Làm sao biết được? Vì nỗi nhớ có khi như chiếc đinh cắm sâu vào tiềm thức, như bàn tay vô hình bóp nghẹt trái tim, đôi lúc mong manh như sợi tơ, mơ hồ như sương khói, tựa cơn gió vô loài chập chờn trong tâm trí. Nhưng dẫu có muôn hình vạn trạng thế nào thì khi ngược về chân trời kỷ niệm, hẳn mỗi người đều có hình bóng con dốc nơi thành phố quê hương.
Làm sao không nhớ khi ở đây, con dốc và đời người đã hòa làm một, luôn đồng hành, tình tự cùng nhau, vun đắp cho những địa tầng ký ức đô thị thêm dày nặng. Dù tự phát hay theo quy hoạch, lớn hay nhỏ, ngắn hay dài, thoai thoải hay dựng đứng, lãng mạn hay hiểm nguy, cũ kỹ hay mới mẻ thì những con dốc Đà Lạt đều gắn bó với đời người, mang sứ mệnh mạch máu giao thông, cất giữ kỷ niệm, một góc “tâm hồn” phố núi theo tháng ngày sẽ chất lên bao hoang phế, buồn vui.
Bây giờ, người hãy cùng tôi về thăm vài con dốc Đà Lạt. Đầu tiên là dốc Đa Quý từ Quốc lộ 20 dẫn vào thôn Đa Quý thuộc phường 11. Chỉ là con dốc nhỏ nhưng sẽ làm người đánh rơi nỗi nhớ. Vào mùa xuân, từ trên cao nhìn xuống, rặng mai anh đào hai bên đường nhuộm hồng rực rỡ. Xa xa, nhà cửa, vườn tược ẩn hiện thấp thoáng trên biển sương. Từ phía ấy, từng tốp trẻ em đạp xe đến trường, những bác nông dân chở rau, hoa ngược dốc ra chợ. Đó là khoảnh khắc mộng mơ điển hình của ngoại ô Đà Lạt mà ai cũng muốn một lần được chiêm ngắm và hòa vào không gian ấy.
Chia tay dốc Đa Quý, mời người về với con dốc trăm năm giữa lòng Đà Lạt. Đó là dốc Nhà Làng như mạng nhện giăng giữa trời, nối các tuyến đường Trương Công Định với Ba Tháng Hai và Phan Đình Phùng. Sở dĩ có tên Nhà Làng vì dốc ra đời khi dân cư ở đây vẫn sống thành làng, chưa lên phố. Ngày trước, con dốc chỉ là lối đi tắt, xuyên qua những vạt dã quỳ và cà phê mọc um tùm. Theo thời gian, dân cư ngày càng đông đúc, nhu cầu chỗ ở tăng lên, dã quỳ, cà phê biến mất, thay vào đó là nhà cửa san sát, xếp chồng lên nhau tựa bậc thang, lối đi tắt trở thành “mặt tiền” của hàng trăm ngôi nhà.
Dẫu đã trăm năm nhưng chiều rộng của dốc vẫn như thuở nào. Vẫn chỉ là lối đi hẹp, một nửa lát đá dành cho người đi bộ, một nửa tráng xi măng cho người đi xe máy. Những viên đá lâu ngày nằm dưới chân người đã lõm xuống, mòn vẹt, tuồng như cũng già nua, mỏi mệt, đổ mồ hôi những lúc trở trời. Đi qua dốc, khách có cảm giác như lạc vào mê cung bởi nhiều ngã rẽ, khi lao xuống sâu, lúc ngược lên cao, có đoạn lại xuyên qua tầng hầm của vài ngôi nhà tối om. Đừng lo! Hãy cứ bước đi, thế nào người cũng thoát khỏi cái mê cung ấy và gặp một con đường lớn. Hai bên dốc còn đó vài nếp nhà nhuốm màu thời gian, những bức tranh tường kể cho khách nghe vài câu chuyện Đà Lạt.
Còn đó những người “muôn năm cũ” như chủ nhân cửa hàng may số 10 đã gần nửa thế kỷ gắn bó với đường kim mũi chỉ, dù bây giờ khách đặt may quần áo chẳng có mấy người, vì áo quần công nghiệp giá rẻ bán đầy trên phố, nhưng người thợ may ấy vẫn đeo đẳng như muốn níu kéo cái nghề đã một thuở vàng son. Là gã nhạc sĩ nghèo sống một mình trên căn gác cũ lấy tiếng đàn làm phương tiện cứu rỗi cuộc đời. Là chàng kiến trúc sư trẻ người Ý vì quá yêu đã quyết định neo đời bên dốc, lấy vợ Việt Nam rồi mở quán bán pizza, mì Ý. Nếu mỏi chân hãy ghé vào vài quán cóc bên đường thưởng thức đặc sản Đà Lạt. Nào cà phê, chè, bánh căn, bánh tráng nướng, ngô nướng, sữa đậu nành… rất ngon lành mà giá lại bình dân.
Còn nhiều con dốc gây thương nhớ như: Dốc Nhà Bò tựa chiếc cầu thang lộ thiên sừng sững, đã trở thành một phần bối cảnh bộ phim “Tháng năm rực rỡ”; dốc số 7 cạnh đường Trần Hưng Đạo với hậu cảnh là núi Lang Biang hùng vĩ; dốc Sông Lô cao ngợp thở nối đường Nguyễn Văn Trỗi với đường Phan Đình Phùng; dốc Trương Công Định nay đã thành “phố Tây”; dốc Đá in dấu tuổi trẻ và tình yêu của bao thế hệ sinh viên Đại học Đà Lạt; dốc Hải Thượng có nhà thương từ thời Pháp nay là Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lâm Đồng, ghi dấu khoảnh khắc sinh tử của bao kiếp người Đà Lạt…
Không xây dựng trên địa hình bằng phẳng hoặc bình nguyên mênh mông, Đà Lạt mọc trên cao nguyên núi đồi xếp lớp, thăm thẳm suối khe, bạt ngàn thung lũng. Những con dốc là giải pháp kết nối không gian, rút ngắn khoảng cách nhưng vẫn tôn trọng sự nguyên vẹn của địa hình, biểu hiện lối sống thuận theo tự nhiên, hòa vào thiên nhiên của người Đà Lạt, góp phần tạo nên cảnh quan độc đáo, nhắc nhớ về núi đồi, rừng xưa, “hiện vật” của lịch sử. Là cái mệt nhọc, khổ ải, phiêu lưu, thách đố nhưng cũng là thú vui riêng của Đà Lạt. Là tình yêu và nỗi nhớ: “Phố sương mù, phố chưa lên đèn. Núi quanh đồi nhớ mùa trăng cũ. Từng dốc phố, quấn quanh núi đồi. Vẫn đi tìm ánh trăng lẻ loi… Mai tôi đã rời xa núi đồi. Sẽ mang theo hương đêm ngày cũ. Lời tôi hát đồi núi trập trùng. Có đôi khi nhớ thiên đường xưa”.
Làm sao không nhớ khi ta sinh ra, lớn lên, yêu đương và vĩnh biệt cuộc đời bên những con dốc? Làm sao không thương khi trở về, ghé thăm dốc phố Đà Lạt, ta với người dường như thấy bình thản hơn trước những chênh vênh của cuộc đời?
Bài và ảnh: VŨ ĐÌNH ĐÔNG