- Ông ơi... - Thằng cháu ngoại lao vụt ra, giơ cao chiếc máy tính bảng - Có người nhắn tin tìm ông này.

Lập cập mở bao kính: “Thủ trưởng Kiệm ơi. Anh em tiểu đoàn đã tập hợp, lấy ngày tiểu đoàn mình phòng ngự thành công làm ngày giỗ trận. Bố về với chúng con đi, về với thằng còn sống và cả những thằng đã chết"...

Run run, ông sờ vào mặt từng đứa trên màn hình, trong bức ảnh đen trắng tuy đã mờ nhưng còn nhìn khá rõ. Đây là thằng Bình “trắng”, sinh viên khoa guitar của trường âm nhạc Việt Nam, từng năn nỉ: “Thủ trưởng giao cho em việc gì cũng được, kể cả gắp... nhưng đừng bắt em cuốc đất. Bàn tay này là tài sản duy nhất mà em có”. Ấy vậy mà khi lên chốt Vị Xuyên đã không ngần ngại bê đá, vác bê tông làm hầm, đào công sự. Kết thúc chiến tranh trở lại trường, trở thành giảng viên và là "cây guitar" có tiếng trong giới nghệ sĩ đàn dây. Ông đã nghe cậu ấy trả lời phỏng vấn trên truyền hình: “Những năm tháng lăn lộn ở chiến trường đã cho tôi ngón tay cứng rắn và mềm mại để tấu lên những khúc nhạc này”. Đây là thằng Long “bùn” nhỏ choắt, đen đúa, nhanh như cắt, nổi tiếng nghịch ngợm đã “phát minh” ra trò thả kẹo, thuốc lào xuống chốt giặc. Vì chuyện đó bị “cạo” lên bờ xuống ruộng nhưng sau đó lại được biểu dương vì “sáng kiến” địch vận. Còn cái thằng cao lêu đêu như sếu vườn này là Thạo “sẹo”. Cái sẹo chéo từ mép lên má lúc nào trông cũng như cười: “Ngày còn bé tao bị rạch cho chừa thói ăn vụng”. Chả ai tin vì còn lạ gì cái thói bông phèng, chuyện gì qua miệng nó cũng trở thành tiếu lâm. Và đây, đây nữa... Hồi đó... “Mấy thằng trời đánh, còn nhớ đến lão già này à?”.

Từ hôm đó, ông như người lẩn thẩn, quên cả ăn sáng. Bà vội gọi điện cho các con: "Chúng mày về ngay, bố mày bị sao ấy. Đang đêm lẩm nhẩm gọi tên từng người: “Các em ở đâu? Đã “về nhà” chưa hay vẫn nằm cheo leo trên đỉnh đồi, vách đá? Thương chúng mày quá!"...

Chưa đầy ngày, các con có mặt đầy đủ. Thường chúng chỉ về vào dịp trọng đại.

- Về tổng thể, ông cụ không có gì bất thường, duy tâm lý có hơi bị xáo trộn do bị một tác động nào đó. Gia đình nên theo dõi tìm hiểu xem gần đây có gì khiến cụ bị phân tâm không? - Anh bác sĩ, nói.

Trong lúc mọi người còn đang phân vân, thì thằng cu cháu lần nữa lại hét váng lên khi đọc dòng tin nhắn hiện trên chiếc máy tính.

- Chắc đây là nguyên nhân. Bố nhớ các anh ấy lắm phải không? Con đưa bố đi gặp mọi người nhé! - Anh con trai ướm hỏi.

- Mày đưa bố đi thật hả? Ông hăm hở gọi: "Bà nó ơi, lấy cho tôi bộ quân phục".

- Vâng con sẽ đưa bố đi nhưng để thời gian nữa khí hậu mát mẻ rồi đi, bố nhé.

Ông ngồi phịch xuống giường, đưa đôi mắt lờ đờ, phật phờ như chiếc bóng. Các con bàn cách đưa bố ra ngoài ấy một lần. Lời nói của mẹ được xem là quyết định cuối cùng.

*

*     *

Chiếc xe 7 chỗ lướt nhanh trên đường cao tốc Hà Nội-Lào Cai. Nhìn qua ô cửa, ông nói:

- Hình như đây không phải đường cũ lên Hà Tuyên?

- Vâng, đây là đường mới làm, Quốc lộ 2 ở phía trong kia cơ - anh lái xe đáp.

- Này, nếu được, cậu chạy đường cũ đi.

- Đường cũ xấu lắm, ít người đi đường ấy nữa.

- Cũ cũng được, xấu cũng được, ít người đi cũng được, cứ cho tớ đi lại đường ấy.

Ngày ấy, được lệnh hành quân khẩn cấp, những người lính trên những chiếc xe ZiL-157, xe Gaz-63 không mui nhảy chồm chồm qua ổ voi, ổ gà, nắng như lửa táp, bụi như rắc phấn. Nắng, nóng đến mức màng bơm xăng chùng xuống không thể đẩy xăng lên chế hòa khí. Lái xe phải dùng khăn thấm nước đắp lên để làm mát nhưng chỉ mươi cây số đã khô cong. Cá biệt một số xe phải dùng can đựng xăng treo lên để cấp xăng trực tiếp. Cách làm nguy hiểm nhưng trong điều kiện khẩn trương, có lẽ đó là phương án tối ưu. Xe dừng nghỉ ở đâu, bà con nơi đó mang đến tất cả những gì họ có, thậm chí khi xe qua chợ ven đường, mọi người chạy theo ném lên rau, quả, thực phẩm. Ông cho dừng xe, đề nghị đồng bào không làm “hư” lính và nhận được câu trả lời mà đến tận bây giờ ông không thể nào quên. “Các anh ra đi gìn giữ biên cương, máu xương chẳng tiếc, chả lẽ chúng tôi lại tiếc những thứ này. Đất nước còn là sẽ còn tất cả”.

- Tới thành phố Tuyên Quang, ta nghỉ ăn trưa rồi đi tiếp - Anh lái xe thông báo.

Cuối cùng, xe cũng đến điểm dừng đỗ ở lưng chừng Điểm cao 468. Bỏ lại cây gậy inox 4 chân, vật bất ly thân gần chục năm nay, ông phăm phăm bước lên đài hương do các cựu chiến binh của Sư đoàn 356 xây dựng. Ông đứng lặng, nhìn ra xa. Nơi này, tiểu đoàn ông đảm nhiệm khi địch tấn công toàn tuyến. Hàng ngàn quả đạn pháo trút xuống. Đất đá lộn nhào trắng như vôi. Ta và địch giành nhau từng mỏm đồi, vách đá. Ông ngồi lặng: “Trận chạm trán đầu tiên với bộ binh địch hóa ra cũng không kinh khủng lắm. Pháo nhiều nhưng độ chính xác thua xa thời đánh Mỹ, lại không có máy bay nên cũng nhẹ nhàng. Rồi, các loại súng bộ binh đan xen nhau không thể phân biệt đâu là của ta đâu là của địch. Một ngày ròng rã, mệt mỏi, thương vong. Người oãi ra. “Phải xin pháo binh”. Ông quay sang Trợ lý tham mưu: “Gọi chủ nhiệm pháo binh sư đoàn”. “Đề nghị cho pháo chi viện”. “Báo tọa độ”. “Tọa cái...”.  Ông văng tục. “À, cho trinh sát pháo, thấy chỗ nào có điểm nổ của B41 thì “phang” vào đó”...  Chốt vẫn vững nhưng vài chục người đã “nằm” xuống. Nhiều tờ quyết định hoàn thành nghĩa vụ quân sự loang máu đỏ. Trong ba lô, những bao thuốc, những quà tặng đám cưới của anh em đồng đội... “Thái ơi, Thuyên ơi, Lũy ơi... Các con ơi, chúng mày ở đâu? Hộp cao sao vàng mày đưa cho bố vẫn còn đây...”. Tiếng gọi không thoát ra được, bật ra tiếng ho khe khẽ. Mắt ông nhòe đi. Nước mắt của người già dinh dính như keo.

leftcenterrightdel
Minh họa: PHẠM HÀ 

Giữa khói hương mờ ảo, thức ăn, hoa quả, rượu, chè... được sắp đặt trang trọng dưới ban thờ, bóng những bộ quân phục, cái lành cái rách, chao qua chao lại. Tiếng lao xao: “Tao lấy một ít, mang về cho Tiểu đoàn trưởng, có tuổi rồi, không nhai nổi lương khô”. “Cái thằng này vẫn không bỏ được cái thói ky cóp. Bây giờ nào có thiếu gì. Đâu còn cái cảnh ngày mấy nắm cơm thấm máu, bám bụi, đượm mồ hôi của anh em vận tải”.   

- Bố Kiệm - Ai đó reo lên - Đây là bố Kiệm, Tiểu đoàn trưởng, người đã chỉ huy ngăn không cho địch chiếm trận địa của ta.

Mọi người đứng nghiêm giơ tay chào. Ông giơ tay chào đáp lễ, cánh tay run run, bàn tay khum khum, ngón tay cong cong, cái lưng còng còng. Ông vẫn chưa thoát ra khỏi trạng thái mơ mơ, tỉnh tỉnh.

- Bố không nhận ra con à? - Thằng Phú “ngáo” đây mà.

Biệt danh “ngáo” thì ông làm sao quên được.

Ngày ấy.

Sau trận pháo “chào mừng”, các hầm giữa khe hai phiến đá được công binh gác những thanh bê tông rồi xếp đá lên (chủ yếu lợi dụng các hang hốc cheo leo trên các sườn núi, cải tạo lại) bị hư hại. Ông đã ra lệnh không được làm thay đổi địa hình, vì ta và địch cách nhau vài trăm có khi vài chục mét, mắt thường cũng nhìn rõ. Có gì bất thường là chúng giội hỏa lực không tiếc tay. Vậy mà cái thằng này, lúc ấy làm liên lạc thấy hầm chỉ huy đại đội bị pháo bắn tốc nóc, đã lấy bê tông, vác đá “vá” lại. Hậu quả đến tức thì. Hàng ngàn quả đạn giội xuống. Cả ban chỉ huy thương vong, nó may mắn thoát chết vì đi kiếm lá về ngụy trang. Một tuần sau nó mới về đơn vị, trông cứ ngu nga ngu ngơ. Ông phải cho về làng Pinh, nơi có trạm quân y của sư đoàn để điều trị.

- Bố chờ chút, thay ca xong con đưa bố về. Nhóm chúng con toàn cựu chiến binh đã tham gia chiến đấu ở đây, tình nguyện thay nhau hương khói, cúng cơm cho các liệt sĩ.

*

*    *

Căn nhà của Phú nhỏ nhưng ấm cúng, gần sông Lô, quay mặt lên dãy núi.

- Đây là vợ con. À quên, bố chưa biết chuyện này... Hôm ấy con chạy như thiêu thân, trượt trên những mỏm đá tai mèo lởm chởm mà chẳng rõ chạy đi đâu. Vừa huấn luyện ba tháng tân binh ở đồng bằng, giờ “ăn” liên tục hai trận pháo bầy như thế không chạy mới là lạ. Cứ thế đến khi ngã vật ra trước hiên một nhà nào đó. Con chỉ kịp nghe ai đó nói: “Mọi người dãn cả ra cho anh ấy thở. Con kia thập thò ở đấy làm gì? Xuống đặt cho bố nồi cháo”... rồi lịm đi. Lần đầu tiên con được ăn gạo luộc còn lõi nhưng mà ngon nhất từ trước đến giờ. Bát “gạo luộc” ấy là cây cầu bắc nên duyên chồng vợ của chúng con. Từ đấy mỗi lúc được về tuyến sau, con đều tranh thủ về thăm ân nhân đã cứu mạng.

Một hôm, bà mẹ nói: “Tôi cho anh con Thu đấy, nhưng phải chờ nó lớn đã”. Chả là bà thấy chúng con có ý với nhau. Những năm ấy khó khăn vô cùng. Cô ấy chưa đủ tuổi lao động, con còn nhỏ, ở nhà phụ bố làm thợ may. Con làm công nhân “lục lộ”. Công việc nặng nhọc mà lương bổng cũng không được bao nhiêu. Bây giờ lương hưu và trợ cấp của con cũng đủ cho cuộc sống. Một tuần hai buổi, con lên nhà tưởng niệm trên 468, coi như được sống lại những ngày quân ngũ.

Đêm đó, hai người cựu chiến binh, một già một trẻ nằm gác chân lên nhau rì rầm kể lại những câu chuyện ngày còn khoác áo lính. Mà lạ không. Dường như có rất nhiều người vây quanh họ. Ông nghe rõ: “Bố còn nợ lời hứa gả con gái cho con đấy nhé!”. Ông cười xòa: “Giờ nó thành bà ngoại rồi”.

Đêm giỗ trận ở vùng biên một thời khói lửa, bình yên và ấm cúng.

Truyện ngắn của TRƯƠNG NGỌC HÙNG