Vai trò của công tác phê bình

Hội nghệ thuật nào cũng có tạp chí của mình và cả báo, nhưng trên đó chủ yếu là tin tức do phóng viên thực hiện, thông tin về cuộc triển lãm với số lượng tranh, tượng được bày là bao nhiêu, chất liệu gì, kích thước ra sao và chủ đề gì. Nếu có bài viết giới thiệu thì cũng là khen-chê chung chung...

Ví dụ rõ ràng nhất cho nhận định này là báo chí phản ánh về Triển lãm mỹ thuật Việt Nam 2020. Đây là triển lãm lớn nhất cả nước, 5 năm tổ chức một lần. Tuy nhiên, khi phản ánh về vấn đề này thì đề tài được báo chí nhắc đến nhiều nhất là công tác tổ chức nghiệp dư khiến nhiều tranh bị xước, bị sơn tường làm bẩn, thậm chí có tác giả bị mất tranh, tượng, mà tuyệt nhiên không thấy những bài viết phân tích, làm sâu sắc những sáng tạo trong các tác phẩm đoạt giải, hay những tư duy lệch lạc trong những tác phẩm cần phê phán để nâng cao nhận thức, bồi bổ tâm hồn công chúng.

Những triển lãm mỹ thuật trong tháng 9 năm ngoái ở Hà Nội cũng lèo tèo người xem hay trước đó, tháng 7-2022, một tác phẩm điêu khắc được khánh thành cùng lúc ở cả Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cũng không thấy đánh giá của giới phê bình mà chỉ thấy bình luận trên mạng xã hội; tháng 5-2022, một triển lãm tranh về Điện Biên Phủ bị hoãn cũng không ai nói rõ vì nghệ thuật yếu hay vì lý do gì? Có phải các nhà phê bình sợ mạng xã hội ném đá nếu viết thẳng những suy nghĩ, nhận xét của mình? Nếu cứ im lặng, mỹ thuật Việt Nam sẽ đi về đâu?

Khi nói về công chúng thì cũng phải nói tới tác giả và tác phẩm, bởi 3 “vị” này không thể thiếu được nhau. Không những vậy, chúng còn chế định nhau. Nói cách khác, chúng luôn cùng nhau trong tạo lập đời sống nghệ thuật. Công chúng của mỹ thuật chính là chủ thể thụ hưởng các giá trị của những tác phẩm mỹ thuật đó. Trong công chúng lại có sự phân hóa tùy thuộc vào trình độ học vấn, tuổi tác, sở thích, giới tính, ngành nghề... đặc biệt là nhận thức thẩm mỹ. Vì vậy, có công chúng tinh hoa và công chúng phổ thông.

Công chúng tinh hoa là những người am hiểu về mỹ thuật. Họ được (hoặc tự) trang bị đầy đủ những kiến thức về mỹ thuật để có thể tiếp cận các tác phẩm mỹ thuật nói chung, tác phẩm hội họa, điêu khắc nói riêng, số này không nhiều. Công chúng phổ thông là những người yêu nghệ thuật một cách hồn nhiên. Họ chưa được trang bị kiến thức đầy đủ về mỹ thuật nên sự bình phẩm, đánh giá của họ về tác phẩm, tác giả mang nặng cảm tính. Chính vì vậy mới có chuyện: Trong phiên đấu giá mùa thu của China Guardian năm 2010, khi bức tranh vẽ hai quả hồ lô đang vắt vẻo trên giàn của danh họa Tề Bạch Thạch bán được 2,24 triệu nhân dân tệ (tương đương gần 8 tỷ đồng), nhiều nhà phê bình cho rằng đây là “tác phẩm xuất thần nhất của Tề Bạch Thạch”, khán giả quần chúng lại không tiếc lời chê bai: “Đây cũng gọi là tranh sao?”, “Đây giống như một bản nháp méo mó”.

Hội họa, thoạt nhìn tưởng như hoạt động cá nhân của mỗi họa sĩ hay nhà điêu khắc, nhưng thực tế không phải vậy. Chẳng ai có thể cứ mãi vẽ theo sở thích của mình nếu nó không được một bộ phận công chúng chấp nhận. Họa sĩ cũng phải sống và khi đã coi việc vẽ tranh, làm tượng là nghề thì họ bằng cách này hay cách khác phải đưa ra cho công chúng thưởng thức, cũng là một cách đo qua sự đánh giá của công chúng về sản phẩm của mình, để bán. Bởi vậy, họa sĩ khi thể hiện tác phẩm cũng cần quan tâm đến nhu cầu của công chúng. Ngược lại, công chúng khi đến với những tác phẩm mỹ thuật tuy xuất phát từ những nhu cầu khác nhau nhưng đều có điểm chung là yêu thích và say mê cái đẹp. Họ tìm thấy ở đó niềm vui, sự say sưa, có gì đó thân quen, dạt dào cảm xúc.

Làm sao để họa sĩ, tác phẩm mỹ thuật và công chúng có thể “hiểu nhau”, để công chúng có thể bỏ ra một khoản tiền lớn chỉ để đem về một bức tranh nhỏ, chiếc bình gốm hay bức tượng trang trí phục vụ nhu cầu thưởng thức mỹ thuật của mình, cũng nhờ đó giúp các nghệ sĩ có điều kiện để sống và sáng tạo tiếp. Việc đó không ai khác có thể thay thế, chính là những nhà phê bình mỹ thuật. Họ không chỉ là cầu nối tác giả-tác phẩm-công chúng mà còn là người khai sáng, định hướng cho mỹ thuật phát triển lành mạnh, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.     

leftcenterrightdel

Vắng người xem là tình trạng chung của nhiều triển lãm mỹ thuật. 

Trong ảnh: Triển lãm mỹ thuật Thủ đô chiều 1-10 (triển lãm diễn ra từ ngày 24-9 đến 2-10-2022). 

Hiện trạng mỹ thuật thế giới và Việt Nam

Hiện trạng mỹ thuật Việt Nam thế nào? Qua các triển lãm toàn quốc và khu vực những năm qua, nếu nhận xét, đánh giá đầy đủ thì quá dài, còn nếu được nói bằng một câu ngắn gọn thì mỹ thuật Việt Nam gần như đứng yên hai chục năm nay, thậm chí tệ hơn, một bộ phận họa sĩ do bí bách trong tìm tòi lối đi cho mình đã có xu hướng bắt chước các trường phái mỹ thuật phương Tây (hầu hết giờ đây đã cáo chung) một cách hình thức, máy móc bởi không hiểu tư tưởng, triết học của họ. Các họa sĩ này có những sáng tác ngày một lệch lạc, xa rời cuộc sống nhưng lại cho như thế mới là hiện đại.

Thế giới đã tranh luận rất nhiều qua 3 thế kỷ, là nghệ thuật vị nghệ thuật hay nghệ thuật vị nhân sinh? Có tự do cho nghệ thuật không? Tự do cho nghệ thuật có giống tự do báo chí, tự do tư tưởng?

Nghệ thuật vị nghệ thuật-còn gọi là nghệ thuật thuần túy-là một nguyên lý mỹ học duy tâm, chủ trương nghệ thuật độc lập với đời sống xã hội và chính trị, khước từ sứ mệnh của nghệ sĩ trong đấu tranh xã hội và cũng là quan điểm của các trường phái và khuynh hướng đối lập với hiện thực, muốn tìm lối thoát trong hình thức chủ nghĩa. Trên thực tế không hề tồn tại thứ gì là nghệ thuật vị nghệ thuật, nghệ thuật đứng trên giai cấp, nghệ thuật tách rời hoặc độc lập với chính trị cả. Văn học và nghệ thuật của giai cấp vô sản là một bộ phận của cả thảy sự nghiệp cách mạng giai cấp vô sản, như Lênin đã nói, là “bánh răng và đinh ốc trong cả thảy cỗ máy cách mạng”. Ông còn nói: “Nghệ thuật thuộc về nhân dân. Nguồn gốc sâu xa nhất của nghệ thuật phải được cảm thấy và tìm thấy trong cuộc sống của nhân dân lao động”.

Ở nước ta, cuộc tranh luận nghệ thuật vị nghệ thuật hay nghệ thuật vị nhân sinh cũng đã diễn ra quyết liệt ngay từ thập niên 1930. Bắt đầu từ tranh luận xung quanh vấn đề thơ mới và thơ cũ từ năm 1933, một bên là Hoài Thanh "cầm đầu" bảo vệ quan điểm nghệ thuật vị nghệ thuật, một bên là Hải Triều đấu tranh cho quan điểm nghệ thuật vị nhân sinh, nhiều năm nhưng không bên nào chịu bên nào.

Tuy nhiên, từ sau Cách mạng Tháng Tám, đặc biệt nhân triển lãm hội họa vào mồng 10 tháng Chạp năm 1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư nói với các họa sĩ: “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy. Cũng như các chiến sĩ khác, chiến sĩ nghệ thuật có nhiệm vụ nhất định, tức là phụng sự kháng chiến, phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân” thì quan điểm nghệ thuật vị nhân sinh được khẳng định là đúng đắn, tiến bộ, mở đầu cho chiến thắng của quan điểm nghệ thuật Mác-xít về sau.

Còn hiện trạng mỹ thuật phương Tây? Hãy nghe chính các nhà phê bình nói về nghệ thuật của họ. Nhà phê bình nghệ thuật Claire George khi thăm Viện Bảo tàng Mỹ thuật hiện đại (Tate Modern) ở London đã phải thốt lên: “Chẳng hiểu các họa sĩ vẽ gì” và nhận xét: “Các tác phẩm của họ chẳng có gì mới lạ, chẳng khéo tay và cũng chẳng đẹp nữa. Nó khiến tôi phân vân tự hỏi phải chăng mỹ thuật hiện đại đã mất phương hướng phát triển?” Nhà phê bình Claire George còn tự hỏi: “Họ treo các dây da lòng thòng từ trên trần nhà xuống, chất gạch thành đống trên sàn phòng trưng bày để làm gì? Liệu làm thế họ có được mọi người ghi nhớ?”.

Trách nhiệm của các trường mỹ thuật

Thật đáng buồn là trong khi chính các nhà lý luận phương Tây đang cười vào mặt các họa sĩ của họ như đã nói ở trên thì ở ta, không ít họa sĩ lại đang cố bắt chước. Tại sao kỳ vậy? Việc này có trách nhiệm của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, mà trực tiếp là các trường mỹ thuật đã không coi trọng dạy lý luận phê bình nên họa sĩ ra trường lúng túng trong phương hướng sáng tác. Bởi vậy, các trường dạy mỹ thuật nhất thiết bên cạnh việc dạy vẽ không thể lơ là việc dạy lịch sử và phê bình mỹ thuật, phải có trách nhiệm bồi đắp cho các họa sĩ tương lai lý tưởng, sứ mệnh cao cả của người nghệ sĩ mà họ theo đuổi, dạy họ không chỉ biết vẽ mà còn biết phải vẽ cái gì, vẽ cho ai, vẽ để làm gì. Nếu không làm được điều đó, các trường không những không hoàn thành trách nhiệm của cơ sở đào tạo mà rất có thể, tai hại hơn, họ sẽ đào tạo ra những họa sĩ với tâm hồn trống rỗng, để rồi sau này, chính những họa sĩ đó làm ra những tác phẩm vô hồn, thậm chí bệnh hoạn nhưng lại lớn tiếng tuyên bố đó mới là tác phẩm nghệ thuật, đó mới là sáng tạo, còn những ai không hiểu là bởi người đó dốt nát.

Nghệ thuật muốn phát triển không thể thiếu lý luận soi đường. Mỹ thuật Việt Nam cũng vậy. Khi các nhà phê bình im tiếng, sự nhộn nhạo sẽ lên ngôi. 

Bài và ảnh: TS NGUYỄN QUANG HÒA