Một ngày mưa dầm dề, bánh xe như bị khóa chặt bởi bùn đất, rượu men lá rót ra tràn chén, đúng lúc chủ nhà bưng ra bát canh măng chua thơm nức có hương của một loại hạt... Từ đấy trở đi, nói thật là anh không dám khoác lác nữa.

Những năm sau lên đây, Khánh đều mua ít thì vài lạng, nhiều thì cả cân hạt dổi đem về biếu anh em, bạn bè. Từ ngày biết đến Khu nghỉ dưỡng Chí Thiện homestay, vào những trưa hè trời xanh mây trắng, Khánh thường đem cái võng mang theo trong cốp xe ra mắc giữa hai cây dổi để thưởng thức giấc trưa của nông phu buổi nông nhàn. Ôi, vua chúa ngày trước sướng thế nào chẳng biết nhưng cứ hưởng cái gió hiu hiu thế này đủ một đời nhàn.

Khi đã khá thân tình, một lần Khánh hỏi anh Thiện: 

- Anh bảo rừng dổi có từ trước khi anh sinh ra dễ đến hơn trăm năm đúng không? Thế sao em thấy những hàng cây này chắc chỉ tầm bốn, năm mươi năm thế nhỉ?

Thiện cười. Như bao lần, anh không trả lời vào thẳng câu hỏi của Khánh mà khề khà sang một chuyện khác.

- Đem trồng ở chỗ khác có khi cây không có hạt, chứ ở đây là đất của nó, dổi cứ thế vươn lên thôi. Nhưng cậu biết vì sao chỉ có những cây dổi ở đây là ngay ngắn, thẳng hàng chứ không lộn xộn như nơi khác không?

Khánh nghe xong trầm ngâm trong giây lát rồi lắc đầu tỏ vẻ không thể hiểu:

- Chắc các cụ có quy hoạch tính toán cả nên mới ngay ngắn hàng lối như thế...

Thiện lại lắc đầu:

- Vẫn không phải chú Khánh ạ. Dổi ở đây là dổi bộ đội, phải có đội hình, đội ngũ. Tôi phải kể cho cậu nghe câu chuyện này.

*

*    *

Năm ấy, Thiện lên 5 tuổi, dáng cao gầy và hay ốm vặt. Một lần, bố cậu dẫn về nhà chú bộ đội quân y tên là Trung. Chú Trung có cái ống nghe nhìn là lạ, đặt vào da thì lạnh toát, nhột nhột, khám bệnh xong thì phán một câu:

- Bạn nhỏ này chỉ có bệnh... lười ăn và lười tập thể dục.

Từ hôm ấy, bố bắt Thiện phải thức dậy sớm, khi con gà đầu tiên trong Mường cất tiếng gáy để theo chú Trung đi tập thể dục. Chú Trung là người Hà Nội, dáng thư sinh, chơi guitar rất hay và giỏi võ. Ban đầu học theo chú, Thiện thấy tức ngực, khó thở, toàn thân đau nhức nhưng dần dần cậu thấy thân thể khỏe mạnh, nhanh nhẹn hơn. Theo chú lâu thì cơ thể săn chắc, sức vóc tăng lên, đặc biệt là biết mấy miếng võ để phòng thân và rèn luyện sức khỏe.

Hôm ấy, hai bố con Thiện đang đi rừng thì nghe tiếng máy bay địch từ xa. Bố tháo khẩu súng trường trên lưng, nhắc Thiện chạy lối tắt về hang đá còn mình thì men theo lối mòn chạy đi tìm dân quân. Mới 7 tuổi nhưng nhanh như một con sóc nhỏ, Thiện chạy về đến suối đã thấy máy bay lượn từ phía Tây xuống rất thấp, chưa bao giờ cậu cảm giác được nhìn thấy “con ma” ấy gần đến thế, tay chân như cứng đờ, không còn một phản xạ nào. Một bàn tay rắn chắc ấn đầu Thiện xuống thấp, tay kia kéo cậu chạy vào hốc đá nhanh thoăn thoắt.

- Chú Trung! Chú ơi! Cháu nhìn thấy máy bay gần lắm, liệu thằng phi công Mỹ có nhìn thấy chú cháu mình không chú?

- Không sợ cháu ạ. Máy bay địch đang chủ quan sà xuống thấp, các chú phải tranh thủ để bắn hạ nó. Cháu ở yên đây nhé!

Nói rồi chú Trung cũng chạy đi với khẩu AK-47 trên tay. Trong cái đầu trẻ con của mình, Thiện lờ mờ hiểu ra không được sợ hãi khi giặc đã ngạo mạn đến sát cửa nhà mình. Nếu không bắn cái máy bay ấy thì biết đâu cả xóm, cả Mường lại bị bắn phá tang thương như chuyện bố vẫn kể.

Bữa đó, máy bay của địch bổ nhào xuống bắn phá đã bị bắn hạ bởi pháo phòng không của bộ đội chính quy và du kích. Chính chú Trung đã cùng tiểu đội đi bắt tên phi công địch nhảy dù... Có điều, ba cây dổi quý có từ thời các cụ để lại đã bị gãy nát và cháy sém. Chú Trung cầm chùm hạt dổi trầm ngâm. Chú Hạnh, Tiểu đội trưởng lên tiếng:

- Phải trồng lại những cây dổi quý này, đấy là bản sắc, là văn hóa của đồng bào. Nhưng chúng ta phải nghiên cứu trồng theo hàng lối sao cho cây có ánh sáng và không gian khi lớn lên.

Rồi có tin đơn vị bộ đội sẽ phải chuyển đến nơi khác để thực hiện nhiệm vụ mới. Người lớn đến tìm người già hỏi chuyện, bọn trẻ không thấy các chú bộ đội đến dạy học, dạy thể dục thì nhao nhác. Có người bảo là trong Nam ta đang đánh mạnh, các chú ấy phải lên đường chi viện cho chiến trường. Nhưng dù lý do gì thì họ cũng cảm thấy buồn vì phải chia tay các chú bộ đội từng chia ngọt sẻ bùi, gắn bó với với đất Mường như quê hương thứ hai.

Năm qua tháng lại, những đứa trẻ đã lớn lên, nhiều người đã già về với Mường trời mà Thiện vẫn nhớ như in hình ảnh hôm nào từng cái hốc được các chú đào, từng cây dổi con được trồng xuống, che lá, tưới nước... Anh cảm tưởng từng thời khắc cây lớn lên, vươn lên bầu trời xanh quê hương, như mỗi bước chân các chú bộ đội dần đi đến ngày chiến thắng.

Năm mươi năm sau ở đây đã có những cây dổi vạm vỡ. Người dân trong Mường không ai chặt hạ một cây nào bởi họ luôn tâm niệm mỗi cái cây tựa như bóng dáng, tình cảm của những người lính Cụ Hồ. Giờ này, biết ai còn, ai mất, ai vẫn đang nằm lại nơi chiến trường mà đồng đội và người thân chưa tìm thấy!

Kể đến đây, Thiện thấy mắt Khánh đỏ hoe.

- Thế sau đó thế nào anh?

- Cuối năm 1979, cha tôi hy sinh trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc. Đơn vị chú Trung thì không có tin tức. Tôi thì loanh quanh ở đây nên chẳng biết hỏi ai. Nhà báo đi nhiều, xem có cách nào hỏi thêm thông tin không...?

leftcenterrightdel
 Minh họa: THÁI AN

Chuyện bẵng đi vài năm cho đến một hôm nhân ngày giỗ của bố, cơm nước xong, bà nội năm nay ngoài chín mươi tuổi, gọi Khánh lại:

- Cháu là nhà báo biết nhiều, ra xem cho bà cái này là hạt gì?

Khánh cố gắng nheo mắt nhìn bức ảnh cũ duy nhất của bố để lại, đã quen thuộc với mình từ nhỏ. Nhưng chi tiết bà nội hỏi thì bây giờ anh mới để ý kỹ. Bức ảnh bố anh chụp cùng mấy chú đồng đội. Bố anh ngồi giữa, dù ảnh đã mờ cũ nhưng vẫn nhận ra trong tay bố cầm một chùm hạt.

- Đây có khi là hạt dổi bà ạ. Mấy năm nay cháu hay được thấy loại hạt này khi đi Hòa Bình, trong ảnh bố cháu cầm nhìn rất giống hạt dổi khi chín. Nhưng sao...

- Ngày xưa trước khi vào chiến trường miền Nam, đơn vị bố cháu từng đóng quân ở vùng đất Mường Hòa Bình còn gì!

- Nhưng ảnh này là bố cháu chụp ở Tây Nguyên, lúc tham gia Chiến dịch Tây Nguyên mà!?

- Không thể nào là dổi được, vì ngày xưa trong ấy thì lấy đâu ra loại cây này hả con?

*

*     *

Bài báo viết về vườn dổi bộ đội của Khánh đã in số cuối tháng vừa rồi. Đi kèm bài báo là tấm ảnh vườn dổi hiện tại và cả tấm ảnh của bố Khánh đã được cậu họa sĩ thiết kế đặt vào nơi trang trọng nhất trang báo. Đúng như lời các chú bộ đội hôm nào, vườn dổi đã vươn lên ngay ngắn thẳng hàng, những cây dổi lan rộng khắp vùng. Hạt dổi hôm nay thành hương liệu quý, đem lại thu nhập ổn định cho người dân. Người già bảo, nhờ có những hàng dổi bộ đội mà thoát nghèo, thoát đói, bọn trẻ lại có việc làm không lêu lổng như những miền quê khác.

Lần này lên xứ Mường, Khánh mang theo tờ báo và cả tấm ảnh của bố. Gặp anh Thiện, Khánh lấy từ trong túi xách ra đưa cho anh xem. Hai câu chuyện dở dang được chắp nối lại với những giả thiết của hai anh em, sôi nổi dưới bóng những cây dổi cao vút.

Sau chuyến đi, trở về với công việc, một hôm, đồng chí thường trực gọi Khánh xuống có khách tìm. Nghĩ bụng chắc là cộng tác viên nào đó. Nhưng mở cửa phòng khách, dáng vẻ của vị khách lạ làm anh thoáng sửng sốt. Vừa chào, Khánh vừa cất tiếng hỏi:

- Chắc anh từ Tây Nguyên ra...

Vị khách sau khi giới thiệu vài nét về mình, vội lôi từ trong túi vải ra tờ báo đã nhàu, hẳn bởi được lật giở nhiều lần, chỉ vào chính giữa bức hình đen trắng:

- Tôi, tôi biết cái người này. Ông ấy vẫn còn sống.

- Ý anh là người đàn ông ở giữa, tay đang cầm chùm hạt này ư? - Khánh hồi hộp, vội hỏi lại.

- Đúng. Ông ấy từng đem giống hạt dổi trồng trên đất Tây Nguyên. Lúc ấy tôi mới lớn, vẫn nhớ rõ nên tôi nhìn ảnh là nhận ra ngay.

Vị khách kể tiếp: Sau chiến thắng Buôn Ma Thuột, dân làng tìm thấy ông ấy bị thương nặng, đi lạc trong rừng nên đưa về cứu chữa. Ông ấy không nhớ gì cả, cũng không còn giấy tờ gì, nhưng nhìn bộ quần áo, dù đã cũ sờn, không rõ màu, chúng tôi đoán là bộ đội. Lúc ấy, trong túi của ông vẫn còn một nắm hạt. Sau khi khỏe lại, ông cũng không nhớ đó là hạt gì nên cùng dân làng mang trồng. Sau này chúng tôi mới biết là cây dổi...

- Vậy bây giờ ông ấy ra sao?

- Vì không nhớ quê quán nên ông ở lại nhà già làng với bà con luôn. Ban đầu là chăm sóc những cây dổi, sau này là rừng dổi. Hiện tại ông ấy đang ở một mình trong căn nhà nhỏ được bà con dựng giúp, ở ngay gần vườn cà phê nhà tôi. Hôm đọc được bài báo, vì không chắc chắn lắm nên tôi muốn ra đây tìm hiểu trước để tránh làm ông ấy thất vọng... Nhưng khi gặp cậu, thì tôi đoán là tôi đã tìm được đúng người, nhìn cậu rất giống ông ấy...

Tim Khánh như muốn ngừng đập theo từng lời kể của vị khách. Chiếc kim đồng hồ cũng bỗng như đang quay ngược về thời ấu thơ vắng bóng cha của anh... Tháo chiếc kính lau vội khóe mắt cay xè, Khánh gọi điện thoại về nhà báo với mẹ chuẩn bị đón vị khách quý. Sớm mai, anh sẽ bay chuyến sớm nhất cùng vị khách về với Tây Nguyên, với bố và hương dổi thân thuộc.

Truyện ngắn của BÙI VIỆT PHƯƠNG