Tan làm, Xuyến về nhà ngay. Sau buổi họp chiều nay, Xuyến không tập trung vào công việc được. Xuyến ngậm bồ hòn nghe lão Tú oang oang nói trong cuộc họp. Những lời rõ đang muốn hạ uy tín của Xuyến trước tập thể. Lão đương nhiên muốn đề cử cô cháu lão vào chức chủ tịch hội phụ nữ xã. Mà Xuyến lại là chướng ngại lớn nhất.
Từ ngày chị chủ tịch hội phụ nữ nghỉ hưu, cả ủy ban xã này ai cũng hiểu người kế nhiệm là Xuyến. Xuyến năng nổ, nhiệt huyết. Ấy vậy mà chỉ vì cái việc chẳng đâu vào đâu của mẹ chồng, Xuyến bị đưa ra trước cuộc họp phê bình. Nào là phải xét lại xem liệu Xuyến có xứng đáng để bổ nhiệm. Nào là một phó chủ tịch hội phụ nữ đang thuộc diện quy hoạch mà để mẹ già yếu ngày nào cũng đi lượm ve chai, đồng nát kiếm tiền...
Chồng là bộ đội xa nhà, mình Xuyến lo toan nhà cửa, con cái, việc nhà việc nước chu toàn, chưa điều tiếng bao giờ. Cả tháng nay, mẹ chồng Xuyến ngày nào cũng đi từ sáng tới trưa, từ chiều tới tối. Xuyến còn nghĩ vì con đi làm, cháu đi học, bà ở nhà chán đâm cuồng chân, đi chơi cho khuây khỏa. Đến khi người làng rỉ rả tới tai, Xuyến mới giật mình. Nói mấy lần bà không nghe, cũng không nói lại. Người già khó chiều đến thế là cùng.
Xuyến về đến cổng, vừa hay thấy mẹ chồng đang lụi hụi tháo dây chun, kéo cái bao tải lớn từ trên xe xuống để ở góc sân. Lại là bao đồng nát. Xuyến càng thêm bực. Mẹ chỉ đem rác về nhà thôi. Đợt tới xét gia đình văn hóa không được thì nói gì đến cái chức chủ tịch hội phụ nữ. “Mẹ đừng để con mang tiếng ác với người làng. Việc trong nhà không lo được thì nói gì đến việc làng, việc nước. Đấy, người ta sẽ nhìn vào, đánh giá không hay về con. Thôi, từ nay mẹ ở nhà cho con nhờ. Mẹ cần gì cứ nói với con một tiếng, con mua. Mà lần sau mẹ còn đem mấy thứ đồ đồng nát về nhà là con gọi anh Bính về giải quyết chứ con chịu. Con chỉ nói với mẹ lần này nữa thôi”. Xuyến nói một hơi dài cho vợi đi cơn uất ức trong lòng rồi lẳng lặng đi vào trong nhà, bỏ lại sau lưng gương mặt thất thần của mẹ chồng.
***
Bà rời căn nhà ba gian xập xệ bên làng Đông lúc trời nhập nhoạng tối. Ba đứa nhỏ chạy theo níu áo bà ra đến tận cổng. Đứa lớn nhất mười tuổi mếu máo nói với bà nó sẽ nghỉ học phụ giúp mẹ nuôi em. Nó không muốn mẹ vất vả. Con bé còn nhỏ mà biết nghĩ đến thương. Đứa thứ hai chuẩn bị vào lớp một. Thằng bé út ba tuổi quần áo lấm lem, còi cọc như củ ráy luôn miệng gọi bà. Chân bà dùng dằng còn muốn ở lại. Nhìn chúng, bà xót xa. Chúng có khác gì cháu của bà. Xung quanh vẫn còn nhiều cảnh đời khổ quá mà bà thì già rồi, chẳng còn nhiều sức lực nữa. Cả cái xã này mấy trăm hộ dân, mấy ngàn nhân khẩu. Xã đạt chuẩn nông thôn mới rồi, không còn hộ nghèo. Thi thoảng bà nghe đứa con dâu làm cán bộ xã nói vậy. Nhưng gia cảnh chị Tứ làng Đông phải thuộc diện hộ nghèo mới đúng. Chồng mắc ung thư rồi mất. Nhà cửa, ruộng vườn bán gần hết rồi lại vay mượn mấy năm qua để chạy chữa cho chồng, giờ mình chị Tứ lo mấy đứa con lại gồng gánh thêm đống nợ. Đợt rồi sang bên làng Đông thăm mấy bạn già, bà mới biết hoàn cảnh nhà chị Tứ thì đâm nghĩ ngợi mãi.
Thế rồi cái tâm của bà dắt bà đi. Ngày ngày rảnh rỗi, bà tranh thủ lượm nhặt ve chai, đồng nát khắp nơi. Có bữa bà cần mẫn đạp xe ra tận khu đồi thông có đông người tập trung cắm trại ăn uống. Xa chút nhưng bà gom được nhiều vỏ chai nhựa. Thêm thắt được đồng nào hay đồng ấy. Bà nhẩm tính ngày vài ba chục, cố thêm vài bữa nữa bà gom đủ tiền đóng học đầu năm cho con bé lớn. Bà đã hứa với nó, bà sẽ không để nó nghỉ học giữa chừng. Thường thì cuối ngày là bà qua chỗ nhà cô Dần đồng nát bán luôn. Được bao nhiêu bà cất riêng trong cái cơi đựng trầu.
Hôm nay cô Dần đi đâu đóng cửa. Bà đành phải chở bao tải về nhà. Nghe con dâu nói một hồi, lòng bà trống rỗng. Bà ngồi lặng yên. Nó đang giận nên bà không thêm lời nào. Từ ngày nó về làm dâu, bà biết nó là đứa đảm đang, hay lam hay làm, tốt bụng. Nhưng phải cái lúc nào nó cũng để ý người khác đánh giá, nghĩ này, nghĩ nọ. Hay vì nó là cán bộ Nhà nước nên đi đâu, làm gì cũng quan tâm miệng lưỡi thiên hạ. Thiên hạ có người này người kia. Bà sống đến từng này tuổi rồi còn lạ gì những thói ganh ghét ở đời. Thì đấy, thấy bà cặm cụi thu gom đồng nát, thiên hạ lại túm tụm kháo nhau nói bà thần kinh, gọi bà là Mến “khùng”, chẳng rõ vô tình hay cố ý. Bà chỉ cười, chẳng hơi đâu để tâm.
Bà thất thần ngẫm ngợi những điều con dâu nói. Thiên hạ nói Đông Tây gì bà mặc kệ, miễn sao tâm bà thấy nhẹ. Nhưng con dâu bà còn trẻ, còn phấn đấu, còn cả sự nghiệp rộng mở phía trước. Liệu bà có đang cản trở nó không? Chẳng lẽ, muốn giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh lại khó đến thế? Chẳng lẽ, muốn làm việc tốt cũng khó đến thế ư? Bà cứ ngồi trên bậc thềm như người mất hồn. Đến khi thằng bé đi học về gọi bà, bà mới rũ mớ hỗn độn mòng mòng vướng vất trong lòng, ôm chặt thằng bé. Nó nhe răng sún bảo nội cười hiền như bà tiên trong truyện cổ tích. Cái thằng nhỏ thấy bà buồn, nịnh bà, để bà vui đây mà. Ôm thằng cháu, bà nhớ ra một việc. Bà bước vào nhà, lấy cái cơi đựng trầu. Bà đếm từng đồng. Đồng nhàu nhĩ. Đồng nếp gấp. Đồng bám mồ hôi. Đồng dính vệt ố. Bà vuốt thật phẳng, xếp lại từng tập rồi nhẩm tính còn thiếu từng này...
***
Từ hôm con trai về nghỉ phép là mấy hôm bà quanh quẩn ở nhà, hết phòng khách ra đến ngoài sân rồi ra vườn. Hôm rồi vô tình thấy vợ chồng nó thì thì thầm thầm, bà sợ con dâu lại phàn nàn chuyện của bà với chồng. Nó ở đơn vị quanh năm suốt tháng, thỉnh thoảng mới về nhà được mấy ngày, bà không muốn các con phiền lòng, rồi vợ chồng lại lục đục. Nhưng các con nào có hiểu. Người già như bà mong có bạn tâm giao chuyện trò. Bà cũng đã quen hoạt động cái chân, cái tay. Cái chân đi khắp làng, khắp xã. Cái tay nhặt nhạnh, thu gom từng vỏ chai, vỏ thùng người ta bỏ đi để đổi lấy những đồng bạc lẻ, để làm việc thiện tâm. Người trẻ có việc của người trẻ. Người già có niềm vui của người già. Niềm vui của người già đôi khi đơn giản lắm.
Mấy hôm như vậy thì bà ốm. Mồm miệng bà đắng ngắt, con dâu nịnh mãi bà mới ăn được ít cháo loãng. Bà thấy trong người khó chịu lắm. Như có đám kiến bò khắp cơ thể mỏi mệt của bà. Bà khác gì cái cây đinh lăng già bên thềm, lâu ngày không được tưới nước nên khô héo, vàng úa, chẳng biết khi nào rơi lá. Con đòi đưa đi bệnh viện nhưng bà nhất định không chịu.
Sáng nay, vừa dậy bà đã hỏi con dâu: “Thằng Bính đi đâu từ sáng không nghe thấy tiếng, hay đã về đơn vị rồi. Mà nó về đơn vị phải chào mẹ một tiếng rồi đi chứ”. Nghe bà trách, Xuyến cười rồi ngồi xuống bên cạnh mẹ, giải thích rằng chồng đi sang làng bên có chút việc và dặn bà cứ nghỉ ngơi, chắc anh sắp về. Gần trưa thì con trai bà về thật, nhưng không đi một mình. Nghe tiếng chào nói lao xao, bà mở mắt xoay người nhìn ra ngoài nhà.
Tưởng họ hàng nào đến thăm nhưng bất ngờ là mẹ con chị Tứ dắt díu nhau từ làng Đông sang thăm bà. Ba đứa bé mặt mũi lấm lem, gầy nhẳng như củ ráy chạy vào níu áo bà gọi, chào bà ríu rít. Con bé lớn ghé sát tai bà kể bà nghe mấy chị em đã có quần áo, sách vở mới. Nó và em không phải nghỉ học nữa. Chị Tứ nắm tay bà rủ rỉ cảm ơn, kể sáng nay anh Bính con trai bà tìm sang nhà thăm mấy mẹ con và tặng nhiều quà cho bọn trẻ lắm. Thì ra con trai bà nghe phong thanh chuyện nên đã tìm hiểu và biết việc mẹ làm nên bàn với vợ cùng giúp đỡ chị Tứ. Chưa kịp tạo bất ngờ cho bà thì bà ốm. Anh biết bà ốm bởi tâm bệnh nên trước khi về đơn vị phải giúp bà hoàn thành việc còn dở dang. Xuyến đứng cạnh chồng bên giường bà cũng khoe rằng đã vận động hội phụ nữ xã ủng hộ giúp đỡ mẹ con chị Tứ, các cháu sẽ được đi học. Vì lúc đầu không hiểu chuyện nên mới lỡ trách bà, giá bà nói rõ với các con sớm thì mọi chuyện đã khác. Nhưng không sao, làm việc thiện thì không bao giờ muộn. Các con hiểu bà, ủng hộ việc bà làm, đám nhỏ xúm xít bên bà... bà thấy người khỏe hẳn ra.
Sau cuộc họp ở ủy ban, trên đường về, Xuyến mải nghĩ và thầm cảm ơn mẹ chồng. Chính nhờ những hoạt động thiện nguyện, ủng hộ vật chất, giúp đỡ tinh thần của mẹ chồng với những hoàn cảnh khó khăn, uy tín của Xuyến càng tăng. Cô được bầu giữ chức Chủ tịch Hội phụ nữ xã với số phiếu rất cao. Xuyến về đến cổng đã nghe tiếng nói cười rộn ràng từ trong sân. Thằng con trai Xuyến đang chơi đùa với đám nhỏ con nhà chị Tứ. Thấy mẹ chồng đang lom khom dỡ mấy bao tải từ trên xe đạp xuống, Xuyến vội vàng dựng xe rồi chạy đến đỡ mẹ. Vừa phân loại đồ, Xuyến vừa nhẹ nhàng nói với mẹ về vài dự định. Xuyến và hội phụ nữ xã sẽ lên kế hoạch cho các hoạt động đồng hành với bà để giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn trong xã. Thấy bà cười tươi móm mém để lộ hàm răng đen nhánh, lòng Xuyến cũng xốn xang. Những đọt nắng hắt xiên qua tán đu đủ chảy tràn trên sân.
Truyện ngắn của ĐỖ NGỌC BÍCH