÙNG MINH 

Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân khác nhau, ở một số địa phương đã xuất hiện tình trạng NVH và TTVHTT không phát huy được công năng, nhiều công trình xuống cấp cho dù được đưa vào sử dụng chưa lâu. Buổi tối các ngày trong tuần, những thiết chế văn hóa này ở một số nơi không thấy sáng đèn mà rơi vào trạng thái "ngủ lâm thời".

Mới đây, tôi gặp và trò chuyện với một nữ nghiên cứu sinh làm đề tài về phát huy thiết chế văn hóa ở cơ sở trong xây dựng nông thôn mới. Chị cho biết, qua khảo sát nhận thấy, NVH và TTVHTT ở một số địa phương chưa hoạt động hết công năng mà dường như chỉ để cho đẹp, cho sang. Có nơi xây dựng TTVHTT rất khang trang và đã ký hợp đồng cho đơn vị huấn luyện thể thao sử dụng nhưng cuối cùng phải dừng lại, bởi nếu cho đối tác thực hiện sẽ vi phạm quy định và thông tư hướng dẫn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Chị buồn lòng chia sẻ, có nơi, NVH và TTVHTT hoạt động nhiều vào mùa thu, đầu mùa đông bởi các gia đình thuê địa điểm làm cỗ đám cưới. Trong câu chuyện với tôi, chị đau đáu hình ảnh những chiếc bóng đèn rơi rụng và những mảng sơn tường bong tróc tại một số NVH và TTVHTT.

Những trăn trở của nữ nghiên cứu sinh khiến tôi nhớ đến TTVHTT của phường nơi gia đình tôi sinh sống. Dù được thiết kế hiện đại, khang trang với nhiều phòng chức năng và đã đưa vào sử dụng vài năm gần đây, nhưng hiện nay, trung tâm này rất vắng bóng các hoạt động văn hóa, thể thao. Gần đây, tôi trò chuyện với chị hàng xóm cạnh nhà, là trưởng nhóm một câu lạc bộ dân vũ tự phát về vấn đề địa điểm hoạt động. Tôi hỏi chị, tập ở đường rất bụi, sao các chị không đến TTVHTT của phường với sân rộng, điện sáng, không khí trong lành để tập? Chị cười và bảo, muốn tập ở đó phải xin phép rất phức tạp!

Khi tham khảo thông tin báo chí tại các tỉnh: Quảng Ninh, Bắc Ninh, Hưng Yên, Bắc Giang, Kiên Giang, TP Cần Thơ và nhiều tỉnh, thành phố khác trong thời gian gần đây, tôi nhận thấy, có tình trạng NVH và TTVHTT hoạt động lèo tèo, cầm chừng. Nhiều NVH cửa đóng then cài, ít được sử dụng. Thời gian sử dụng thiết chế văn hóa này ở các địa phương sôi động nhất thường là vào dịp hè, đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí cho trẻ em trên địa bàn, hoặc khi có những dịp kỷ niệm lớn, nhưng cũng không nhiều. Điều này dẫn đến nghịch lý: Nhân dân thiếu nơi tổ chức hoạt động văn hóa, thể thao trong khi các thiết chế lại không hoạt động hết công năng, công suất.

NVH và TTVHTT là một thiết chế văn hóa bắt buộc ở cơ sở được Nhà nước, ngành văn hóa đầu tư lớn kinh phí xây dựng. Các thiết chế văn hóa này luôn được xây dựng ở trung tâm của thôn, bản, xã, phường, thị trấn với kỳ vọng là thu hút đông đảo người dân mọi lứa tuổi đến sinh hoạt. Rõ ràng, muốn khai thác hiệu quả công năng của nó để nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho nhân dân thì phải có sự lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện chặt chẽ của cấp ủy, chính quyền địa phương, với định hướng và kế hoạch tổ chức lâu dài, bài bản, công khai, minh bạch.

Qua gặp gỡ, trao đổi với nhiều chuyên gia, tôi thấy rằng, hiện nay, việc tổ chức hoạt động của NVH và TTVHTT chịu sự chi phối bởi Thông tư số 14/2016/TT-BVHTTDL của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng một số văn bản khác. Một trong những vấn đề nổi lên của văn bản này là không cho phép UBND các cấp cho tư nhân, doanh nghiệp thuê mặt bằng của thiết chế văn hóa này để liên kết tổ chức cung cấp các dịch vụ văn hóa, thể thao.

Văn bản này cũng quy định chi tiết, việc tổ chức khai thác thiết chế văn hóa này phải trên cơ sở kế hoạch do ban giám đốc trung tâm xây dựng và được UBND xã, phường, thị trấn phê duyệt theo định kỳ. Thế nên, ngoài phục vụ nhiệm vụ chính trị theo kế hoạch thì thiết chế văn hóa này ít được sử dụng để phát huy công năng.

Để giải quyết vấn đề đó, theo tôi, một mặt cần tuyên truyền sâu rộng để nhân dân hiểu được vị trí, vai trò của thiết chế văn hóa này, qua đó huy động nhân lực, tài chính cho việc tổ chức và tham gia đông đảo, thường xuyên hơn của người dân vào các hoạt động văn hóa, thể thao. Bên cạnh đó, UBND xã, phường, thị trấn cần tạo điều kiện, khuyến khích các tầng lớp nhân dân tổ chức, nhân rộng các mô hình câu lạc bộ và hoạt động tại NVH và TTVHTT. Ở những thành phố, đô thị lớn, nên khuyến khích việc liên doanh, liên kết với các tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ văn hóa, thể thao nhằm phát huy tốt hơn công năng của các thiết chế văn hóa này.

Hiện nay, do sự bùng nổ của truyền thông, mạng xã hội, nhu cầu giải trí của người dân sau giờ làm việc có nguy cơ bị bó hẹp trong phạm vi gia đình. Điều này sẽ rất nguy hại, đặc biệt là với trẻ em. Thế nên, việc cung cấp các dịch vụ văn hóa, thể thao thông qua các thiết chế văn hóa ở cơ sở là điều kiện quan trọng để con người giao lưu và hình thành lối sống tích cực.

Để nhiệm vụ này đạt hiệu quả thiết thực, theo tôi, chính quyền và ngành văn hóa các địa phương cần dám nghĩ, dám làm trong xây dựng, triển khai nhiều cơ chế, chính sách, giải pháp đồng bộ, phù hợp để huy động nguồn lực và thu hút đông đảo người dân tham gia sinh hoạt, sáng tạo và thụ hưởng các giá trị văn hóa, hoạt động thể dục, thể thao.

Tôi hy vọng, với cách làm sáng tạo và tận tâm của chính quyền các địa phương, những nghịch lý, bất cập trong tổ chức, sử dụng, phát huy công năng của NVH và TTVHTT sẽ được khắc phục để các thiết chế văn hóa này luôn sáng đèn.

Đại tá, TS NGUYỄN ĐỨC ĐỘ